Xin đừng làm “nhọ” danh nhà giáo
Với nhà giáo, nếu phải dùng từ “nhọ” thì cách ứng xử tốt nhất là xin ra khỏi ngành, bởi không chỉ “ con sâu làm rầu nồi canh” mà còn có thể nhọ lây sang cả trò.
“Nhọ” được hiểu gần với màu đen, chẳng hạn “nhọ nồi” là muội đen bám ở đáy nồi khi đun bằng rơm, rạ, củi,… Dùng với nghĩa bóng, chẳng hạn “Thằng ấy nhọ quá” là câu ám chỉ một người chẳng ra gì về mặt nhân cách mặc dù người đó có thể có địa vị, giàu có hoặc bằng cấp đầy mình.
Rất ít khi người ta nói “Bà ấy nhọ quá” hoặc “Mụ ấy nhọ quá” có thể vì đối với phụ nữ, dù sao cũng phải tế nhị một tí.
Đối với nhà giáo, nếu phải dùng từ “nhọ” thì cách ứng xử tốt nhất là xin ra khỏi ngành, bởi không chỉ “con sâu làm rầu nồi canh” mà còn có thể làm “nhọ” lây sang học trò.
Phải nói điều này bởi ngày 16/07/2019 báo Baophapluat.vn – cơ quan của Bộ Tư pháp – trong bài “Môt đê xuât vi hiên va ngơ ngân” trích dẫn phát biểu của đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Hồng Xuân, người có học hàm phó giáo sư, học vị tiến sĩ như sau:
“Đã đến lúc nghĩ đến việc ăn cây nào phải rào cây nấy. Thực tế, có một bộ phận người nhập cư không tuân thủ các quy định của thành phố.
Có biện pháp nào mạnh mẽ hơn không? Thành phố Hồ Chí Minh có thể yêu cầu họ trở về nơi cư trú cũ vì “Anh ơi đô thành ở đây em sống không quen”. [1]
Phó giáo sư, Tiến sĩ Phan Thị Hồng Xuân (Ảnh: Infonet.vn)
Khi tờ báo thuộc Bộ Tư pháp đề cập đến chuyện “vi hiến” thì chắc chắn không cần bàn luận vị đại biểu Hội đồng nhân dân này “vi hiến” như thế nào.
Vấn đề còn lại là vì sao một nhà giáo, là trưởng khoa một đại học là đưa ra một đề xuất bị báo chí cho là “ngớ ngẩn”?
Tra cứu sách đại biểu Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, mục quê quán giới thiệu đại biểu Phan Thị Hồng Xuân quê ở xã Mỹ Trà, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Chẳng biết vị đại biểu này có hộ khẩu thường trú tại Thành phố Hồ Chí Minh được bao nhiêu năm mà đã đề xuất với chính quyền thành phố “ăn cây nào phải rào cây nấy”.
Một đề xuất mang tính cục bộ, địa phương, của một phó giáo sư, tiến sĩ, lại là Trưởng khoa Đô thị một đại học được nêu ra tại nghị trường khiến các nhà giáo chân chính cảm thấy xấu hổ.
Còn những người, cơ quan nhào nặn lên một lãnh đạo, một phó giáo sư như thế có cảm thấy xấu hổ không thì thật khó nhận biết.
Video đang HOT
Thế nào là “đã đến lúc nghĩ đến việc” Thành phố Hồ Chí Minh phải “ăn cây nào rào cây nấy”?
Phải chăng vị đại biểu Hội đồng nhân dân Phan Thị Hồng Xuân cũng chỉ phụ họa theo trào lưu hay còn có ý thúc giục những người lãnh đạo phải “rào giậu” cho thật kỹ, sớm biến Sài Gòn thành ốc đảo, chỉ cần thành phố mình giàu mà không cần đến cả nước?Từng có những ý kiến cất lên từ Thành phố Hồ Chí Minh, rằng dân số thành phố chiếm 9,5%, lao động chiếm 8,2% cả nước; đóng góp 27% thu ngân sách quốc gia nhưng chỉ được dùng 5,2% ngân sách là bất hợp lý. Đúng ra thành phố phải được dùng 9,5% ngân sách,…
Nói cách khác, có phải những người ngoại tỉnh nhập cư về thành phố chỉ là gánh nặng với dân thành phố “xịn” nên cần phải “rào” thành phố lại, không cho người hoặc địa phương nào “tắc lỏm”?
