Xóa bỏ văn mẫu và cách đánh giá cũ
Đổi mới cách ra đề, đổi mới khâu kiểm tra, đánh giá được sẽ được thực hiện với tất cả các môn, tuy nhiên, với các môn khoa học xã hội trong đó có môn Ngữ văn sẽ được chú trọng hơn.
Ôn luyện môn Ngữ văn trước giờ vào phòng thi. Ảnh: Lê Hà
Học sinh vẫn dùng văn mẫu để trả bài
Tại Hội thảo đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở trường Phổ thông được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) Nguyễn Vinh Hiển nhận xét: “Với môn Ngữ văn, những năm gần đây đã có nhiều cố gắng nhưng nhìn một cách tổng quát và qua phản ánh từ những người trực tiếp giảng dạy, hiện nhiều học sinh vẫn phải học theo bài văn mẫu, dùng văn mẫu viết văn thật để trả bài cho thầy cô, đâu đó vẫn dạy theo cách cũ, đánh giá theo kiểu cũ”.
Những năm gần đây đề thi môn ngữ văn đã hướng tới kiểm tra năng lực nhưng tổng quát lại, vẫn nặng về đếm ý cho điểm. Học sinh vẫn phải học văn mẫu để viết văn, làm văn khi thực hiện bài thi, bài kiểm tra.
Theo Thứ trưởng, đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi việc trong chương trình dạy tác phẩm nào thì thi, kiểm tra, đánh giá cũng chỉ dùng tác phẩm đó. “Như vậy thì kiểm tra học học vẹt nhiều hơn kiểm tra năng lực”, Thứ trưởng đánh giá.
Video đang HOT
Có thể nói, cách đánh giá, cho điểm là một trong những yếu tố chính có tác động quan trọng đến cách học. Về cách đánh giá môn Ngữ văn trong nhà trường, các chuyên gia đều cho rằng có thể dễ dàng nhận thấy việc đánh giá mới chỉ thiên về cho điểm căn cứ trên kết quả bài làm chứ chưa chú trọng quá trình học tập của học sinh; Các yêu cầu trong đánh giá chủ yếu vẫn thiên về việc tái hiện hoặc ghi nhớ kiến thức trong các bài học; Thường tìm ý cho điểm chứ chưa chú ý logic, mạch kiến thức trong quá trình lập luận của học sinh…
Trước tiên phải đổi mới cách chấm
Gần đây, dư luận đã có những đánh giá tích cực trong việc thay đổi cách ra đề thi của một số môn học, trong đó có môn Ngữ văn. Những câu hỏi mở đã xuất hiện trong các đề thi như: Phát biểu về tác dụng của việc đọc sách; Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội; Suy nghĩ về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam… đã thực sự tạo hứng thú không chỉ cho học sinh mà còn cho cả xã hội. Khác với các đề bài truyền thống, đề mở đã mở ra một không gian mới cho học sinh, không còn những nhân vật trong sách giáo khoa, không khuôn đúc bài viết của học sinh theo một dạng mẫu nào.
Không phủ nhận đề văn theo hướng mở sẽ giúp học sinh có cơ hội bày tỏ quan điểm của mình trước cuộc sống, cũng là một kỹ năng cần trau dồi trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngay sau sự hồ hởi đón nhận mỗi đề văn “mở” lại là sự băn khoăn: Liệu cách chấm có mở không? Và đáp án nào dành cho đề mở?
Thực tế, theo nhận định của nhiều nhà giáo, việc xây dựng câu hỏi và đề thi bước đầu có hướng mở, nhưng bản chất vẫn gò bó theo một định hướng, chủ đề do giáo viên quy định. Có những câu hỏi ra theo hướng mở nhưng hướng dẫn chấm vẫn cứng nhắc, kinh viện. Đôi khi, giáo viên còn lúng túng và đánh giá chưa đúng những sáng tạo riêng , thiên hướng và năng khiếu ngữ văn của học sinh.
Như vậy, cùng với thay đổi cách dạy, cách ra đề, phải thực sự đổi mới cách đánh giá mới có thể thay đổi cách học của học sinh theo hướng tích cực, chủ động, sáng tạo.
Nói về đổi mới trong dạy và học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh: “Đổi mới kiểm tra đánh giá được coi là khâu đột phá cho cho đổi mới giáo dục đào tạo và có thể thực hiện ngay mà không tốn kém nhiều.”
Nhà giáo Trần Kim Chung (Sở GD và ĐT Phú Thọ) cho rằng để đề thi theo hướng mở của môn Ngữ văn có giá trị, việc đề ra hướng dẫn chấm, thực hiện chấm cũng cần phải mở. Cần tạo ra những khoảng mở cho người chấm đánh giá sự sáng tạo của học sinh. Có thực trạng là khi vận dụng việc ra đề mở, giáo viên thường vấp phải rào cản là tâm lý khó chấp nhận tư duy mở của học sinh khi chấm bài. Giáo viên quen nghe những điều học sinh nói theo mình, nói theo sách, không dễ chấp nhận những cái riêng của học sinh. Đó là chưa kể việc nhiều giáo viên chưa đủ khả năng đánh giá sự sáng tạo của học sinh nên để đảm bảo an toàn đã lựa chọn luôn phương án yêu cầu chấm bài đóng.
