Xu hướng mới của ngân hàng: Hy sinh tăng trưởng cao trong ngắn hạn cho mục tiêu dài hạn
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn trong quản trị rủi ro của Basel 2 chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng, do phải dành nhiều nguồn vốn hơn để dự phòng cho các loại rủi ro, khiến chi phí hoạt động của ngân hàng tăng lên.
Các ngân hàng đã chấp nhận hy sinh lợi nhuận thay vì chọn giải pháp là tăng lãi suất cho vay. Ảnh: THÀNH HOA
Chạy đua xin áp dụng Basel 2
Hàng loạt ngân hàng dường như đang chạy đua với thời gian để được áp dụng Basel 2 theo quy định tại Thông tư số 41/2016-NHNN. Theo đó, các ngân hàng sẽ tính tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR – Capital Adequacy Ratio) theo các tiêu chuẩn quốc tế thay vì như quy định tại Thông tư số 36/2014-NHNN. Tính tới thời điểm hiện nay, đã có các ngân hàng như Vietcombank, VIB, OCB, TPBank, VPBank, MB và ACB được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho phép tính CAR theo quy định mới.
Tại sao các ngân hàng lại đang phải chạy đua để xin được áp dụng Basel 2 sau một thời gian dài hờ hững suốt từ năm 2016 đến nay, trong khi Thông tư số 41 phải đến đầu năm 2020 mới có hiệu lực thi hành? Câu trả lời là nhằm có được chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cao cho năm 2019. Bởi lẽ, NHNN đang định hướng điều hành để tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chỉ ở mức 14% cho cả năm 2019. Trong đó, cơ quan này sẽ ưu tiên phân bổ chỉ tiêu cao hơn cho các ngân hàng đã đáp ứng được các quy định về tính hệ số an toàn vốn mới. Hệ quả là các ngân hàng đang tranh nhau để có được miếng bánh tín dụng to hơn từ NHNN. Chính vì vậy mà có lẽ trong thời gian tới sẽ còn nhiều ngân hàng khác đăng ký tham gia.
Chi phí vốn của các ngân hàng sẽ tăng lên
Basel 2 sẽ đòi hỏi các ngân hàng phải có nhiều vốn tự có hơn để dự phòng rủi ro cho các tài sản. Một điểm khác biệt rất lớn giữa Basel 2 và quy định hiện hành của Việt Nam là việc yêu cầu các ngân hàng phải dự phòng bổ sung cho rủi ro hoạt động (operational risk) và rủi ro thị trường (market risk) thay vì chỉ yêu cầu dự phòng rủi ro cho các khoản tín dụng như trước (credit risk).
Rủi ro hoạt động là rủi ro do các quy trình nội bộ quy định không đầy đủ hoặc do yếu tố con người dẫn đến tổn thất về tài chính. Như vậy, các ngân hàng có quy mô hoạt động càng lớn thì sẽ càng phải trích lập dự phòng rủi ro hoạt động càng nhiều.
Video đang HOT
Các ngân hàng sẽ sẵn sàng duy trì hoặc thậm chí là giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp lành mạnh để có thể giữ chân được khách hàng, đồng thời sẽ chủ động mở rộng cơ sở khai thác các nguồn thu từ phí dịch vụ thông qua hệ sinh thái của khách hàng.
Rủi ro thị trường là rủi ro biến động bất lợi của lãi suất, tỷ giá, giá chứng khoán và giá cả hàng hóa trên thị trường. Đây là rủi ro sẽ tác động trực tiếp đến các ngân hàng tập trung phát triển các nghiệp vụ phái sinh. Bên cạnh đó, Basel 2 còn yêu cầu phải tăng hệ số rủi ro cho hàng loạt tài sản có sinh lời cao (earning assets) như cho vay kinh doanh bất động sản, cho vay đầu tư chứng khoán hay cho vay tiêu dùng…
Do vậy, mặc dù hệ số an toàn vốn tối thiểu theo Basel 2 chỉ còn 8% thay vì 9% như quy định tại Thông tư 36/2014, nhưng các ngân hàng sẽ phải có nhiều nguồn vốn tự có hơn. Bối cảnh hiện nay cho thấy việc tăng vốn tự có thông qua việc phát hành cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn. Do đó, để có thể duy trì được hệ số CAR theo quy định thì có lẽ các ngân hàng sẽ buộc phải hạn chế tăng trưởng quy mô của tài sản và/hoặc giải ngân nguồn vốn vào các tài sản an toàn hơn.
Giảm lợi nhuận thay vì tăng lãi suất cho vay?
Việc tuân thủ các tiêu chuẩn trong quản trị rủi ro của Basel 2 chắc chắn sẽ tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng Việt Nam trong thời gian tới. Theo đó, việc phải dành nhiều nguồn vốn hơn để dự phòng cho các loại rủi ro sẽ khiến chi phí hoạt động của ngân hàng tăng lên. Chi phí hoạt động ở đây được nhấn mạnh đến và hiểu chủ yếu là chi phí về nguồn vốn. Chi phí nguồn vốn tăng không phải là do các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động mà các ngân hàng sẽ phải dành nhiều nguồn vốn hơn để phân bổ vào các tài sản có rủi ro thấp hơn như trái phiếu chính phủ hay các khoản cho vay được đảm bảo bằng các loại tài sản an toàn.
Theo nguyên tắc hoạt động thông thường thì khi chi phí tăng các ngân hàng phải tăng lãi suất cho vay nhằm duy trì được hiệu quả kỳ vọng của các cổ đông. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mục tiêu kinh doanh của các ngân hàng trong năm 2019 thì dường như đã có sự thay đổi trong chiến lược hoạt động của nhiều ngân hàng. Theo đó, các ngân hàng đã chấp nhận hy sinh lợi nhuận thay vì chọn giải pháp là tăng lãi suất cho vay. Phần lớn các ngân hàng chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng từ 10-15% so với năm 2018. Đây là con số thấp hơn nhiều so với mức tăng bình quân từ 20-25% của năm 2018 so với năm 2017. Có lẽ đây là sự lựa chọn mang tầm chiến lược của các ngân hàng trong bối cảnh mà mức độ cạnh tranh ngày càng gia tăng.
Các ngân hàng đang vừa phải cạnh tranh trực tiếp với nhau vừa phải cạnh tranh với các định chế tài chính khác đến từ thị trường vốn. Nguyên nhân là do Việt Nam đang ngày càng chủ động mở cửa thị trường tài chính, khiến cho dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có xu hướng đổ mạnh vào các doanh nghiệp của Việt Nam.
Động thái của các ngân hàng vừa qua được xem là hy sinh tăng trưởng cao trong ngắn hạn để có tăng trưởng ổn định trong dài hạn. Theo đó, các ngân hàng sẽ sẵn sàng duy trì hoặc thậm chí là giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp lành mạnh để có thể giữ chân được khách hàng, đồng thời sẽ chủ động mở rộng cơ sở khai thác các nguồn thu từ phí dịch vụ thông qua hệ sinh thái của khách hàng.
Theo thesaigontimes.vn
Hàng loạt ngân hàng "chạy" chỉ tiêu tín dụng
Đã có 7 ngân hàng khấp khởi với khả năng được nới chỉ tiêu tín dụng năm nay khi đã đạt tiêu chuẩn Basel 2.
TPBank có tăng trưởng tín dụng tới 9,8% chỉ trong 3 tháng đầu năm nay. Ảnh: TPB
Nhiều ngân hàng cũng đang xin được nới chỉ tiêu tín dụng trong bối cảnh tăng trưởng chung của hệ thống đang thấp hơn mọi năm.
Nhiều ngân hàng xin nới chỉ tiêu
Trong số các ngân hàng tăng trưởng tín dụng cao những tháng đầu năm nay phải kể tới TPBank. Chỉ trong 3 tháng đầu năm nay TPBank đã tăng trưởng tín dụng tới 9,8%, chưa tính tới các cấu phần khác. Còn nếu tính đủ thì con số đã lên 11,3%. Trong khi đó, hạn mức tín dụng mà ngân hàng này được NHNN cấp chỉ ở mức 13% (năm 2018, tăng trưởng tín dụng của TPBank là 14,45%).
