Ý chí vươn lên của chàng trai từ tân binh đến học viên sửa chữa máy bay
Xuất phát điểm từ lính tân binh, Nguyễn Thành Long đã cố gắng nỗ lực, khẳng định bản thân để được trở thành học viên của trường Sĩ quan Không quân.
Những ngày cận kề Tết Nguyên đán 2022, Nguyễn Thành Long (sinh năm 2000, quê ở Bình Minh, Thanh Oai, Hà Nội) dành phần lớn thời gian ở nhà để dọn dẹp, sắm sửa cho gia đình có một cái tết tinh tươm.
Gần 3 năm xa nhà, anh lại được đón một cái tết thật đặc biệt, khi anh đã có sự trưởng thành trên con đường binh nghiệp, từ một chàng tân binh rồi được là học viên của trường Sĩ quan không quân.
Nguyễn Thành Long bên bà ngoại. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Ý chí vươn lên
Đầu xuân 3 năm trước, giữa hàng quân tân binh tại Nhà thi đấu huyện Thanh Oai, bà Nguyễn Thị Xuân (bà ngoại của Long) mang gói muối vừng để đưa cho đưa cháu ngoại mang vào đơn vị. Bà không khỏi bồi hồi khi tiễn đứa cháu ngoan xa gia đình.
“Tôi từng đưa tiễn con trai tôi (cậu của Long) đi lính nhưng lần này vẫn không khỏi bồi hồi xúc động”, bà ngoại Long chia sẻ.
Khi đó, chàng thanh niên 19 tuổi xác định bản thân sẽ cố gắng hoàn thành nghĩa vụ, rồi sau đó về đi buôn bán cùng chị gái hoặc học lấy một cái nghề để mưu sinh, chăm sóc mẹ. Bởi ở nhà, bốn chị gái đã đi lấy chồng, chỉ còn hai mẹ con. Những tháng ngày lăn lội ruộng đồng, phụ giúp mẹ là hình ảnh in đậm trong tâm trí anh.
Vốn sinh ra trong một gia đình nghèo khó, lam lũ từ nhỏ nên Long đã có sẵn bản lĩnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách trong thời gian được huấn luyện tân binh tại Sư đoàn 371 (Sóc Sơn, Hà Nội).
“Em chưa thấy có thử thách gì có thể làm khó được em, và em cũng không đầu hàng trước mọi khó khăn”, Nguyễn Thành Long chia sẻ.
Mồ côi bố từ nhỏ, chịu nhiều thiệt thòi đã rèn luyện bản lĩnh cho chàng trai này để vượt qua mọi khó khăn. (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Trong quá trình huấn luyện, Long được rèn luyện bắn súng, ném lựu đạn, tập điều lệnh… tân binh này đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ.
Nhớ lại kỉ niệm về lần ném lựu đạn thật ngoài thao trường, trước tiếng nổ inh tai “rầm”, khiến một số tân binh lo sợ. Long hít một hơi thật sâu lấy lại sự bình tĩnh rồi nghe hiệu lệnh của người dẫn ném.
Video đang HOT
“Sau khi em hô lớn chuẩn bị lựu đạn xong, em rút chốt ném và nằm xuống. Quả lựu đạn trúng bia cách xa khoảng 100 mét, em được lãnh đạo đơn vị thưởng vì thành tích xuất sắc”, Long nhớ lại.
Không chỉ nỗ lực trong huấn luyện, Long còn được các đồng đội và lãnh đạo yêu quý. Chàng tân binh này sau đó được kết nạp đảng và được đơn vị cử đi học hệ trung cấp kỹ thuật Hàng không tại trường Sĩ quan Không quân.
Nỗ lực trong quá trình là học viên
Thuở còn nhỏ, những chiếc máy bay bay ù ù trên bầu trời đã khiến Long mơ ước được nhìn tận mắt. Và rồi ước mơ cũng thành hiện thực khi Long được vào trường Sĩ quan Không quân.
Chuyên ngành của Long học là về Thiết bị hàng không, với công việc là sửa chữa điện của các loại máy bay.
Nam học viên này đã tìm đọc, nghiên cứu về cấu tạo, cơ chế hoạt động, ưu và nhược điểm của máy bay như SU22, M4, SU30… trong đó loại máy bay mà anh yêu thích là trực thăng Mi8, gắn liền với tuổi thơ của anh.
Đối với công việc, Long luôn nghiêm túc trong học hành và cẩn thận, tỉ mỉ, bởi chỉ một sơ suất nhỏ trong sửa chữa điện cũng đem lại sự mất an toàn cho người lái.
