Y Julie – Cô gái khuyết tật 2 tay bẩm sinh bước chân vào đại học
Ước mơ vào giảng đường đại học đã thành hiện thực, cô bé “chim cánh cụt” Y Julie ở Kon Tum đang viết tiếp giấc mơ trên con đường học vấn và từng bước chinh phục những thành công mới trong cuộc sống.
Y Julie trò chuyện cùng bạn học. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Không may mắn khi sinh ra với một cơ thể bị khuyết tật 2 tay bẩm sinh, thế nhưng Y Julie, 18 tuổi ở làng Kon Drei, xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), sinh viên năm nhất ngành Công nghệ thông tin ở Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum vẫn không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập và được ví là “chim cánh cụt” trong trường, trong lớp.
“Chim cánh cụt” ở giảng đường đại học
Mười hai năm học đã qua, Y Julie luôn được xem là “chim cánh cụt” – niềm hy vọng trong trường, lớp nơi mình theo học.
Năm học mới 2020-2021, bước vào giảng đường đại học, cô bé “chim cánh cụt” Y Julie tiếp tục tạo được thiện cảm với bạn bè. Em Y Julie chia sẻ: “Tại đây, em được làm quen với những bạn bè, thầy, cô và những môn học mới. Giảng đường đại học lạ, khó khăn hơn đối với các bạn, song với một người khuyết tật như em càng khó hơn.”
Thời gian đầu đến lớp, Y Julie còn rụt rè và ít tiếp xúc với bạn bè xung quanh. Các môn học ở đại học thì khác xa với những gì em đã tưởng tượng. Các thầy, cô khi thấy Y Julie đến lớp cũng đều không tin được rằng, một người khuyết tật như em lại có thể sử dụng thành thạo máy tính bằng chính đôi chân của mình.
Hình ảnh cô gái Y Julie cụt tay hằng ngày đều đặn đến trường đã làm lay động trái tim của mỗi người. Do đó, mọi người đều hết lòng yêu quý và hỗ trợ Y Julie để em có thể tiếp tục hoàn thành giấc mơ của mình.
Anh A Khưnh (39 tuổi), cha của em Y Julie chia sẻ, do hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, nên khi con mình đậu đại học, anh không đủ khả năng để có thể sắm cho Y Julie một dàn máy tính. Rất may, thông tin này đã được một mạnh thường quân biết được và quyết định hỗ trợ để em tiếp tục theo đuổi việc học.
Mặc dù học ngành Công nghệ thông tin, trái với ước mơ được trở thành một giáo viên của mình nhưng Y Julie lại không buồn nhiều. Thay vào đó, em ra sức chuyên tâm học hành, vận dụng tất cả kỹ năng vốn có và đôi chân của mình vào việc sử dụng máy tính. Đôi lúc, do phải ngồi nhiều trước màn hình nên đôi chân của em rã rời. Mệt mỏi nhưng không chùn bước, ngọn lửa đam mê của Y Julie vẫn bùng cháy.
Cô sinh viên năm nhất Y Julie học bài. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Em Y Julie cho biết, có nhiều lúc đôi chân và lưng của em đau nhức do dùng máy tính quá nhiều, em cảm thấy mình rất tủi thân vì không có đôi tay để sử dụng như mọi người. Tuy nhiên, khi nghĩ đến hình ảnh cha mẹ không ngại nắng, mưa chở em đi học thì niềm khao khát muốn học thành công trong em lại trỗi dậy. Từ đó, em quyết tâm phải học thật tốt để bù đắp công lao to lớn mà cha mẹ đã dành cho em.
Video đang HOT
Để có được thành quả này, trước đó, Y Julie đã phải cố gắng gấp nhiều lần so với bạn bè cùng trang lứa.
Hành trình luyện con chữ
Em Y Julie tâm sự: “Từ nhỏ, có lần em theo các bạn đến lớp chơi. Thế nhưng, khi thấy hình ảnh các bạn đang say mê tập viết chữ cái, em lại cảm thấy có chút chạnh lòng vì mình không có đôi tay để có thể viết như các bạn. Tuy nhiên, do ham muốn học hỏi nên em đã nghĩ ra cách dùng chân kẹp vào que củi để có thể tập viết trên mặt đất trước sân nhà.”
Chị Y Zoar, mẹ em Y Julie xúc động chia sẻ, là một giáo viên mầm non, nhưng chị thấy lực bất tòng tâm khi không biết phải bày cho con mình tập viết như thế nào. Do đó, khi biết con gái có thể viết được, chị liền mua ngay tập, sách để con có thể tự tiếp tục giấc mơ đi học.
