Xung đột Nga-Ukraine sang giai đoạn mới, phương Tây gặp khó khi cấp vũ khí cho Kiev
Theo đánh giá của giới phân tích, việc duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine là điều không dễ dàng.
Vấn đề này khá tốn kém và đối với một số quốc gia cung cấp vũ khí cho Kiev, họ phải đối mặt với rủi ro về chính trị.
Danh sách vũ khí Ukraine được cung cấp đang ngày càng dài hơn, bao gồm các loại vũ khí như máy bay không người lái, các loại pháo hiện đại của Mỹ và Canada. Bên cạnh đó, Ukraine còn nhận được vũ khí chống tăng của Na Uy và các nước khác; xe bọc thép và tên lửa chống hạm của Anh; tên lửa đất đối không Stinger của Mỹ, Đan Mạch và các quốc gia khác.
Đạn dược, vũ khí và các thiết bị khác được cung cấp cho Ukraine. Ảnh: Không quân Mỹ
Khó duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine
Tuy nhiên, việc duy trì viện trợ quân sự là điều không dễ dàng. Vấn đề này khá tốn kém và đối với một số quốc gia cung cấp vũ khí cho Ukraine, họ phải đối mặt với rủi ro về chính trị. Vũ khí đang được đưa ra khỏi kho dự trữ của phương Tây và một thời điểm nào đó các kho vũ khí này sẽ cần được bổ sung.
Đó là lý do tại sao Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ tổ chức một cuộc họp vào ngày 27/4 tại căn cứ không quân Ramstein của Đức để tìm ra cách duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine, vào thời điểm hiện tại và về lâu dài. Các bộ trưởng quốc phòng và các quan chức quân sự từ khoảng 40 quốc gia sẽ tham gia cuộc họp này.
Bộ trưởng Austin nói rằng mục tiêu không chỉ là hỗ trợ các hệ thống phòng thủ của Ukraine mà còn giúp họ giành ưu thế trước một lực lượng tấn công lớn.
“Chúng tôi tin rằng họ có thể giành chiến thắng nếu có thiết bị và sự hỗ trợ phù hợp”, ông Austin nói hôm 25/4 tại Ba Lan, sau khi trở về từ chuyến thăm Ukraine với Ngoại trưởng Antony Blinken. Tại cuộc gặp này, hai quan chức Mỹ và Tổng thống Volodymyr Zelensky cũng thảo luận về nhu cầu quân sự của Ukraine.
Nga hiện đang giành lợi thế nhất định trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến khi tập trung vào chiến trường Donbass, ở miền đông Ukraine. Không còn chiến đấu tại các trung tâm đô thị đông đúc, lực lượng của Nga và Ukraine đang đối đầu trên những địa hình rộng rãi hơn. Nga đang tập trung nhiều binh lính và hỏa lực hơn ngay cả khi Mỹ và các đồng minh NATO cung cấp pháo và các loại vũ khí hạng nặng khác tới khu vực.
Lầu Năm Góc đang cung cấp 90 hệ thống pháo hiện đại của quân đội Mỹ, cùng với 183.000 viên đạn và các loại vũ khí khác có thể mang lại cho Ukraine lợi thế quan trọng trong các trận chiến. Mỹ cũng đang sắp xếp huấn luyện nhiều binh lính Ukraine hơn sử dụng các loại vũ khí chủ chốt, bao gồm cả pháo và hai loại máy bay không người lái vũ trang.
Ngày 26/4, Bộ trưởng Austin và Ngoại trưởng Blinken đã công bố tổng cộng 713 triệu USD viện trợ quân sự cho Ukraine và 15 quốc gia đồng minh cũng như các đối tác, trong đó khoảng 322 triệu USD dành cho Ukraine, một phần để giúp nước này chuyển đổi sang các hệ thống phòng không và vũ khí tiên tiến hơn. Phần còn lại sẽ được chia cho các thành viên NATO và các nước khác đã cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi xảy ra chiến dịch quân sự.