Nam học viên này say mê đối với máy bay đến nỗi, cậu còn thuộc lòng các loại máy bay hơn là loại xe máy. Khi ăn, lúc ngủ cũng nghĩ đến máy bay để xem mai mình sẽ học gì.
Trong quá trình học tập tại đây, nam học viên cũng tích cực tham gia vào hoạt động đoàn, đảng và là 1 trong 3 học viên đạt danh hiệu Bộ đội cụ Hồ.
Xa gia đình, ở quê nhà mẹ Long luôn lo lắng cho cậu con trai về việc ăn uống, học hành nhưng Long luôn động viên mẹ bởi bản thân đã trưởng thành, biết cân đối mọi việc.
“Lúc trước mẹ cũng chỉ mong em trưởng thành, chững chạc hơn khi đi lính, mẹ không nghĩ là em lại được như bây giờ”, Long phấn khởi chia sẻ.
Chia sẻ thêm về tương lai, Nguyễn Thành Long cho hay, khoảng vài tháng nữa anh sẽ tốt nghiệp hệ Trung cấp kỹ thuật Hàng không.
Những ngày đầu năm, được ở bên cạnh cậu con trai, bà Đinh Thị Tuyết (mẹ của Long) cảm thấy cái tết năm nay thật đặc biệt và ấm cúng.
“Thấy đèn, điện trong nhà bị hỏng do không có người sửa chữa, Long đi mua đồ để thay. Tết này nó cũng sắm sửa mọi thứ để có cái tết khang trang hơn”, bà Tuyết phấn khởi chia sẻ.
Chia sẻ thêm về học viên Nguyễn Thành Long, Thiếu tá Vũ Hồng Thanh (giảng viên chủ nhiệm của Long) cho hay, trong quá trình học tập, Long có sự nỗ lực cố gắng, tìm tòi học hỏi và có ý thức tốt.
“Nguyễn Thành Long chấp hành tốt các quy định của đơn vị, học hành nghiêm chỉnh và có cố gắng trong quá trình học tập”, thầy Thanh chia sẻ.
Từ chàng trai không biết bơi đến thủ khoa Trường Sỹ quan, ngành Đặc công nước
Sinh ra ở nông thôn, từng đi chăn trâu, cắt cỏ, Trương Công Hòa đã cố gắng vươn lên để trở thành Thủ khoa trường Sỹ quan Đặc công, ngành Đặc công nước.
Tháng 11/2021, Trương Công Hòa (sinh năm 1998, quê ở Đức Thọ, Hà Tĩnh) -Thủ khoa Trường Sỹ quan Đặc công (điểm học tập toàn khóa 8.07/10) được vinh danh là 1 trong những thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Thủ đô.
Ít ai biết được rằng, chàng trai Thủ khoa 24 tuổi có nước da ngăm đen, khuôn mặt chững chạc từng chăn trâu, cắt cỏ... lam lũ ruộng đồng giúp đỡ cha mẹ, nhưng với ý chí, nghị lực vươn lên thì Trương Công Hòa đã khiến nhiều người ngả mũ thán phục.
Cuộc sống lam lũ
Bố mẹ làm nông nghiệp nên việc phụ giúp gia đình đều phần lớn do Hòa - con trai cả đảm nhiệm, dưới Hòa là một em trai nữa.
Thuở học phổ thông, Hòa học một buổi thì thời gian rảnh rỗi còn lại, anh đi làm đồng, chăn trâu, cắt cỏ, đốn củi... Buổi tối, Hòa lại tự giác ngồi vào bàn học để ôn bài như một thói quen.
Hòa học giỏi các môn khối A, cậu lại rất đam mê lịch sử hào hùng của dân tộc, đó là chiến công của các chiến sỹ, trong đó có người lính đặc công trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước đã vẽ lên ước mơ cho chàng trai này thành một người lính đặc công.
Trương Công Hòa tại lễ tuyên dương. (Ảnh: NVCC)
Tại kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017, Hòa đạt 26 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hoá), khi đó Trường Sĩ quan Đặc công lấy 23,25 điểm. Năm đấy, có một mình Hòa lựa chọn con đường quân đội và chàng trai này đã thực hiện được mơ ước của bản thân.
Biết tin con trúng tuyển đại học, bố mẹ vừa mừng vừa lo, cho cậu con trai lớn. Bố động viên Hòa: "Vào môi trường quân đội là con phải xác định khó khăn vất vả đến mấy, thì cũng phải cố gắng học tập, rèn luyện nha con".
Lời động viên của bố, cùng những hình ảnh bố mẹ lam lũ với ruộng đồng gắn với tuổi học trò của bản thân đã tiếp sức cho Trương Công Hòa, anh tự nhủ phải cố gắng hết sức mình trong học tập.