Nghe nói lý do “yêu cầu họ trở về nơi cư trú cũ” là chuyện xả rác thải sinh hoạt xuống kênh, rạch, nơi công cộng.
Thế nhưng ai cũng biết nhờ nguồn lực “nhập cư”, nhờ chuyện dọn “rác thải” mà có vị lãnh đạo công ty công ích thành phố nhận lương 2,6 tỷ đồng một năm, “bét nhất” là kế toán trưởng cũng nhận lương từ 700 – gần 900 triệu đồng/năm. [2]
Dẫu sao rác thải sinh hoạt xả ra thành phố còn có công ty môi trường đô thị thu dọn, còn “rác phát ngôn” cũng xả bừa bãi nơi công cộng thì ai thu dọn?
Với người xả “rác phát ngôn” bừa bãi có nên đưa họ “trở về nơi cư trú cũ”?
Khi khuyến nghị thành phố “ăn cây nào rào cây nấy” không biết “cô nghị” có còn người thân nào ở quê gốc, nếu còn mà thân thích nhà cô biết được có người trong họ đề xuất “rào” thành phố Hồ Chí Minh” không cho người ngoài bén mảng đến thì họ nghĩ gì”?
“ Dư luận nghi ngờ năng lực phó giáo sư đề xuất “dùng lu” chống ngập… Vậy là chưa từng học đô thị học, cũng chẳng kinh qua ngày nào làm chuyên viên trong lĩnh vực đô thị, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân nghiễm nhiên giữ chức vụ Trưởng khoa Đô thị học. Dư luận đặt ra câu hỏi: Sau Baophapluat.vn của Bộ Tư pháp đến lượt báo Infonet.vn của Bộ Thông tin và Truyền thông, hôm 23/07/2019 báo này đăng bài “Cán bộ ngồi nhầm chỗ”, bài báo có đoạn:
“Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh đã hết người để bổ nhiệm đúng vị trí, đúng chuyên môn? Và với một người không có chuyên môn sẽ đào tạo thế hệ sinh viên tương lai đất nước ra sao?“. [3]
Là tờ báo của Bộ Thông tin và Truyền thông, ngôn từ được sử dụng đương nhiên rất có chừng có mực, vậy mà tờ báo này lại phải nêu vấn đề một đại học danh tiếng là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh có phải “đã hết người để bổ nhiệm đúng vị trí, đúng chuyên môn”?
Với người được dân bầu, được ủy nhiệm thực hiện quyền lực của nhân dân ở cấp cao nhất, báo Tienphong.vn từng trích dẫn câu hỏi của cử tri Thủ Thiêm với đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Quyết Tâm:
“Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, chị Tâm ngồi ở đây cho biết đã làm được gì? Đã lo cho dân chúng tôi được cái gì, xin chị nói cho chúng tôi biết?”.
Có lẽ cử tri Thành phố Hồ Chí Minh không cần phải đặt câu hỏi như vậy với đại biểu Hội đồng Nhân dân thành phố Phan Thị Hồng Xuân bởi vị này đã làm được nhiều việc khiến báo chí và người dân cả nước đều biết.
Ẩn phía sau câu hỏi của báo Infonet.vn, kết hợp với đánh giá “vi hiến và ngớ ngẩn” của báo Baophapluat.vn, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nên xem lại quá trình nhào nặn một cử nhân đại học mở thành một vị phó giáo sư, tiến sĩ như vậy?
Và phải chăng chính việc đặt một “nhà giáo” như vậy vào vị trí đòi hỏi cả trình độ lẫn tâm đức ít nhiều đã góp phần “làm nhọ” thanh danh nhà giáo?
Tài liệu tham khảo:
[1]//baophapluat.vn/goc-nhin-ban-doc/mot-de-xuat-vi-hien-va-ngo-ngan-461560.html
[2] //vneconomy.vn/doanh-nhan/cach-chuc-cac-sep-luong-khung-tai-tphcm-20130912075912581.htm
[3] //infonet.vn/can-bo-ngoi-nham-cho-post306786.info
Xuân Dương
Theo giaoduc.net
Chung tay ngăn chặn các vấn nạn học đường - Kỳ cuối: Xây dựng môi trường học tập an toàn, trường học hạnh phúc
Vấn nạn bạo lực, xâm hại tình dục... là những khoảng trống đáng buồn trong văn hóa ứng xử ở môi trường sự phạm, vốn lâu nay vẫn được nhìn nhận là rất nhân văn và thân thiện.
