Xử lý ra sao bài thi của thí sinh nếu phát hiện có gian lận?
Theo một chuyên gia khảo thí, việc gian lận kết quả thi trắc nghiệm còn có thể xử lý bằng hình ảnh trong quá trình quét bài thi chứ không chỉ tác động trực tiếp trên bài thi của thí sinh (TS).
Đại diện Bộ GD-ĐT kiểm tra chấm thi THPT quốc gia 2018 – TUYẾT MAI
Tuy nhiên, nếu gian lận theo cách này thì sẽ dễ phát hiện hơn bởi ban chỉ đạo thi của tỉnh và ban chỉ đạo thi cấp quốc gia đều còn lưu trữ dữ liệu của từng bước chấm thi trắc nghiệm.
Theo quy định, các tập dữ liệu quét bài thi gốc (kèm theo số báo danh, chưa kiểm dò, chưa sửa chữa, chưa chấm thi) được xuất từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT, được ghi vào 2 CD giống nhau (gọi là đĩa CD1), dán niêm phong, có chữ ký của bộ phận giám sát; một đĩa giao cho chủ tịch hội đồng thi lưu giữ, một gửi chuyển phát nhanh về Bộ GD-ĐT.
Sau khi niêm phong CD1, các đơn vị mới được phép mở niêm phong các tệp dữ liệu phục vụ chấm thi do Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) gửi đến. Tổ xử lý bài trắc nghiệm tiến hành việc xử lý bài thi và chấm thi chính thức.
Kết quả chấm thi chính thức của các bài thi trắc nghiệm được ghi vào 2 đĩa CD giống nhau (gọi là đĩa CD2), dán niêm phong, có chữ ký của những cán bộ giám sát; 1 đĩa giao cho chủ tịch hội đồng thi lưu giữ, 1 đĩa gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 7.7.
Cũng theo chuyên gia trên, trong những trường hợp đặc biệt phải rà soát lại như Hà Giang thì cần mở niêm phong các CD1 và CD2 có chứa dữ liệu trên cùng với việc chấm thẩm định lại những bài làm có dấu hiệu bất thường để đối sánh kết quả. Nếu những tác động bài làm này không chứng minh được TS cố tình vi phạm thì kết quả chấm thẩm định sẽ là kết quả được phục hồi cho TS.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng việc “bắt tay nhau” sửa lại bài làm của TS trước khi đưa vào máy quét, máy chấm thì tình hình sẽ phức tạp hơn nhiều. Việc xử lý ra sao với kết quả bài thi của TS cũng sẽ rất khó, khó phục hồi bài làm ban đầu của TS để trả lại kết quả đúng với thực tế vì tất cả đều chỉ là dấu khoanh tròn bằng bút chì vào 1 trong 4 đáp án của mỗi câu hỏi.
Vi phạm quy chế có thể xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự
Video đang HOT
Điều 49 Quy chế thi THPT quốc gia quy định về xử lý TS vi phạm quy chế thi. Theo đó, cho điểm 0 (không) với những bài thi như sau: được chép từ các tài liệu mang trái phép vào phòng thi; có 2 bài làm trở lên đối với 1 bài thi hoặc 1 môn thi thành phần; bài thi có chữ viết của 2 người trở lên; những phần của bài thi viết trên giấy nháp, giấy không đúng quy định.
Hủy bỏ kết quả thi đối với những TS: có 2 bài thi trở lên bị điểm 0 (không) do phạm lỗi quy định; viết, vẽ vào tờ giấy thi những nội dung không liên quan đến bài thi; để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp. Đối với các hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự thì các cơ quan quản lý giáo dục lập hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định…
Theo thanhnien.vn
Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Có thể chấm thẩm tra lại bài thi ở Hà Giang
Liên quan đến nghi án điểm "cao bất thường" ở Hà Giang, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, có thể phát hiện ra sai phạm nhờ việc rà soát lại quy trình và chấm thẩm định.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, sau khi nhận được thông tin điểm thi cao bất thường tại Hà Giang như dư luận phản ánh, Bộ GD&ĐT đã chủ động có công văn gửi Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia tại Hà Giang rà soát lại quy trình.
"Nếu đúng địa phương này có sai phạm, sẽ nghiêm khắc xử lý theo đúng quy định. Trong thực tế, làm được việc đó cũng rất khó khăn bởi tất cả quy trình của kì thi được thực hiện rất đảm bảo từ việc tổ chức thi, không cho phép thí sinh nhìn bài nhau, đến việc chấm thi trắc nghiệm.
Do đó, việc hỗ trợ nhau trong phòng thi cũng như hỗ trợ trong việc coi thi hầu như không có. Còn việc gian lận trong thi cử, Bộ cũng đang cho rà soát lại, nếu có việc đó cũng dễ dàng phát hiện ra để xử lý", Thứ trưởng Độ cho biết.
