Xóa rào cản tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số ở Lai Châu
Lai Châu là tỉnh miền núi khó khăn, có 87,1% học sinh (HS) là người dân tộc thiểu số (DTTS). Việc dạy và học ở đây rất khó khăn do nhiều nguyên nhân trong đó tiếng Việt cũng là một trong những rào cản.
ảnh minh họa
Để xóa được rào cản này, Lai Châu luôn quan tâm, coi trọng việc dạy học tiếng Việt và xây dựng môi trường tiếng Việt cho HS DTTS.
Khó khăn còn tồn tại
Công tác quản lý nhiều địa phương chưa có kinh nghiệm, chưa thực sự quan tâm đến xây dựng môi trường tiếng Việt cho HS. Một số trường ở các xã đặc biệt khó khăn diện tích trường lớp chật hẹp, dốc không có diện tích để xây dựng các mô hình, sân chơi để tăng cường tiếng Việt và xây dựng môi trường tiếng Việt cho HS.
Đội ngũ giáo viên, một số còn hạn chế về năng lực chuyên môn, phương pháp dạy lồng ghép tăng cường tiếng Việt trong các môn học cho HS DTTS hiệu quả còn hạn chế. Hình thức tổ chức dạy học còn đơn điệu.
Một số ít giáo viên là người dân tộc vẫn còn mắc lỗi khi phát âm đọc và khi viết. Nhiều giáo viên chưa thực sự thông hiểu phong tục tập quán, ngôn ngữ địa phương nơi công tác.
Với các em HS, hầu hết đã học qua lớp mẫu giáo, được thực hiện chương trình làm quen tiếng Việt nhưng nhìn chung kỹ năng nghe, nói của các em còn hết sức hạn chế, do không thường xuyên giao tiếp tiếng Việt ở nhà và môi trường xã hội xung quanh.
Vốn tiếng Việt của các em còn rất ít do cuộc sống sinh hoạt tập trung ở bản, hàng ngày các em giao tiếp với bố mẹ, cộng đồng bằng tiếng mẹ đẻ, môi trường giao tiếp tiếng Việt hạn hẹp.
Hơn nữa HS cũng ít giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt ở môi trường ngoài nhà trường, các em chỉ nói tiếng Việt khi học bài dẫn đến khả năng tiếp thu bài giảng bằng tiếng Việt chưa cao.
Video đang HOT
Giải pháp tháo gỡ
Trước những khó khăn còn tồn tại Lai Châu đã tìm nhiều biện pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn như:
Thực hiện tốt công tác đưa học sinh từ những điểm bản xa về học tại trung tâm trường một cách hợp lý, tạo điều kiện tốt nhất để các em được học tập và sinh hoạt tại trường.
Xây dựng môi trường tiếng Việt như: tạo cảnh quan trường lớp học thân thiện, xanh, sạch, đẹp. Gắn các biển ghi tên tiếng Việt cho các loại cây, loại hoa trong khuôn viên nhà trường. Tích cực tổ chức các trò chơi dân gian gắn với phong tục tập quán của dân tộc địa phương.
Cán bộ quản lý, giáo viên tích cực tự học tiếng dân tộc để làm tốt c ông tác dân vận, quản lý giảng dạy và giao tiếp. Phân công giáo viên dạy lớp 1 đảm bảo yêu cầu tốt về chuyên môn, từ đó tạo nền móng vững chắc về kiến thức, kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt cho HS.
Đối với các giáo viên được tổ chức bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, hướng dẫn phương pháp dạy tiếng Việt cho HS DTTS. Tổ chức sinh hoạt chuyên môn luyện phát âm, viết đúng chính tả tiếng Việt cho giáo viên người dân tộc.
Đối với học sinh, tổ chức đa dạng các hình thức, phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện thực tế và nhận thức của HS.
Tăng cường thực hành giao tiếp tiếng Việt ở trường, gia đình và cộng đồng.
Tuyên truyền cho phụ huynh thường xuyên sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt để giao tiếp với con ở nhà, giúp con có ý thực hơn trong việc sử dụng tiếng Việt thường xuyên trong giao tiếp. Tăng cường giao tiếp tiếng Việt cả ở cộng đồng xung quanh….
Để HS DTTS có điều kiện học tập tốt trước hết phải tạo được môi trường tiếng Việt. Để làm được điều này trước hết phải tổ chức cho HS học 2 buổi/ngày; tổ chức cho trẻ 5 tuổi được làm quen và học các kĩ năng nghe, nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1; tạo cảnh quan, xây dựng môi trường học tập tiếng Việt trong và ngoài lớp học; phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức dạy tiếng dân tộc cho cán bộ, giáo viên trong tỉnh, khuyến khích giáo viên tự học tiếng dân tộc nơi địa phương công tác nhằm nâng cao chất lượng dạy và học vùng đồng bào DTTS.
