Ý Đảng, lòng dân trong xây dựng nông thôn mới ở huyện Bá Thước
Đi trên con đường bê tông thôn Rầm Tám, xã Điền Trung ( Bá Thước), lân la hỏi chuyện về con đường bê tông mới, được người dân nơi đây kể cho nghe chuyện biến “đường nhỏ” thành “đường to”; chuyện người dân tự nguyện hiến đất.
Theo lời kể của các bậc cao niên: Trước đây, đường trong thôn, trong xã chỉ rộng có gần 2m, đi lại khó khăn, một cái ô tô đi vào chiếm hết cả đường, hệ thống thoát nước không có, mùa mưa trơn trượt.
Bằng các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của Nhân dân, đường giao thông thôn Điền Lý, xã Điền Lư được bê tông hóa.
Trước tình hình ấy, khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), được cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động, thấy được cái lợi ích thiết thực đối với đời sống sinh hoạt của gia đình và của Nhân dân, các hộ dân trong thôn đã tự nguyện tháo dỡ tường rào, công trình để mở rộng và đóng góp làm đường bê tông… Hỏi thăm gia đình bà Nguyễn Thị Minh ở thôn Rầm Tám ai cũng biết đến bởi gia đình bà đã tiên phong trong việc hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn và cũng là một trong 5 hộ gia đình tiêu biểu của huyện Bá Thước được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích trong chương trình XDNTM.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, là người nông dân chân lấm tay bùn, được nghe cấp ủy, chính quyền tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua các buổi họp thôn, bà Minh thấy được ý nghĩa của chương trình XDNTM. Vì vậy, gia đình bà Minh đã tự nguyện hiến hơn 500m2 đất thổ cư để mở rộng đường liên thôn và hơn 500m2 đất nông nghiệp để làm đường giao thông nội đồng. Vợ chồng bà còn tự tay phá dỡ tường rào, chặt hạ các cây mít, xoài, dừa, mía để giải phóng mặt bằng cho đơn vị thi công.
Video đang HOT
Để có được “đường to”, ngoài sự hỗ trợ nguyên vật liệu của Nhà nước, thôn đã phát động toàn dân đóng góp công sức tham gia làm đường, nhà nhà, người người phân công nhau mỗi người một việc. Người thì đào đất, san nền, bê đá, vác xi-măng, đổ bê tông, nấu cơm, mang nước… nhà nọ thi đua nhà kia để triển khai làm đường.
XDNTM, không chỉ quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, làm con “đường to” mà cấp ủy, chính quyền xã Điền Trung còn quan tâm đưa các dự án phát triển kinh tế vào, như: dạy bà con cách canh tác lúa nước đạt năng suất cao, cách trồng cây ăn quả, nuôi bò, lợn, gà… có hiệu quả. Tổ chức cho bà con đi tham quan, học tập mô hình phát triển, để bà con thay đổi tư duy làm kinh tế, tuyên truyền cho bà con giữ gìn vệ sinh môi trường bằng cách đưa gia súc chăn nuôi ra khỏi gầm nhà sàn…
Với phương châm “không nóng vội, không chạy theo thành tích”, tại xã Điền Lư, để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, xã đã tập trung phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm tạo điều kiện cho phát triển kinh tế – xã hội, tăng mức độ hưởng thụ trực tiếp cho người dân. Hoàn thiện hệ thống giao thông trên địa bàn xã, nâng cao tỷ lệ km đường trục thôn và đường liên thôn, trong đó, các tuyến đường chính từ trung tâm xã đến các thôn đã được nhựa hóa dài trên 4 km; đường trục xã và liên xã được cứng hóa dài 3,5 km. Hệ thống thủy lợi thường xuyên được nạo vét, đê bao khép kín đảm bảo cho các vùng sản xuất nông nghiệp, phục vụ tưới tiêu sản xuất lúa và vận chuyển, tiêu thụ hàng hóa. Cùng với đó, hiện nay, xã Điền Lư có 97% hộ sử dụng nước hợp vệ sinh; trong đó, có 73% hộ sử dụng nước sạch từ hệ thống trạm cấp nước tập trung…
Cùng với đó, xã Điền Lư đã phát huy lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển chăn nuôi, trồng trọt; đẩy mạnh phát triển các ngành nghề dịch vụ, thương mại, tiểu thủ công nghiệp… qua đó, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Xã cũng đã rà soát lại kế hoạch đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động nông thôn gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích đất. Trong đó, tập trung chủ yếu vào kinh tế vườn; phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác, xây dựng nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn và nâng cao trình độ của người dân cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật… Với sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong việc đưa nghị quyết vào cuộc sống, cũng như để người dân hiểu đúng, hiểu rõ mục tiêu, ý nghĩa của XDNTM, việc phát huy tính dân chủ ở cơ sở, phát huy vai trò chủ thể của mỗi người dân và xóa bỏ tư tưởng “trông chờ, ỷ lại”, là bước đi thành công ở Điền Lư.
