Xúc động lời thầy giáo nhắn học trò sau lũ
Cơn lũ lịch sử tháng 10 vừa qua đã gây tổn hại nặng nề cho đồng bào các tỉnh miền Trung.
Trường THPT Quảng Ninh, Quảng Bình trong trận lũ ngày 9/10.
Các thầy cô giáo ở các vùng đã nỗ lực giúp đỡ đồng bào, trực tiếp đi cứu trợ từng suất ăn, nước uống tới bà con vùng ngập trong những ngày mưa lũ. Và sau những ngày nước dâng nguy hiểm phải nghỉ học, ngày mai học sinh lại quay trở lại trường để tiếp tục học tập. Thấu hiểu những khó khăn của học trò, thầy Hà Văn Quý – giáo viên Trường THPT Quảng Ninh – Quảng Bình đã viết những lời nhắn gửi tới các em với lòng cảm thông và tình yêu thương sâu sắc.
Lòng cảm thông và tình yêu thương
Trong thư thầy Hà Văn Quý viết: ” Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc đồng phục, không nhất thiết phải áo trắng, áo dài và nếu có ố vàng một chút cũng không sao, đừng quá tự ti, đừng quá lo lắng, miễn là áo quần đủ khô, đủ ấm em nhé!
Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc dép có quai hậu (như quy định của Đoàn trường), chỉ cần có cái để xỏ vào chân, bùn lấm một tí cũng được, sứt mẻ một tí cũng được, miễn là đủ để ngăn rác bẩn hay cây gai đâm vào chân, em nhé!”.
Từng lời dặn bình dị, chất phác từ tấm lòng của thầy trăn trở vì HS, dành tất cả tình yêu thương cho học trò thân yêu như người mẹ lo cho con. Một người thầy – nhà quản lý lãnh đạo rất thấu hiểu, cảm thông và gần gũi với học trò. Lời thầy dặn cũng là gợi mở, chỉ lối cho các thầy cô và các em vùng lũ để tự tin đến lớp, như tiếp thêm sức mạnh cho các em vượt qua những khó khăn của vùng rốn lũ. Bởi những khó khăn này chỉ là những thử thách là hành trang để các em bước vào tương lai.
Thầy còn dùng những từ ngữ của lứa tuổi teen của học trò: “Ngày mai đi học, các em nhớ dậy sớm một tí, đề phòng chiếc xe yêu thích ngày nào bỗng dưng “dở chứng”, mình có thể làm một cuốc “bộ hành” giữa trời thu xanh mát, hoặc có thể ra đường ngóng chúng bạn “hốt-dùm-tui-đi”, và nếu trễ một chút cũng không sao, miễn là đi đủ chậm và an toàn, thấy ai trách thì nhớ mỉm cười và cúi đầu xin được thông cảm, em nhé!”.
Học trò chắc hẳn sẽ vô cùng yêu thích khi có thầy giáo vừa tâm lý vừa “Cute” như thế!
Ấm lòng sau cơn lũ
Các GV và HS đều cảm thấy ấm lòng và còn thốt lên: “Quả thật tuyệt vời, khi có thầy giáo hiệu trưởng tận tâm vậy!”. Dù không phải học trò của thầy nhưng khi đọc những lời dặn dò ấm áp, chân tình của thầy, ai cũng rất cảm động bởi trong đó chứa đựng tình cảm nhẹ nhàng mà sâu lắng, bài học đầu tiên đó là tình người, chia sẻ, yêu thương, biết ơn…
Video đang HOT
“Ngày mai đi học, nếu chưa có đủ sách vở hoặc bút viết, xin các em đừng quá lo lắng, thầy cô còn có nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái … Ngày mai đi học, khoan hãy học bài cũ, các em có thể dành thời gian hỏi han bạn bè, thầy cô sau đợt lụt vừa rồi, và nhớ đừng chê cười nếu như #crush của mình mặc đồ không được đẹp, đi dép không được “mốt”…
Thầy mong các em biết trân quý những đồ dùng mà mình nhận được, nếu có hơi cũ, hơi rách tí thì cũng mong các em hiểu, đó không chỉ là cuốn vở, tấm áo mà còn cả tấm lòng tương thân tương ái của các bác, các o, các chú, các anh chị em và đặc biệt từ các bạn HS cùng trang lứa từ mọi miền khắp cả nước, các bạn HS ấy, dù còn nhiều nghèo khó nhưng vẫn đóng góp ủng hộ một vài cuốn vở hay 10k, 20k… Họ đã dành cho đồng bào miền Trung nói chung và trường chúng ta không chỉ tiền của, sức lực, thời gian, không chỉ sự cho – nhận thông thường, mà còn cả tấm lòng yêu thương đến nghẹn lòng, em ạ!”.
