Xử vụ “Út trọc”: Ai ký hợp đồng giả mạo trước?
Bị truy vấn về hợp đồng giả mạo gửi xăng dầu kém chất lượng để tránh bị xử phạt, nguyên Giám đốc Chi nhánh Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ QP và nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không – Không quân “đẩy” trách nhiệm cho nhau.
Bị cáo Phùng Danh Thắm không đồng ý đổi tên công ty
Tại phiên xử Đinh Ngọc Hệ cùng đồng phạm chiều 30/7, HĐXX tập trung làm rõ việc Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ QP (Cty Thái Sơn Bộ QP) lấy danh nghĩa là doanh nghiệp Quân đội để hoạt động kinh doanh.
Bị cáo Phùng Danh Thắm trả lời HĐXX.
Cáo trạng xác định, tháng 9/2011, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn đổi tên thành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ QP (Cty Thái Sơn Bộ QP) do Đinh Ngọc Hệ là Chủ tịch HĐQT. Từ tháng 3/2013 đến khi bị bắt, Đinh Ngọc Hệ là TGĐ công ty, người đại diện theo pháp luật.
Tháng 11/2012, Tổng Công ty Thái Sơn quyết định rút 31% vốn cổ phần, nhưng đến tháng 8/2013 mới ký được hợp đồng chuyển nhượng vốn cổ phần cho bà Lê Thị Thảo (trú tại TP.HCM, người quen của Đinh Ngọc Hệ). Tháng 10/2017, Tổng Công ty Thái Sơn chuyển nhượng 20% cổ phần còn lại cho ông Trần Hoài Nam (trú tại TP.HCM), thu được 1,2 tỷ đồng.
Mặc dù danh nghĩa là công ty con của Tổng Công ty Thái Sơn nhưng thực chất vốn kinh doanh của công ty con là của cá nhân; mọi hoạt động đều theo sự quản lý, điều hành trực tiếp của Đinh Ngọc Hệ. Khi Tổng công ty đã rút 31% vốn nhưng phía công ty con vẫn lấy danh nghĩa là doanh nghiệp Quân đội để hoạt động kinh doanh.
Tổng Công ty Thái Sơn không góp vốn, đến tháng 10/2017 khi chuyển nhượng hết vốn, Tổng Công ty Thái Sơn vẫn chưa góp vốn cổ đông. Việc chuyển nhượng vốn cho bà Thảo, ông Nam chỉ là thủ tục để phía Tổng Công ty rút vốn ảo ra khỏi công ty cổ phần.
Tại tòa, trả lời câu hỏi của luật sư, ông Cung Đình Minh (người đại diện quản lý 30% cổ phần của Tổng Công ty Thái Sơn tại Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn) cho biết, bản thân ông có xin ông Phùng Danh Thắm (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn – Bộ Quốc phòng) về việc đổi tên Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn thành Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ QP nhưng ông Thắm không đồng ý.
Theo trình bày của ông Minh, Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng và Cty Thái Sơn Bộ QP là 2 pháp nhân độc lập. Từ 2009-2013, giữ quan hệ là công ty mẹ – công ty con. Nhưng từ năm 2013, khi Tổng Công ty rút vốn thì mối quan hệ là công ty liên kết.
Về việc đổi tên công ty, bị cáo Đinh Ngọc Hệ khai, bị cáo có biết và đã báo cáo việc này bằng văn bản và bằng miệng với Tổng Công ty.
Trước tòa, ông Nguyễn Hữu Thọ (đại diện Tổng Công ty Thái Sơn) trình bày, ông không biết việc đổi tên Cty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn thành Cty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ QP.
Video đang HOT
Trong khi đó, bị cáo Phùng Danh Thắm khai nhận, bị cáo được Phòng Kế hoạch – Đầu tư báo cáo về việc đổi tên thành Cty Thái Sơn Bộ QP, sợ trùng tên với Tổng Công ty nên bị cáo chỉ đạo cấp dưới thông báo không được sử dụng tên Cty Thái Sơn Bộ QP.
