Xử phạt bằng tiền vi phạm trong giáo dục: Lo ngại tính khả thi
Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục chạm tới nhiều vấn đề đang gây bức xúc trong xã hội thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều ý kiến nghi ngại về tính khả thi của những quy định này.
Quá tải sĩ số là vấn đề nan giải của giáo dục. Ai sẽ bị phạt trong trường hợp này? – ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
So với Nghị định 138/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong giáo dục ban hành năm 2013, đại diện ban soạn thảo dự thảo nghị định mới lý giải cần bổ sung nhiều hành vi vi phạm và tăng mức xử phạt để răn đe và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thiếu giáo viên, quá tải sĩ số: phạt ai?
Dự thảo quy định vi phạm quy định về bảo đảm tỷ lệ giáo viên (GV), giảng viên cơ hữu trong các cơ sở giáo dục. Trong đó phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về tỷ lệ GV trên lớp, mức phạt từ 2 – 5 triệu đồng ở cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, trung tâm ngoại ngữ, trung tâm tin học; ngoài ra, còn có quy định xử phạt tiền với việc tuyển quá chỉ tiêu, hợp đồng không đúng đối tượng GV…
Một lãnh đạo Sở GD-ĐT ở miền Bắc đặt vấn đề: Hiện nay hầu hết các tỉnh đều thiếu GV, tỷ lệ GV/lớp không đảm bảo quy định, ngành GD-ĐT muốn tuyển mà không được tuyển; nhiều trường thiếu GV buộc phải ký hợp đồng sai quy định. Vậy nếu xử phạt thì xử phạt ai? Mức phạt vài triệu đồng có nói lên điều gì hay chỉ khiến người bị phạt bức xúc thêm trong những trường hợp như vậy?
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý, giáo dục Hà Nội, cũng cho rằng việc sĩ số học sinh (HS) tiểu học có nơi lên tới gần 70 HS/lớp do thiếu trường lớp thì phạt ai? Phạt hiệu trưởng vì buộc phải tuyển quá chỉ tiêu so với cơ sở vật chất hiện có hay phạt chính quyền địa phương không chịu xây trường? “Trong cả hai trường hợp này thì phạt ai cũng không đủ thuyết phục”, ông Tùng Lâm nói.
Phạt dạy thêm không dễ như quy định
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tây Hồ (Hà Nội), cho biết việc xử phạt nên có chế tài rõ ràng và có tính răn đe là cần thiết nhưng quan trọng là tính khả thi và cách thức thực hiện. Trên thực tế, Nghị định về xử phạt hành chính trong giáo dục đã ra đời từ năm 2013 đến nay, trong đó có quy định rất rõ những vi phạm đang là vấn đề nhức nhối của giáo dục hiện nay như dạy thêm học thêm tràn lan, tuyển sinh sai quy định… nhưng thử hỏi đã xử lý vi phạm được bao nhiêu vụ, thu được từ phạt hành chính bao nhiêu tiền?
“Tôi thấy rất hiếm. Hơn nữa có những hành vi mà phạt tiền không đủ sức răn đe, họ chấp nhận nộp phạt vì lợi nhuận mà họ thu được từ hành vi vi phạm lớn hơn nhiều mức phạt quy định”, ông Vũ thẳng thắn nhận định.
Đọc dự thảo nghị định thì thấy dạy thêm trái với quy định hiện hành là xử phạt tiền, ví dụ như dạy thêm cho HS tiểu học, HS học 2 buổi ngày…
Một phụ huynh có con học tiểu học tại Hà Nội cho biết: “Hiện nay quy định cấm dạy thêm với HS tiểu học đang được hiểu là hoạt động trong nhà trường, còn ngoài nhà trường thì cha mẹ HS vẫn có nhu cầu cho con học thêm ở trung tâm như học thêm tiếng Anh, học thêm toán, văn… theo nhu cầu dự thi đầu cấp ở một số trường đặc thù… Nếu cứ dạy thêm học thêm cho HS tiểu học và HS đã học 2 buổi/ngày như dự thảo nêu thì có lẽ người phản đối đầu tiên sẽ là… phụ huynh”.
Một GV trường tiểu học tại Hà Nội băn khoăn về việc lâu nay bà vẫn đi dạy thêm cho một trung tâm có tiếng ở Hà Nội từ lớp 3 trở lên cho HS trên phạm vi toàn thành phố chứ không phải HS mà trường bà giảng dạy. Vậy quy định phạt với hành vi dạy thêm cho HS tiểu học được áp dụng thì bà hoặc trung tâm mà bà ký hợp đồng có bị phạt hành chính hay không?
