Xúc động quà Tết của SV trường ĐH Mỏ – Địa chất tặng hơn 1.000 HS nghèo vùng cao
Đoàn Thanh niên Trường Đại học Mỏ – Địa chất cùng các đơn vị đồng hành tổ chức chuyến đi đến với Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên và xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa để trao tặng nhà ở bán trú và quà Tết tới hơn 1.000 học sinh nghèo.
Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
Xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên nằm cách trung tâm huyện 49km, là một trong những xã nghèo thuộc vùng 135, hưởng Chương trìnrh 30a của Chính Phủ với 3 dân tộc Mông, Thái, Lào cùng sinh sống.
Nơi đây người dân chủ yếu sống phụ thuộc vào nương rẫy, kinh tế nghèo nàn, đường giao thông đi lại rất khó khăn nhất là về mùa mưa. Mỗi khi mùa đông đến, các em nhỏ thường phải nghỉ học do thời tiết quá lạnh, rất nhiều em bị mắc những bệnh về hô hấp và khớp do không được giữ ấm đầy đủ trong mùa đông.
Đa số các lớp học và nhà ở bán trú tại các điểm lẻ củaTrường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình còn dựng bằng tre, gỗ tạm bợ, các em học sinh không có chỗ để học mỗi khi mưa xuống hoặc khi thời tiết quá lạnh.
Biết được điều này, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Mỏ – Địa chất đã phát động chương trình tình nguyện “Áo ấm mùa đông năm 2018″ trong toàn trường để góp phần sẻ chia và đem đến một mùa đông ấm áp hơn cho các em nhỏ và người dân ở đây.
Đường đến trường của học sinh Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên
Ngày 19/01/2018, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Mỏ – Địa chất đã tổ chức chuyến đi đến với xã Tìa Dình – xã nghèo và xa nhất của huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
Vượt qua quãng đường gần 700km từ Hà Nội lên Điện Biên và 25km đường hoàn toàn bằng đất trơn trượt với rất nhiều đèo, dốc cheo leo, hiểm trở Đoàn Thanh niên Trường Đại học Mỏ – Địa chất và các đơn vị đồng hành đã mang đến và trao tặng cho các em học sinh củaTrường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình 470 chiếc áo rét mới, 65 chăn ấm, 470 đôi tất, 470 đôi dép mới, 4000 quyển vở, 2 máy lọc nước, 2 bình nóng lạnh, 1 tivi cùng nhiều phần quà bánh kẹo cho các em với tổng trị giá gần 250 triệu đồng.
Món quà đặc biệt nhất mà Đoàn Thanh niên Trường cùng các nhà tài trợ trong chương trình Áo ấm mùa đông 2018 gửi tặng các em đó là đã xây dựng được 1 nhà ở bán trú, 1 khu sân khấu tại Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình.
Căn nhà ở bán trú này sẽ giúp Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình đón các em nhỏ ở các Điểm trường nhỏ lẻ về học tập tại Trường, các em sẽ không còn phải học ở các căn nhà tạm bợ bằng tre nứa nữa tạo điều kiện cho các em được vui chơi, học tập và phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần; góp phần từng bước xóa đi sự cách biệt giữa miền xuôi – miền ngược và chắp cánh cho những ước mơ, hoài bão của các em.
Thầy Ngô Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú Tiểu học Tìa Dình xúc động tâm sự: “Căn nhà ở bán trú là một món quà lớn và đầy ý nghĩa với các em học sinh cũng như Nhà trường. Chúng tôi luôn trăn trở âu lo là làm thế nào cho các em có chỗ tá túc an toàn tại trường để lên lớp mỗi khi mùa mưa bão đến hoặc bố trí cho các em ở quá xa trường, đi lại khó khăn thì từ bây giờ các em học sinh ở xa được lưu trú tại trường nay đã thành sự thật.