Khoản viện trợ như vậy khác với sự hỗ trợ quân sự trước đây của Mỹ cho Ukraine. Đây không phải là viện trợ vũ khí và thiết bị từ kho dự trữ của Lầu Năm Góc mà là tiền mặt mà các quốc gia có thể sử dụng để mua từ các nguồn cung cấp.
Video đang HOT
Điều Tổng thống Putin không mong muốn
Ukraine cho biết họ cần nhiều sự viện trợ hơn nữa, bao gồm hệ thống phòng không tầm xa, máy bay chiến đấu, xe tăng và hệ thống tên lửa phóng nhiều lần.
“Mỹ hiện có thể đang dẫn đầu trong nỗ lực đảm bảo quá trình chuyển đổi của Ukraine sang vũ khí kiểu phương Tây và trong việc huấn luyện cho các binh sĩ Ukraine. Tôi tiếc rằng điều này đã không diễn ra ngay từ đầu chiến dịch quân sự của Nga”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói.
“Những điều đã xảy ra cho thấy Tổng thống Putin đang đối mặt với những gì ông ấy không muốn. Ukraine đang nhận được nhiều vũ khí hơn từ Mỹ và châu Âu”, Philip Breedlove, một tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, từng là chỉ huy hàng đầu của NATO ở châu Âu từ năm 2013-2016, cho biết.
Nga đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Mỹ để cảnh báo về “những hậu quả khó lường” nếu Washington và đồng minh tiếp tục gửi vũ khí hạng nặng cho Kiev.
“Các loại vũ khí trị giá tới 800 triệu USD sẽ được Washington gửi cho Kiev. Đó là một con số khổng lồ và điều đó không đóng góp bất kỳ điều gì cho việc tìm kiếm giải pháp ngoại giao hoặc giải quyết vấn đề”, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Anatoly Antonov nói.
Đáp lại, Mỹ đã bác bỏ yêu cầu của chính phủ Nga về việc chính quyền Tổng thống Biden phải dừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki ngày 25/4 cho biết, chính quyền Tổng thống Biden sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho Ukraine trong cuộc xung đột với Nga.
AP nhận định rằng sự phức tạp của việc duy trì viện trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine là một lời nhắc nhở về những mối đe dọa đang xảy ra.
Trước khi tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, Tổng thống Putin nói rằng Nga không thể dung thứ cho nỗ lực của phương Tây nhằm giúp Ukraine trở thành thành viên của NATO.
Ông Putin đã phản đối yêu cầu gia nhập NATO của Ukraine và cho rằng không nên mở rộng NATO sang những nước từng thuộc Liên Xô.
Có rất ít triển vọng về việc Ukraine gia nhập NATO, nhưng cuộc tấn công của Nga trên thực tế đã đưa NATO đến gần Ukraine hơn. Điều này đã thúc đẩy triển vọng của Ukraine trong việc xây dựng sự phòng thủ thành công, ngay ở khu vực phía Đông Donbass, nơi Nga đang nắm giữ những lợi thế nhất định.
Những lý do đặc biệt khiến Đức không chuyển vũ khí hạng nặng cho Ukraine
Những chỉ trích nhằm vào Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã không ngừng tăng lên về việc trì hoãn và không thực hiện cam kết gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine.
Phương tiện chiến đấu Mardar của quân đội Đức, Ảnh: DPA
Theo báo Deutsche Welle mới đây, Chính phủ Đức đã liệt kê một số lý do khiến nước này không thể gửi vũ khí hạng nặng tới Ukraine.
Đức chỉ thực hiện như các đồng minh
Đây là quan điểm của Thủ tướng Olaf Scholz kể từ khi xung đột bùng nổ. Ông Scholz cho biết đang làm mọi thứ trong sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác NATO và EU. "Hãy nhìn những gì các đồng minh của chúng ta đang làm, chẳng hạn như những nước trong G7", Thủ tướng Đức nói, lưu ý rằng các nước như Canada, Anh và Mỹ đang cung cấp cùng loại vũ khí mà Đức đã gửi cho Ukraine.
