Xu hướng báo chí mobile trong kỷ nguyên di động
Với sự phổ biến của smartphone và tablet, các tờ báo đang không chỉ đơn thuần xây dựng giao diện mobile mà còn sản xuất nội dung dành riêng cho thiết bị di động.
Ngày nay, mọi người không còn tranh cãi nhau về chuyện báo giấy sẽ đi xuống hay báo điện tử sẽ thống trị. Thay vì cạnh tranh, báo giấy cũng đã có phiên bản điện tử và trong thời đại di động, nếu không tiếp tục có phiên bản mobile, những tờ báo đó sẽ có ngày bị “tuyệt chủng như khủng long”, theo lời chia sẻ của ông Bae Myung Bok của Nhật báo Chungang (Hàn Quốc) trong hội thảo “Smartphone với truyền thông hiện đại” do Thông tấn xã Việt Nam tổ chức ngày 14/5 tại Hà Nội.
Ngành truyền thông và báo chí, truyền hình, Internet đang chịu ảnh hưởng mang tính cách mạng đến từ các phương tiện di động. Trong đó, sự phát triển của smartphone đẩy phương tiện truyền thống như báo giấy vào khủng hoảng nghiêm trọng. Hình ảnh những người trẻ tuổi cắm cúi bên smartphone không còn xa lạ tại các quán cafe. Rất nhiều trong số đó cập nhật Facebook, theo dõi tin tức… hoàn toàn trên điện thoại và chỉ sử dụng máy tính khi cần làm việc. Một số diễn giả trong hội thảo cũng chia sẻ ví dụ rằng, buổi tối khi về nhà, người sử dụng thường chọn nằm trên giường cập nhật thông tin qua điện thoại chứ không mấy ai khởi động laptop chỉ để đọc tin tức.
Sự thịnh hành của smartphone tạo nên thị trường báo chí di động.
Sự thịnh hành của công nghệ mang đến sân chơi công bằng cho tất cả. Ông Lê Duy Truyền, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nhấn mạnh rằng văn hóa đọc của độc giả đang thay đổi rất nhanh. Các phương tiện di động, nhất là smartphone đã trở thành công cụ đọc tin phổ biến của mọi người, nhất là giới trẻ. Nếu người làm báo không chú trọng đổi mới phương thức và nội dung cung cấp cho mobile, báo chí sẽ khó có thể tiếp cận với đối tượng độc giả hiện nay, nhất là độc giả trẻ.
Tuy nhiên, báo chí di động hiện đại không đơn giản chỉ là xây dựng giao diện tuỳ biến cho thiết bị di động như những năm trước đây. Nhiều toà soạn bắt đầu có xu hướng viết nội dung ngắn gọn để xuất bản trên phiên bản mobile, hoàn toàn độc lập với bản điện tử và báo giấy. Chẳng hạn, khi một sản phẩm mới ra đời, nội dung đăng trên báo mobile sẽ đơn giản là dòng tin tức ngắn gọn và đầy đủ nhưng kịp thời về thiết bị đó, còn thông tin chi tiết về sự kiện diễn ra ra sao và các mô tả khác về sản phẩm sẽ được đăng sau trên phiên bản điện tử (PC) và báo giấy.
Thị trường báo chí trực tuyến cũng đang chuyển trọng tâm từ PC sang mobile một cách nhanh chóng. Xu thế Mobile Centric (phát triển nội dung lấy mobile làm trọng tâm) đã hình thành nhưng nhiều tờ báo vẫn chưa thoát khỏi khung nền tảng là PC. Có nghĩa, nội dung tin tức được sản xuất cho báo giấy được đưa nguyên xi lên báo điện tử sẽ không thể đáp ứng ứng được nhu cầu tin tức trong thời đại mới. “Báo chí phải gia công lại hình thức nội dung tin tức phù hợp nhất với từng môi trường PC, di động và các loại nền tảng đa dạng khác”, ông Bae Myung Bok nhấn mạnh.
Bà Kwon Tae Sun, Tổng Biên tập báo điện tử Huffington Post Korea(HPK), cho biết, tại Hàn Quốc trung bình số người xem tin tức bằng smartphone chiếm 40%, số người xem bằng máy tính là 60%, tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch sang mobile ngày càng tăng. Bằng chứng là tỷ lệ đọc qua mobile của HPK lên tới 70%. Còn theo điều tra của hãng KPF, thời gian trung bình một người Hàn Quốc dành để đọc báo giấy là 12 phút, trong khi thời gian dùng Internet trên PC là 62,2 phút, dùng điện thoại thông minh hay các thiết bị di động khác chiếm 53,7 phút. Ông Bae Myung Bok cho biết, khủng hoảng báo chí tại Hàn Quốc có nguyên nhân chính bởi khuynh hướng mới nhất của truyền thông số, gọi là là SMS (Smart – Thông ming, Mobile – Di động, Social – Xã hội).
Tại Việt Nam, hiện có tới 31 triệu trên tổng số dân 91 triệu đang sử dụng Internet, đứng thứ 18 thế giới, và 19 triệu người sử dụng Internet di động. Trong năm 2013, Việt Nam có khoảng 17 triệu smartphone được bán ra, đồng thời giá thiết bị được bán tại đây đang ngày một giảm xuống, giúp nhiều người tiếp cận được với điện thoại thông minh. Thị trường báo mobile đang hình thành rõ nét và hứa hẹn sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo VNE