Xuýt xoa lẩu lòng ngày gió về
Lòng được chế biến sạch sẽ, giòn dai, nhâm nhi cùng bát cháo nóng ngon ngọt, thơm phức trong tiết trời se lạnh vừa ngon miệng lại ấm bụng.
Vào những ngày trời dịu mát hay những khi có không khí lạnh bỗng nhiên ùa về, nồi lẩu nóng hổi nghi ngút khói là món ăn mà những người “có tâm hồn ăn uống” thường nghĩ tới đầu tiên và không khỏi cảm giác thèm thuồng. Nổi tiếng là “thiên đường lẩu” ở Hà Nội, phố Phó Đức Chính đã trở nên quen thuộc với các quán lẩu ếch, lẩu riêu cua, bò nướng nằm san sát nhau, kéo dài gần như cả dọc phố. Nhưng nếu muốn thử một lần “đổi gió” cho bữa tụ tập anh em, bạn bè thì quán lẩu lòng nằm tách biệt ở đoạn gần cuối phố là một địa điểm bỏ túi không tồi.
Nếu không phải là khách quen hoặc được bạn bè giới thiệu, hẳn nhiều người đi đường sẽ chẳng dám “mạo hiểm” ghé vào bởi tâm lý món lòng lợn chế biến ở các hàng ăn thường rất mất vệ sinh và không đảm bảo an toàn thực phẩm. Nhưng những thực khách đã một lần ăn thử ở đây rồi chắc chắn sẽ chẳng bận tâm hay lo ngại gì nữa bởi có thể tận mắt nhìn thấy những cỗ lòng được mang ra cắt thái hoàn toàn sạch sẽ và chất lượng.
Lẩu lòng nghe có vẻ lạ tai nhưng thực chất nó là biến tấu của món cháo lòng quen thuộc. Nói thì đơn giản vậy nhưng để có được một nồi lẩu lòng ngon ngọt như ở quán thì không dễ chút nào. Thoạt đầu, khi nồi lẩu mới được bưng ra đặt trên bếp, nhiều người sẽ cảm thấy hụt hẫng vì trông chẳng màu mè, hấp dẫn như lẩu riêu hay lẩu ếch. Nhưng khi nồi lẩu bắt đầu bốc khói, một mùi thơm lan tỏa khó cưỡng khiến thực khách cứ phải liên tục hít hà và muốn thưởng thức ngay lập tức. Anh chủ quán tiết lộ nước cháo phải được ninh bằng xương bay (loại xương thường dùng nấu bột/cháo cho các bé) và chim trời Hà Tĩnh mới ngọt thơm được như vậy. Hơn nữa, bí quyết còn nằm ở chiếc nồi gang được đúc rất dày giúp món lẩu cháo dù được đun bao lâu cũng không bị khê và còn giữ cho món ăn luôn nóng hôi hổi.
Tùy theo sở thích và yêu cầu của thực khách mà chủ quán sẽ mang ra những đĩa lòng khác nhau, từ tràng, dạ dày, cuống tim cho đến lòng xe điếu, gan, dồi lợn đều có đủ cả. Cách ăn cũng giống như các loại lẩu khác, thực khách thả dần các loại lòng vào nồi nước cháo sôi trên bếp, vừa nhâm nhi lòng vừa nhúng rau cải cúc, nấm kim châm ăn kèm. Sau khi đã chán với kiểu ăn nhúng thả này, bạn có thể múc cháo ra bát rồi ăn kèm với quẩy giòn rụm. Trong không khí se se lạnh của những ngày cuối thu, cùng người thân, bạn bè quây quần bên nồi lẩu thơm phức, vừa lai rai lòng vừa xì xụp bát cháo nóng thật không gì “thú” bằng. Một nồi lẩu lòng có giá 250.000 đồng dành cho khoảng 3 – 4 người ăn.
Video đang HOT
Địa chỉ quán ở 150 phố Phó Đức Chính, nằm về phía gần Cửa Bắc.
Theo Tapchiamthuc
Ngày gió về đi ăn quẩy nóng, bánh gối lót dạ
Buổi chiều tan sở, ghé qua những quán đồ chiên gọi vài chiếc quẩy, đôi cái bánh gối là đủ ấm bụng lắm rồi.
Với nhiều người, mỗi khi đi qua các cổng trường hay những ngôi nhà xưa, đầu ngõ nhỏ, bắt gặp các quán treo biển "Quẩy nóng" là lại nhớ về thời thơ ấu với những ký ức tuổi học trò í ới nhau sau mỗi giờ tan học. Hương vị quẩy xưa nay vẫn thế, những chiếc quẩy dài dài, vàng ươm giòn tan mà lại hơi dai dai chinh phục bao thế hệ.
Quẩy chấm mắm chua ngọt.
Để làm ra những chiếc quẩy nhìn tưởng chừng đơn giản này cũng cần đến sự khéo tay và tỉ mẩn lắm đấy. Từ khâu nhào bột cho thật mịn đến khâu cán bột rồi ngắt bột thành các phần đều nhau đều cần sự dẻo dai của đôi bàn tay người đầu bếp. Để chiên được quẩy vàng, giòn đủ độ thì cũng cần chỉnh lửa cho vừa rồi đảo thật đều tay nữa. Ngay khi quẩy vàng và giòn thì vớt ra để ráo mỡ.
Nhiều người quen cắt nhỏ quẩy ăn cùng phở hay cháo nhưng quẩy để ăn nóng chấm với nước mắm được pha chua ngọt mới gọi là nhất. Cắn miếng nào là giòn tan trong miệng miếng đó, thêm vị chua chua ngòn ngọt rồi cái giòn của đu đủ và cà rốt thái mỏng nữa thì một người có thể ăn nhoay nhoáy hết cả đĩa quẩy 5-6 cái trong vòng vài phút là chuyện bình thường.
Chẳng thế mà các hàng quẩy nóng dù chỉ rất đơn sơ với vài ba chiếc bàn ghế nhựa ngoài vỉa hè vẫn cứ luôn tấp nập khách ra vào, nhất là vào những ngày trời lạnh, ai cũng tranh thủ đi ăn vài chiếc cho thỏa cơn thèm.
Bánh rán và bánh gối cũng là hai món không thể thiếu trong bản đồ ẩm thực của người mê ăn vặt được.
Ngoài ra, hầu như hàng quẩy nào cũng phục vụ cả thêm bánh rán và bánh gối. Hai thứ bánh này ăn vào thì đảm bảo chắc dạ hơn rất nhiều so với quẩy, thế nên mọi người chỉ thường gọi một vài cái ăn lót dạ để còn chừa bụng cho bữa cơm tối.
Bánh rán được nặn tròn tròn, ngoài vỏ thì giòn, rồi đến lớp bột mềm thơm sau đó là nhân thịt, mộc nhĩ, miến. Còn bánh gối thì hình dáng đúng như tên gọi, trong nhân lại có thêm một quả trứng cút luộc ăn bùi bùi nữa. Tất cả đều được chấm cùng với nước mắm chua ngọt vừa miệng lại chống ngấy.
Ưu điểm lớn nhất của các món ăn vặt này là rẻ. Một chiếc quẩy chỉ 2.000 đồng, bánh rán 5.000 đồng/chiếc, bánh gối 10.000 đồng/chiếc. Khắp Hà Nội bạn có thể tìm thấy rất nhiều những hàng quán bán các món này, nhất là cạnh các cổng trường học.
Vỏ bánh gối giòn rụm còn nhân thì ngậy thơm vị thịt băm, miến, mộc nhĩ và cả trứng cút luộc.
Một số địa chỉ tham khảo:
- Đầu phố Hàng Đậu, bán cả khoai tây xoắn, mở cửa từ chiều đến 22h.
- Gần ngã tư Hàng Bông - Phủ Doãn, cạnh quán bún chả ngan nướng, bán cả ngày.
- Gần ngã tư Nguyễn Thái Học - Lê Duẩn, mở hàng từ 14h - 20h30.
- Quẩy nóng Đường Thành, cạnh chùa Kim Cổ, mở cửa từ giữa buổi chiều đến khi hết hàng.
- Đối diện KTX trường ĐH Bách Khoa, đông khách nhất là buổi tối.
Theo Tapchiamthuc
Xuýt xoa với 5 món ăn sáng nóng hổi tuyệt ngon Với 5 món ăn sáng dưới đây, đảm bảo bạn sẽ hài lòng dù bạn thích ăn sáng với các món khô như xôi, bánh mỳ hay món ướt như phở, cháo... 1. Xôi gà Trời lạnh không gì thú vị bằng bữa xôi buổi sáng, nhất là món xôi gà, vừa ăn vừa xuýt xoa vì nóng, vừa hít hà hương thơm...