Xử lí tình huống sư phạm – GV cần linh hoạt, cân nhắc lựa chọn
Nhiều năm đứng lớp, những bài học sâu sắc nhất tôi học được lại chính từ những học trò của mình.
NGƯT Tô Ngọc Sơn
Bài học từ trò
Năm học 2004 – 2005, năm đầu tiên tôi được chính thức đứng lớp dạy học sinh lớp 4 tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp). Học sinh thành thị khác nhiều với học sinh miền quê. Em nào cũng tươm tất, gương mặt tươi vui và năng động. Trong lớp có học sinh tên Trí. Em hiếu động, bướng bỉnh nhất lớp; hay giơ tay xung phong phát biểu đầu tiên, nhưng hầu như chưa có câu trả lời nào hoàn chỉnh; có lúc không giơ tay, Trí cứ tự nhiên đứng dậy trả lời ngay. Khi đó, cả lớp lại được trận cười.
Dù nhiều lần nhắc nhở, nhưng bản tính nghịch ngợm, dường như em không chú ý gì đến lời khuyên của thầy, thậm chí còn lấy đó để mua vui, làm trò tiêu khiển.
Một buổi sáng, khi tôi giở sổ chuẩn bị kiểm tra bài cũ thì tổ trưởng tổ 1 đứng lên:
- Thưa thầy! Bạn Trí không học bài, không làm bài ở nhà ạ!
Tôi hỏi cả lớp:
- Còn bạn nào không học bài và không làm bài như Trí?
Cả lớp im thin thít.
- Vậy ai có học bài và làm bài, giơ tay?
Cả lớp cùng giơ tay, trừ Trí vẫn ngồi lặng thinh.
- Cả lớp mình, các bạn học tập rất tốt. Duy nhất chỉ có em. Sao vậy Trí?
Trí vẫn ngồi im thin thít. Lớp học lại xôn xao bàn tán. Nhất là tổ 1 của Trí vì tổ sẽ bị trừ điểm thi đua. Một bạn nữ nói:
- Thưa thầy, con thấy Trí về nhà là lo đi chơi không bao giờ học bài, vì con gần nhà bạn nên con biết.
- Bạn nói như vậy đúng hay sai vậy Trí?
Video đang HOT
Em vẫn ngồi im không nói lên một lời nào, nhưng sắc mặt lúc này đã thay đổi.
- Em lấy vở học ra cho thầy xem. Vở bài tập Toán nữa.
Tôi lật từng trang, tay tôi bắt đầu run lên:
- Trời! Đã học hơn một tháng rồi mà tập vở vẫn như thế này. Sao vậy Trí?
Thấy thầy nổi giận, hai tay Trí bắt đầu run lên. Bất thần, đôi bàn tay em giơ lên cao rồi đập mạnh xuống bàn.
- Trời ơi, em không biết thì sao có thể làm!
Đến lượt tôi lặng người. Bởi tôi đã cho từng học sinh số điện thoại, sẵn sàng ngồi lại cùng các em nêu chưa hiểu bài. Vậy tại sao?
Nhưng từ đó, sau mỗi bài học, tôi đều hướng vào Trí, vừa giúp em lấy lại kiến thức đã học, vừa tiếp thu kiến thức mới. Ngoài giờ học ở trường, nếp học tập ở nhà cũng rất quan trọng. Gia đình Trí lo làm ăn, buôn bán, ít quan tâm đến em, có chăng chỉ nhắc nhở em “học bài” hay “làm bài” rồi thôi, không để ý.
Tôi đã thật sự hiểu Trí và em cũng trở nên quý mến, gần gũi với thầy, hay tâm sự với thầy,… Trí dần thay đổi thái độ học tập, không còn bê tha bài vở nữa và tiến bộ hẳn lên. Tuy vậy, nhưng cuối năm em chỉ đạt loại trung bình khá.
Nhìn các bạn ai cũng nhận phần thưởng trên tay còn mình thì không, Trí rơi nước mắt. Tôi vội xuống căng-tin mua 2 quyển vở, gói lại và trao cho em trước lớp: “Đây là phần thưởng dành cho sự cố gắng học tập của Trí, mặc dù bạn không đạt kết quả cao như mong muốn nhưng bạn đã tiến bộ trong học tập.”
Trí cũng được nhận một phần thưởng vô cùng to lớn từ phía các bạn, đó là một tràng pháo tay giòn giã. Em ôm mãi phần thưởng trước ngực cả trong giờ chơi đến khi ra về.
Bài học về ứng xử sư phạm
Việc học sinh không làm bài, lơ là trong học tập là chuyện thường gặp trong lớp, trong trường. Tình huống trên xảy ra đã để lại cho tôi một bài học đáng nhớ trong cách xử lí.
Tôi đã nhận ra Trí là một học sinh cần được quan tâm, đã chú ý nhắc nhở em mỗi ngày, nhưng tôi chưa thật gần gũi với em. Giá như tôi quan tâm chút nữa, tìm hiểu thêm một chút để lấp, vá lỗ hổng kiến thức của em, ngồi lại chia sẻ và động viên em làm bài ngay tại lớp thì em đâu bỏ trống vở cả tuần như vậy.
