Xung đột Mỹ – Iran: Cẩn trọng tác động bất ngờ đến Việt Nam
Tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Iran sẽ tạo ra nhiều yếu tố bất định tác động đến nền kinh tế Việt Nam, gây áp lực đến các mục tiêu vĩ mô
Giá vàng đã tăng vọt trong những ngày qua. Đỉnh điểm vào ngày 6-1, giá vàng trong nước tăng thêm cả triệu đồng/lượng cùng với nhịp tăng sốc của giá vàng thế giới. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới cũng tăng thêm 1% vào sáng cùng ngày sau khi đã tăng hơn 3% vào cuối tuần trước do căng thẳng tại khu vực Trung Đông với sự kiện Mỹ tấn công vào sân bay.
Hàng loạt nguyên nhân từ thế giới
Cuối ngày 6-1, giá vàng SJC tại TP HCM được các doanh nghiệp (DN) niêm yết mua vào 43,85 triệu đồng/lượng, bán ra 44,45 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng mỗi lượng so với hôm trước. Nếu tính từ đầu năm 2020 đến nay, giá vàng SJC đã tăng thêm gần 2 triệu đồng/lượng, sau khi chốt năm 2019 với mức tăng trên 6 triệu đồng/lượng.
Khách hàng giao dịch tại một tiệm vàng ở quận Bình Thạnh, TP HCM Ảnh Hoàng Triều
Giá vàng trong nước tăng mạnh chủ yếu do ảnh hưởng từ giá vàng thế giới, khi kim loại quý trên sàn quốc tế vừa mở cửa tuần giao dịch đã tăng hơn 24 USD/ounce (tương đương mức tăng 650.000 đồng/lượng). Tuy nhiên, giá vàng trong nước biến động nhanh hơn thế giới khiến khoảng cách chênh lệch bị đảo ngược. Hiện giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới khoảng 300.000 đồng/lượng, thay vì thường xuyên ở mức thấp hơn giá thế giới như những ngày trước. Phân tích về biến động mạnh của giá vàng những ngày qua, ông Trần Thanh Hải, chuyên gia vàng, cho biết từ ngày 3 đến 6-1, giá vàng thế giới tăng gần 200 USD/ounce đẩy giá vàng trong nước từ mức khoảng 41 triệu đồng/lượng, có thời điểm lên tới 44,6 triệu đồng/lượng (trong sáng 6-1). Giá vàng trong nước thậm chí còn đang bỏ xa giá vàng thế giới. Nguyên nhân của đợt biến động này xuất phát từ tình hình căng thẳng địa chính trị giữa Mỹ – Iran, đây là nguyên cớ trực tiếp ảnh hưởng tới giá vàng thế giới và giá dầu – hiện đang tiệm cận mức 70 USD/thùng.
“Hiện chưa ai lường trước được những kịch bản ở Trung Đông sẽ diễn biến như thế nào? Giá vàng thế giới có thể được đẩy lên mức 1.600 USD/ounce, tiệm cận 1.700 USD/ounce hoặc chỉ lên tới mức kháng cự 1.580 – 1.590 USD/ounce hay dao động quanh ngưỡng 1.500 USD? Những yếu tố bất ngờ ngay đầu năm mới đã lộ rõ, cộng thêm tình hình ở bán đảo Triều Tiên có thể làm đồng USD suy yếu và giá vàng thế giới tăng cao. Giá vàng trong nước từ đó, có thể vượt mốc 45 triệu đồng/lượng” – ông Hải phân tích.
Năm 2019, giá vàng thế giới đã tăng hơn 18% và trở thành một trong những tài sản trú ẩn an toàn của nhà đầu tư. Theo giới phân tích, một trong những yếu tố tác động đến giá vàng trong thời gian tới liên quan đến thị trường chứng khoán quốc tế. Theo đó, năm 2019 đã chứng kiến sự trỗi dậy kịch tính của thị trường chứng khoán Mỹ khi chỉ số Nasdaq vượt 9.000 điểm, chỉ số Down Jones vượt 28.300 điểm – một con số vượt mọi thời đại. Do đó, có xu hướng nhà đầu tư sẽ chuyển đầu tư từ thị trường chứng khoán sang thị trường vàng sau khi chốt lời, từ đó làm giá vàng thế giới sẽ đi lên trong năm 2020.