Dù chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh" song những hệ lụy nó đem tới khiến cho xã hội phải trăn trở. Thực tế cho thấy, chỉ khi có sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội mới có thể hình thành môi trường văn hóa học đường bền vững, an toàn.
Nhắc đến môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, không ít chuyên gia cho rằng, đó phải xuất phát từ yếu tố tích cực. Sự tích cực này không chỉ giúp học sinh phát huy tiềm năng mà còn khơi dậy sự sáng tạo và lối sống tốt đẹp. Chính vì vậy, việc xây dựng bầu không khí học tập thân thiện, cởi mở, lấy học sinh làm trung tâm đã và đang được nhiều nhà trường, thầy cô áp dụng để mang lại hiệu quả giáo dục tốt nhất.
Lấy học sinh làm trung tâm
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống các vấn nạn học đường rất đầy đủ. Tuy nhiên, trong thực tế công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng còn thiếu hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể, thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai. Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội chưa chặt chẽ và chưa thực sự hiệu quả.
Chỉ khi có sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội mới có thể hình thành môi trường văn hóa học đường bền vững, an toàn. Ảnh minh họa: P.T
Theo Thạc sĩ Tâm lý Đinh Đoàn, các vấn nạn học đường trong đó có xâm hại tình dục và bạo lực luôn để lại những di chứng nặng nề, gây tổn thương dài lâu tới nạn nhân. Có một điểm đáng lưu ý là hiện học sinh ở các cấp học, do còn non nớt, thiếu khả năng bộc lộ ý chí đúng đắn, thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình, lại trong quan hệ phụ thuộc, tâm lý e sợ thầy cô giáo... thường dễ trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm. Chính vì thế, với những nguy cơ này cần ngành giáo dục nhận diện và tìm giải pháp ứng phó.
Ghi nhận thực tế quanh vấn đề xây dựng môi trường học tập an toàn, cá nhân người viết đã gặp và tiếp xúc với không ít những điển hình tích cực đang ngày đêm cống hiến, tô đẹp cho ngành giáo dục. Còn nhớ khoảng cuối tháng 1/2019, trong dịp theo chân đoàn công tác của Vùng 1 Hải quân ra những hòn đảo vùng địa đầu Đông Bắc Tổ quốc như tuyến đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) và đảo Trà Bản (xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), người viết đã gặp cô giáo Nguyễn Thị Hợi (sinh năm 1966).
Tính đến nay cô Hợi đã có 30 năm công tác ngoài xã đảo. Hiện cô đang là giáo viên Trường Phổ thông cơ sở Bản Sen. Theo cô Hợi, việc lấy học sinh làm trung tâm không có nghĩa chỉ giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm, quan tâm sát sao tới chất lượng học sinh mà Ban Giám hiệu cũng phải theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh. Khi học sinh được đặt vào vị trí trung tâm sẽ tạo ra những động lực để toàn thể nhà trường và phụ huynh cùng tham gia vào quá trình hoạt động giáo dục, giúp giáo dục thêm hiệu quả, trúng đích.
Hay như quan điểm của thầy giáo Nguyễn Văn Nghiệp (Hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Trường THCS Phú Châu, huyện Ba Vì) - người thường được nhắc tới với thành tựu "Tiếng trống học bài", bên cạnh việc truyền thụ kiến thức thì trong mỗi tiết học giáo viên cần biết cách khuyến khích, tạo điều kiện để học sinh được nói lên tiếng nói của chính mình. Học sinh có thể trao đổi thẳng thắn về một vấn đề mà mình còn vướng mắc, được quyền nói ra suy nghĩ trái chiều để trao đổi cùng giáo viên... Những trao đổi hai chiều ấy sẽ giúp người thầy hiểu hơn về tính cách, khả năng tiếp nhận bài, khả năng tư duy, suy nghĩ hành động của mỗi học trò. Từ đó sẽ tìm ra cách giáo dục phù hợp.
