Xóa “độc quyền” lớp trưởng
Lớp trưởng không còn là nhiệm vụ “độc quyền”, được giáo viên chủ nhiệm chỉ định trong 1 năm học. Giờ đây học sinh nào cũng có thể trải nghiệm vị trí này.
Có chương trình hành động để tự ứng cử
Đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm khá vất vả trong việc lựa chọn lớp trưởng vì tiêu chí phải là học sinh có kết quả, ý thức học tập tốt, đạo đức tốt, năng nổ trong các hoạt động phong trào… Nhưng do mới nhận lớp nên “nếu căn cứ vào học bạ cũng không chính xác, bên cạnh đó nhiệm vụ nhiều nên học sinh ngại không chịu làm”, một giáo viên của Trường THPT Gia Định (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết. Thế nên mới xảy ra tình huống như Hồ Lê Hoàng Lâm, học sinh lớp 12A6 của trường này kể lại: “Không bạn nào chịu làm, cứ đùn đẩy cho nhau. Có khi chúng em bầu bạn quậy nhất làm lớp trưởng, học dở nhất là lớp phó học tập”.
Cô Hồng Mai – giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình) cho hay: “Lúc nhận lớp, tôi khá lo lắng vì nếu chỉ định không đúng với khả năng của học sinh thì lớp trưởng này sẽ không tìm được tiếng nói chung”. Cô Hồng Mai cũng chia sẻ: “Đây là công việc mà các em có thể rèn luyện cho mình nhiều kỹ năng như thuyết trình, làm việc nhóm… 3 năm THPT là thời gian trải nghiệm hiệu quả để bước tiếp lên những bậc học cao hơn”.
Nói về việc tự ứng cử, cô Hồng Mai kể lại: “Hơn 10 học sinh lớp 10C11 đã giơ tay ứng cử. Do vậy, lần lượt mỗi học sinh phải tự giới thiệu về mình từ kết quả học tập, thành tích đã đạt được, sở trường… Sau đó Mai Tấn Tài với kinh nghiệm chỉ huy đội giỏi đã trúng cử. Tấn Tài cho biết: “Trong phần giới thiệu tự ứng cử của mình, em hứa sẽ là người tích cực thúc đẩy phong trào lớp và sẽ cùng tập thể lớp trở thành một trong những chi đoàn xuất sắc của trường”.
Ở bậc tiểu học, Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3) lại có cách làm riêng, thạc sĩ Nguyễn Đạt Sử, hiệu phó nhà trường thông tin: “Từ năm học 2010 – 2011, trường thực hiện việc luân phiên học sinh làm lớp trưởng, lớp phó trong mỗi lớp. Một năm học có 35 tuần, lớp có 45 học sinh, sẽ có 35 lá thăm lớp trưởng, 10 lá thăm lớp phó. Như vậy mỗi học sinh sẽ làm lớp trưởng 1 tuần và làm lớp phó từ 2 đến 3 tuần. Đầu năm bốc thăm và cô giáo dán lên cửa lớp để các em biết được tuần nào sẽ nhận nhiệm vụ. Như vậy, học sinh nào cũng được trải nghiệm với nhiệm vụ này”. Một số trường khác như Trường tiểu học quốc tế IPS (TP.HCM) thì cũng cho các em tự ứng cử, tự giới thiệu về mình và được cả lớp chọn thông qua hình thức giơ tay biểu quyết.
Học sinh Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3, TP.HCM) đang xem lịch làm lớp trưởng của mình.
Video đang HOT
Tạo thiện cảm với người khác
Sau 1 năm thực hiện luân phiên lớp trưởng, cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên Trường tiểu học Lương Định Của (Q.3) nhận xét: “Tất cả học sinh đều hoạt động, thích thú và thay đổi bản thân rất nhiều, ngay cả những em trước đây ù lì chỉ nghe theo bạn. Có học sinh quậy nhất lớp, khi làm lớp trưởng đã phải cố gắng trong học tập và kỷ luật thì mới lãnh đạo được các bạn. Khi hết nhiệm vụ thì tiếp tục phát huy để lần sau làm tốt hơn”.