Bước vào môi trường học tập trong quân đội, Trương Công Hòa trải qua 6 tháng tân binh, đó là những ngày anh được tiếp xúc với môi trường sống mới, giúp anh trở lên rắn giỏi hơn.
Kết thúc 6 tháng tân binh, Trương Công Hòa được về quê thăm gia đình. Vừa đến đầu cổng, bố mẹ thấy anh mà vui mừng rớt nước mắt.
"Khi tôi về nhà, bố mẹ nhìn thấy tôi chững chạc, ra dáng thanh niên trai tráng, không như ngày xưa như kiểu mảnh khảnh. Bố mẹ vui quá và khóc vì thấy tôi đã trưởng thành", Trương Công Hòa nhớ lại.
Chứng kiến sự nỗ lực trong học tập của anh trai, cậu em trai cũng cố gắng học tập. Hiện tại, em trai của Hòa cũng đang học tại một trường Đại học ở Đà Nẵng.
Chia sẻ về việc lựa chọn ngành đặc công nước, Trung úy Trương Công Hòa cho hay, bản thân anh vốn không biết bơi, nên khi được chọn chuyên ngành vào năm thứ tư, anh muốn vượt qua giới hạn của bản thân và đã lựa chọn ngành này.
Ngay từ buổi tập bơi thứ hai, Hòa đã biết bơi, khi này anh nhận thấy bản thân mình cũng có năng khiếu bơi lội. Khi đã bơi thành thục, Hòa cùng đồng đội được cho ra biển lớn để rèn luyện, bơi trên biển lên tới 20-25km, thả trôi sinh sống trên biển 20-24 giờ đồng hồ hay lặn nhiều vùng biển ở các độ sâu khác nhau...
Kỉ luật, bĩnh tĩnh, nỗ lực để phấn đấu trở thành Thủ khoa
Ngay từ khi vào môi trường quân đội, Trương Công Hòa đã nỗ lực học tập, để có được kết quả tốt nhất.
Trong những giờ lên lớp, Hòa cố gắng tiếp thu, ghi nhớ những vẫn đề cốt lõi của bài học. Khi về nhà, anh nghiên cứu trước bài học trước khi lên lớp. Còn trong rèn luyện kỹ năng, Hòa sẽ học hỏi những cái hay, cái tốt của chỉ huy, đồng chí đồng đội trong lớp.
"Kỉ luật quân đội nghiêm khắc tập cho mình làm việc cẩn thận tỉ mỉ, bình tĩnh, nhẫn nại. Vào quân đội, mình rắn khỏe hơn", Trung đội trưởng Trương Công Hòa nhớ lại.
Với sự cố gắng nỗ lực, chàng trai chăn trâu năm xưa đã được nhiều thành tích trong học tập, khiến bạn bè thán phục.
Năm 2020, Hoà được Bộ tư lệnh Đặc công tặng Giấy khen gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2020. Năm 2021, với thành tích tốt nghiệp Thủ khoa, chàng trai này cũng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội tặng bằng khen. Hai năm liên tiếp, là Chiến sĩ thi đua cơ sở (năm 2018-2020) và là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020.
Bên cạnh sự nỗ lực trong học tập, Trương Công Hòa còn năng nổ tham gia vào nhiều hoạt động ngoại khóa. (Ảnh: NVCC)
Trong quá trình học tập, Trương Công Hòa cũng có 2 sáng kiến nghiên cứu cải tiến mô hình học cụ góp phần vào huấn luyện được Hội đồng khoa học trường đánh giá cao.
Ngoài ra, năm 2018-2019, anh còn tham gia thi Olympic các môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để rèn luyện bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng.
Với thành tích học tập xuất sắc, Trương Công Hòa khi ra trường mang quân hàm Trung úy, anh hiện đang giữ cương vị trung đội trưởng, công tác tại Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126. Đây là đơn vị từng 3 lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, tại đây có những người lính được ví như như "Yết Kiêu".
Sự trưởng thành của Trương Công Hòa và cậu em trai, đã mang lại niềm vinh dự, niềm tự hào cho bố mẹ chân lấm, tay bùn ở quê nhà. Cho dù ở bất cứ môi trường nào, hai anh em Hòa cũng tự nhủ phải nỗ lực cố gắng để không phụ công sinh thành, nuôi dưỡng của bố mẹ.
Giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường học: Hướng tới mục tiêu giáo dục toàn diện Giáo dục quốc phòng và an ninh góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ tu dưỡng phẩm chất, rèn luyện năng lực, ý chí kiên cường. Giáo dục quốc phòng và an ninh góp phần thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện. Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, Thiếu...