Y Julie sử dụng thành thạo máy tính bằng đôi chân. (Ảnh: Khoa Chương/TTXVN)
Thời gian trôi qua, những nét chữ nguệch ngoạc của Y Julie trên nền đất giờ đây được thay bằng những nét chữ nắn nót trên những trang giấy trắng. Những nét chữ ấy chính là biết bao cố gắng và khao khát cháy bỏng của em đối với việc học để trở thành người có ích.
Nhờ nghị lực phi thường, giờ đây, Y Julie đã có thể tự mình viết được hoàn chỉnh và em có thể viết tên cha, mẹ bằng chính đôi chân của mình, thay cho lời cảm ơn vì đã nuôi nấng em nên người.
Chị Lê Thị Diệu Hiền, giáo viên trường Trung học phổ thông Trường Chinh cho biết, mặc dù bị khuyết tật, thế nhưng Y Julie lại viết chữ rất đẹp. Bên cạnh đó, em còn là một học sinh rất chăm chỉ, thông minh và học lực của em luôn nằm trong tốp khá giỏi của lớp. Thấy được nghị lực phi thường, luôn muốn vượt qua khó khăn của Y Julie nên tất cả giáo viên trong trường đều yêu quý và giúp đỡ em tận tình.
Y Julie cũng là một cô gái có tính cách rất vui vẻ, hòa đồng với bạn bè, thường xuyên giúp đỡ các bạn khác trong quá trình học tập. Vì vậy, trong lớp ai cũng quý mến cô bé khuyết tật có thân hình nhỏ nhắn này.
Không chỉ trên lớp học, mà khi về nhà, Y Julie cũng thường xuyên phụ giúp mẹ lau nhà, rửa chén, giặt quần áo… Vào thời gian rảnh, em cũng thường xuyên thay cha mẹ, kèm cặp các em học tập. Trong mắt hàng xóm láng giềng, Y Julie giống như một thiên thần nhỏ, luôn ngoan ngoãn và lễ phép đối với mọi người xung quanh.
Ở nơi còn nhiều khó khăn như làng Kon Drei (xã Đăk Blà), Y Julie xuất hiện như một tia nắng ấm và là tấm gương sáng mang lại niềm tin, nguồn động lực cho rất nhiều người để học hỏi, vươn mình bước qua những khó khăn trong cuộc sống.
Không những thế, Y Julie còn thi đỗ vào ngành Công nghệ thông tin của Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum và trở thành người đầu tiên của làng Kon Drei được bước chân vào giảng đường đại học.
Ước mơ vào giảng đường đại học đã thành hiện thực, cô bé “chim cánh cụt” Y Julie đang viết tiếp giấc mơ trên con đường học vấn và từng bước chinh phục những thành công mới trong cuộc sống./.
Vượt qua nghịch cảnh, cậu bé không tay trở thành sinh viên đại học
Thiếu đi đôi tay, Hạnh tự mình tập luyện, biến 2 bàn chân trần thành đôi tay". Vượt qua nghịch cảnh, "cậu bé chim cánh cụt" trở thành sinh viên đại học.
"Cậu bé chim cánh cụt"
Một ngày mưa gió của năm 2000, cậu bé Hồ Hữu Hạnh (SN 2000, ngụ tỉnh Đồng Nai) chào đời trong nỗi đau ngẹn ngào của cha. Đứa trẻ sơ sinh đỏ hỏn ấy thiếu đi đôi tay, nằm lọt thỏm trong tấm khăn quấn rộng thùng thình. Lo sợ mẹ đứa bé không chịu được sự thật đau lòng, nữ hộ sinh quấn em vào khăn rồi giao lại cho người nhà. Bà Bùi Thị Hợp (45 tuổi, tỉnh Đồng Nai, mẹ Hạnh) kể lại ngày phát hiện đứa con trai thiếu đi đôi tay trong nước mắt.
Bà nói, sau khi sinh, chồng bà ẵm con đến để bà cho bú. Lúc này, đứa bé đã được quấn trong chiếc khăn lớn. Sợ con lạnh, bà cũng không mở khăn để kiểm tra. Cứ thế, vài ngày đầu, bà bồng bế con nhưng không bao giờ nghĩ đứa con trai của mình bị khiếm khuyết đôi tay. Trong khi đó, mỗi lần đưa con cho vợ, chồng bà Hợp lại cố giấu nỗi xót xa. Ông sợ vợ biết con khuyết tật sẽ không chịu nổi.