Còn Nguyễn Lê Gia Toại, lớp trưởng tuần 3 của lớp 4/7 Trường tiểu học Lương Định Của chia sẻ: “Để các bạn hợp tác thì em phải cố gắng trong các hoạt động, phải là tấm gương để các bạn làm theo”.
Việc chỉ định lớp trưởng giữ nhiệm vụ trong thời gian dài tạo cho học sinh sự thụ động, đó là chưa kể sự độc quyền nhiều khi dẫn đến thái độ kênh kiệu ở lớp trưởng. Ngoài ra, thạc sĩ Nguyễn Đạt Sử còn nhận thấy hiệu quả của việc làm này sẽ giúp “Giáo viên có cơ hội nhận biết khả năng của từng học sinh để khuyến khích các em phát huy”.
“Nhiệm vụ của lớp trưởng ở bậc THPT sẽ nặng nề hơn những bậc học khác bởi nhiều phong trào học tập, rèn luyện… Từ đó những cán bộ lớp không chỉ đứng đầu trong học tập mà còn là người có khả năng tổ chức, biết phát hiện thế mạnh của từng thành viên trong lớp. Khi tự ứng cử, ứng viên phải tạo thiện cảm với mọi người xung quanh và sẽ chịu trách nhiệm với những bạn bầu cho mình để thực hiện công việc sao cho tốt, còn những “cử tri” thì cũng phải hợp tác”, cô Hồng Mai cho hay.
Theo TN
Nữ sinh phát hoảng khi bị thầy 'cưa'
Thầy giáo bất ngờ nắm chặt tay Vân bảo: "Trời lạnh thế này, em vào đây cho ấm. Sáng đến trường cũng tiện đường, để thầy đưa em đi học cho đỡ vất vả nhé".
Vẫn biết tình yêu có thể vượt qua nhiều giới hạn, nhưng không ít nữ sinh cảm thấy khó xử, thậm chí là hoảng sợ khi "thợ cưa" lại chính là thầy giáo của mình. Chuyện thầy giáo theo đuổi nữ sinh chủ yếu xảy ra trong môi trường đại học, cao đẳng, nơi các nữ sinh đã đủ tuổi trưởng thành và có nhiều thầy giáo trẻ. Ngoài những tình cảm chân thành, đúng mực, có không ít câu chuyện khiến người trong cuộc dở khóc dở cười.
Sợ lên giảng đường vì bị thầy yêu
Hằng tuần, cứ đến ngày có môn chuyên ngành là Huyền (sinh viên một trường đại học ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) lại cảm thấy ngại đến lớp. Lý do là thầy giáo trẻ dạy môn này ngay từ buổi đầu tiên lên lớp đã bị thu hút bởi cô lớp trưởng xinh đẹp tên Huyền.
Ảnh minh họa
Là cán bộ lớp nên Huyền hay phải tiếp xúc, trao đổi với giảng viên. Cô nhận thấy thầy giáo có những biểu hiện "bất thường" như hay kiếm cớ xuống chỗ Huyền nói chuyện, hỏi những câu về lớp mà tiết trước thầy vừa hỏi xong. Ánh mắt thầy luôn hướng về phía Huyền mỗi khi giảng bài, tỏ ra chú ý đặc biệt mỗi lần cô phát biểu... Sự quan tâm này rõ đến mức cả lớp cũng nhận thấy và xì xào.