Dù góc nhìn nhận, phương cách triển khai có khác nhau nhưng ở hai nhà giáo trên đều có chung một điểm là làm sao để giúp học sinh cảm nhận được tình yêu thương, sự tôn trọng và an toàn trong môi trường học đường. Và với việc tạo nên bầu không khí thoải mái, chủ động tương tác với bài học đã trực tiếp góp phần phát huy đa dạng các giá trị tích cực.
Không chỉ là khẩu hiệu
Theo ghi nhận, hiện nay đã có khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh về môi trường giáo dục an toàn và phòng, chống bạo lực học đường nói chung và các hành vi vi phạm pháp luật nói riêng như: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017): Tội cố ý gây thương tích (Điều 134, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 22 của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017); Tội làm nhục người khác (Điều 155).
Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và các Nghị định hướng dẫn... Chưa hết, thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án về phổ biến giáo dục pháp luật với một số đối tượng thanh, thiếu niên như: Đề án "Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường" giai đoạn 2009-2012; Đề án "Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2011-2015" và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý gia hạn Đề án đến năm 2020...
Hành lang pháp lý là vậy song trên thực tế, đặc biệt là qua một số các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường nói riêng và bảo vệ trẻ em nói chung gắn với xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng cho thấy, đã và đang có một số hành vi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh; mức phạt tiền đối với một số hành vi bạo lực học đường còn thấp chưa có sức răn đe, giáo dục...
Ví dụ, thực hiện Nghị định 80/2017/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo có 2 Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh và hướng dẫn công tác xã hội trong trường học. Theo đó, tất cả các trường phổ thông đều thành lập tổ tư vấn tâm lý, tổ chức giáo dục kỹ năng sống, tiếp nhận các tâm tư, vướng mắc của học sinh để tư vấn; rà soát, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế... để có thể học tập tốt như các bạn có điều kiện gia đình bình thường. Tuy nhiên, phải nói rằng việc cập nhật các chính sách, quy định của ngành đối với từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh còn bất cập. Vẫn còn có địa phương, nhà trường chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm túc các chỉ đạo này.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), việc làm thế nào để có môi trường học tập an toàn, xây dựng trường học hạnh phúc... nên được xem như một vấn đề khoa học nghiêm túc, cần dựa trên khung lý thuyết với các chỉ báo cụ thể có thể đo lường được ở các chủ thể trong trường; những chính sách đưa ra cần dựa trên bằng chứng thực nghiệm cụ thể...
Còn Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội) cho rằng, điều kiện tiên quyết, cần triển khai sớm là cần tập trung và làm đồng bộ nâng cao nhận thức về pháp luật, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của tất cả các tổ chức bảo về trẻ em. Nói cách khác, bảo vệ trẻ không những chú trọng đến nhà trường mà phải chú trọng đến gia đình và cả địa phương. Riêng về phương diện nhà quản lý giáo dục thì nội dung và phương pháp giáo dục phải làm sao cho có hiệu quả hơn, đến được với học sinh. Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức cho học sinh thông qua các khóa học giá trị sống, kỹ năng sống.
Rõ ràng, "chân kiềng" giáo dục là gia đình - nhà trường - xã hội luôn là nguyên tắc bảo đảm cho mọi hoạt động giáo dục đạt hiệu quả. Và công tác xây dựng môi trường giáo dục thân thiện và có văn hóa, ngoài việc xây dựng các quy tắc rõ ràng, đo đếm được và khả thi thì cần có chế tài, trách nhiệm cụ thể của mỗi cấp quản lý, của nhà giáo, học sinh trong việc thực thi và giám sát. Phụ huynh học sinh cũng cần cộng đồng trách nhiệm, nghiêm túc tham gia việc thực thi và giám sát để việc xây dựng trường học văn hóa trở thành nhu cầu của chính mỗi đơn vị. Đây cũng chính là giải pháp tích cực để chủ động ngăn ngừa những hành vi tiêu cực trong môi trường học đường hiện nay.
Phạm Thảo - Giang Nam
Theo laodongthudo
Bộ GD&ĐT thành lập 9 Hội đồng thẩm định SGK lớp 1 Bộ trưởng GD&ĐT vừa ký quyết định thành lập 9 Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh minh họa Theo đó, Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK) bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý...