Xu hướng mới trong du học Mỹ và Canada
Trong xu thế du học trên thế giới nói chung, Việt Nam nói riêng, số lượng du học sinh hướng đến ngành kỹ thuật, khoa học máy tính tăng mạnh, ngành kinh tế – xã hội không còn được ưa chuộng như trước đây.
Cố vấn giáo dục người Việt đầu tiên của Viện Giáo dục quốc tế Mỹ, bà Trần Phương Hoa, Giám đốc điều hành Tổ chức Giáo dục Summit, vừa cung cấp thông tin mới về du học Mỹ và Canada. Theo bà Hoa, hơn 1.000 trường tại Mỹ không bắt buộc học sinh phải nộp SAT (Scholastic Assessment Test), cho thấy tầm quan trọng bài kiểm tra SAT của Mỹ đối với sinh viên quốc tế đang giảm. Ngoài ra, các chính sách xin visa của chính phủ Canada cũng đang nới lỏng, tạo điều kiện cho sinh viên Việt Nam du học tại 2 quốc gia này.
“Nhưng hội đồng tuyển sinh Mỹ mong muốn tìm kiếm thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh TOEFL trên 100 điểm và IELTS trên 6.5 điểm, bao gồm cả học sinh trường quốc tế tại Việt Nam hoặc trung học tại Mỹ. Trong 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, hội đồng tuyển sinh đặc biệt chú trọng vào nói” – bà Hoa cho biết.
Du học sinh ở Mỹ và Canada quay về Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm cho phụ huynh học sinh
Gần đây, các trường hay nhìn vào điểm TOEFL và IELTS để dự đoán học sinh học ở trường mình có thành công hay không. Có những trường sẽ đưa ra yêu cầu điểm nói, viết không dưới 22-24 điểm. Hầu hết các trường sẽ đánh giá việc giao tiếp của học sinh trước khi quyết định có nhận vào trường hay không.
Hỗ trợ tài chính cho du học sinh Việt Nam tại Mỹ cũng đang có xu hướng giảm. Vì Việt Nam đã vào nhóm nước có thu nhập trung bình, nên hội đồng tuyển sinh Mỹ quyết định chuyển bớt hỗ trợ tài chính từ Việt Nam sang nước khó khăn hơn như ở châu Phi hoặc nước nghèo tại Đông Âu.
Tại Mỹ, lượng du học sinh Việt Nam đã đạt trên 30.000 người (tính đến tháng 3-2019), tăng liên tục trong 18 năm. Tại Canada, lượng du học sinh Việt Nam lên trên 20.000 người, tăng ngoạn mục từ con số khoảng 5.000 vào năm 2016.
Video đang HOT
Bài và ảnh: Nguyễn Thuận
Theo nld.com.vn
Bí quyết săn học bổng du học Mỹ
Đại học Mỹ luôn nhìn hồ sơ ở hai phần, phần cứng (điểm GPA, SAT, giải thưởng) và phần mềm (bài luận, hoạt động ngoại khóa, kê khai tài chính).
Tại triển lãm các trường đại học Mỹ và Canada ngày 30/6, các cố vấn đến từ tổ chức giáo dục Summit đã giải đáp thắc mắc của phụ huynh, học sinh về cách thức săn học bổng, chọn ngành và chọn trường đại học Mỹ phù hợp.
Theo bà Trần Phương Hoa, Giám đốc điều hành Summit, số lượng học bổng dành cho sinh viên quốc tế du học Mỹ ngày càng hạn chế, tính cạnh tranh cao, vì thế phụ huynh và học sinh nên chuẩn bị hồ sơ du học càng sớm càng tốt. Nhiều học sinh đến năm lớp 9-10 gia đình mới bắt đầu định hướng du học và cho con học tiếng Anh. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho các em vì khả năng nghe nói và tư duy tiếng Anh cần được trau dồi từ nhỏ và trong thời gian dài.
Đề thi chuẩn hóa trải dài ở đa lĩnh vực như văn học, ngôn ngữ nên nếu các em chỉ học chương trình tiếng Anh trên lớp hoặc học các môn khoa học bằng tiếng Anh là chưa đủ. Với điểm chuẩn hóa như SAT, TOEFL, IELTS, giám đốc Summit khuyên học sinh nên ôn tập từ năm lớp 10.Bên cạnh việc định hướng sớm, việc chuẩn bị hồ sơ xin học bổng cũng là yếu tố quan trọng.
Ông Myo Min, Giám đốc học thuật của Summit, cho biết từ góc độ của hội đồng tuyển sinh, các trường đại học Mỹ luôn nhìn tổng thể hồ sơ ở hai phần, phần cứng (điểm GPA, SAT, giải thưởng) và phần mềm (bài luận, hoạt động ngoại khóa, kê khai tài chính).
Đầu tiên, hội đồng tuyển sinh sẽ đánh giá điểm số, trong đó điểm trung bình học tập GPA là quan trọng nhất, rồi đến điểm SAT, giải thưởng nếu có. Phần này sẽ được chấm theo thang điểm thấp dần từ 1 đến 5, sau đó tiếp tục đến phần mềm. "Các em cần trau dồi tích lũy ở cả hai phần, không nên chỉ chú trọng một phần mà bỏ qua phần còn lại", ông kết luận.