Thế rồi, chuyện buồn cũng không giấu được lâu. Trong một lần, bà Hợp thấy áo con lòi ra khỏi chiếc khăn quấn. Bà mở khăn để sửa áo cho con thì đau đớn phát hiện đứa con trai của mình như một con sâu, đang cố cựa mình trong chiếc khăn lớn. Quá đau đớn, bà khóc nấc rồi ngất lịm. Khi tỉnh lại, bà đã thấy con trai nằm trong vòng tay của mình. Thấy con chịu nhiều thiệt thòi từ khi lọt lòng, bà càng thương con hơn.
Sinh ra, Hồ Hữu Hạnh đã thiếu mất đôi tay. (Ảnh nhân vật cung cấp).
Lớn lên trong tình thương yêu lớn lao của cha mẹ, Hạnh không tự ti, mặc cảm bản thân. Ngược lại, ngay từ rất nhỏ, Hạnh đã chứng minh mình rất can trường, giàu nghị lực. Nhớ lại tuổi thơ, Hồ Hữu Hạnh kể: "Không như mọi người tưởng tượng, tuổi thơ em dữ dội lắm. Khi biết mình không có tay em chỉ buồn chút thôi vì thấy làm gì cũng khó. Sau đó, em tự rèn luyện đôi chân làm các việc mình thích. Ban đầu, em tập chơi các trò chơi bằng chân như: bắn bi, búng thun... Dần dần, em tập nâng cao hơn, việc khó hơn như rửa chén, quét nhà, nấu ăn, bơi lội, đi xe đạp...".
Hạnh miệt mài luyện tập với khát vọng có thể tự làm mọi việc bằng đôi chân trần. Cuối cùng, em cũng có thể tự đi xe đạp, nấu ăn, đi chợ, bơi lội, thậm chí phụ giúp cha mẹ trồng, thu hoạch rau. Em kể: "Để có thể tự làm mọi việc bằng chân, em trải qua những thời gian khổ luyện trong đau đớn cả về thể xác lẫn tinh thần. Lúc đầu, em rửa chén thì chén bể, nấu ăn thì bị dao cắt, nước sôi tạt trúng người, cắm điện thì bị điện giật suýt chết".
"Có cần, em tập bơi cũng bị chìm, suýt nữa chết đuối. Lần tập chạy xe đạp, em cũng bị bác xe ôm tông trúng, xe đè qua người tưởng chết rồi. Người và chân em đầy sẹo nhưng em không từ bỏ. Luyện tập mãi rồi cũng thành công. Bây giờ, hầu như em làm được tất cả mọi việc bằng chân thậm chí các việc nặng nhọc như cuốc đất, xới cỏ, vác rau... giúp cha mẹ", Hồ Hữu Hạnh kể thêm.
Thế nhưng, em không đầu hàng số phận. Hạnh tập luyện để biến đôi chân thành đôi tay bị khiếm khuyết của mình. (Ảnh: Nhật vật cung cấp).
Vượt qua nghịch cảnh
Hạnh nói, từ lúc còn rất nhỏ, em đã rất thích được đi học. Thế nhưng, cha mẹ em không dám tin vào việc con trai mình có thể đến trường. Vậy nên, khi đám con nít cùng tuổi con trai mình ở trong xóm tung tăng đến trường, ông bà chỉ biết lặng câm, cố nuốt nước mắt vào lòng. Không được ba mẹ cho đi học, Hạnh tự mình "mò" đến lớp. Ngay khi đứa bạn đối diện nhà vào mẫu giáo, "cậu bé chim cánh cụt" đã bám gót, theo bạn đến trường mầm non.
Hạnh kể: "Em thích được đi học lắm vì ở trường có nhiều bạn, có đồ chơi, được ăn bánh kẹo nữa. Nhưng lúc em đủ tuổi vào mẫu giáo, ba mẹ không tính đến việc cho em đi học. Em đi theo đứa bạn ở đối diện nhà đến trường. Đến nơi, em chỉ đứng ngoài lớp nhìn vào thôi. Thấy các bạn chơi, được cô giáo dạy học em thích lắm. Cứ thế, em theo bạn đến trường, đúng ngoài lớp mấy ngày liền".
Cuối cùng, cô giáo cũng phát hiện cậu bé đen nhẻm, gầy ốm, không có tay nhiều ngày đứng ngoài cửa sổ. Thương cậu bé khuyết tật nhưng ham học, giáo viên này đã đến tận nhà khuyên cha mẹ Hạnh cho em đi học và hứa sẽ tài trợ toàn bộ dụng cụ học tập. "Ba mẹ đồng ý, em được đến lớp của cô học. Cuối năm, em được trường tặng giấy khen bé giỏi bé ngoan", Hạnh kể.