Sự phản ứng của Trí khiến tôi nhận ra cách giải quyết của mình chưa hợp lí. Trong khoảnh khắc đó, tôi đã tìm được phương hướng xử lý: Những lời phân trần nhẹ nhàng trước lớp đã giúp các học sinh khác hiểu, giúp Trí đã nhận ra lỗi lầm của mình.
Lớp học nào mà không có học sinh lơ đãng, không có học sinh không chú ý, không thích làm bài. Giáo viên nên tìm hiểu cặn kẽ nguyên nhân của sự việc. Trả lời cho bằng được câu hỏi: Vì sao như vậy? Phải làm thế nào? Càng suy nghĩ thấu đáo, hiệu quả của việc xử lí càng cao.
Trong quá trình xử lí tình huống, chúng ta cũng nên dự hướng đến kết quả – không chỉ là kết quả của việc xử lí tình huống mà là kết quả giáo dục.
Chẳng hạn, trong tình huống trên, bước đầu tôi chỉ giúp học sinh nhận ra lỗi của mình mà chưa quan tâm đến việc học tập của các em. Trí không biết làm bài. Em bị hổng kiến thức, em ngại làm bài nhưng tôi chưa khắc phục được nhược điểm này cho em. Tôi chưa kịp thời hướng dẫn em học tập. Tức là tôi chưa đạt được mục đích trong giáo dục. Đó là chưa tính đến tình cảm thầy trò, những ấn tượng tốt đẹp của thầy dành cho trò và ngược lại.
Tóm lại, việc xử lí các tình huống xảy ra trong giáo dục một việc làm rất cấp thiết. Nhưng để đạt được kết quả như mong muốn đòi hỏi người giáo viên phải linh hoạt, ứng phó nhạy bén nhưng cũng cần phải cân nhắc lựa chọn và giải quyết theo trình tự như trên hiệu quả mới cao.
NGƯT, ThS Tô Ngọc Sơn – Chuyên viên Sở GD&ĐT Đồng Tháp
Theo giaoducthoidai.vn
Thời đại thay đổi, nhà giáo cũng phải thay đổi
'Trong thời đại công nghệ thông tin, kiến thức rất đa chiều. Vậy vị trí của người thầy bây giờ ở đâu? Có phải chúng ta tới lớp dạy và học trò chỉ học từ ta không?'.
Sinh viên năm 2 khoa tiếng Anh Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trong giờ học - Ảnh: NHƯ HÙNG
Học sinh ít nói, xa lánh bạn bè có thể được đánh đồng là ngoan, hiền; hiếu động dễ bị quy thành nghịch phá... Ngay trong nhận thức của người lớn về trẻ em đã hàm chứa sai lầm thì sự phân xử, ứng xử, dạy dỗ cũng dễ phạm sai lầm
TS Đặng Đức Hoàng
Câu hỏi được đưa ra tại buổi tọa đàm "Kỹ sư tâm hồn - Giữ vững niềm tin" do Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM phối hợp với một số đơn vị tổ chức sáng 26-4.
Đây là chương trình được nhiều người kỳ vọng bởi nó được tổ chức giữa hàng loạt vụ việc đau lòng xảy ra trong ngành GD-ĐT.
Chú trọng giao tiếp sư phạm hơn nữa
Theo TS Nguyễn Thị Bích Hồng - giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, tác động giáo dục của người thầy sẽ có sức cảm hóa lớn nhờ phong cách giao tiếp ứng xử đầy thuyết phục của thầy đối với trò trong tình huống cụ thể. Vì vậy, quá trình đào tạo giáo viên cần chú trọng đến việc trang bị năng lực giao tiếp ứng xử cho giáo sinh.
Tuy nhiên, ThS Đào Thị Duy Duyên, giảng viên khoa tâm lý học ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết: "Chương trình đào tạo của sinh viên ngành sư phạm của trường những năm gần đây mới đưa vào học phần giao tiếp sư phạm, chứ trước kia nội dung này chưa được đào tạo một cách bài bản và khoa học.
Vì vậy, nhà trường và các cơ sở đào tạo giáo viên cần phối hợp với nhau để thường xuyên mở những khóa tập huấn hoặc những chuyên đề bồi dưỡng về giao tiếp sư phạm cho giáo viên.
Ngoài ra, các trường cần xây dựng một bộ chuẩn quy định về cách thức giao tiếp ứng xử trong môi trường sư phạm để giáo viên và học sinh đều được tiếp cận. Bên cạnh đó, nhà trường nên thành lập hội đồng tư vấn chuyên môn để hỗ trợ, đồng hành với giáo viên trong việc giải quyết những tình huống sư phạm khó".