Tranh cãi ai là người ký hợp đồng giả mạo trước
Theo cáo trạng được công bố, cuối năm 2012, Cty Thái Sơn Bộ QP ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, thực chất là thuê đất của Lữ đoàn 434, Quân đoàn 4 để cho Công ty TNHH vận tải thủy bộ Hải Hà thuê lại kinh doanh xăng dầu. Đinh Ngọc Hệ đã ký quyết định thành lập chi nhánh Cty Thái Sơn Bộ QP tại Bình Dương và bổ nhiệm ông Trần Xuân Sơn làm Giám đốc chi nhánh.
Bị cáo Bùi Văn Tiệp tại phiên xử ngày 30/7.
Chi nhánh này chỉ là danh nghĩa đứng tên Cty Thái Sơn Bộ Q.P, thực chất là để xin cấp phép xây dựng, giấy phép kinh doanh xăng dầu giúp Công ty Hải Hà mà không liên quan đến nhiệm vụ kinh tế quốc phòng. Sau khi được cơ quan chức năng cấp phép, Công ty Hải Hà đầu tư cơ sở vật chất, mở cửa hàng xăng dầu Thái Sơn.
Giữa năm 2014, Đội kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Dương kiểm tra, phát hiện hơn 20.000 lít xăng A92 còn trong bồn không đạt tiêu chuẩn chất lượng nên đã niêm phong cột bơm và yêu câu doanh nghiệp cung cấp tài liệu giải trình.
Sau khi được báo cáo vụ việc, Đinh Ngọc Hệ đã chỉ đạo Trần Văn Lâm làm văn bản gửi ông Lê Thanh Cung – lúc đó là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – mạo nhận hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng xăng dầu Thái Sơn chủ yếu phục vụ nhiệm vụ kinh tế quốc phòng để xin không bị xử phạt.
Đồng thời, bị cáo Hệ gọi điện cho Đại tá Bùi Văn Tiệp, lúc đó là Sư đoàn trường Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không – Không quân, để Trần Văn Lâm gặp, trao đổi, thực hiện việc ký hợp đồng giả, nhận số xăng kém chất lượng trên là của Sư đoàn 367 gửi, không phải là xăng kinh doanh để trốn tránh việc xử phạt.
Bị cáo Trần Xuân Sơn cho rằng bị cáo Tiệp là người ký vào hợp đồng giả mạo trước.
Trả lời HĐXX chiều 30/7, các bị cáo khai báo mâu thuẫn. Bị cáo Bùi Văn Tiệp cho rằng, trước khi bị cáo đặt bút ký văn bản này, ông Trần Xuân Sơn đã kí trước.
“Sơn ký trước nên tôi mới biết Sơn là Giám đốc chi nhánh Công ty Thái Sơn Bộ QP.” – bị cáo Tiếp nói và khẳng định, hợp đồng được đánh máy sẵn và có ô trống để điền vào. Chữ ký của bị cáo Sơn là chữ ký màu xanh, chữ ký của Sơn rất đơn giản, ở góc dưới bên tay trái của văn bản.
“Tôi hỏi Trần Văn Lâm: “Sơn là ai”, Lâm nói là Giám đốc chi nhánh.” – bị cáo Tiệp khai.
Trong khi đó, bị cáo Trần Văn Sơn cho rằng, hợp đồng đó bị cáo Tiệp đã ký trước vì Sơn không biết Tiệp là ai. Trả lời HĐXX, bị cáo Trần Văn Lâm cho biết, những lời khai của Sơn nói là đúng, bị cáo Tiệp ký trước rồi bị cáo mới mang cho bị cáo Sơn ký.
Bị cáo Trần Xuân Sơn trình bày thêm, khi ký hợp đồng gửi xăng, bị cáo chỉ nghĩ mục đích để cửa hàng được mở niêm phong và hoạt động trở lại chứ không biết số tiền bị phạt lớn như thế, chỉ sau này vụ án được khởi tố bị cáo mới biết.