Ngoài ra, nhu cầu vàng vật chất của các nước Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam gia tăng dịp cuối năm cũng là yếu tố góp phần đẩy giá vàng tăng cao.
Video đang HOT
Trước xu hướng biến động mạnh của giá vàng, ông Trần Thanh Hải cho rằng nếu giá vàng chỉ tăng 2-3 triệu đồng/lượng, người dân sẽ đứng ngoài thị trường nhưng nếu giá vàng tăng sốc 4-5 triệu đồng/lượng chỉ trong thời gian ngắn sẽ thu hút nhà đầu tư tham gia. “Đầu tiên là các DN vàng. Và hiện tượng găm giữ vàng đã diễn ra khi DN đẩy giá bán vàng SJC cao hơn thế giới nhằm hạn chế người mua, khiến giá vàng SJC đã cao hơn thế giới khoảng 300.000 đồng/lượng. Từ đó, sẽ tác động trực tiếp tới tâm lý người dân, khi giá vàng trong nước đã tăng hơn 16% vào năm ngoái và tiếp tục tăng mạnh những ngày đầu năm khiến kênh đầu tư này trở nên “lấp lánh” hơn” – ông Hải nhận xét.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết trước tình hình biến động mạnh của giá vàng, Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát biến động của thị trường để ứng phó. Dù vậy, thị trường vàng chủ yếu biến động về giá, lượng giao dịch trong những ngày qua không tăng đột biến.
Khó lường giá dầu
Giá dầu WTI cũng đạt mức 63,9 USD/thùng và giá dầu Brent tiệm cận mốc 70 USD/thùng. Giới chuyên gia đánh giá diễn biến căng thẳng giữa Mỹ và Iran là hết sức đáng lo ngại. Tác động từ leo thang căng thẳng đến kinh tế thế giới được dự đoán sẽ nặng nề bởi bên cạnh giá vàng, nhiều lĩnh vực khác cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là giá dầu và nguy cơ chao đảo hệ thống tài chính.
Theo một chuyên gia, nếu diễn biến giữa hai nước căng thăẳng và phức tạp hơn, các cơ quan quản lý Việt Nam phải theo dõi chặt chẽ biến động trên thị trường để có những điều chỉnh thích hợp, tránh bị động trong mọi tình huống. Tác động từ căng thẳng không chỉ ở vòng ngoài là giá dầu mà còn ảnh hưởng đến hàng loạt sản phẩm khác như phân bón, sản phẩm của ngành năng lượng, thậm chí cả tiền tệ và tỉ giá. Cơ quan có nhiệm vụ quan trọng trong việc theo dõi và tham mưu ứng phó kịp thời chính là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước.
Ở tầm vĩ mô, chuyên gia này nhìn nhận căng thẳng tại Trung Đông không ảnh hưởng trực tiếp đến những thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, nên nhiều khả năng mục tiêu xuất khẩu trong năm 2020 sẽ hoàn thành. Như vậy, việc phải điều chỉnh các chỉ tiêu vĩ mô có thể chưa cần nghĩ đến bởi xuất khẩu là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế vẫn có khả năng giữ được phong độ ổn định. Tuy nhiên, trong bối cảnh leo thang căng thẳng, Việt Nam cũng phải chuẩn bị tinh thần trước nguy cơ đường vận tải qua Trung Đông bị đình trệ, giao thương với khu vực này và qua khu vực này đến các thị trường khác cũng bị ảnh hưởng.
Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, giá dầu tăng 3% – 4% trong những ngày qua chưa thể coi là mức tăng sốc bởi hoàn toàn nằm trong dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, vấn đề là chưa thể xác định được mức độ leo thang căng thẳng sẽ đến đâu. Do đó, sẽ có nhiều yếu tố bất định, khó lường ảnh hưởng xấu đến kinh tế Việt Nam. “Giá dầu bị tác động đầu tiên và trực tiếp nhưng cũng rất khó đoán diễn biến tiếp theo. Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường đang diễn biến theo chiều hướng xấu và với một quốc gia có độ mở cửa nền kinh tế lớn như Việt Nam thì tác động lại càng lớn. Tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu, đầu tư và kinh tế chung của thế giới. Khi tăng trưởng của thế giới đang giảm tốc, cộng với tác động từ những bất ổn chính trị, rõ ràng nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì các mục tiêu tăng trưởng, lạm phát sẽ là áp lực nặng nề với Chính phủ” – TS Võ Trí Thành nhận xét.
Giá dầu, giá vàng lập đỉnh mới
Căng thẳng Trung Đông đã thúc đẩy giá vàng đạt đỉnh trong vòng 7 năm qua và giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.
Theo hãng tin Reuters hôm 6-1, giá vàng giao ngay đã tăng lên 1,6%, đạt mức hơn 1.579 USD/ounce, cao nhất kể từ tháng 4-2013. Trong khi đó, lo ngại nguy cơ xảy ra xung đột ở Trung Đông có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu cũng đã khiến giá dầu tăng đáng kể. Giá dầu Brent tăng 2,04%, lên 70 USD/thùng trong khi giá dầu thô Mỹ tăng 1,7%, lên 64,12 USD/thùng. Tuy nhiên, dự báo của Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) cùng ngày cho rằng giá dầu thô Brent, vốn đã tăng khoảng 6% kể từ sau cuộc không kích của Mỹ tiêu diệt Thiếu tướng Iran Qassem Soleimani, có khả năng giảm trong những tuần tới nếu không có gián đoạn nguồn cung lớn nào. Theo Goldman Sachs, cuộc tấn công vào các cơ sở sản xuất dầu quan trọng ở Ả Rập Saudi hồi tháng 9-2019 cho thấy thị trường có sự linh hoạt đáng kể về nguồn cung. Thời điểm đó, chỉ có một đợt tăng giá vừa phải ngay cả khi một cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở dầu thật sự xảy ra.
Vàng vẫn luôn là kênh đầu tư an toàn hơn dầu trong những rủi ro địa chính trị. Lịch sử cho thấy trong bất kỳ trường hợp nào, kim loại quý này đều có khả năng vượt mức hiện tại. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá vàng thế giới có thể đạt mức 1.600 USD/ounce. Ông Shane Oliver, nhà kinh tế trưởng tại Công ty Đầu tư AMP Capital (Úc), nhận định: “Rủi ro leo thang căng thẳng có thể thấy rõ – nhất là sau cuộc tấn công trực tiếp nhằm vào Iran, mối đe dọa trả đũa Mỹ và đường lối cứng rắn của Tổng thống Donald Trump – khiến giá dầu có khả năng tăng cao hơn nữa. Lịch sử giao dịch cho thấy trong trường hợp giá dầu tăng gấp đôi sẽ đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu nhưng hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu như thế”. Trong khi đó, ông Mark Haefele, Giám đốc phụ trách đầu tư tại UBS Global Wealth, nhận định các sự kiện địa chính trị về bản chất là không thể dự đoán được nhưng những giai đoạn căng thẳng leo thang trước đây cho thấy các thị trường rộng lớn có xu hướng bị ảnh hưởng trong thời gian ngắn hơn so với nền kinh tế địa phương .
X.Mai
Theo nld.vn
"Hung tin" đầu năm thổi bay "tiền tấn" của các đại gia Việt
Căng thẳng giữa hai nước Mỹ- Iran đã làm nhà đầu tư toàn cầu lo ngại về chiến tranh có thể xảy ra. Chứng khoán Việt Nam theo đó cũng giảm rất mạnh vào hôm qua và khiến tài sản nhiều đại gia Việt bị hao hụt lớn.
Áp lực bán mạnh trong phiên chiều đã khiến thị trường rơi mạnh trong phiên 6/1/2020. VN-Index đóng cửa tại 955,79 điểm, ghi nhận mất 9,35 điểm tương ứng 0,97% và HNX-Index cũng mất 1,16 điểm tương ứng 1,13% còn 101,23 điểm. UPCoM-Index mất 0,77 điểm tương ứng 1,36% còn 55,88 điểm.
Thanh khoản đạt 187,2 triệu cổ phiếu tương ứng 3.416,8 tỷ đồng trên HSX và 24,49 triệu cổ phiếu tương ứng 283,27 tỷ đồng trên HNX. Con số này trên thị trường UPCoM là 9,29 triệu cổ phiếu tương ứng 111,31 tỷ đồng. Nhìn chung, nhịp độ giao dịch của thị trường vẫn khá nhàm chán vào giai đoạn cận Tết nguyên đán.