"Cứ đến giờ của thầy là mình lại run cầm cập. Mình không muốn trở thành chủ đề bàn tán của mọi người xung quanh, rồi lại sinh ra lắm chuyện rắc rối", Huyền chia sẻ. Cô đã đổi chỗ vào ngồi giữa bàn, thay vì ngồi ở đầu bàn như trước để tạo thêm khoảng cách với thầy giáo, hạn chế tiếp xúc với thầy. Chỉ khi có những việc quan trọng của lớp, cô mới gặp thầy và cố gắng giải quyết nhanh gọn ngay trên lớp. Còn thầy giáo trẻ sau giai đoạn "để ý" trên lớp đã chuyển sang giai đoạn "tấn công", nhiều lần mời đi xem phim, uống cà phê. Do đã xác định dứt khoát nên cô luôn kiếm cớ từ chối, thậm chí có lần còn nói với thầy là "đã có hẹn với người yêu".
Trường học của Vân, sinh viên chuyên ngành thiết kế thời trang, lại khác. Vốn say nghề, ham học hỏi nên Vân hay nhờ thầy giáo góp ý cho các bản thiết kế của mình. Nhiều lần cô xin gặp thầy ở quán nước hoặc đến tận nhà để thầy chỉnh sửa các bản vẽ. Dần dần, cá tính của Vân khiến thầy rung động. Vân thì vẫn hồn nhiên không nhận ra nhiều lúc thầy giáo không chú ý tới bản vẽ bởi đang mải... ngắm tác giả. Một lần Vân được các bạn phân công lên văn phòng khoa hỏi thầy một vấn đề liên quan đến môn học, khi không có ai, thầy giáo bất ngờ nắm chặt tay Vân bảo: "Trời lạnh thế này, em vào đây cho ấm. Nhớ giữ gìn sức khỏe kẻo ốm đấy. Mà buổi sáng đến trường cũng tiện đường đi qua nhà em, để thầy đưa em đi học luôn cho đỡ vất vả nhé". Quá bất ngờ, Vân giằng tay ra rồi chạy thẳng về lớp. Suốt cả tuần sau, đêm nào cô cũng khóc khi nghĩ lại chuyện đó.
Những cuộc tình ngang trái
Vì "lửa gần rơm" hoặc vì những lý do khác, không ít cuộc tình thầy trò đã hình thành. Bên cạnh những mối tình đã "đơm hoa kết trái", có không ít trường hợp có kết cục buồn đau, cay đắng.
Nga, sinh viên một trường đại học ở quận Đống Đa, Hà Nội, tưởng mình đã có cuộc tình trong mơ với thầy giáo đẹp trai người Hà Nội. Nhưng đùng một cái, thầy nói lời chia tay với lý do "mình không hợp nhau, sợ nhiều người đánh giá làm em thiệt thòi". Sau đó, cô mới phát hiện thầy bỏ mình vì sắp làm đám cưới với một cô gái xinh đẹp và có điều kiện hơn mình rất nhiều.
Trường hợp của cô sinh viên tên Minh không biết đáng thương hay đáng trách. Năm thứ hai đại học, Minh lọt vào "tầm ngắm" của thầy trưởng khoa. Một vài lần, cô được đi cùng thầy trong các chuyến công tác. Cô vui mừng vì nghĩ đây là cơ hội thực tế nâng cao trình độ chuyên môn, lại được thầy quan tâm giúp đỡ hơn. Mặc dù biết thầy đã có vợ con, lại ngang tuổi bố mình, nhưng một phần vì cảm kích sự giúp đỡ "chân tình" của thầy, một phần vì những toan tính cá nhân mà cô sinh viên ngoại tỉnh đã nhận lời yêu khi thầy "bày tỏ tấm lòng", dù bạn bè can ngăn. Mọi chuyện rồi cũng vỡ lở, bà vợ của ông thầy biết chuyện, dọa tới tận trường gặp Vân để nói chuyện phải trái. Phải rất khó khăn cùng nhiều lời hứa hẹn, xin lỗi, Vân mới tránh được một cuộc đánh ghen ê chề.
