Xua cái lạnh mùa đông với các món canh rau cần
Cứ đến khoảng cuối thu đầu đông thì vào mùa rau cần. Người ta chia cần thành 2 loại, loại thân trắng trồng ở rìa ao ngập nước gọi là cần nước. Loại trồng ở ruộng có thân màu tía thì gọi là cần cạn.
Món ăn có từ truyền thuyết
Cả 2 loại đều có hương vị như nhau, nhưng cần cạn thường dai hơn, kém giòn hơn cần nước. Theo những bài thuốc dân gian thì rau cần có vị mát, thanh nhiệt, đặc biệt cung cấp nhiều chất xơ hơn các loại rau khác. Cần là loại rau dễ ăn, dễ chế biến, dễ kết hợp với các loại khác để làm nên những món ăn đặc trưng mùa lạnh miền Bắc.
Ở Cổ Loa, Đông Anh có món bún xào cần trứ danh. Trước đây, món ăn này chỉ có trong các lễ hội của làng, hoặc dịp giỗ Tết, chứ ngày thường ít người dám nghĩ đến. Giờ thì món ăn đã trở nên phổ cập, nhưng người làng Cổ Loa vẫn theo lệ cũ. Cứ vào ngày hội Cổ Loa đầu năm (ngày 6 tháng Giêng), khách ghé thăm làng thế nào cũng được thưởng thức món đặc sản kể trên.
Bún thì ở đâu cũng có, nhưng bún Mạch Tràng lại khác, bún không trắng mà màu ngà, sợi to, khi xào cùng rau cần cho vị đặt trưng, cần giòn mà không dai, bún mềm mà không nát. Tương truyền, món bún này có từ thời An Dương Vương, nó là món ăn bắt nguồn từ sự sơ sểnh của đầu bếp trong cung. Do đầu bếp ngủ quên, chỗ bột đang xay dở để làm bánh bị đổ vào chiếc rổ đang ngâm trong vạc nước sôi. Khi giật mình tỉnh dậy, đầu bếp nhấc rổ lên thì những sợi bột dài chảy qua mắt rổ. Quan bếp phát hiện, tiếc của bèn vặt nắm rau cần bên giếng Ngọc rồi đem xào với những sợi bột đã chín kể trên. Mùi rau cần xào bún kia làm thơm lừng cả gian bếp.
Cận thần của An Dương Vương xuống kiểm tra tình cờ ngửi thấy mùi lạ bèn hỏi đây là món gì? Quan bếp đáp bừa: “Thưa, là món xêu”. Ăn thử món xêu thấy mùi vị khác lạ, hấp dẫn, bèn cho làm thêm và đưa vào thực đơn cung đình. Từ đó món xêu trở thành đặc sản, nó được đưa ra đãi nhà trai trong ngày dạm hỏi Mỵ Châu. Ngày nay, dân cư làng Mạch Tràng vẫn duy trì việc làm bún. Bún ở Mạch Tràng được ngâm gạo, ủ bột, sợi bún ngon hơn.
Video đang HOT
Trăm cách biến tấu
Để làm được món bún rau cần cũng khá đơn giản. Tuy nhiên, để đĩa bún có hương vị như bún xào Cổ Loa thì lại quá khó. Có lẽ là do bí quyết riêng dù cơ bản công đoạn chỉ có thế này: Mỡ được để già, phi thơm hành tím khô đập dập băm nhỏ, cho bún vào chảo đảo đều tay, rồi cho rau cần vào. Khi cần tái thì thêm mắm muối, hạt tiêu, tóp mỡ (nếu có), rồi xúc ra đĩa ăn nóng.
Ngoài xào bún, rau cần cũng có thể kết hợp với nhiều món ăn khác. Cũng là bún cần, nhưng cách làm khác, ấy là sườn thăn ninh mềm với cà chua, bún chần qua rồi để ra bát, khi canh sôi liu riu thì thả cần vào, rồi nước dùng đó chan vào bát bún. Cà chua kết hợp rau cần cho ra mùi vị rất hấp dẫn, sườn mềm, thịt nhừ, ăn xong tưởng như trôi cả cái lạnh mùa đông ngoài cửa.
Cần cũng có thể xào thịt bò, xào tim lợn, nhưng ngon nhất là xào với cá quả (cá chuối). Cá chuối không có xương dăm, chỉ cần đánh vẩy, bỏ ruột, rửa sạch. Kế đó dùng mũi dao sắc dọc khẽ bên mình cá, lùa lưỡi dao vào rạch nhẹ, cứ rạch thế cho tới đuôi là được một miếng phi-lê hoàn hảo. Miếng cá phải thái to bản, mỏng, ướp nước mắm, hạt tiêu, mì chính. Để mỡ thật già, phi thơm đầu trắng hành hoa, đổ cá vào xào to lửa, đảo vừa không cá nát rồi trút ra đĩa riêng.