Bên cạnh TPBank, VIB cũng là ngân hàng có dư nợ cho vay khách hàng tới 5,9% (đạt 100.870 tỷ đồng) trong 3 tháng đầu năm. Trong khi đó, dư nợ tín dụng cả năm 2018 của VIB chỉ ở mức 14,69%. Quý I năm nay OCB cũng đã đạt dư nợ tín dụng thị trường 1 khoảng 75.253 tỷ đồng, tăng tới gần 8,7% so với đầu năm và tăng mạnh 30% so với năm 2018. Con số này đã tương đương non nửa mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 là 19,1%.
Trong số các ngân hàng chuẩn bị "cạn" chỉ tiêu tín dụng còn có Sacombank. Chỉ trong 3 tháng, ngân hàng này đã "tiêu xài" hết 5,61% tăng trưởng tín dụng, trong khi chỉ tiêu được giao là 7%. Không riêng Sacombank, hàng loạt ngân hàng đều đang xin NHNN "nới" chỉ tiêu tín dụng.
Trong các năm trước đây, cứ mỗi đầu năm, NHNN thường giao chỉ tiêu cho từng ngân hàng và sau đó căn cứ vào tình hình thực tế, sức khỏe của ngân hàng để điều chỉnh chỉ tiêu này vào quý cuối năm nhằm cân đối chỉ tiêu chung cho toàn hệ thống. Năm 2018, hạn mức tín dụng chung của các ngân hàng phổ biến ở mức 14-15%, đến cuối năm một số ngân hàng đã được nới lên đến gần 20%.
Năm nay, với yếu tố mới là một số ngân hàng đã đạt tiêu chuẩn Basel 2 nên theo tuyên bố của Phó thống đốc NHNN từ cuối năm ngoái: Ngân hàng nào đạt được Basel 2 sẽ được xem xét cấp chỉ tiêu tín dụng ở mức cao hơn. 3 ngân hàng đạt Basel 2 trước hạn đầu tiên là: Vietcombank, OCB và VIB. Tháng 4 vừa qua, NHNN cũng công nhận cho 4 ngân hàng khác đạt trước hạn là MBB, ACB, Tienphong Bank và VPB đã áp dụng chuẩn Basel 2 từ đầu tháng 5 này.
Như vậy, tới thời điểm này, khác với Sacombank (xin nới chỉ tiêu tín dụng lên 15%), 7 ngân hàng trên có thể kỳ vọng được NHNN nới chỉ tiêu tín dụng cho cả năm 2019. Đây cũng là lý do vì sao tại đại hội cổ đông vừa qua, các ngân hàng gắn mác Basel 2 đều đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn so với chỉ tiêu như VIB (35%), MBB (15%), VPB (15%), TPB (21%), HDB (24%), OCB (30%). Techcombank và HDBank đầu năm nay cũng đã nộp hồ sơ xin tuân thủ Basel 2 trước hạn và kỳ vọng sẽ được NHNN phê duyệt chính thức vào quý II năm nay cũng để xin nới chỉ tiêu tín dụng.
Xin chỉ tiêu tín dụng tới 35% có dễ?
Hết 3 tháng, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 2,38%. Đến 17/4, con số này là 3,23%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 5% của cùng kỳ 2018, 2017 và định hướng chung cả năm nay là 14%. Nhiều ngân hàng nhỏ sụt giảm dư nợ cho vay quý I năm nay như NCB giảm 2,5%; Saigonbank giảm 0,4%; VietCapitalBank tăng thấp 1,32%; PGBank tăng thấp 1,87%; Eximbank tăng trưởng âm 2,9%. Tăng trưởng cho vay thấp góp phần làm lợi nhuận quý I của Saigonbank giảm 39%, VietCapital Bank giảm 75%, NCB chỉ ở mức tương đương cùng kỳ 2018.