Mục tiêu đổi mới kiểm tra đánh giá là nhiệm vụ năm học, đối với tất cả các môn học chứ không chỉ riêng môn Ngữ văn. Tuy nhiên, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, đối với Ngữ văn, việc đổi mới kiểm tra đánh giá sẽ được chú trọng hơn.
Nhiều nhà giáo đồng tình Ngữ văn là một môn học nhưng cũng có tính nghệ thuật, và vì vậy cần sự sáng tạo không ngừng. Học sinh học cách đọc-hiểu văn bản cũng là học cách tiếp nhận tác phẩm văn chương, học làm một người đọc thông minh. Để đổi mới cách học môn Ngữ văn, ngoài việc đưa ra các đề mở để tạo ra một khoảng mở thật rộng cho người học thể hiện khả năng nghệ thuật của mình, thì đồng thời cũng phải thay đổi cách chấm, đánh giá để giáo viên có thể nghe, thấu hiểu, trân trọng cảm nhận của học sinh. Nhà giáo Trần Kim Chung cho rằng: “Làm được điều này không quá dễ nhưng cũng không quá khó. Và khi làm được thì hứng thú của người học sẽ thay đổi hoàn toàn”.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống (Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học- Bộ GD và ĐT) thì cho rằng với môn Ngữ văn cần hướng đến đánh giá theo yêu cầu phát triển năng lực, thể hiện bằng phương thức đánh giá không chú trọng học thuộc, nhớ máy móc…mà coi trọng ý kiến cá nhân, động viên những suy nghĩ sáng tạo, tôn trọng sự phản biện trái chiều…
Theo Giaoduc
Đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn: Hai "thử thách lớn" cho học sinh
Trước băn khoăn của không ít giáo viên, học sinh xung quanh đổi mới đề thi môn ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Đỗ Ngọc Thống - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) - đã đưa ra những định hướng cụ thể đối với phương án đổi mới, dự kiến sẽ áp dụng vào năm nay. Sẽ có hai "thử thách" thí sinh là đọc hiểu văn bản và năng lực viết, tạo lập văn bản.
Ảnh minh họa.
Theo ông Đỗ Ngọc Thống, bài thi tốt nghiệp THPT, và tiến tới sẽ là bài thi đại học môn ngữ văn sẽ tập trung kiểm tra hai lĩnh vực căn bản của người thi là đọc hiểu văn bản và năng lực viết - tạo lập văn bản. Ở phần đọc hiểu, thay vì sử dụng các tác phẩm văn học đã học trong chương trình sách giáo khoa, đề thi sẽ mở rộng cơ sở dữ liệu nằm ngoài phạm vi sách, tuy nhiên không vượt quá nhận thức của học sinh phổ thông.
Ở phần kỹ năng viết, vẫn sẽ có hai câu hỏi, song có nhiều khả năng thay đổi linh hoạt để phù hợp hơn với thời gian thi như lập dàn ý cho bài viết, thay vì viết bài (đoạn) văn như phương pháp truyền thống, hoặc chỉ phát triển một luận điểm nhất định. "Điều này đòi hỏi thầy, cô giáo phải điều chỉnh phương pháp giảng dạy, bớt tính chất "kiên cố" của khái niệm môn học sang phát triển có liên kết các lĩnh vực khác" - ông Thống cho biết.
Cũng theo phương án thi đổi mới trên, đề thi sẽ có tính gợi mở nhiều hơn, theo hướng giúp cho mỗi cá nhân học sinh thêm tự tin thể hiện một cách hiểu, sự suy nghĩ, vận dụng theo cách của riêng mình trước một vấn đề do thực tiễn cuộc sống hay tác phẩm văn học đặt ra.
Theo ông Đỗ Ngọc Thống, để làm được điều này, giáo viên cần khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc trong bài giảng. Cần tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học.
Theo Bộ GDĐT, việc đánh giá chất lượng học tập của học sinh trong môn ngữ văn theo hướng "phát triển năng lực" cần có những đổi mới mang tính đột phá, thực hiện đa dạng phương pháp đánh giá như quan sát, vấn đáp, kiểm tra trên giấy, trình bày báo cáo, dự án học tập... Bộ GDĐT vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến dư luận, chuyên gia, từ đó có quyết định cuối cùng cho việc: Sẽ triển khai phương án mới này vào kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay năm nay, hay chưa?
Theo Laodong
'Dạy và học văn đầy nghịch lý' Ngoài những đóng góp về vấn đề kiểm tra thi cử, tại hội thảo Đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn trong trường phổ thông mới diễn ra, có những nhà giáo đã "tranh thủ" chia sẻ về thực trạng dạy và học văn trong nhà trường. Bỏ thi văn học sinh hò reo hơn bỏ sử Đây là dự đoán...