Đồng chí Bùi Văn Lưỡng, Bí thư Huyện ủy Bá Thước, cho biết: Khi bắt đầu triển khai thực hiện XDNTM xuất phát điểm của huyện Bá Thước còn rất thấp, toàn huyện chỉ đạt 3,32 tiêu chí/xã, thu nhập bình quân đầu người là 9 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 46%. Để XDNTM thành công, huyện đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức với nhiều nội dung về phát triển nông nghiệp, XDNTM, nâng cao đời sống nông dân. Tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất. Trong giai đoạn 2010-2020, toàn huyện đã chuyển đổi được 1.242 ha đất trồng lúa một vụ kém hiệu quả sang các loại cây trồng khác và kết hợp nuôi trồng thủy sản, triển khai thực hiện được 52 mô hình phát triển sản xuất với tổng kinh phí thực hiện 15 tỷ đồng; từ đó nhân rộng được nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Xây dựng phát triển các vùng trồng mía, sắn nguyên liệu, vùng lúa thâm canh năng suất chất lượng, vùng luồng thâm canh, trồng rau an toàn, chăn nuôi vật nuôi có lợi thế… Các nghề truyền thống được khôi phục, nghề mới được phát triển, tạo việc làm và thu nhập cho hàng nghìn lao động nông thôn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu lao động NTM. Hơn 11 năm qua, huyện Bá Thước đã huy động nguồn lực gần 5.000 tỷ đồng, trong đó, Nhân dân đóng góp gần 300 tỷ đồng đầu tư xây mới, tu sửa, nâng cấp, cải tạo, bảo trì 520 km đường huyện, xã, thôn, ngõ xóm; 24 km đường nội đồng; hơn 50 km kênh mương và hàng trăm công trình điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, hạ tầng thương mại nông thôn, hệ thống thông tin truyền thông… tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại, giao thương hàng hóa, sinh hoạt, sản xuất của người dân. Đến nay, toàn huyện có 3 xã và 71 thôn được công nhận đạt chuẩn NTM. Hoàn thành xây dựng 2 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu là thôn Ba, xã Ban Công và thôn Điền Lý, xã Điền Lư. Bình quân mỗi thôn đạt 9,22 tiêu chí, trung bình toàn huyện đạt 10,5 tiêu chí. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện Bá Thước đề ra mục tiêu có 6 xã đạt chuẩn NTM, 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Định hướng đến năm 2030 có thêm 8 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Từ những kết quả đạt được cho thấy, bài học kinh nghiệm trong XDNTM ở huyện Bá Thước, đó là: Phát huy tối đa sức mạnh nội lực, “lấy dân làm gốc” để làm “đòn bẩy” hoàn thành tất cả các tiêu chí. Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú nhằm giúp người dân hiểu được vai trò vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả đạt được. Cùng với đó là sự kết hợp hài hòa giữa chủ trương đúng từ ý Đảng, lòng dân đồng thuận thì mọi việc sẽ thành công.
Đảng bộ xã Xuân Bình tập trung lãnh đạo xây dựng nông thôn mới nâng cao
Tháng 3-2020, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Xuân Bình, huyện Như Xuân vui mừng phấn khởi tổ chức lễ công bố quyết định xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).
Đây là thành quả của sự nỗ lực cố gắng của cấp ủy, chính quyền cùng với sự đồng thuận của Nhân dân trong phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM.
Đường giao thông thôn Xuân Hợp, xã Xuân Bình (Như Xuân) được đầu tư nâng cấp tạo điều kiện cho Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay sau khi đạt xã NTM, với nhận thức việc xây dựng NTM đã khó, nhưng việc giữ vững NTM bền vững còn khó khăn, nên tuy không phải là xã được huyện Như Xuân chọn làm điểm xã NTM nâng cao, nhưng cấp ủy, chính quyền và Nhân dân xã Xuân Bình đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện các tiêu chí của xã NTM nâng cao.