Video đang HOT
Nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm cho rằng cấp học nào hay đối tượng nào thì nhu cầu học thêm là nhu cầu có thật và nhiều khi mang tính cá nhân của HS và gia đình. Do vậy, việc xử phạt nếu không khéo sẽ xâm phạm quyền cá nhân. Chỉ có điều, nên quy định rõ GV không được tự ý tổ chức lớp dạy thêm ở trong và ngoài nhà trường nhưng họ có quyền tham gia dạy thêm ở những trung tâm, tổ chức dạy thêm đã được cấp phép và đảm bảo chất lượng. Người học có nhu cầu thì đăng ký học thêm ở những trung tâm độc lập đó.
“Nếu quy định ép buộc học thêm mới bị phạt thì đây là quy định rất mơ hồ vì lớp học thêm nào hỏi ra cũng đều là do “tự nguyện” của người học cả”, ông Tùng Lâm nói.
Ông Lê Hồng Vũ cho rằng việc dạy thêm học thêm hiện hành có quy trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở giáo dục nếu GV của mình dạy thêm trái quy định. Do vậy, xử phạt hành chính thì không chỉ phạt người trực tiếp dạy thêm mà phải phạt cả người được giao trách nhiệm quản lý, giám sát…
Ý kiến:
Đã làm sai thì cần phải bị phạt
Cũng như những ngành nghề khác, khi đã làm sai thì cần có những quy định xử phạt đi kèm để hạn chế. Chẳng hạn, chỉ riêng vấn đề dạy thêm học thêm, bên cạnh là một nhu cầu tự nguyện thì có một bộ phận GV ép buộc HS học thêm bằng nhiều hình thức khác nhau. Do vậy, những biểu hiện tiêu cực cần được ngăn chặn, tuy nhiên việc xử phạt bằng tiền chỉ mới xử lý phần ngọn, về lâu dài cần sự phối hợp giữa chính sách đào tạo và chính sách đãi ngộ.
Nguyễn Văn Ngai (Nguyên Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)
Cần hình thức xử phạt mạnh tay hơn phạt tiền
Nếu đã làm sai quy định thì cần phải xử lý và cần có những điều khoản chặt chẽ để xử phạt sao cho đúng. Ngoài phạt tiền, cần hình thức mạnh tay hơn nữa như buộc thôi việc tại trường, như vậy nạn dạy thêm trái quy định sẽ bị triệt tiêu. Chứ chỉ phạt tiền như dự thảo thì vấn nạn dạy thêm sẽ vẫn chỉ như cũ mà thôi.
Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.Bình Thạnh (TP.HCM)
B.Thanh (ghi)
Theo thanhnien
Chương trình môn Ngữ văn mới: Nên tháo ra làm lại?
Đó là quan điểm của một số chuyên gia đầu ngành về Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ Văn. Theo các chuyên gia này, dù đã rất cố gắng nhưng Ban soạn thảo nên tháo ra làm lại vì dự thảo chương trình chưa đạt yêu cầu.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Chương trình nặng, thiếu giáo dục thẩm mỹ
Ngày 22/3, Hội đồng Lý luận và Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương đã tổ chức tọa đàm đánh giá chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới.
Theo PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Phó Giám đốc Trường ĐHQG Hà Nội, điểm bất ổn nhất của Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn mới là Ban soạn thảo đã tách phần giáo dục Ngôn ngữ với Văn học thành những phần tách bạch, làm nhòe đi đặc trưng của môn Ngữ văn.
Trong đó, phần cảm thụ văn chương, từ rung động thẩm mỹ để khơi dậy những khát vọng hướng tới cái đẹp, cái thiện, đến sự hình thành nhân cách qua môn học Ngữ văn hơi bị nhẹ so với những tri thức và những yêu cầu về mặt ngôn ngữ học.
Từ đầu đến cuối, chương trình quan điểm dạy kĩ năng theo 4 khâu đọc, viết, nghe, nói môn Ngữ văn giống như môn Ngoại ngữ là không logic bởi đây là môn học dạy cho người bản ngữ, học trong 10 năm có tính chất bản lề để hình thành nhân cách thì phần kĩ năng lại lấn át phần cảm thụ.
Về yêu cầu kiến thức, theo ông Long, dự thảo chương trình đặt ra yêu cầu cao. Chương trình dành cho học sinh THCS cũng có những điểm chưa phù hợp cả về nội dung và thời lượng, chẳng hạn như kiến thức về lịch sử văn học lẫn dân tộc, yêu cầu cần đạt rất cao trong khi nội dung chuyên đề khó đáp ứng được yêu cầu như vậy.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa đề xuất đưa tác phẩm về Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK Ngữ văn mới.
Về thời lượng các môn học, ông Long cho rằng cần xem xét lại. Ví dụ, ở lớp 1, môn tiếng Việt học 5 tiết/ngày, như thế là quá nặng nếu học sinh học 1 buổi/ngày.