Để làm tốt công tác này, Bộ GD&ĐT cần cung cấp bộ thẻ chữ, thẻ từ giúp giáo viên và HS DTTS thuận lợi trong việc học và tăng cường tiếng Việt. Tổ chức cho cán bộ quản lý, giáo viên tham quan học hỏi tại đơn vị tổ chức tăng cường tiếng Việt và xây dựng môi trường tiếng Việt đạt hiệu quả.
Theo Giaoducthoidai.vn
Bậc tiểu học nên bố trí học 9 buổi/tuần
Bố trí học 9 buổi/tuần giúp giải quyết được tình trạng giáo viên đi dự giờ nhưng không bỏ lớp hoặc chấm dứt tình trạng học sinh phải đi học vào sáng thứ Bảy.
Việc tổ chức học 2 buổi/ngày được xem là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở bậc tiểu học , các em không bị nhồi nhét kiến thức trong 1 buổi.
Ngoài ra, các em còn được học kiến thức theo khung chương trình quy định của ngành, được học thêm các môn khác như: Ngoại ngữ, Tin học, Kỹ năng sống... Nhờ đó, vừa nâng cao chất lượng học tập, vừa khắc phục được tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan như trước đây.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh học không quá 7 tiết/ngày, đảm bảo học sinh được nghỉ hai ngày liên tiếp là thứ Bảy và Chủ nhật.
Nhưng trong thực tế, các trường đều tổ chức dạy học 5 ngày tức (10 buổi/tuần). Tổng số tiết học sinh học là 35 tiết/tuần. Với kiểu bố trí giảng dạy kín tuần như thế này đang tạo ra nhiều bất ổn trong việc giảng dạy và sinh hoạt chuyên môn ở các trường học.
Bậc tiểu học nên bố trí học 9 buổi/tuần (Ảnh minh họa: dangcongsan.vn).
Học sinh phải học thứ Bẩy hoặc giáo viên bỏ lớp đi dự giờ
Theo quy định trong Điều lệ trường tiểu học, các tổ chuyên môn sinh hoạt 2 lần/tháng, sinh hoạt chuyên môn trường cũng 1 tháng 2 lần. Vì học sinh học trọn 10 buổi/tuần, thế nên các trường thường tổ chức dự giờ tổ vào các ngày trong tuần, dự giờ trường, cụm trường vào ngày thứ Bảy trong tháng.
Dự giờ vào thứ Bảy, buộc một số học sinh phải đến trường như thế là đang vi phạm quy định "đảm bảo học sinh được nghỉ hai ngày liên tiếp là thứ Bảy và Chủ nhật".
Dự giờ vào một trong các ngày trong tuần cũng xảy ra nhiều hệ lụy. Để đi dự giờ, giáo viên buộc phải bỏ lớp để học sinh tự quản. Vắng thầy cô, học sinh chủ yếu quậy phá, đùa nghịch hoặc đánh nhau chứ chẳng học hành gì.
Vì chuyện này đã xảy ra không ít chuyện đáng tiếc. Một đồng nghiệp ở Đồng Nai cho biết: "Hôm ấy, em bỏ lớp đi dự giờ, một số học sinh đã xông vào đánh nhau làm một bạn bị thương. Phụ huynh bất bình vì giáo viên không có mặt ở lớp nên đổ hết trách nhiệm lên đầu cô. Em sợ bị làm lớn chuyện phải đến gia đình phụ huynh xin lỗi, năn nỉ xin được bỏ qua".
Sao không bố trí cho học sinh, học 9 buổi/tuần?
Nếu học sinh học 9 buổi/tuần thì một tuần các em sẽ học 32 tiết/tuần theo đúng chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (học sinh tiểu học, học từ 32-35 tiết).
Việc bố trí này sẽ dành được một buổi chiều thứ 6 để các tổ sinh hoạt chuyên môn hay tổ nhà trường sinh hoạt chuyên môn cấp hay tổ chức họp hội đồng.
Việc bố trí học thế này cùng một lúc giải quyết được tình trạng giáo viên đi dự giờ nhưng không bỏ lớp hoặc chấm dứt tình trạng học sinh phải đi học vào sáng thứ Bẩy.
Sao không thể học theo cách làm của tỉnh Đắc Nông?
Một số giáo viên tiểu học ở Đắc Nông cho biết "Các trường tiểu học nơi đây đều bố trí học 9 buổi/tuần. Giáo viên vẫn dạy đủ 23 tiết theo quy định và mỗi giáo viên đều được bố trí dạy khoảng 7 buổi/tuần.
Số buổi nghỉ, thầy cô dành chăm lo việc nhà, đầu tư cho chuyên môn. Nhờ thế, đời sống giáo viên ổn định, tâm lý phấn khởi nên chất lượng giảng dạy ở các trường cũng có nhiều biến chuyển rõ nét hơn so với những năm trước đây.
Với cách bố trí dạy và học như thế, cũng sẽ rất thuận lợi cho giáo viên giữa các trường khi có dịp tổ chức giao lưu chuyên môn, hay cho giáo viên có thời gian để tập huấn chuyên môn khi cần thiết.
Theo GDVN