Không chỉ thị trường Việt Nam mà các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng diễn biến tiêu cực do lo ngại chiến tranh xảy ra tại Trung Đông
Toàn thị trường bao trùm trong sắc đỏ. Thống kê cho thấy, số lượng mã giảm giá áp đảo hoàn toàn so với số mã tăng. Có 409 mã giảm, 36 mã giảm sàn so với 199 mã tăng và 39 mã tăng trần.
Thêm vào đó, VN-Index còn chịu sức ép lớn do các cổ phiếu lớn giảm giá mạnh. VHM mất 1.800 đồng, VJC mất 2.000 đồng, VCB mất 2.400 đồng, VNM mất 900 đồng, MSN mất 900 đồng và VIC mất 800 đồng.
ROS giảm sàn, mất thêm 1.050 đồng xuống còn 14.100 đồng/cổ phiếu. Cuối phiên mã này không có dư mua trong khi vẫn dư bán sàn hơn 193 nghìn đơn vị, khớp lệnh đạt hơn 7,52 triệu cổ phiếu.
Theo đó, chỉ riêng VCB đã lấy đi của VN-Index 2,59 điểm. Thiệt hại do VHM là 1,75 điểm; do BID là 1,05 điểm; do VIC là 0,78 điểm. VRE, TCB, VNM, VPB, VJC, MSN đều có ảnh hưởng xấu.
Với diễn biến bất lợi của thị trường hôm qua, tài sản nhiều đại gia trên thị trường chứng khoán bị ảnh hưởng mạnh.
Cụ thể, người giàu nhất thị trường là ông Phạm Nhật Vượng bị "hao hụt" khoảng 1.667 tỷ đồng; tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng giảm 404 tỷ đồng; tài sản của ông Hồ Hùng Anh giảm khoảng 223 tỷ đồng và tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang cũng sụt khoảng 173 tỷ đồng... Riêng ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục giảm thêm 305 tỷ đồng trong khối tài sản trên sàn.
Các chỉ số trên thị trường phiên hôm qua giảm điểm mạnh bất chấp những nỗ lực cản đà rơi của nhóm cổ phiếu dầu khí. GAS đi ngược thị trường, tăng 3.000 đồng, đóng góp 1,67 điểm cho VN-Index. PLX, BSR, PVS, VPI, PVD, PVT, PGS, PXL, PVX, PVB, POS đều tăng giá.
Về triển vọng thị trường nói chung, theo nhận định của chuyên gia VDSC, với các sự kiện căng thẳng giữa hai nước Mỹ- Iran làm nhà đầu tư toàn cầu lo ngại về chiến tranh có thể xảy ra và có động thái không mấy sáng sủa. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng không thể ngoại lệ khi đã hòa nhập cùng thế giới.
Do đó, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư chưa nên tham gia vào thị trường trong lúc này, dễ phát sinh rủi ro cao và không thể lường trước được các diễn biến phức tạp trên toàn cầu.
Chuyên gia từ BVSC thì đưa ra dự báo, VN-Index sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 953 điểm trong phiên hôm nay 7/1. Tại đây, BVSC kỳ vọng chỉ số sẽ cho phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại.
Tuy nhiên, trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ trên trên bị xuyên thủng, thị trường có thể sẽ giảm về kiểm định vùng hỗ trợ quanh 946 điểm một lần nữa.
Về mặt xu hướng của thị trường trong ngắn hạn, chỉ số đang hình thành nhịp dao động điều chỉnh thứ hai trong kênh giá đi ngang được giới hạn bởi cận dưới 946 và cận trên 972 điểm. Thị trường dự kiến sẽ tiếp tục dao động trong kênh giá này trong những tuần còn lại của tháng 1/2020.
Theo Dân trí
Giá vàng hôm nay 6/1: Trung Đông "nóng ran", giá vàng tiếp đà đại nhảy vọt Căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã đẩy giá vàng hôm nay tăng không ngừng, vượt lên ngưỡng 1.570 USD/Ounce. Ảnh minh hoạ Ghi nhận của Petrotimes, tính đến đầu giờ sáng ngày 6/1, theo giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay đứng ở mức 1.567,51 USD/Ounce. Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 3/2020 ghi nhận trên sàn...