Nhưng hôm 21/4, Mỹ đã công bố một gói viện trợ quân sự mới trị giá 800 triệu USD (760 triệu Euro) cho Ukraine, trong đó có cả pháo hạng nặng, nâng tổng số viện trợ lên tới hơn 3 tỷ USD kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2.
Ngược lại, tính đến đầu tháng 4, theo thông tin mới nhất được Bộ Tài chính Đức công bố, viện trợ của Đức cho quân đội Ukraine là khoảng 186 triệu Euro. Số tiền đó chủ yếu được sử dụng để mua tên lửa phòng không, súng máy, đạn dược và áo giáp chống đạn, nhưng không phải vũ khí hạng nặng.
Giáo sư Carlo Masala, chuyên gia quốc phòng và an ninh tại Đại học Quân sự Đức ở Munich, nhận định ông Scholz đang một mặt đưa ra thông điệp với Nga khi nói rằng Berlin vẫn đang trì hoãn viện trợ vũ khí hạng nặng. Mặt khác, đó cũng là một tín hiệu cho công chúng trong nước và đảng Đảng Dân chủ Xã hội trung tả của ông.
"Đây là một vấn đề hiện đang được tranh luận giữa các nhóm khác nhau trong Đảng Dân chủ Xã hội và ông Scholz đang cần sự ủng hộ của những người trong Quốc hội Đức cho rằng việc giao vũ khí hạng nặng sẽ làm leo thang xung đột, dẫn đến Đức sẽ trở thành một mục tiêu phản ứng của Nga", Giáo sư Masala nói.
Cho đến nay, Séc đã cam kết gửi hàng chục xe tăng T-72 do Liên Xô sản xuất và xe chiến đấu bộ binh BMP-1 cho Ukraine. Tuần trước, Mỹ thông báo sẽ sớm chuyển giao trực thăng Mi-17 do Nga chế tạo, 200 xe bọc thép M113 và 90 khẩu pháo cỡ nòng 155 mm cùng 40.000 quả đạn pháo, tất cả đều đủ tiêu chuẩn là vũ khí hạng nặng.
Theo Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu, vũ khí hạng nặng đề cập đến tất cả các loại xe tăng và xe bọc thép, cũng như tất cả các loại pháo cỡ nòng 100 mm trở lên. Máy bay chiến đấu và trực thăng chiến đấu cũng được xếp vào loại vũ khí hạng nặng.
Quân đội Đức đến giới hạn
Đức cho biết họ không thể gửi thêm viện trợ quân sự cho Ukraine, vì khi đó nước này sẽ không thể thực hiện các nghĩa vụ quốc gia và NATO. "Hiện tại, Chúng tôi phải thừa nhận rằng các lựa chọn mà chúng tôi có đang đạt đến giới hạn", ông Scholz nói.
Quân đội Đức cho biết họ cần vũ khí hạng nặng để đảm bảo khả năng phòng thủ quốc gia và của NATO, đặc biệt với xe chiến đấu bộ binh Marder hoặc pháo tự hành 2000, một loại pháo hạng nặng.
"Để đảm bảo khả năng hoạt động của quân đội, chúng tôi cần các hệ thống vũ khí như Marder", Phó Tổng Thanh tra Đức Markus Laubenthal nói với đài truyền hình công cộng ZDF hôm 20/4. Bình luận của ông Laubenthal được đưa ra nhằm đáp lại nhận xét của Đại sứ Ukraine tại Đức Andriy Melnyk, một trong những người chỉ trích gay gắt nhất cách tiếp cận của Berlin.
Ukraine không thể sử dụng ngay lập tức vũ khí hạng nặng của Đức
Lập luận của Chính phủ Đức là binh lính Ukraine chỉ có thể sử dụng vũ khí mà họ quen thuộc. Điều này còn liên quan đến đảm bảo hậu cần để có thể tiến hành sửa chữa với các phụ tùng thay thế tương ứng.
Giáo sư Masala cho rằng đây là một lý do hợp lệ. "Điều gì sẽ xảy ra nếu Marder gặp sự cố, trục trặc kỹ thuật? Ukraine không có phụ tùng thay thế. Họ cũng không có kỹ thuật viên có thể sửa chữa nó", ông Masaka nói.
