Xúc động cảnh tượng những ‘chiến binh áo trắng’ TQ chăm bệnh nhân virus corona
Các y bác sĩ dành những lời động viên an ủi kịp thời, nhẹ nhàng nhưng đầy sức mạnh giúp người bệnh yên tâm chữa trị, giữa lúc dịch virus corona ở Trung Quốc đang diễn biến phức tạp.
Hình ảnh mà hãng tin Tân Hoa ghi lại được cho thấy đội ngũ y bác sĩ ở Hồ Bắc đang nỗ lực hết mình tham gia cuộc chiến ngăn chặn và kiểm soát dịch viêm phổi cấp do virus corona chủng mới gây ra.
Virus này bùng phát ở thành phố Vũ Hán (còn được gọi là 2019-nCoV, hay virus corona Vũ Hán) thuộc tỉnh Hồ Bắc hồi tháng 12/2019 rồi lan ra Trung Quốc và sau đó xuất hiện ở gần 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tính đến sáng 6/2, dịch bệnh đã cướp mạng sống của 565 bệnh nhân và lây nhiễm cho hơn 28.200 trường hợp, trong đó riêng Trung Quốc đại lục chiếm 28.018 người, chủ yếu ở Vũ Hán.
Hiện các nhà chức trách đang chạy đua với thời gian để dựng thêm nhiều bệnh viện dã chiến đối phó dịch bệnh.
Thanh Hảo
Theo vietnamnet.vn
Dân Việt phỏng vấn độc quyền đại diện WHO tại Việt Nam về virus Corona
"Dường như 2019-nCoV lây chủ yếu khi có tiếp xúc gần giữa người với người, thông qua đường thở - những dịch bắn (tạo ra khi có người ho hoặc hắt xì hơi hoặc trong quá trình chăm sóc y tế) và những bề mặt bị nhiễm virus (người bị mắc bệnh cùng dùng chung cốc với người khác).
Đây là lý do vì sao chúng tôi khuyến nghị cần phải giữ vệ sinh tay và đường hô hấp...", người đứng đầu Văn phòng WHO tại Việt Nam- TS TS. Kidong Park cho biết khi trả lời phỏng vấn báo điện tử Dân Việt.
LTS: Với số ca nhiễm và tử vong mới do virus corona được tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc thông báo, tính đến sáng nay 7/2, toàn thế giới có ít nhất 635 ca tử vong và 30.850 ca nhiễm. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/2 cho biết vẫn còn quá sớm để nhận định dịch bệnh tại Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm sau khi số ca nhiễm mới tiếp tục giảm trong ngày 5/2.
Để bạn đọc có thêm những thông tin chính xác, hữu ích, phóng viên Dân Việt đã có cuộc phỏng vấn độc quyền TS. Kidong Park (ảnh), Trưởng Đại diện, Văn phòng WHO tại Việt Nam.
Khuyến nghị Việt Nam tiếp tục cảnh giác
PV: Thưa ông, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã tuyên bố bùng phát dịch do chủng mới của virus Corona bắt nguồn từ Vũ Hán, Trung Quốc là Sự kiện Y tế Công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC). Việc này có ý nghĩa trên thực tế như thế nào?
Ngày 31 Tháng 12 năm 2019, Chính phủ Trung Quốc báo cáo về một loạt trường hợp viêm phổi không rõ nguyên nhân tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Một loại virus Corona mới được phát hiện và đặt tên là 2019-nCoV. Kể từ đó, đã có thêm các trường hợp bệnh được báo cáo từ các địa phương khác ở Trung Quốc cũng như một số quốc gia khác. Ngày 30 tháng 1 năm 2020, Tổng Giám Đốc WHO đã tuyên bố việc bùng phát dịch 2019-nCoV đã đủ điều kiện để công bố một Sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu (PHEIC).
Như định nghĩa trong Điều lệ Y tế Quốc tế (IHR) (2005), PHEIC là một sự kiện nghiêm trọng, bất thường tạo ra nguy cơ về y tế công cộng cho các quốc gia khác do lây lan toàn cầu và có khả năng cần ứng phó ở cấp độ quốc tế và có điều phối.
Việc tuyên bố PHEIC không phản ánh tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc hoặc việc Trung Quốc ứng phó với dịch bệnh. Mặc dù hiện nay số ca mắc bệnh ở các quốc gia khác còn tương đối nhỏ tuy nhiên chúng ta thấy con số ngày đang gia tăng và có bằng chứng về việc lây bệnh từ người sang người. Tuyên bố PHEIC là do khả năng lây lan toàn cầu và tác động của dịch bệnh lên các quốc gia có hệ thống y tế kém phát triển.