Trong khi đó, TS Đặng Đức Hoàng, trưởng Phòng GD-ĐT quận 11 (TP.HCM), chia sẻ: "Câu chuyện cô giáo phạt học sinh uống nước giẻ lau bảng khiến tôi hoảng sợ vì nhận ra: chúng ta còn thiếu sót trong việc giáo dục trẻ ý thức phản kháng trước cái xấu. Nếu không được giáo dục kỹ năng sống, các em dễ bị lôi kéo vào các hành vi tiêu cực, bạo lực, thực dụng".
Bài học GDCD của học sinh THCS nặng nề về mặt câu chữ, khái niệm nhưng lại quá thiếu sự sinh động để học sinh cảm và hiểu. Rất cần phải dạy cho các em những điều thiết thực như lòng tự trọng, tính tự giác, tình thương, tinh thần trách nhiệm... để học sinh có những nguyên tắc phù hợp, tự chọn lựa cách thức ứng xử phù hợp.
N gười thầy đừng đặt cái tôi của mình quá cao
ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh - Ảnh: H.HG
ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh - giảng viên Trường phát triển tính cách và tài năng John Robert Powers, Việt Nam, cho rằng học sinh ngày nay là thế hệ của công nghệ thông tin. Các em là thế hệ trưởng thành trong một thế giới "không bình yên": khủng bố, tội phạm công nghệ, biến đổi khí hậu... các giá trị truyền thống đang bị thách thức nhiều nhất.
Trong khi đó thầy cô giáo trưởng thành từ một thế hệ bùng nổ dân số, hơi e ngại khi học và tiếp cận công nghệ mới như công nghệ thông tin trong khi công nghệ thông tin buộc chúng ta phải bước ra khỏi "vùng an toàn" trong giảng dạy, nó khiến ta chịu nhiều áp lực hơn khi bước vào lớp học.
Thời đại công nghệ thông tin cũng buộc người thầy phải chuyển từ vai trò một giáo viên quyền lực, độc đoán sang vai trò người giáo viên hỗ trợ, tương tác và điều khiển quá trình học. Như vậy, bản thân người giáo viên phải thay đổi.
Thầy Trần Văn Đức - cựu giáo viên môn toán,Trường THPT Nguyễn Du, chia sẻ câu chuyện mà đến nay ông vẫn còn day dứt: "Tôi có thói quen trong những tiết đầu năm, khi tôi lên lớp, bao giờ tôi cũng dành một tiết để sinh hoạt về phương pháp dạy của mình.
Tôi quy ước rằng các em phải đến lớp đúng giờ, tôi vào lớp rồi thì tôi không cho phép bất cứ học sinh nào vào lớp. Và để thực thi quy ước đó, tôi luôn lên lớp đúng giờ.
Thầy Trần Văn Đức chia sẻ tại buổi tọa đàm - Ảnh: P.NGUYỄN
Lần ấy, tôi vừa bước vào lớp thì có một em học sinh thuộc dạng cá biệt hớt hải chạy vào. Tôi chưa kịp ngồi xuống bàn thì em đã vào lớp, xin phép tôi. Tất nhiên, tôi không cho và yêu cầu em xuống phòng giám thị xin giấy vào lớp.
Em đó thưa rằng: "Con có xuống phòng giám thị xin giấy trước nhưng không có ai ở đó cả".
Sau đó, tôi được biết tất cả giám thị đang họp với ban giám hiệu. Tôi vẫn cứng nhắc không cho em vào lớp và bắt em xuống phòng giám thị. Em đi xuống lần nữa nhưng cũng không xin được. Tôi bực mình nói: "Anh phải có giấy vào lớp!".
Tới mức này, em đó mới nói lại rằng: "Thầy rất cứng nhắc! Em cũng là học sinh nhưng thầy rất khó với em". Tôi coi đó là hành động hỗn hào, giận run người và gằn giọng: "Em đừng hỗn láo, tôi sẽ tát em đấy!".
Khi em xuống phòng giám thị lần nữa để xin giấy, tôi lạnh hết cả người. Nếu lúc đó, em học sinh thách thức tôi tát em thì tôi phải làm sao? Không tát thì sao tôi còn cái uy đứng lớp, nhưng nếu ra tay thì sự nghiệp giáo dục của tôi đã chấm dứt.
Sau lần đó, tôi nghiệm ra: trong công tác giáo dục, người thầy đừng đặt cái tôi của mình quá cao, hãy tìm hiểu và sẻ chia hoàn cảnh, tình cảm với học sinh".
Theo tuoitre.vn
Chủ nhân ốm nặng, chú chó ở Bến Tre quyết không rời nửa bước Chu cho tên Ôc Tiêu năm canh ba cho đên nhưng giây phut cuôi cung. Hinh anh chú chó Poodle nhỏ im re, năm canh ngươi ba ơ Bên Tre trên giương bênh, nhât quyêt không chiu đi khiên nhiêu ngươi xuc đông. Video hut tơi hang chuc nghin lươt xem chi sau vai giơ đăng tai. "Ngày ngoại mình bệnh nặng, cho...