Để được đến trường, "cậu bé chim cánh cụt" phải trải qua biết bao chông gai. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Thế nhưng, năm vào lớp 1, em không được trường ở địa phương nhận. Lý do là Hạnh khuyết tật, trường chưa nhận trường hợp nào như vậy. Ban giám hiệu trường này khuyên gia đình cậu bé nên gửi cậu vào trường khuyết tật để học. Hạnh không chịu vào trường khuyết tật và năn nỉ ba mẹ đến xin nhà trường cho mình nhập học với điều kiện "học thử xem có học được không rồi tính tiếp". Thế nhưng, năm "học thử" ấy cậu bé không tay đạt học sinh giỏi.
Hạnh kể, để có thể đi học, em phải luyện viết chữ bằng chân. Đây là thử thách lớn nhất mà em từng đối mặt. Để huấn luyện đôi bàn chân khô cứng đủ linh hoạt để viết ra những nét chữ, Hạnh đã kẹp cây bút vào giữa 2 ngón chân miệt mài rèn luyện. Em tập nhiều đến nỗi chân sưng, các ngón chân tê cứng. Sau nhiều lần như vậy, Hạnh cũng có thể viết bằng chân. Trên lớp, em có một cái bàn đặc biệt để phù hợp với việc viết bằng chân. Khi lên bảng trả bài, Hạnh cũng cầm phấn bằng chân, viết lên bảng đen.
Tuy nhiên, khi lên cấp 2, sự hồn nhiên của những ngày thơ dại mờ dần. Hạnh ý thức rõ rệt hơn nỗi đau không có đôi tay. Hơn thế, bạn bè, xã hội cũng bắt đầu soi mói khiếm khuyết của cậu bé rồi ra lời châm chọc, mỉa mai. Sự tự ti, mặc cảm bấy lâu ngủ vùi trong em tỉnh thức. Hạnh đau đớn, tủi nhục trước sự xa lánh, châm chọc của bạn bè. Những ngày đến trường trở nên ngột ngạt, đáng sợ. Em quyết định bỏ học.
Với một nghị lực phi thường, Hồ Hữu Hạnh đã là sinh viên ngành Công nghệ thông tin của đại học Lạc Hồng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Thế rồi, chính lúc khó khăn nhất, Hạnh lại giàu nghị lực nhất. Hạnh kể: "Cuối cùng, em nhận ra rằng, những tác động xấu ấy không giúp em thành công, không giúp em phát triển bản thân. Hơn nữa, em không muốn mình là gánh nặng của gia đình, xã hội. Và, em xác định, tương lai sẽ rộng mở hơn nếu em tiếp tục bước qua những rào cản đến từ sự tự ti, mặc cảm bản thân".
Thế là Hạnh dũng cảm đối mặt với sự tự ti, mặc cảm. Em tiếp tục đến trường và đặt mục tiêu hiện thực hóa ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Và, bằng một nghị lực phi thường, Hồ Hữu Hạnh đã vượt mọi khó khăn trên con đường học tập đầy trắc trở của mình. Tháng 9 vừa qua, em chính thức trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin của trường đại học Lạc Hồng (Đồng Nai).
Hạnh nói: "Sau bao nhiêu khó khăn, em cũng dần hiện thực hóa được ước mơ của mình. Bởi, ngay từ lúc lên lớp 3, em đã thích làm việc với máy vi tính và ước mơ trở thành kỹ sư công nghệ thông tin. Bây giờ, em đang học đại học với đúng chung ngành mình yêu thích. Em cảm thấy, bây giờ em đang hòa nhập khá tốt cùng các bạn sinh viên khác tại trường".
Miễn toàn bộ học phí
Ông Nguyễn Hữu Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường đại học Lạc Hồng: "Em Hồ Hữu Hạnh là tân sinh viên của trường. Hiện, Hạnh đang theo học ngành Công nghệ thông tin. Để hỗ trợ em trong việc học tập, nhà trường đã quyết định miễn toàn bộ học phí cho sinh viên này".
Luôn thấy mình có trách nhiệm với đời Những ngày này, GS-TSKH Phạm Thị Trân Châu đang tất bật chuẩn bị cho hội nghị "Nữ khoa học và công nghệ toàn quốc lần thứ 2", hội nghị thường niên "Mạng lưới các nhà khoa học và kỹ sư nữ khu vực châu Á - Thái Bình Dương" dự kiến tổ chức vào cuối tháng 10-2020. Nghe bà kể về đam mê...