PV: WHO sẽ có các biện pháp khẩn cấp nào? Các nước thành viên, đặc biệt là Trung Quốc phải làm gì để ngăn chặn virus Corona lây lan, thưa ông?
Tuyên bố PHEIC đưa ra thông điệp rõ ràng cho tất cả các quốc gia cần phải chuẩn bị cho trường hợp bệnh lây đến nước mình và cả cho trường hợp bệnh tiếp tục lan truyền trong cộng đồng. WHO sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia có nguồn lực hạn chế để chuẩn bị cho các tình huống có thể xảy ra.
Đối với các quốc gia đã có hệ thống ứng phó tình huống khẩn cấp - trong đó có Việt Nam - WHO khuyến nghị tiếp tục cảnh giác và chuẩn bị kiểm soát 2019-nCoV bao gồm phát hiện sớm, cách ly và quản lý ca bệnh thông qua các biện pháp phòng chống lây nhiễm phù hợp, tăng cường giám sát và chia sẻ thông tin kịp thời và minh bạch với công đồng quốc tế theo quy định của Điều lệ y tế Quốc tế (2005).
Đối với Trung Quốc, WHO khuyến nghị Trung Quốc tiếp tục tăng cường các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn bùng phát dịch; áp dụng các biện pháp kiểm dịch tại sân bay và cửa khẩu nhằm phát hiện sớm các hành khách có biểu hiện lâm sàng để khám và điều trị trong khi vẫn hạn chế ảnh hưởng đến thông thương quốc tế; chia sẻ thông tin về các ca mắc bệnh; và hợp tác với WHO và các đối tác tiến hành điều tra để hiểu rõ các yếu tố dịch tễ và quá trình tiến triển của dịch bệnh song song với các biện pháp kiểm soát dịch.
Hiểu biết của chúng ta về virus Corona sẽ thay đổi liên tục
PV: Thưa ông, hiện nay nhiều người dân Việt Nam rất quan tâm đến những thông tin như: Người bị nhiễm 2019-nCoV có nghiêm trọng không? Các triệu chứng của bệnh là gì? Bệnh lây nhiễm như thế nào?, xin ông chia sẻ thêm về những thông tin cần thiết này.
Thông tin hiện nay cho thấy nhiều trường hợp có các biểu hiện từ nhẹ như các triệu chứng giống cúm cho đến các trường hợp nặng. Người bệnh có thể có nhiều loại triệu chứng. Đa số có biểu hiện nhẹ, một vài trường hợp tiến triển nặng như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong. Báo cáo từ Trung Quốc cho thấy khoảng 2% người bị bệnh tử vong. Tuy nhiên khó có được tỷ lệ chính xác do mẫu sỗ (tỷ lệ mắc) chưa tính được hết.
Dựa trên những thông tin hiện có và kinh nghiệm với các virus corona khác (như MERS và SARS), dường như 2019-nCoV lây chủ yếu khi có tiếp xúc gần giữa người với người, thông qua đường thở - những dịch bắn (tạo ra khi có người ho hoặc hắt xì hơi hoặc trong quá trình chăm sóc y tế) và những bề mặt bị nhiễm virus (người bị mắc bệnh cùng dùng chung cốc với người khác). Đây là lý do vì sao chúng tôi khuyến nghị cần phải giữ vệ sinh tay và đường hô hấp. Tuy nhiên cần phải điều tra và phân tích các số liệu dịch tế nhiều hơn nữa mới có thể hiểu hết được cách thức lây truyền.
Đây là một bệnh mới và hiểu biết của chúng ta sẽ thay đổi liên tục. Chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích thông tin về các ca bệnh hiện nay và các ca mắc mới để có hiểu biết đầy đủ về mức độ nghiêm trọng và hình thức lây lan của bệnh.
PV: Với thông tin hạn chế mà chúng ta có về loại virus Corona chủng mới này, làm thế nào để giảm được nguy cơ mắc bệnh, thưa ông?
Mặc dù còn nhiều điều chúng ta chưa biết về virus này tuy nhiên chúng ta đã biết có thể bảo vệ bản thân bằng những biện pháp đơn giản như rửa tay bằng xà phòng và nước hoặc dung dịch cồn rửa tay. Mọi người có thể dễ dàng giúp ngăn truyền virus bằng cách che miệng và mũi bằng khan hoặc ống tay áo hoặc gập khuỷu tay che khi ho hoặc hắt xì hơi.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Theo danviet.vn
Đồ họa so sánh 5 đại dịch đầu thế kỷ 21 Trước dịch viêm phổi cấp do nCoV, thế giới đầu thế kỷ 21 đã trải qua 4 dịch bệnh lớn. Thúy Quỳnh Theo ione.net