Thay mặt các Thầy cô giáo cũng như các em học sinh của trường, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm của Trường Đại học Mỏ – Địa chất và các nhà tài trợ đã ủng hộ, giúp đỡ cho các em học sinh có một căn nhà khang trang sạch đẹp. Đâycũng là một nguồn động viên to lớn giúp cho các thầy cô giáo, các em học sinh trường chúng tôi dạy và học ngày càng tốt hơn “.
Ngày 25/01/2019, Đoàn Thanh niên Trường Đại học Mỏ – Địa chất vừa tổ chức chuyến đi đến với xã Mường Lý – xã nghèo nhất của huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa để trao tặng quà tết tới 765 học sinh nghèo.
Mường Lý là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn thuộc huyện Mường Lát nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây có đường biên giới giáp tỉnh Hủa Phăn của nước bạn Lào. Lối vào trung tâm xã là con đường ngoằn nghèo chạy men theo các sườn núi bên triền sông Mã. Một số đoạn đường vào xã vẫn còn dấu hiệu bị sạt lở lớn bởi cơn bão số 4 năm 2018.
Hầu hết người dân nơi đây đều sống trên các ngọn núi cao, địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, thiếu đất, thiếu nước sản xuất cộng thêm thường xuyên phải hứng chịu những đợt bão lũ nên cái nghèo cái đói cứ quẩn quanh.
Khi mùa đông mang cái rét bao phủ khắp miền Bắc thì các em học sinh nơi đây vẫn phải vượt qua hàng chục ngọn núi, con khe, đầu trần chân đất khoác trên mình tấm áo cũ mỏng manh đến trường. Với các em có được chiếc áo ấm mới là cả một niềm ao ước nhất là khi Tết đang đến gần.
Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của các em, Đoàn Thanh niên Trường ĐH Mỏ – Địa chất đã phát động chương trình tình nguyện “Áo ấm mùa đông năm 2019″ nhằm góp phần sẻ chia và đem đến một mùa đông ấm áp hơn cho các em nhỏ và người dân ở đây.
Với các em có được chiếc áo ấm mới là cả một niềm ao ước nhất là khi Tết đang đến gần.
Vượt qua khoảng cách hơn 300 km với rất nhiều đèo, dốc cheo leo, hiểm trở, Đoàn Trường Đại học Mỏ – Địa chất đã mang đến và trao tặng cho các em học sinh của Trường Mầm non và Trường Tiểu học và THCS Mường Lý 765 chiếc áo rét mới, 3.500 quyển vở, bút, mũ len, chăn ấm, 3 máy lọc nước, 5 tivi mới cùng nhiều phần quà bánh kẹo.
PGS.TS Triệu Hùng Trường, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Mỏ Địa chất cùng các nhà tài trợ cắt băng khánh thành khu sân trường Cấp 2 Mường Lý.
Đoàn tình nguyện của trường ĐH Mỏ Địa chất
Món quà đặc biệt nhất mà Đoàn Thanh niên Trường cùng các nhà tài trợ trong chương trình “Áo ấm mùa đông” 2019 gửi tặng các em đó là toàn bộ 360m khu sân trường THCS Mường Lý đã đổ bê tông sạch đẹp thay bằng nền đất để các em có chỗ vui chơi được hoàn thành với số tiền gần 60 triệu đồng từ các nhà hảo tâm.
Nhật Hồng
Theo Dân trí
Xót xa hình ảnh học sinh mầm non ở vùng cao đốt lửa ngồi học cho đỡ rét
Chúng tôi có cảm giác nghèn nghẹn khi chứng kiến hình ảnh các em học sinh mầm non đang ngồi quây quần bên đống củi được cô giáo đốt lên trong giờ học để sưởi ấm. Ngồi trong phòng học mà cảm giác rét buốt không khác gì ngoài trời, vì gió lạnh lùa qua cửa, qua vách tường chỉ được che chắn tạm bằng tranh tre nứa lá.