Có không ít nữ sinh khác cũng gặp phải quả đắng trong quan hệ với thầy giáo. Có thầy giáo sau khi cưa cẩm không thành đã quay ra trù dập hoặc tung tin xấu về nữ sinh đã từ chối mình.
Nên làm gì nếu không muốn thầy theo đuổi?
Chuyên gia Xã hội học Phạm Hương Trà, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nói: "Trong bối cảnh xã hội ngày càng cởi mở và đội ngũ giảng viên, giáo viên ngày càng trẻ hóa, sự xuất hiện mối tình giữa thầy và trò là bình thường. Không nên có cái nhìn quá khắt khe với vấn đề này, nhưng người trong cuộc, nhất là các em nữ sinh, cần có cách cư xử phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc cũng như đạo đức và chuẩn mực của môi trường sư phạm. Nếu cả hai phía đủ điều kiện và thực sự muốn tiến tới một tình yêu chân chính, các bạn nữ sinh cần thật tế nhị, ý tứ trong thể hiện tình cảm. Khi ở trường, cần giữ đúng chuẩn mực quan hệ thầy trò, giữ khoảng cách nhất định với thầy, dù đã là người yêu. Còn nếu từ chối tình cảm của thầy, nữ sinh cần khéo léo nhưng phải tỏ thái độ rõ ràng, không lấp lửng. Nên cương quyết từ chối hoặc hạn chế tối đa những cuộc tiếp xúc riêng với thầy giáo đó. Nếu mọi chuyện xấu đi và vượt ngoài tầm kiểm soát, nữ sinh cần nhờ sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, thậm chí là nhà trường".
Thanh Tâm, sinh viên Đại học Ngoại ngữ, chia sẻ: "Nếu rơi vào trường hợp được thầy "để ý", trước tiên mình sẽ tìm hiểu thật kỹ về thầy giáo đó. Nếu người đó không chân thành hay đã có ràng buộc gia đình, mình sẽ cương quyết tránh xa ngay. Còn nếu thầy thực sự nghiêm túc và chân tình, lại đủ điều kiện để có thể yêu, mình mới xem tình cảm của mình đối với thầy thế nào. Nếu có thể tiến tới được thì sao lại không nhỉ? Cô bạn mình cũng có người yêu chính là thầy giáo dạy tiếng Anh năm thứ nhất của cô ấy".
Minh Dung, sinh viên Đại học Thương mại, thì dứt khoát: "Mình nghĩ nên tuyệt đối tránh tình yêu thầy trò trên giảng đường. Nếu chẳng may rơi vào tình huống này thì chắc chắn mình sẽ kiên quyết từ chối". Còn Hồng Anh, một nữ sinh cũng đang bị thầy giáo theo đuổi, cho biết: "Mặc dù dứt khoát từ chối nhưng mình sẽ giữ lại hết những tin nhắn tán tỉnh mà thầy đã gửi, chẳng phải để làm kỷ niệm đâu, chỉ là đề phòng những rắc rối có thể xảy ra thôi".
"Dù đồng ý hay từ chối, các bạn nữ sinh cũng cần có cách xử sự khôn khéo và đúng mực để mọi chuyện diễn ra ổn thỏa. Tuyệt đối tránh những biểu hiện và hành động thái quá vì có thể làm cho mọi chuyện trở nên ầm ĩ, dẫn tới những rắc rối không có lợi cho người trong cuộc", chuyên gia Phạm Hương Trà nhấn mạnh.
Theo Đất Việt
Đắng lòng cảnh thiếu nữ lớp trưởng bỗng nhiên mất trí Quỳnh suốt 10 năm liền là học sinh giỏi, lớp 10 em là lớp trưởng của lớp chọn giỏi nhất khối, thế nhưng giờ đây sinh mạng em đang bị đe dọa bởi bạo bệnh. Bệnh tật tiếp nối tai ương Cuối tháng 11, khi dư âm của trận lũ lịch sử đã không còn làm bận lòng người dân huyện Lệ Thủy,...