Xót xa hình ảnh học sinh mầm non ở vùng cao đốt lửa ngồi học cho đỡ rét
Chúng tôi có cảm giác nghèn nghẹn khi chứng kiến hình ảnh các em học sinh mầm non đang ngồi quây quần bên đống củi được cô giáo đốt lên trong giờ học để sưởi ấm. Ngồi trong phòng học mà cảm giác rét buốt không khác gì ngoài trời, vì gió lạnh lùa qua cửa, qua vách tường chỉ được che chắn tạm bằng tranh tre nứa lá.
Điểm trường “lộng gió” Huổi Dên, Trường PTDTBT TJ và THCS Nà Ớt, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La
Đốt lửa trong giờ học để bớt rét
Hình ảnh của các em học sinh ngồi quây quần bên đống lửa trong giờ học để sưởi ấm là ở điểm trường Púng Khoai, thuộc Trường mầm non Bình Minh, xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Các em học sinh ở điểm trường Púng Khoai, Trường mầm non Bình Minh, thuộc xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La phải đốt lửa trong giờ học để bớt rét
Đây là điểm trường đang học nhờ ở nhà văn hóa của bản, với 20 em học sinh người dân tộc Mông và 100% các em đều thuộc hộ nghèo.
Cũng cách điểm trường Púng Khoai ít cây số, tình cảnh của các em học sinh điểm trường Nặm Ún cũng không khá gì hơn, thậm chí còn tồi tàn hơn rất nhiều.
Điểm trường Nặm Ún, thuộc Trường mầm non Bình Minh được lợp tạm bằng tranh tre nứa lá
Mái và các vách tường phải quây thêm bạt để chống dột, chống gió lùa
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thanh Hà, giáo viên được phân công phụ trách điểm trường Nặm Ún cho biết, điểm trường Nặm Ún đã có tuổi đời hơn 20 năm, chỉ rộng 25m2, được thưng tạm bằng tranh tre nứa lá, mái lợp bờ rô xi măng, nền đất. Để tránh mưa dột và gió lùa, các cô giáo phải lót thêm một lớp bạt trên mái và các vách để che chắn, nhưng dường như không ăn thua.
“Mấy hôm nay nhiệt độ xuống thấp quá, cô và trò chúng em ngồi trong phòng vẫn rét run, nên nhiều khi phải đốt thêm củi để sưởi ấm, các em học sinh ở đây đều là hộ nghèo nên áo quần không đủ ấm, giày tất lại càng không có, thương lắm”, cô Hà chia sẻ.
Cũng theo cô Hà cho biết, tổng số học sinh của điểm trường Nặm Ún gồm 32 em học sinh (gồm 8 em 3 tuổi, 10 em học sinh 4 tuổi và 14 em học sinh 5 tuổi), trong đó 17 em học sinh thuộc hộ nghèo. Tất cả các em đều là người dân tộc Thái. “Mong ước của cô và trò là có phòng học chắc chắn hơn, không phải chịu cảnh rét buốt khi trời chuyển lạnh, nắng hanh khô vào mùa hè”, cô Hà nói.
Lớp học được dựng tạm bằng cột gỗ, vách làm bằng tre
Lớp học có tuổi đời hơn 20 năm
Xung quanh đều được quây bạt chắn gió, che mưa, che nắng
Bữa ăn đơn sơ gồm cơm trắng, cá khô của các em học sinh mầm non
Trao đổi với PV Dân trí, cô Khuất Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường mầm non Bình Minh chia sẻ với chúng tôi một thông tin khá “sốc”: “Trường mầm non Bình Minh của chúng tôi có đến… 27 điểm trường với tổng số 568 học sinh, và đều trong tình trạng khó khăn như điểm Púng Khoai, điểm Nặm Ún. Như điểm Nặm Ún là còn có phòng học, dù nó chỉ được làm tạm bằng tranh tre nứa lá, còn nhiều điểm khác như Kéo Pó, Huổi Pù còn không có cả phòng học mà phải đi học nhờ ở nhà văn hóa của thôn bản. Ở điểm trường nào chúng tôi cũng mong mỏi có một phòng học, dù chỉ là lắp ghép thôi, thì cũng sẽ giúp cô và trò thuận lợi hơn trong việc dạy và học ở vùng sâu vùng xa như Chiềng Đông”.