Tỉ lệ thí sinh khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên của Hà Giang (xanh) và đỏ (của các tỉnh thành khác). (Ảnh: vtv.vn).
Cũng theo Thứ trưởng Độ, có thể phát hiện ra sai phạm nhờ việc rà soát lại quy trình, xem quy trình đó chặt chẽ không.
Yếu tố thứ hai là chấm hậu kiểm. Theo Thứ trưởng Độ, điều này cũng đã được đặt ra trong quy chế. Trong đó quy chế nêu rõ, nếu phát hiện ra hiện tượng bất thường, Bộ GD&ĐT có thể chấm thẩm định ở các địa phương để phát hiện sai sót.
Trao đổi thêm về việc Bộ có tổ chức các đoàn thanh kiểm tra công tác tổ chức thi THPT quốc gia 2018 tại Hà Giang, Thứ trưởng Độ cho biết, sự việc xảy ra ở địa phương, trước hết địa phương phải giải quyết.
Trường hợp địa phương giải quyết nhưng không thỏa đáng và còn nhiều ý kiến khác, Bộ GD&ĐT sẽ thành lập các đoàn thanh tra xuống để xác minh.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho PV Dân trí biết thêm, hiện Hà Giang đã vào cuộc xác minh công tác tổ chức thi THPT quốc gia năm 2018. Khi có kết quả, đơn vị này sẽ báo cáo ngay đến Bộ GD&ĐT.
Môn Vật lý, tỉnh Hà Giang có 65 điểm 9 đến 10, và có 28 bài đạt mức 8 đến 9 điểm. Số thí sinh đạt 9 đến 10 điểm gấp đôi số thí sinh đạt 8 đến 9 điểm khiến nhiều người suy nghĩ. (Ảnh: vtv.vn).
Như Dân trí đã đưa tin trước đó, sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia 2018, mạng xã hội xuất hiện thông tin nghi vấn điểm thi của Sở GD&ĐT Hà Giang.
Theo phổ điểm môn Vật lý, có 65 thí sinh đạt từ 9 trở lên; 28 thí sinh đạt từ 8 điểm đến dưới 9.
Với môn Toán, số thí sinh có mức điểm 8-8,75 là 50 em; số thí sinh có điểm từ 9 trở lên là 57 em.
Dù điểm của nhiều thí sinh khá cao, tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 của Hà Giang đạt 89,35%, thuộc nhóm thấp nhất nước. Con số này của cả nước là 97,57%.
Thầy Vũ Khắc Ngọc, một chuyên gia giáo dục có tiếng ở Hà Nội cho hay, nếu mức điểm càng cao, số lượng thí sinh đạt được càng ít, nhất là năm nay đề thi khó. Xét trên bình diện chung, số thí sinh đạt 9-10 điểm chỉ bằng 1/8-1/6 số đạt 8-9 điểm mới hợp lý.
Với riêng môn Vật lý, tỉnh Hà Giang có 65 điểm 9 đến 10, và có 28 bài đạt mức 8 đến 9 điểm. Tức là, số thí sinh đạt 9 đến 10 điểm gấp đôi số thí sinh đạt 8 đến 9 điểm. "Điều này không thể không suy nghĩ", thầy Ngọc chia sẻ.
Với môn Toán, số thí sinh có mức điểm 8-8,75 là 50 em. Số thí sinh có điểm từ 9 trở lên là 57 em. (Ảnh: vtv.vn).
Cũng theo thầy Ngọc, cả nước có hơn 925.000 thí sinh đi thi THPTQG 2018, còn Hà Giang chỉ có gần 5.500 thí sinh. Nghĩa là số thí sinh của cả nước gấp gần 170 lần số thí sinh của Hà Giang.
Tuy nhiên, theo thống kê từ dữ liệu điểm thi, riêng ở khối thi A1, Hà Giang có tới 36 học sinh đạt mức trên 27 điểm, còn cả nước chỉ có 76 học sinh đạt mức điểm này. Tức là riêng Hà Giang chiếm tới gần một nửa. "Bất cứ chuyên gia nào nhìn vào cũng thấy sự bất thường", thầy Ngọc nói.
Tối 12/7, Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng có công văn số 2868/BGDDT-QLCL, gửi đến Ban Chi đạo thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang, yêu cầu kiểm tra, rà soát, xác minh toàn bộ các khâu của kỳ thi và báo cáo bằng văn bản về thi THPT quốc gia 2018 qua Cục quản lý chất lượng trước ngày 17/7/2018.
Mỹ Hà
(myha@dantri.com.vn)
Theo Dân trí
Bộ GD&ĐT đến Hà Giang phối hợp điều tra vụ điểm thi "cao bất thường" Chiều 14/7, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã đến Hà Giang để phối hợp điều tra vụ điểm thi "cao bất thường" tại địa phương này. Được biết hiện tại, địa phương này đã bắt đầu đối chiếu lại toàn bộ quy trình, đối chiếu các biên bản từng ngày xem diễn ra đúng thực...