Ở bậc THPT, thời gian học môn Văn ít hơn (1 tiết/ngày kèm theo 35 tiết cho 3 chuyên đề, nghĩa là mỗi chuyên đề khoảng 12 tiết kể cả kiểm tra, đánh giá). Sự tích hợp ở môn học này khó đạt kì vọng như dự kiến.
Đồng quan điểm trên đây, GS.TS Lã Nhâm Thìn (Trường ĐHSP Hà Nội) cho biết, chương trình phổ thông môn Ngữ văn mới không quyết định được nội dung dạy học mà chỉ cần đạt các kĩ năng: Nghe, nói, đọc, viết là chưa hợp lý.
Đặc thù của môn Ngữ văn là giáo dục tư tưởng, do đó chương trình cần đạt được mục tiêu giáo dục thẩm mỹ và giáo dục tư tưởng, chứ không chỉ có nghe, nói, đọc, viết.
GS Hà Minh Đức (nguyên Viện trưởng Viện Văn học) góp ý, đây là công trình công phu nhưng cần bổ sung. Thứ nhất những gì quá khó, chưa phù hợp với học sinh thì không nên đưa vào, chẳng hạn về lý luận văn học, các bài thơ chữ Hán...
PGS.TS Nguyễn Bá Thành
Nên tháo ra làm lại
PGS. TS Lê Quang Hưng, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhận định, chương trình ngữ văn mới có các ưu điểm là có tính mở và liên kết, liền mạch theo hướng nâng cao và hoàn thiện năng lực kỹ năng cho học sinh các cấp phổ thông.
Tuy nhiên, ông cho rằng kiến thức văn học mang tính cơ sở cần thiết về lý luận văn học lại rất ít, rất nhạt. Kiến thức về từng thể loại văn học chưa được thể hiện rõ.
Ông cũng đề xuất không nên đưa Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật và Phong cách Hồ Chí Minh vào lớp 6-7. Các tác phẩm Chiều tối; Chinh phụ ngâm; Hồn Trương Ba, da hàng thịt; Tuyên ngôn Độc lập... không nên đưa vào lớp 8-9 vì học sinh chưa đủ trình độ, vốn sống để cảm nhận.
Cũng đề xuất đưa thêm nội dung tác phẩm vào dự thảo chương trình môn Ngữ Văn, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết: "Tôi được biết, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được đưa vào môn Địa lý và Lịch sử. Nhưng chương trình môn Ngữ văn lại không thấy có. Chúng ta cũng cần phải giáo dục cho học sinh về hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa trong chương trình Ngữ văn thông qua những bài thơ, bài văn".
PGS.TS Nguyễn Bá Thành (ĐHQG Hà Nội) nhận xét: "Ban soạn thảo đã vô cùng cố gắng nhưng tôi nghĩ cần phải làm lại vì đây chỉ là yêu cầu đạt được chứ không phải chương trình cụ thể.
Chương trình chỉ có 2,5% là phần "cứng" thì không thể gọi là chương trình. Cần phải có các tác phẩm ưu việt nhất để bổ sung vào chương trình. Nếu để học sinh và giáo viên đề xuất tác phẩm giảng dạy thì vô cùng nguy hiểm và dân chủ như thế là quá mức".
Đồng tình với quan điểm này, GS.TS Trần Ngọc Vương (Trường ĐHKH&XHNV - ĐHQG Hà Nội) cũng cho rằng cần tháo dự thảo chương trình này ra để làm lại, trong đó cần tiến hành khoa học hơn, rõ ràng hơn.
Trước những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, GS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên Chương trình môn Ngữ văn cho biết: Lỗi của chương trình hiện hành chỉ có 1 bộ SGK nên mới sinh ra bộ SGK cơ bản và SGK nâng cao.
Việc xây dựng một chương trình có nhiều bộ SGK dựa trên các nghị quyết của Đảng. Độ mở của chương trình đáp ứng việc biên soạn nhiều bộ sách và tăng tính tự chủ trong SGK. Bộ phận soạn thảo không thể bao quát hết tất cả các tác phẩm văn học, chương trình chỉ đưa ra định hướng lớn. Còn việc lựa tác phẩm văn học tự chọn và tác giả để đưa vào giảng dạy trong nhà trường đã có những tiêu chí cụ thể.
Theo Dân Trí
Độ mở và lưới lọc trong chương trình mới Ngữ văn Chương trình Ngữ văn mới không quy định cụ thể các văn bản được dạy trong từng lớp. Tuy vậy, một số tác phẩm có vị trí đặc biệt, bắt buộc dạy học trong nhà trường như: Nam quốc sơn hà (tương truyền của Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi), Truyện Kiều (Nguyễn Du),...