Đây chính là “nhà vệ sinh” của các em mầm non điểm trường Nặm Ún
Toàn cảnh điểm trường Nặm Ún, Trường mầm non Bình Minh
Lớp học giữa bốn bề gió lộng
Rời xã Chiềng Đông, huyện Yên Châu, chúng tôi lại có dịp chứng kiến cảnh thầy và trò học trong… “chuồng bò” ở điểm trường Huổi Dên, thuộc Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Nà Ớt, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La. Chúng tôi gọi là “chuồng bò”, vì quả thực nếu không có thầy giáo và học sinh đang ngồi học thì không ai có thể nghĩ đây là lớp học của các em học sinh tiểu học.
Điểm trường Huổi Dên, thuộc Trường PTDTBT TH và THCS Nà Ớt, xã Nà Ớt, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La với lồng lồng gió rét
Nếu không có thầy giáo và học sinh đang dạy và học, nhiều người lầm tưởng đây là “chuồng bò” hơn là lớp học
Lớp học được lợp bằng mái bờ rô xi măng, nền đất, nhưng đặc biệt là vách tường chỉ cao hơn 1m. Ngồi trong phòng học có thể nhìn “mênh mông” ra bên ngoài bởi bốn bề đều thoáng đãng. Lớp học trông càng đối nghịch với phòng học của lớp mầm non bên cạnh, nơi vừa được đầu tư xây dựng khang trang vào năm trước.
Cũng vì không được che chắn, nên thầy và trò ngồi học trong lớp trong cái lạnh tê tái, rét mướt khiến ai ai cũng xót thương.
Sự đối nghịch của điểm trường Huổi Dên dành cho bậc tiểu học và lớp mầm non Huổi Dên đã được nhà nước đầu tư
Trao đổi với PV Dân trí, thầy Nguyễn Trung Huấn, Hiệu trưởng Trường PTDTBT TH và THCS Nà Ớt cho biết, sau khi sát nhập giữa cấp tiểu học và THCS, thì Trường PTDTBT Nà Ớt có hơn 10 điểm trường, nhưng hiện tại chỉ có 2 điểm trường đang là nhà tạm là điểm Trạm Cọ và điểm Huổi Dên.
“Cái khó là điểm trường Huổi Dên chỉ có khoảng 10 học sinh, nếu xây dựng 1 phòng học đủ chuẩn thì hơi lãng phí vì học sinh ít quá, nên chúng tôi đang vận động bà con cho học sinh ra điểm trung tâm và ở lại bán trú. Việc này vừa thuận lợi cho thầy cô giáo không phải “cắm bản” dạy học, vừa giúp học sinh có điều kiện học tập tốt hơn ở điểm chính so với phải học ở điểm lẻ. Tuy nhiên, nhà trường đang hơi quá tải số lượng học sinh bán trú ở khu trung tâm”, thầy Huấn trần tình.
Thầy Huấn cho biết, hiện tại điểm trường trung tâm đang có 2 khu bán trú, gồm khu bán trú cho học sinh THCS với 16 phòng, sức chứa hơn 250 em học sinh và 2 căn nhà (không phân ra phòng riêng – PV) dành cho học sinh tiểu học với sức chứa hiện tại hơn 200 em học sinh. “Hiện tại mỗi giường tầng chúng tôi bố trí 4 em học sinh ở nên việc nhận thêm học sinh bán trú là cực kỳ khó khăn. Vừa khó khăn trong sinh hoạt, học tập lại vừa khó khăn trong cả nấu ăn, tắm rửa giặt giũ cho các em”, thầy Huấn nói.
Ông Phạm Văn Khanh, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết, theo thống kê hiện tại ở huyện Mai Sơn còn khoảng 142 phòng học tạm là nhà cấp 4 hoặc tranh tre nứa lá, chủ yếu là ở bậc mầm non và tiểu học. “Mục tiêu của chúng tôi là cố gắng 100% kiên cố hóa trường học, tuy nhiên còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí của cấp trên phân bổ, đặc biệt là nguồn trái phiếu Chính phủ. Giai đoạn 2016 – 2018, huyện đã thực hiện kiên cố hóa được 99 phòng học trên địa bàn, với mức đầu tư trung bình 500 triệu đồng / phòng học. Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, chúng tôi cũng cố gắng kêu gọi xã hội hóa từ các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ cho huyện nhà”, ông Phạm Văn Khanh chia sẻ.
Theo Dân trí
Hà Nội: Khuyến cáo phụ huynh chủ động giữ con ở nhà nếu thời tiết quá lạnh
Rét đậm kéo dài ở nhiều tỉnh phía Bắc khiến học sinh nhiều trường chưa thể đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2019. Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đều khuyến cáo phụ huynh chủ động theo dõi thời tiết và giữ ấm cho con ở nhà nếu nhiệt độ quá thấp.