Bị cáo Bùi Văn Tiệp cho rằng, trước khi ký văn bản này, bị cáo cũng rất đắn đo nhưng Lâm nói kho xăng dầu này là của Tổng Cty Thái Sơn, Bộ Quốc Phòng.
“Thời điểm đó, Lâm nói với tôi bên Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã hướng dẫn họ làm văn bản này. Tôi nghĩ ông Hệ là người Bộ Quốc phòng nên đã giúp đỡ để đỡ xấu hổ danh tiếng công ty quân đội”.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị 12 -15 năm tù về hai tội
Sáng nay (31.7), phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm bước sang phần tranh luận, đại diện Viện Kiểm sát Quân sự Quân khu 7 giữ quyền công tố tại tòa đã công bố bản luận tội và đề nghị mức án cho các bị cáo.
Đại diện Viện Kiểm sát (KS) cho rằng, việc đưa bị cáo Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm ra xét xử là cần thiết, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, nhất là hành vi phạm tội của bị cáo Hệ và các đồng phạm thuộc nhóm tội về tham nhũng. Vị đại diện Viện (KS cũng nhận xét, phiên tòa diễn ra đúng trình tự, thủ tục, khách quan, dân chủ, đảm bảo đúng các quy định của pháp luật. Trong vụ án này Đinh Ngọc Hệ có vai trò là người khởi xướng và chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội; Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn và Bùi Văn Tiệp giữ vai trò là người thực hành, giúp sức.
Út "trọc" Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị 12 - 15 năm tù (Ảnh: TTXVN)
Căn cứ vào lời khai của các bị cáo tòa và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, đại diện Viện KS đã đề nghị mức án như sau:
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ bị đề nghị từ 10 -12 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", từ 2- 3 năm về tội "Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức", tổng hợp hình phạt là 12- 15 năm tù. Đinh Ngọc Hệ trước khi phạm tội là Thượng tá, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.
Bị cáo Trần Văn Lâm, bị đề nghị từ 5-7 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trần Văn Lâm khi phạm tội là Tổng Giám đốc điều hành, Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P.
Bị cáo Trần Xuân Sơn bị đề nghị từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Trần Xuân Sơn khi phạm tội là Giám đốc Chi nhánh tại Bình Dương, Công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P.
Bị cáo Bùi Văn Tiệp bị đề nghị 2 - 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Bùi Văn Tiệp trước khi phạm tội là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân (đã nghỉ hưu).
Bị cáo Phùng Danh Thắm bị đề nghị phạt cải tạo không giam giữ từ 1 năm 6 tháng đến 2 năm về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Phùng Danh Thắm trước khi phạm tội là Đại tá, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng.
Trong phần xét hỏi ngày hôm qua, bị cáo Trần Văn Lâm cho hay, tất cả hoạt động của công ty đều do Đinh Ngọc Hệ quyết định. Chi nhánh ở Bình Dương được thành lập và xin giấy phép với mục đích chính là giao cho công ty Hải Hà bán xăng.
Đối với việc bị cơ quan chức năng phát hiện hơn 20 nghìn lít xăng dầu kém chất lượng, bị cáo Lâm cho hay nhận được thông tin từ Trần Xuân Sơn. Sau đó, Đinh Ngọc Hệ biết sự việc nên đã chỉ đạo bị cáo cùng Sơn đi làm việc để nắm tình hình.
Tại tòa bị cáo Trần Xuân Sơn và Bùi Văn Tiệp đều khẳng định hầu hết lời khai của Trần Văn Lâm là phù hợp. Ngược lại, bị cáo Đinh Ngọc Hệ cho rằng bị các bị cáo vu khống.
"Lời khai các bị cáo hoàn toàn không có chứng cứ và vu khống cho tôi. Sự việc ở Bình Dương, bị cáo không biết nên không chỉ đạo gì. Việc sử dụng xe biển số quân sự và biển xanh 80A, tất cả đều không phải như truy tố. Khi thành lập công ty, bị cáo từ bên kĩ thuật về nên không biết kinh doanh, chỉ biết ngoại giao", bị cáo Hệ khai.
Trả lời về việc sử dụng xe biển số quân sự và biển xanh 80A tại Công ty cổ phần đầu tư phát triển Thái Sơn Bộ Q.P (Công ty con của Tổng Công ty Thái Sơn, sau là công ty liên kết), bị cáo Phùng Danh Thắm cho biết, hàng năm Phòng thiết bị xe của Tổng công ty có kiểm tra và báo cáo. Đối với việc sử dụng xe ô tô không đúng mục đích, Tổng công ty chỉ điều xe xuống, sử dụng ra sao là trách nhiệm của công ty cổ phần đầu tư phát triển Thái Sơn Bộ Q.P.
Liên quan đến việc mua bằng đại học giả của Đinh Ngọc Hệ, bị cáo này khai có quen biết một số anh em xã hội, họ nói với bị cáo rằng không phải đi học, chỉ cần nộp tiền và sẽ có người đi học thay rồi có bằng. Bị cáo bỏ tiền ra (2,5 triệu đồng, năm 2000) nhận bằng Đại học Kinh tế quốc dân giả về và vẫn kê khai bình thường.Bị cáo Hệ cho rằng vì trình độ dân trí của bị cáo thấp, lúc đó thấy việc mua bằng và kê khai vào hồ sơ là đúng. Bị cáo Hệ nói thêm, việc bi truy tố về tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức là quá khắc nghiệt, ban đầu do không biết nhưng về sau biết bị cáo đã không sử dụng bằng giả nữa.
Theo cáo trạng, hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ của bị cáo Đinh Ngọc Hệ được thể hiện ở việc sử dụng 29 xe ô tô trên tổng số 38 xe ô tô biển quân sự, biển xanh 80A thế chấp cho các ngân hàng để vay vào bảo lãnh vay tiền; cho thuê 5 xe ô tô biển quân sự, biển xanh, giao xe quân sự, xe biển xanh 80A cho các đối tượng ngoài xã hội, người thân sử dụng trái quy định, trong khi không phải nộp tiền thuế trước bạ đối với số xe ô tô là gần 3,2 tỷ đồng, đồng thời hưởng lợi hơn 6 tỷ đồng.
Bị cáo Đinh Ngọc Hệ còn lợi dụng danh nghĩa doanh nghiệp Quân đội cấu kết với các đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội trong việc làm hợp đồng gửi xăng giả để né tránh bị cơ quan chức năng Nhà nước có thẩm quyền xử phạt số tiền hơn 1,4 tỷ đồng do hành vi kinh doanh xăng dầu kém chất lượng của chi nhánh tại tỉnh Bình Dương.
Trong vụ án này các bị cáo đã nộp tiền để khắc phục hậu quả như sau: Bị cáo Đinh Ngọc Hệ đã nộp 500 triệu đồng, Trần Xuân Sơn nộp 500 triệu đồng, Bùi Văn Tiệp nộp 250 triệu đồng, Phùng Danh Thắm nộp 20 triệu đồng, Trần Văn Lâm nộp 10 triệu đồng.
Theo Danviet
'Út trọc' Đinh Ngọc Hệ: Công ty gia đình 'dán mác' quân đội inh Ngọc Hệ đề nghị thành lập công ty cổ phần trực thuộc doanh nghiệp quân đội nhưng hoàn toàn do người nhà của mình góp vốn. Bị lập biên bản, Hệ tiếp tục sử dụng danh nghĩa quân đội "chạy" cơ quan chức năng để không bị xử phạt. "Chạy cửa" chủ tịch tỉnh Ngày 30/7, Tòa án Quân sự Quân khu...