Trong tờ trình đại hội cổ đông sắp diễn ra, TPBank đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 2019 hơn 21%. Với việc sử dụng gần hết chỉ tiêu tín dụng trong quý I và đạt Basel II, lãnh đạo ngân hàng này kỳ vọng sẽ được nới chỉ tiêu. Theo ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank, năm 2018, ngân hàng này được cấp hạn mức 14% và sau đó được NHNN nới lên 18,5%. Theo số liệu ông Hưng sẽ báo cáo trước các cổ đông, mảng tín dụng cá nhân của TPBank 2018 có bước nhảy vọt với mức tăng 51%. Mảng cho vay doanh nghiệp chỉ tăng 3% nhưng ghi dấu ấn với sản phẩm cho vay tín chấp và cho vay nhanh thu hút thêm nhiều khách hàng mới. Do đó, cho vay tín chấp cũng tiếp tục được ngân hàng này triển khai mạnh trong năm nay.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank cho rằng, hoạt động tín dụng của ngân hàng này vẫn tăng trưởng tốt. Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt với nợ xấu ở mức 1,1% thấp hơn nhiều so với quy định của NHNN, trong đó thực chất tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng chỉ có 0,82% còn lại là nợ xấu kéo theo do phân loại lại theo nhóm nợ cao nhất của khách hàng tại ngân hàng khác.
Xin tăng chỉ tiêu tín dụng lên tới 35%, song lãnh đạo VIB cho biết, kỳ vọng sẽ được NHNN nới tăng trưởng tín dụng. Còn thực tế được chấp thuận ở mức nào thì sẽ thực hiện trong khuôn khổ cho phép. Năm 2017, tín dụng bán lẻ của VIB tăng 84% và tăng 48% năm 2018 nên mảng cho vay mua ô tô, cho vay mua nhà của ngân hàng vẫn là mảnh đất màu mỡ. Năm 2019, với chỉ tiêu lợi nhuận 3.400 tỷ đồng, nếu không được nới chỉ tiêu tín dụng có ảnh hưởng tới lợi nhuận không? Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ cho rằng, chỉ tiêu lợi nhuận này là trên cơ sở hoạt động kinh doanh đa dạng, không chỉ phụ thuộc vào hoạt động tín dụng mà còn dựa trên các hoạt động kinh doanh nổi bật của ngân hàng là dịch vụ, thẻ, bảo hiểm và các hoạt động kinh doanh khác nên mục tiêu lợi nhuận của VIB là khả thi. Ông Vỹ cũng tự tin khi cho rằng VIB có truyền thống thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận nên ngân hàng kỳ vọng lợi nhuận thực tế sẽ vượt 20-30% kế hoạch.
Mặc dù vậy, nhờ kế hoạch tăng trưởng tín dụng này, các ngân hàng mới có thể tự tin đặt lợi nhuận 2019 ở mức cao: VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.400 tỷ đồng, tăng 24% so với 2018; HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận 5.077 tỷ đồng, tăng 26,8%; MBBank đặt mục tiêu lãi 9.895 tỷ đồng, tăng 27%... Do đó, trong trường hợp chỉ tiêu tín dụng đặt ra không được NHNN chấp thuận các ngân hàng phải điều chỉnh lợi nhuận hoặc cơ cấu lại dư nợ cho vay theo hướng tăng biên lợi nhuận, tức đẩy mạnh tín dụng vào phân khúc cho vay có lời cao (nhưng đi kèm với rủi ro nợ xấu).
C. Sơn
Theo baogiaothong.vn
Thêm loạt ngân hàng nhận "chứng chỉ" tỷ lệ an toàn vốn đủ chuẩn Basel II Hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam vừa có thêm những thành viên mới được áp dụng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II trước thời hạn. Những ngân hàng đầu tiên nhận quyết định áp dụng Thông tư 41 vào ngày 28/11/2018. Ngày 17/4, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 777/QĐ-NHNN về việc Ngân hàng Tiên...