Để có được kết quả trên, phải nói đến tinh thần đoàn kết chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị trong xã đã thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX nhiệm kỳ 2015-2020. Từ một xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 và Chương trình 30a của Chính phủ, xã Xuân Bình đã khắc phục những hạn chế, khó khăn, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, kết hợp lồng ghép thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo, tạo động lực để họ từng bước vươn lên thoát nghèo. Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã Xuân Bình tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả toàn diện. Tổng giá trị thu nhập đến năm 2020 đạt 218,1 tỷ đồng, tăng 92,3 tỷ đồng so với năm 2015, thu nhập bình quân đầu người đạt 41,3 triệu đồng, tăng 20,5 triệu đồng so với năm 2015, vượt 25,2% mục tiêu đại hội. Xã đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển chăn nuôi, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng năng suất; nhiều mô hình sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng thanh long, bưởi Diễn, nuôi ong lấy mật; đồng thời tập trung chuyển đổi diện tích đất dốc, bạc màu sang trồng cây lâm nghiệp, cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy trên địa bàn. Chăn nuôi chuyển dịch mạnh mẽ từ chăn thả tự nhiên sang chăn nuôi có kiểm soát theo mô hình gia trại, trang trại; giá trị sản xuất ngành chăn nuôi năm 2020 ước đạt 7,6 tỷ đồng, chiếm 18,1% giá trị ngành nông nghiệp. Hiện, toàn xã có 6 trang trại, tăng 4 trang trại so với năm 2015; nhiều mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, đang được nhân rộng như: mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi dê sinh sản, nuôi ong lấy mật.
Trong xây dựng cơ sở hạ tầng, 5 năm qua, toàn xã đã bê tông hóa được 28,17km đường giao thông với tổng số tiền 10,9 tỷ đồng, xây dựng mới 8 nhà văn hóa thôn với tổng số tiền 2,8 tỷ đồng, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất tại các trường học và trạm y tế xã với tổng số tiền gần 1,165 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí, giúp đỡ 102 hộ xóa nhà tạm bợ với tổng số tiền 2,1 tỷ đồng; xây dựng được 22km đường điện chiếu sáng với tổng số tiền 1,1 tỷ đồng. Tổng số tiền huy động xây dựng NTM đạt 148,6 tỷ đồng...
Cùng với quan tâm phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, Đảng bộ xã Xuân Bình thường xuyên quan tâm đến công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Công tác tổ chức quán triệt, học tập, tuyên truyền cũng như xây dựng các chương trình hành động, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị của Đảng được triển khai thực hiện nghiêm túc trong cán bộ, đảng viên và rộng khắp trong Nhân dân với nhiều nội dung, hình thức phong phú, kịp thời nắm bắt dư luận xã hội. Công tác phát triển Đảng được quan tâm, trong 5 năm (2015-2020) đã kết nạp 35 đảng viên mới, bình quân hằng năm kết nạp 7 đảng viên, đạt mục tiêu đại hội. Hiện tại, đảng bộ có 239 đảng viên sinh hoạt tại 16 chi bộ. Số đảng viên trẻ, người trực tiếp lao động sản xuất ngày càng tăng.
Đồng chí Nguyễn Văn Dương, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Bình, cho biết: Để nâng cao nhận thức của Nhân dân trong việc giữ vững các tiêu chí NTM và thực hiện xây dựng NTM nâng cao, đảng ủy xã đã phân công các thành viên trong ban chỉ đạo theo dõi và phụ trách các nhóm lĩnh vực chuyên môn ứng với các tiêu chí NTM nâng cao, chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, theo dõi các lĩnh vực mình phụ trách; lập kế hoạch và lộ trình thực hiện cụ thể từng khối lượng công việc; chủ động tham mưu đề xuất để hoàn thành công việc; đồng thời có báo cáo đánh giá kết quả về thực hiện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí thuộc lĩnh vực mình phụ trách về ban chỉ đạo xây dựng NTM để làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM của xã. Mặt khác, xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chương trình xây dựng NTM nâng cao bằng nhiều hình thức, như: Thông qua hội nghị đảng bộ, hội nghị các đoàn thể và hội nghị thôn; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh của xã về mục đích, nội dung, ý nghĩa và hiệu quả to lớn, thiết thực của việc củng cố, duy trì, xây dựng các tiêu chí NTM nâng cao mà Nhân dân là chủ thể, để mọi người hiểu, tham gia thực hiện một cách tích cực và tự giác. Qua gần 1 năm triển khai thực hiện xây dựng NTM nâng cao, ý thức người dân đã được nâng lên, tích cực tham gia các phong trào vệ sinh môi trường, cải tạo vườn tạp; các thôn tiếp tục huy động nguồn lực đóng góp của Nhân dân để nâng cấp và làm mới đường điện chiếu sáng. Cùng với các nguồn hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn huy động Nhân dân đóng góp, ngân sách xã hỗ trợ xi măng, năm 2020, xã Xuân Bình đã đầu tư làm được 3,5km đường bê tông tại thôn Mít, thôn Sim, thôn Mơ và thôn Xuân Hợp, thôn Xuân Phú, thôn Hùng Tiến... Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao đời sống Nhân dân, cấp ủy, chính quyền đã vận động Nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phát triển bền vững và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống Qua 20 năm triển khai thực hiện, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trên địa bàn TP Hồ Chí Minh không ngừng được nâng cao chất lượng. Với nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo, phong trào này đã khơi dậy được tiềm năng, sức mạnh của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân...