Xót xa nhìn trẻ mầm non ăn cơm với… dế mèn
Bữa cơm trưa của học sinh mầm non ở điểm trường số 1, thuộc trường mầm non Tuổi Hồng (xã Đắk Rơ Wa, TP Kon Tum) là cơm trắng, lá sắn non nấu mì tôm. Em nào “tươm tất” hơn thì có con dế mèn, cá suối.
Thêm vào đó, điểm trường này không có điện, nước và cơ sở vật chất rất thiếu thốn.
Điểm trường số 1 của trường mầm non Tuổi Hồng là một phòng học nhỏ, nằm bên cạnh 2 phòng của học sinh tiểu học. Học ở ngôi trường cách trung tâm TP Kon Tum chưa đầy 5km, học sinh nơi đây hàng ngày phải ngồi học trong cảnh nóng bức vì không có điện, không đảm bảo vệ sinh vì không có nước rửa.
Tất cả học sinh mầm non của điểm trường số 1 có 23 em từ 3 – 5 tuổi được ghép chung lại thành một lớp, 100% em là người đồng bào dân tộc Bahna. Hàng ngày, các em được cha mẹ gửi từ khoảng 7h sáng tới chiều tối thì đón về. Mỗi sáng, các em đi học đều mang theo một cặp lồng cơm để trưa ở lại ăn tại trường.
Các em đi học đều mang theo cặp lồng cơm để ăn trưa tại trường.
Có chứng kiến tận mắt mới thấy nhói lòng khi nhìn các em học sinh ở đây ăn cơm. Vì ăn, ngủ, học chỉ có 1 phòng duy nhất nên tới bữa ăn các em cùng tụm năm, tụm ba ra ngoài hành lang ngồi ăn. Mỗi em một cặp lồng cơm được cha mẹ chuẩn bị cho từ trước giờ lên lớp. Em có thìa xúc từng muỗng đưa vào miệng, có em dùng tay bốc, rón. Nhưng nhìn trong cặp lồng cơm tất cả đều là… cơm trắng. Có em may mắn hơn thì thức ăn là mì tôm nấu lá sắn non, có em thức ăn ngon nhất tôi nhìn thấy là hai con cá bằng hai ngón tay.
Video đang HOT
Lá sắn non nấu với mì tôm là món thường ngày của học sinh mầm non nơi đây.
Trong tất cả những cặp lồng cơm, đây có lẽ là cặp lồng cơm ngon nhất.
Cô Y Huynh – giáo viên lớp mầm non này cho biết: “Tội các em lắm, vì gia đình của các em hầu hết đều là những hộ nghèo, có những em ngày nào đi học cũng chỉ là một cặp lồng cơm trắng cứng không nuốt nổi, có em nào tốt hơn thì có được miếng thịt, con cá”.
Cô Huynh cho biết, trong tất cả các học sinh ở đây, thì hoàn cảnh khó khăn nhất là em A Bú (3 tuổi), hàng ngày cứ chiều chiều là em đòi về trước theo mẹ đi đào con dế, để “mai mang lên lớp ăn”.
“Muốn là muốn có nước, có điện, bữa cơm có miếng thịt cho các em bớt khổ, mới tí tuổi mà ăn uống ăn toàn lá sắn sao mà lớn được” – cô Huynh mong mỏi.
Không chỉ ăn uống thiếu thốn, các học sinh ở đây đều phải chịu cảnh không điện, không nước. Cô Huynh cho biết, từ tết đến nay điện có được khoảng 2 tuần thì mất, cả phòng có 1 cái quạt nhưng vì không có điện nên để trên điểm trường chính. Mỗi buổi trưa trời nóng bức cô đều dùng quạt tay cho từng em, đến khi nào các em ngủ say thì thôi.
Trải những manh chiếu rách để ngủ trưa, không có chăn, các em dùng áo lót làm gối.
Thêm vào đó, tại điểm trường không có giếng nước, mỗi sáng cô Huynh đều phải ra giếng nhà dân xin nước về cho học sinh rửa và lau phòng nhưng “có hôm họ không cho vì sợ tốn điện”.