Điểm trường "lộng gió" Huổi Dên, Trường PTDTBT TJ và THCS Nà Ớt, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
Đốt lửa trong giờ học để bớt rét
Hình ảnh của các em học sinh ngồi quây quần bên đống lửa trong giờ học để sưởi ấm là ở điểm trường Púng Khoai, thuộc Trường mầm non Bình Minh, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Các em học sinh ở điểm trường Púng Khoai, Trường mầm non Bình Minh, thuộc xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La phải đốt lửa trong giờ học để bớt rét
Đây là điểm trường đang học nhờ ở nhà văn hóa của bản, với 20 em học sinh người dân tộc Mông và 100% các em đều thuộc hộ nghèo.
Cũng cách điểm trường Púng Khoai ít cây số, tình cảnh của các em học sinh điểm trường Nặm Ún cũng không khá gì hơn, thậm chí còn tồi tàn hơn rất nhiều.
Điểm trường Nặm Ún, thuộc Trường mầm non Bình Minh được lợp tạm bằng tranh tre nứa lá
Mái và các vách tường phải quây thêm bạt để chống dột, chống gió lùa
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thanh Hà, giáo viên được phân công phụ trách điểm trường Nặm Ún cho biết, điểm trường Nặm Ún đã có tuổi đời hơn 20 năm, chỉ rộng 25m2, được thưng tạm bằng tranh tre nứa lá, mái lợp bờ rô xi măng, nền đất. Để tránh mưa dột và gió lùa, các cô giáo phải lót thêm một lớp bạt trên mái và các vách để che chắn, nhưng dường như không ăn thua.
"Mấy hôm nay nhiệt độ xuống thấp quá, cô và trò chúng em ngồi trong phòng vẫn rét run, nên nhiều khi phải đốt thêm củi để sưởi ấm, các em học sinh ở đây đều là hộ nghèo nên áo quần không đủ ấm, giày tất lại càng không có, thương lắm", cô Hà chia sẻ.
Cũng theo cô Hà cho biết, tổng số học sinh của điểm trường Nặm Ún gồm 32 em học sinh (gồm 8 em 3 tuổi, 10 em học sinh 4 tuổi và 14 em học sinh 5 tuổi), trong đó 17 em học sinh thuộc hộ nghèo. Tất cả các em đều là người dân tộc Thái. "Mong ước của cô và trò là có phòng học chắc chắn hơn, không phải chịu cảnh rét buốt khi trời chuyển lạnh, nắng hanh khô vào mùa hè", cô Hà nói.
Lớp học được dựng tạm bằng cột gỗ, vách làm bằng tre
Lớp học có tuổi đời hơn 20 năm
Xung quanh đều được quây bạt chắn gió, che mưa, che nắng
Bữa ăn đơn sơ gồm cơm trắng, cá khô của các em học sinh mầm non
Trao đổi với PV Dân trí, cô Khuất Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh chia sẻ với chúng tôi một thông tin khá "sốc": "Trường mầm non Bình Minh của chúng tôi có đến... 27 điểm trường với tổng số 568 học sinh, và đều trong tình trạng khó khăn như điểm Púng Khoai, điểm Nặm Ún. Như điểm Nặm Ún là còn có phòng học, dù nó chỉ được làm tạm bằng tranh tre nứa lá, còn nhiều điểm khác như Kéo Pó, Huổi Pù còn không có cả phòng học mà phải đi học nhờ ở nhà văn hóa của thôn bản. Ở điểm trường nào chúng tôi cũng mong mỏi có một phòng học, dù chỉ là lắp ghép thôi, thì cũng sẽ giúp cô và trò thuận lợi hơn trong việc dạy và học ở vùng sâu vùng xa như Chiềng Đông".
Đây chính là "nhà vệ sinh" của các em mầm non điểm trường Nặm Ún
Toàn cảnh điểm trường Nặm Ún, Trường mầm non Bình Minh
Lớp học giữa bốn bề gió lộng
Rời xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, chúng tôi lại có dịp chứng kiến cảnh thầy và trò học trong... "chuồng bò" ở điểm trường Huổi Dên, thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Nà Ớt, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Chúng tôi gọi là "chuồng bò", vì quả thực nếu không có thầy giáo và học sinh đang ngồi học thì không ai có thể nghĩ đây là lớp học của các em học sinh tiểu học.