Đọc bài viết của thầy các em như lớn lên, tiếp tục cùng nhau lan tỏa tình yêu thương. Đây không chỉ là lời dặn của người thầy đối với HS mà đó còn là lời nhắn nhủ với bao người về đạo lý làm người rất sâu sắc.
Lan tỏa tình yêu thương
Toàn bộ bài viết của thầy Hà Văn Quý gửi học trò:
“Thân gửi các em học sinh!
Vậy là nước lũ đã rút, nhiều gia đình đang cố gắng dọn dẹp nhà cửa, đồ đạc, và thầy biết nhiều em cũng đang sắp xếp áo quần, sách vở – dù không còn nhiều để xếp – chuẩn bị ngày mai đi học trở lại.
Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc đồng phục, không nhất thiết phải áo trắng, áo dài và nếu có ố vàng một chút cũng không sao, đừng quá tự ti, đừng quá lo lắng, miễn là áo quần đủ khô, đủ ấm em nhé!
Ngày mai đi học, các em không nhất thiết phải mặc dép có quai hậu (như quy định của Đoàn trường), chỉ cần có cái để xỏ vào chân, bùn lấm một tí cũng được, sứt mẻ một tí cũng được, miễn là đủ để ngăn rác bẩn hay cây gai đâm vào chân, em nhé!
Ngày mai đi học, các em nhớ dậy sớm một tí, đề phòng chiếc xe yêu thích ngày nào bỗng dưng “dở chứng”, mình có thể làm một cuốc “bộ hành” giữa trời thu xanh mát, hoặc có thể ra đường ngóng chúng bạn “hốt-dùm-tui-đi” và nếu trễ một chút cũng không sao, miễn là đi đủ chậm và an toàn, thấy ai trách thì nhớ mỉm cười và cúi đầu xin được thông cảm, em nhé!
Ngày mai đi học, nếu chưa có đủ sách vở hoặc bút viết, xin các em đừng quá lo lắng, thầy cô còn có nhiều bài học làm người, bài học cho tinh thần tương thân tương ái, bài học về giá trị cốt lõi của học trò trường Quảng Ninh mà đôi khi các em chỉ cần dùng trái tim để “learn by heart” mà không phải ghi chép gì nhiều, em nhé!
Ngày mai đi học, nếu cũng không còn cặp sách để đựng đồ cũng không sao, các em có thể bỏ tất cả vào một bao ni lông, cột thật chặt, và nhớ ghi rõ tên và trường để bà con gửi trả về nếu lỡ nước có cuốn trôi, em nhé!
Ngày mai đi học, khoan hãy học bài cũ, các em có thể dành thời gian hỏi han bạn bè, thầy cô sau đợt lụt vừa rồi, và nhớ đừng chê cười nếu như #crush của mình mặc đồ không được đẹp, đi dép không được “mốt” hay thấy một bao ni lông lăn lốc trong góc bàn cuối lớp, em nhé!
Ngày mai và nhiều ngày tới nữa, các nhà hảo tâm cũng sẽ đến với các em (như họ đã “hứa” với thầy cô), thầy mong các em biết trân quý những đồ dùng mà mình nhận được, nếu có hơi cũ, hơi rách tí thì cũng mong các em hiểu, đó không chỉ là cuốn vở, tấm áo mà còn cả tấm lòng tương thân tương ái của các bác, các o, các chú, các anh chị em, và đặc biệt từ các bạn Học sinh cùng trang lứa từ mọi miền khắp cả nước, các bạn học sinh ấy, dù còn nhiều nghèo khó nhưng vẫn đóng góp ủng hộ một vài cuốn vở hay 10k, 20k…
Họ đã dành cho đồng bào miền Trung nói chung và trường chúng ta không chỉ tiền của, sức lực, thời gian, không chỉ sự cho – nhận thông thường, mà còn cả tấm lòng yêu thương đến nghẹn lòng, em ạ!