Theo thông báo từ Sở GD-ĐT Hà Nội, học sinh mầm non, tiểu học ở Hà Nội sẽ được nghỉ nếu dưới 10 độ C. Đối với cấp học sinh trung học cơ sở, nghỉ học khi nhiệt độ dưới 7 độ C.
Để có căn cứ thực hiện nghỉ học trong trường hợp thời tiết quá lạnh, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng đã thống nhất với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thông báo nhiệt độ ngoài trời vào những ngày rét đậm, rét hại trong các bản tin Dự báo thời tiết trong chương trình Chào buổi sáng của VTV1, chương trình Hà Nội buổi sáng của đài Hà Nội.
Theo Sở GDĐT Hà Nội, các trường, phòng giáo dục trực thuộc theo dõi thường xuyên thông tin về nhiệt độ ngoài trời của khu vực được phát tại Bản tin dự báo thời tiết nói trên để căn cứ vào thời tiết thực tế mỗi địa phương, các trường được phép chủ động cho học sinh nghỉ học.
Phụ huynh cần chủ động theo dõi bản tin thời tiết để cho con nghỉ học theo quy định
Thông báo quy định nghỉ rét với tất cả các học sinh và phụ huynh qua các phương tiện liên lạc (qua tin nhắn, sổ liên lạc điện tử hoặc loa truyền thanh của nhà trường, địa phương, dán thông báo trước cổng trường...) để quản lí và đảm bảo sức khoẻ của học sinh trong thời gian nghỉ.
Trong thời gian nghỉ học do trời rét đậm, rét hại nhà trường cần bố trí cán bộ, giáo viên trực để quản lí những học sinh vẫn đến trường, không để học sinh đứng ngoài cổng trường vì nghỉ rét. Không tổ chức hoạt động tập trung học sinh ngoài trời, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm. Không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục trong những ngày giá rét.
Trong những ngày rét đậm, căn cứ điều kiện thời tiết mỗi vùng, các phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường có thể điều chỉnh thời gian học, để học sinh không phải đến trường quá sớm. Trường hợp học sinh đến muộn vì lý do thời tiết, cần thu xếp để học sinh vẫn vào được lớp học.
Trong những ngày học sinh nghỉ do rét đậm, rét hại, các nhà trường vẫn phải bố trí lực lượng trực để đảm bảo mọi hoạt động hành chính của trường diễn ra bình thường.
Ngoài Hà Nội, thời tiết nhiều tỉnh phía bắc vào ngày 2/1 vẫn rét đậm với nền nhiệt độ dưới 10 độ C như tại Hà Giang, Điện Biên, Lào Cai đều từ 5 đến 5,4 độ C. Lạng Sơn, Sơn La, Lai Châu đều trên dưới 9 độ C.
Để đảm bảo sức khỏe cho học sinh trong những ngày giá rét, sở GDĐT Hà Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, Lào Cai... đều có công văn yêu cầu Trưởng phòng GDĐT tiếp tục chủ động theo dõi diễn biến thời tiết để tham mưu cho Thường trực UBND huyện/thành phố quyết định cho học sinh nghỉ học theo quy định tại những khu vực có thời tiết rét đậm, rét hại.
Hiệu trưởng các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường có học sinh bán trú tiếp tục tổ chức phòng chống rét, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh như: Rà soát cơ sở vật chất, kiểm tra, nhắc nhở học sinh mặc đủ ấm, không bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục (nếu đồng phục không đủ ấm).
Các nhà trường xây dựng kế hoạch, bố trí lực lượng cán bộ quản lý, giáo viên trực trong kỳ nghỉ lễ Tết và tiếp tục quản lý học sinh không nắm được thông tin nghỉ học do thời tiết giá lạnh mà vẫn đến trường; phải đảm bảo mọi hoạt động hành chính của nhà trường diễn ra bình thường trong những ngày rét đậm, rét hại.
Các trường cũng cần tiếp tục khuyến cáo tới các bậc phụ huynh học sinh cần theo dõi bản tin dự báo thời tiết, chủ động giữ học sinh ở nhà khi trời quá lạnh (nghỉ học đối với mầm non, tiểu học nếu nhiệt độ dưới 10C).
Đối với những nơi cho học sinh nghỉ học do rét đậm, nhà trường cũng phải có phương án bố trí học bù để đảm bảo kế hoạch thời gian năm học.
Theo anninhthudo
Chân tay tê cóng, 140.000 học sinh Lạng Sơn nghỉ học Do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ tại hầu hết các khu vực ở Lạng Sơn xuống thấp từ 4-6 độ C, riêng vùng núi Mẫu Sơn xuống dưới 2 độ C. Gần 140.000 học sinh mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn được nghỉ học để đảm bảo sức khỏe. Các em học sinh ở Lạng...