Điểm trường Huổi Dên, thuộc Trường PTDTBT TH và THCS Nà Ớt, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La với lồng lồng gió rét
Nếu không có thầy giáo và học sinh đang dạy và học, nhiều người lầm tưởng đây là "chuồng bò" hơn là lớp học
Lớp học được lợp bằng mái bờ rô xi măng, nền đất, nhưng đặc biệt là vách tường chỉ cao hơn 1m. Ngồi trong phòng học có thể nhìn "mênh mông" ra bên ngoài bởi bốn bề đều thoáng đãng. Lớp học trông càng đối nghịch với phòng học của lớp mầm non bên cạnh, nơi vừa được đầu tư xây dựng khang trang vào năm trước.
Cũng vì không được che chắn, nên thầy và trò ngồi học trong lớp trong cái lạnh tê tái, rét mướt khiến ai ai cũng xót thương.
Sự đối nghịch của điểm trường Huổi Dên dành cho bậc tiểu học và lớp mầm non Huổi Dên đã được nhà nước đầu tư
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Trung Huấn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH và THCS Nà Ớt cho biết, sau khi sát nhập giữa cấp tiểu học và THCS, thì Trường PTDTBT Nà Ớt có hơn 10 điểm trường, nhưng hiện tại chỉ có 2 điểm trường đang là nhà tạm là điểm Trạm Cọ và điểm Huổi Dên.
"Cái khó là điểm trường Huổi Dên chỉ có khoảng 10 học sinh, nếu xây dựng 1 phòng học đủ chuẩn thì hơi lãng phí vì học sinh ít quá, nên chúng tôi đang vận động bà con cho học sinh ra điểm trung tâm và ở lại bán trú. Việc này vừa thuận lợi cho thầy cô giáo không phải "cắm bản" dạy học, vừa giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn ở điểm chính so với phải học ở điểm lẻ. Tuy nhiên, nhà trường đang hơi quá tải số lượng học sinh bán trú ở khu trung tâm", thầy Huấn trần tình.
Thầy Huấn cho biết, hiện tại điểm trường trung tâm đang có 2 khu bán trú, gồm khu bán trú cho học sinh THCS với 16 phòng, sức chứa hơn 250 em học sinh và 2 căn nhà (không phân ra phòng riêng - PV) dành cho học sinh tiểu học với sức chứa hiện tại hơn 200 em học sinh. "Hiện tại mỗi giường tầng chúng tôi bố trí 4 em học sinh ở nên việc nhận thêm học sinh bán trú là cực kỳ khó khăn. Vừa khó khăn trong sinh hoạt, học tập lại vừa khó khăn trong cả nấu ăn, tắm rửa giặt giũ cho các em", thầy Huấn nói.
Ông Phạm Văn Khanh, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, theo thống kê hiện tại ở huyện Mai Sơn còn khoảng 142 phòng học tạm là nhà cấp 4 hoặc tranh tre nứa lá, chủ yếu là ở bậc mầm non và tiểu học. "Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng 100% kiên cố hóa trường học, tuy nhiên còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí của cấp trên phân bổ, đặc biệt là nguồn trái phiếu Chính phủ. Giai đoạn 2016 - 2018, huyện đã thực hiện kiên cố hóa được 99 phòng học trên địa bàn, với mức đầu tư trung bình 500 triệu đồng / phòng học. Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi cũng cố gắng kêu gọi xã hội hóa từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ cho huyện nhà", ông Phạm Văn Khanh chia sẻ.
Theo Dân trí
Bộ GD&ĐT thừa nhận giáo dục đạo đức lối sống của học sinh còn hạn chế Thông tin này vừa được đưa ra tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020", do Bộ GD tổ chức sáng nay (27/12). Theo Thứ trưởng...