Một câu hỏi đặt ra là liệu việc chuyển xe tăng cho Ukraine lúc này sẽ có hiệu quả hơn không và giải quyết vấn đề hậu cần sẽ như thế nào. Ông Masala lưu ý rằng đây có thể là một cái cớ để không gửi chúng, vì đó là một quyết định chính trị không gửi thiết giáp hạng nặng tới Ukraine.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: AP
Viện trợ tiền và những giải pháp linh hoạt
Thủ tướng Scholz cho biết Berlin đang giải ngân hơn 1 tỷ Euro để giúp Ukraine mua thiết bị quân sự từ Đức. Ông liệt kê các loại vũ khí chống tăng, thiết bị phòng không và đạn dược làm ví dụ, nhưng không đề cập đến các loại xe tăng và máy bay mà Ukraine đang yêu cầu.
Tờ Bild của Đức đưa tin, các công ty quốc phòng Đức ban đầu đề nghị cung cấp vũ khí hạng nặng như Marder, xe bọc thép Boxer, xe tăng Leopard 2 và pháo tự hành. Tuy nhiên, những mặt hàng đó dường như đã bị loại khỏi danh sách.
Giải pháp của Đức dường như là một kế hoạch bổ sung kho dự trữ vũ khí dự phòng của các nước đồng minh bằng các thiết bị hiện đại do Đức sản xuất. Khi nguồn dự trữ của Đức đang cạn kiệt, các nước NATO ở Đông Âu vẫn sở hữu vũ khí từ thời Liên Xô sẽ "cung cấp những vũ khí này, như đã xảy ra trong một số trường hợp", Wolfgang Richter, Đại tá đã nghỉ hưu và hiện đang là chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và An ninh của Đức, cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht hôm 21/4 đã xác nhận kế hoạch trao đổi với NATO và EU. Bà Lambrecht nói với đài truyền hình thương mại RTL/n-tv: "Chúng tôi đang trao đổi về viện trợ xe tăng, xe chiến đấu bộ binh mà từng quốc gia có và họ có thể bàn giao".
Một lựa chọn khác mà Chính phủ đang thực hiện là trao đổi với Slovenia. Đối tác này sẽ gửi một số xe tăng chiến đấu T-72 từ thời Liên Xô đến Ukraine; để bù đắp, Đức sau đó sẽ cung cấp Marder cho Slovenia.
Biện pháp tiếp theo được cho là đang được thảo luận với Hà Lan. Giáo sư Masala cho biết: "Hà Lan sẽ gửi pháo tự hành 2000, một loại vũ khí cực kỳ hiện đại của Đức, và Berlin sẽ cung cấp cho Ukraine đạn dược và huấn luyện, có thể là tại Đức".
Cách tiếp cận này có thể giảm bớt một số áp lực và giảm bớt những lời chỉ trích. Tuy nhiên, như ông Masala chỉ ra, điều này sẽ không tồn tại lâu. Ông nói: "Các đối tác Đông Âu của chúng tôi đang cạn kiệt vũ khí cũ thời Liên Xô. Những chiếc xe tăng do Liên Xô sản xuất ở Ba Lan, Slovakia hoặc Slovenia gửi tới sẽ bị phá hủy trong cuộc xung đột. Ukraine cũng sẽ cạn kiệt số vũ khí này. Đến một thời điểm nào đó, câu hỏi liệu có nên đào tạo và chuyển giao các hệ thống vũ khí hiện đại của phương Tây cho Ukraine hay không sẽ quay trở lại"
Chi tiêu quân sự toàn cầu cao kỉ lục, lần đầu vượt 2.000 tỉ USD/năm Chiêu tiêu quân sự toàn cầu lần đầu tiên vượt mức 2.000 tỉ USD. Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars RS-24 của Nga. Ảnh: AFP Báo cáo cập nhật do Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm (SIPRI) công bố cho thấy bất chấp tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 gây ra, các nước trên thế giới vẫn tăng chi...