Cần xào tái thì đổ cá vào, nêm thêm ít thìa là, thế là xong. Nếu chán cá, thịt, thì cứ xào cần với cà chua thôi cũng đã đủ ngon rồi. Không chỉ xào chín, rau cần cũng có thể ăn sống hoặc làm nộm. Cần rửa sạch, thái độ 4-5cm, thịt bò xào với tỏi, đổ lên trên, thêm chút nước mắm chua ngọt là thành món nộm, nếu không thì thêm ruốc, món nộm cần ruốc một thời làm mưa làm gió khắp các quán nhậu.
Mùa rau cần cũng là mùa bắp cải ngon nhất. Hai thứ đó kết hợp với nhau cực kỳ hợp lý. Bắp cải thái sợi, rửa sạch, rau cần thái khúc vừa ăn, thêm chút rau răm, nếu cẩn thận hơn, muốn ngon hơn thêm 1 củ su hào, 1 củ cà rốt thái sợi, tất cả đem muối chung với nhau như muối dưa. Chừng hơn 1 ngày thì ngấm mắm muối, 2 ngày thì chua, tùy theo thời tiết. Bắp cải muối mà không có rau cần thì đúng là không ra vị, thứ dưa đó ăn với giò xào hay là thịt đông, chấm nước mắm hạt tiêu thì không gì bằng. Đó cũng là những món ăn trứ danh của mùa đông.
Ngoài ra, bún cá mùa đông chẳng thể thiếu rau cần. Bánh đa cua Hải Phòng mùa này bắt buộc phải có rau cần. Dăm hàng canh bún tóp mỡ nếu không có rau rút thì rau cần cũng là sự lựa chọn hoàn hảo.
Theo Anninhthudo
Món 'nướng trên, lẩu dưới' của người Lào ở Sài Gòn
Các món được nướng trên chiếc khay, toàn bộ vị ngọt của không mất đi mà chảy xuống nồi nước lẩu phía dưới cho thêm phần hấp dẫn.
Sindat là món ăn nổi tiếng của người Lào, là sự pha trộn tinh tế giữa món lẩu nước và thịt, hải sản nướng trong cùng một nồi. Nguyên liệu của món này phải thật tươi ngon, nước dùng đậm đà và mang hương vị rất riêng biệt mới đủ sức thuyết phục những thực khách khó tính. Sindat là món ăn độc đáo trong văn hóa ẩm thực Lào.
Sindat- còn có thể gọi dễ hiểu là "nướng trên, lẩu dưới". Toàn bộ vị ngọt của đồ nướng không mất đi, mà chảy xuống phần nước lẩu bên dưới làm nồi lẩu nước thêm phần hấp dẫn. Bạn có thể vừa nướng thịt, lại vừa nhúng rau, không cần phải thay đổi lò mà vẫn có thể cùng lúc thưởng thức cả hai.
Sindat của người Lào thường sử dụng đậu phộng, nhưng khi về Việt Nam được biến tấu đôi chút để hợp với khẩu vị người dùng.
Các nguyên liệu sử dụng trong Sindat rất đa dạng, gồm thịt ba rọi, bò, vú dê, mực, bạch tuộc, trứng, rau, bún... Nước lẩu dùng phục vụ cũng bao gồm hai loại là nước lẩu Thái hoặc nước xương hầm, để thực khách dễ dàng chọn lựa hợp với khẩu vị hơn.
Giữa tiết trời se mát, ngồi bên cạnh nồi lẩu nướng cùng với bạn bè quả là trải nghiệm ẩm thực thú vị. Bạn sẽ nhúng tất cả các rau vào nồi và ngửi thấy mùi thơm phức của thịt, hải sản tỏa ra ở trên. Cho chút bún tươi vào chén, chan nước kèm với rau, húp một ngụm nhỏ là đủ cảm được cái ngon của món ăn.
Phần thịt, hải sản nướng bên trên. Ảnh: langngoida
Thông thường, các phần thịt nướng sẽ được chấm với muối ớt xanh có chút cay cay lấy vị, nhưng bạn cũng có thể yêu cầu thêm loại nước chấm chanh dây để dùng thử. Với vị chua nhẹ, chút mặn của miếng thịt nhanh chóng được hòa quyện, tạo thành một trải nghiệm vị giác đủ lạ để kéo bạn quay trở lại.
Bạn có thể thưởng thức món này trong hẻm 18A, đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Giá một phần Sindat là 210.000 đồng cho phần hải sản và 250.000 đồng cho phần thập cẩm. Riêng phần gọi thêm như ba rọi, bò, mực, bạch tuộc, rau... sẽ có giá từ 20.000 đến 70.000 đồng.
Theo Amthuc365
Cực lạ: Cơm kho gà trứng Đây là món ngon theo đúng nghĩa "cơm kho" tức cho cơm vào kho chung với thịt gà và trứng. Hình thức của món ăn này cũng rất lạ nữa. Đây là một món mới trong số các món ngon từ cơm. Cơm kết hợp với gà và trứng đã rất quen thuộc, ở đây, một công thức ẩm thực hoàn toàn khác...