Và cuối cùng, ngày mai đi học, thầy mong các em vẫn bình tĩnh, tự tin và mỉm cười, còn người là còn của, đừng quá lo lắng, đừng quá bi quan, thua keo này ta bày keo khác, chỉ cần cố gắng từng tí một, vượt qua những trở ngại trước mắt, không ngừng học tập, và thầy tin, tươi sáng sẽ sớm đến với chúng ta!
Chào mừng các em Học sinh trở lại #Trường THPT Quảng Ninh sau những ngày lũ lụt!
Yêu và thương các em thật nhiều!
Chủ động điều chỉnh kế hoạch giáo dục vùng mưa lũ
Trong đợt mưa lũ tại miền Trung vừa qua, có cơ sở giáo dục phải cho học sinh nghỉ đến 24 ngày.
Sách vở và đồ dùng học tập được chuẩn bị hỗ trợ học sinh vùng lũ.
Việc bố trí học bù, điều chỉnh lại kế hoạch giáo dục đang được địa phương linh động thực hiện nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục, nhưng không gây quá tải cho học sinh.
Vận dụng kinh nghiệm từ đợt Covid-19
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT), trong khung kế hoạch thời gian năm học của Bộ GD&ĐT có 2 tuần dự phòng cho trường hợp bất thường xảy ra, để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch giáo dục. Tuy nhiên, với cơ sở giáo dục nghỉ tới 24 ngày, các trường này kể cả sử dụng hết thời gian dự phòng cũng không đủ.
"Căn cứ vào văn bản hướng dẫn của Bộ, nhà trường điều chỉnh kế hoạch giáo dục, sao cho đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình. Nếu nghỉ dài, các trường dựa vào hướng dẫn tinh giản chương trình của Bộ GD&ĐT, giảm bớt thời gian học tập để thực hiện chương trình; vận dụng kinh nghiệm như khi chúng ta nghỉ học phòng chống Covid-19" - PGS Nguyễn Xuân Thành lưu ý.
Cũng theo PGS Nguyễn Xuân Thành, trong các văn bản trước đây của Bộ GD&ĐT (công văn số 4612/BGDĐT-GDTrH (hướng dẫn thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành theo định hướng phát triển năng lực và phẩm chất học sinh từ năm học 2017 - 2018)), gần đây là Thông tư 32 32/2020/TT-BGDĐT (ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học), quy định rõ ràng việc thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Một số bài học phù hợp có thể thực hiện ở cả trong và ngoài lớp học, trong và ngoài khuôn viên nhà trường. Bởi vậy, các địa phương có thể chủ động trong việc này.
"Một số sở GD&ĐT, như Sở GD&ĐT Thừa Thiên - Huế đã ban hành văn bản điều chỉnh kế hoạch giáo dục; trong đó có điều chỉnh việc thực hiện kiểm tra giữa, cuối kỳ. Ban đầu, kế hoạch kiểm tra giữa kỳ của địa phương này là đầu tuần 15, nay thay đổi là tuần 13; đồng thời điều chỉnh một số phần nội dung từ học kỳ I sang học kỳ II, nhằm bảo đảm khi học sinh quay trở lại trường, việc bù đắp kiến thức không gây quá tải cho các em." - PGS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.
Trường học gấp rút chỉnh trang để đón học sinh sau lũ.
Bảo đảm chất lượng nhưng không gây quá tải
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế cho biết: Sở GD&ĐT xây dựng xong điều chỉnh kế hoạch giáo dục trên địa bàn; trong đó điều chỉnh tất cả hoạt động giáo dục trong nhà trường để còn dự phòng trường hợp học sinh sẽ phải nghỉ tiếp vì dịch Covid-19; kế hoạch thi học sinh giỏi, lịch kiểm tra thi học kỳ cũng được điều chỉnh.
"Học sinh Thừa Thiên Huế sẽ học bù 2 tuần trong học kỳ I và 2 tuần trong học kỳ II. Quan điểm là sở GD&ĐT có kế hoạch hướng dẫn điều chỉnh chung, tránh dạy bù quá nhiều gây áp lực học cho học sinh; hướng dẫn thời gian dạy học bù có cận trên và cận dưới; không bù quá thời gian quy định.
Cùng với việc bố trí thời gian học bù, sở GD&ĐT cũng yêu cầu các trường tăng cường thực hiện tích hợp chủ đề liên môn theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT để hoàn thành chương trình học 35 tuần. Ngày 3/11, sở GD&ĐT tổ chức họp trực tuyến với các trưởng phòng GD&ĐT và thủ trưởng đơn vị trực thuộc để cùng đóng góp ý kiến điều chỉnh kế hoạch thời gian giáo dục toàn tỉnh; đồng thời hướng dẫn cụ thể, cũng như thực hiện được đúng và chất lượng" - ông Nguyễn Tân cho hay.
Tổng số thời gian học sinh Trường THPT Quảng Ninh, Quảng Bình không thể đến trường vì mưa lũ là khoảng chục ngày. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Hà Văn Quý, sau lũ lụt, giáo viên và học sinh đều chịu ảnh hưởng rất lớn; nếu học bù chỉ để kịp đúng chương trình thì khó hiệu quả và nguy cơ học sinh nghỉ học là khá nhiều. "Nhà trường quyết định lịch học bù phù hợp nhất sau khi tổ chức hội ý GV cốt cán. Cơ bản dự kiến theo hướng phân thời khóa biểu đủ 5 tiết/buổi, hạn chế tăng buổi, có thể tăng 2 buổi/tuần. May mắn, trường chỉ học một ca buổi sáng nên thời gian học bù không thiếu." - Thầy Hà Văn Quý cho biết.
Thầy Quý đồng thời thông tin: Nhà trường đã nhận được công văn của Sở GD&ĐT Quảng Bình hướng dẫn tổ chức dạy học khi học sinh đi học trở lại. Theo đó, để việc dạy học bảo đảm chất lượng và tiến độ, sở GD&ĐT yêu cầu các trường chủ động triển khai công văn của sở về khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Tùy theo tiến độ thực hiện chương trình của mỗi đơn vị để chủ động tổ chức dạy bù nhằm kết thúc học kỳ I theo khung thời gian năm học được quy định tại Quyết định số 2752/QĐ-UBND của UBND tỉnh; không sử dụng ngày Chủ nhật để bố trí dạy bù.
Sở GD&ĐT gợi ý có thể thực hiện theo các hướng: Sắp xếp thời khóa biểu để tất cả buổi học trong tuần đều bố trí học 5 tiết. Gộp tiết sinh hoạt lớp vào tiết chào cờ để sử dụng tiết sinh hoạt lớp thành tiết dạy học chính khóa. Ở những đơn vị có đủ điều kiện, có thể bố trí dạy bù trái buổi, nhưng không gây quá tải với giáo viên và học sinh.
Các trường được yêu cầu chủ động thực hiện nhiều giải pháp để bảo đảm chất lượng dạy học, nhất là ở trường còn có nhiều học sinh không có sách giáo khoa. Lưu ý bố trí chỗ ngồi, tạo điều kiện để học sinh có thể sử dụng chung sách giáo khoa trong mỗi tiết học; sử dụng phương pháp và hình thức tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp trong điều kiện học sinh thiếu sách giáo khoa.
Thầy cô đồng hành bên trò sau thiên tai Học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra. Nhà trường, cộng đồng xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng trong trợ giúp tâm lý, giúp các em phục hồi hiệu quả nhất. Bảo vệ môi trường sống chính là giải pháp lâu dài cho thế hệ trẻ. Ảnh minh họa: Thế Đại...