Bà Trần Phương Hoa và ông Myo Min chia sẻ cách săn học bổng Mỹ.
Có nhiều năm kinh nghiệm hướng dẫn học sinh chuẩn bị hồ sơ du học, ông Daniel Friesen, cố vấn học thuật của Summit, nhận xét điểm yếu của học sinh Việt Nam là viết bài luận xin học bổng. Học sinh thường không nắm rõ và không tìm hiểu kỹ mong muốn của bản thân, dẫn tới nhiều bạn hồ sơ đẹp nhưng không có mục tiêu tương lai.
"Điều này sẽ thể hiện rất rõ trong bài luận vì nếu không thể hiện được các giá trị bản thân thì hội đồng tuyển sinh không thể biết về tính cách, mục tiêu và mong muốn của thí sinh", thầy Daniel nói.
Lấy ví dụ về bài luận "Vì sao thí sinh muốn đăng ký vào trường?", ông nhận xét nhiều bạn chỉ nêu được những điểm thích ở trường nhưng điều hội đồng tuyển sinh muốn biết là sinh viên mong muốn đạt được điều gì trong tương lai và với điều kiện và nguồn lực của mình, nhà trường có thể giúp đỡ như thế nào.
Trả lời câu hỏi về cách chọn trường đại học Mỹ, bà Trần Phương Hoa đưa ra năm tiêu chí quan trọng phụ huynh học sinh nên áp dụng. Trước khi đăng ký, học sinh cần xem xét điều kiện để vào trường như tiêu chí điểm số, thành tích và đánh giá liệu gia đình có thể đáp ứng được hay không.
"Sai lầm của nhiều người khi vào website trường là chỉ xem điều kiện dành cho học sinh Mỹ và học sinh quốc tế nói chung. Các em hãy so sánh mình và những người trong nước từng đỗ để đánh giá chính xác nhất", bà Hoa nói.
Tiếp theo, phụ huynh nên cân nhắc câu hỏi "liệu trường đại học đó có khả năng chi trả học bổng và hỗ trợ tài chính theo nguyện vọng của thí sinh hay không?". Tuy nhiên, các trường đại học thường không công bố chính xác mức tài chính nhà trường có thể giúp đỡ nên học sinh có thể tìm đến nhà tư vấn hoặc những người đi trước.
Điểm lưu ý tiếp theo là xem xét vị trí thứ hạng của trường và ngành học trong trường trong các bảng xếp hạng uy tín. Bà Hoa lấy ví dụ trường A có vị trí xếp hạng cao hơn trường B, nhưng ngành học mà học sinh lựa chọn ở trường A lại đứng thấp hơn ngành đó ở trường B thì nên chọn học trường B.
Ông Daniel Friesen tư vấn cho thí sinh chọn trường đại học Mỹ.
Tiêu chí cuối cùng là vị trí địa lý. Giám đốc Summit cho hay giữa trường cách xa thành phố và trường gần trung tâm thành phố thì nên ưu tiên trường gần vì sẽ có nhiều doanh nghiệp thực tập hoặc những trường ở xa nhưng giao thông thuận lợi.
Đinh Nho Minh, cựu sinh viên đại học Tufts, đánh giá việc chọn ngành ở trường đại học Mỹ tương đối linh hoạt và nhiều cơ hội. Bởi vì tại một số trường đại học, sinh viên chọn ngành vào năm ba. Hai năm đầu, các bạn có thể đăng ký ngành học, môn học tuỳ thích nhằm tìm kiếm ngành phù hợp. Ngoài ra, sinh viên có thể tìm đến sự tư vấn của cố vấn học tập, giảng viên nhà trường.
Về việc tìm kiếm cơ hội thực tập hoặc làm đề tài nghiên cứu, Nho Minh khuyên học sinh hãy mở rộng mối quan hệ khi học tập tại nước Mỹ. "Các bạn không nên chỉ lên lớp nghe giảng mà cần làm quen giáo sư và bạn bè trong trường để có cơ hội tham gia trợ giảng hoặc làm đề tài nghiên cứu khoa học", Minh nói và cho hay nên bắt đầu tìm hiểu vị trí thực tập từ năm nhất, năm hai để tạo dựng hồ sơ và mối quan hệ hữu ích.
Tú Anh
Theo VNE
Nữ sinh Việt đạt thành tích học tập xuất sắc toàn diện tại Mỹ Hoàng Diễm Quỳnh, nữ sinh 17 tuổi, vừa là một trong 40 học sinh trên toàn nước Mỹ được Hiệp hội Hiệu trưởng trung học cấp quốc gia Mỹ vinh danh vì có thành tích học tập xuất sắc toàn diện. Hoàng Diễm Quỳnh ở Mỹ - NVCC Điểm tổng kết lúc nào cũng gần 10 Hoàng Diễm Quỳnh sinh ra tại TP.Nha...