Chậu nước lẫn cả cát mà cô giáo Huynh xin được từ nhà dân về cho các học sinh sử dụng.
Trao đổi với PV Dân trí, cô Diệp Thị Thúy – hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Hồng cho biết: “Toàn trường có 1 điểm trường chính và 4 điểm trường phụ, chỉ có trường chính là cơ sở vật chất khá hơn. Tất cả các điểm trường phụ đều chưa có giếng nước và nhà vệ sinh”.
Để giải quyết vấn đề nước uống, cô Thúy cho biết phải “vận động phụ huynh khi đưa con đi học mang theo bình nước”. Những khó khăn này cô Thúy đã kiến nghị lên Phòng Giáo dục nhưng chưa được giải quyết.
Theo Dan tri
Người khát, lúa chết
Mặc dù đã có những trận mưa nhỏ rải rác nhưng đến thời điểm hiện tại, người dân Kon Tum vẫn khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt và nước tưới phục vụ sản xuất.
Toàn tỉnh Kon Tum có khoảng 12 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung bị hạn, trong đó có 7 công trình thiếu nước và 5 công trình có khả năng thiếu nước. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng nóng kéo dài; một số công trình bị xuống cấp, hư hỏng nặng.
Lòng hồ thủy lợi Tân Điền có nhiệm vụ trữ nước cho hơn 90 ha lúa, sau một vài trận mưa nhỏ đã có nước nhưng không đáng kể
Bên cạnh đó, số giếng đào bị cạn kiệt nguồn nước. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Kon Tum, huyện Sa Thầy, huyện Đắk Hà cũng có tới 1.000 giếng bị hạn.
Ông Phan Hùng - thôn trưởng thôn 7, xã Đoàn Kết, TP Kon Tum, cho biết, toàn thôn có hơn 500 hộ dân nhưng chỉ vài nhà giếng có nước sinh hoạt, các hộ khác phải đi xin từng thùng nước. Thậm chí nhiều hôm nước cạn kiệt, người dân phải nhịn cả những sinh hoạt thiết yếu nhất.
Không chỉ thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, nguồn nước tưới cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa cũng đang lâm vào tình trạng "thoi thóp". Tổng diện tích bị hạn trên toàn tỉnh là 1.380 ha, diện tích có khả năng bị hạn là hơn 1.600 ha. Để cứu những diện tích lúa còn lại, người dân đã cùng nhau góp tiền khoan giếng tại chỗ lấy nước tưới.
Người dân phải khoan giếng bơm liên tục cả ngày đêm để mong cứu được diện tích lúa còn lại
Tuy nhiên không phải người dân nào cũng có kinh phí đầu tư khoan giếng cứu lúa. Nhiều hộ dân đành lòng nhìn lúa chết dần từng ngày. Bà Lữ Thị Sỹ (51 tuổi huyện xã Đắk La, Đắk Hà) thở dài: "Nhà tôi có 2 sào ruộng, mua 10kg đạm mang đi bón cho lúa, nhưng vì không có nước nên chỉ bón được một nửa còn lại mang về. Các hộ dân ở đây góp tiền khoan giếng nhưng nhà tôi không có tiền nên chỉ biết cầu trời cho có mưa xuống để chúng tôi có chén cơm ăn".
Ông Trần Thanh Minh - Phó Chủ tịch xã Đắk La (huyện Đắk Hà) - cho biết, hiện xã đang tìm phương án thích hợp nhất để cứu diện tích lúa còn lại. Một là phải khoan giếng tại chỗ, hai là mua dụng cụ, đường dây dẫn. Nhưng cả hai phương án này đều hết sức tốn kém.
Theo Dantri
Ban hành công văn cảnh báo tình trạng thu mua gốc, rễ hồ tiêu Ngày 4/4, UBND tỉnh Gia Lai ban hành công văn số 977 UBND-NL cảnh báo tình trạng người Trung Quốc thu mua gốc rễ tiêu trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Theo đó, trong thời gian gần đây, trên địa bàn một số huyện của tỉnh Gia Lai xôn xao việc các thương lái thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu với giá...