Xiaomi tung chiêu, cửa hàng điện thoại xách tay ở VN gặp khó
Xiaomi nâng thời gian unlock bootloader lên 2 tháng nhằm ngăn chặn tình trạng hàng xách tay tràn lan trên thị trường. Động thái này là đòn đánh vào các cửa hàng nhỏ lẻ ở Việt Nam.
“Chờ tận 2 tháng để cài đặt phần mềm thì làm gì còn ai muốn mua điện thoại xách tay nữa”, anh Quang Trung, đại diện một hệ thống bán điện thoại xách tay tại Hà Nội cho biết.
Cách đây vài ngày, hàng loạt người dùng điện thoại Xiaomi đã chia sẻ lên các diễn đàn công nghệ về việc họ không thể unlock bootloader của máy để cài đặt firmware (hệ điều hành) bản quốc tế như trước.
Khi gửi yêu cầu tới Xiaomi, người dùng đã nhận được thông báo thời gian chờ lên tới 1.440 giờ (2 tháng) để có thể thực hiện việc này, trong khi đó, thời gian chờ trước đây chỉ 360 giờ (15 ngày).
Xiaomi nâng thời gian chờ unlock bootloader lên 1.440 giờ.
Unlock bootloader là một thuật ngữ nói việc can thiệp vào hệ thống để có thể cài đặt những phiên bản phần mềm hệ thống khác vào máy. Smartphone xách tay của Xiaomi từ Trung Quốc về Việt Nam thường không có sẵn tiếng Việt, không có kho ứng dụng CH Play (do bị cấm ở Trung Quốc).
Đây là lý do chính khiến các cửa hàng khi xách tay điện thoại Xiaomi về Việt Nam phải tiến hành unlock bootloader để có thể cài đặt lại hệ điều hành phiên bản quốc tế để máy có thể hoạt động tương đương hàng chính hãng ở Việt Nam.
Để thực hiện thao tác này, người dùng sẽ phải tải công cụ unlock của Xiaomi, kết nối điện thoại với máy tính, đăng nhập tài khoản Mi sau đó tiến hành các bước unlock theo hướng dẫn. Cuối cùng, người dùng cần chờ hệ thống máy chủ của Xiaomi cấp phép để sang bước tiếp theo.
Điện thoại Xiaomi xách tay đang ảnh hưởng nhiều đến doanh số của máy chính hãng.
Video đang HOT
Trao đổi với Zing.vn, đại diện của Xiaomi Việt Nam cho biết để hạn chế tình trạng nhập khẩu sản phẩm trái phép, hãng tạm thời đưa ra giải pháp tăng thời gian chờ với những yêu cầu mở khóa bootloader. “Việc này để ngăn chặn những lợi ích làm tổn hại đến việc kinh doanh của chúng tôi”, đại diện hãng phản hồi qua email.
“Để hạn chế ảnh hưởng đến những người dùng đam mê công nghệ, chúng tôi đang làm việc hết mình để đưa ra những phương thức chống lại hành vi gian lận này sớm nhất có thể”, vị này cho biết.
Có thể thấy, Xiaomi đang muốn ngăn chặn triệt để tình trạng bán điện thoại xách tay của hãng tràn làn trên thị trường như hiện nay. Xiaomi cũng cho biết nguồn hàng xách tay ảnh hưởng khá nhiều đến doanh số bán máy chính hãng cũng như khiến công ty không thể kiểm soát hoàn toàn chất lượng sản phẩm.
Trên thực tế, Xiaomi đã bắt đầu ngăn chặn hàng xách tay từ khi mới bước chân vào thị trường Việt Nam. Tháng 6/2017, hãng đã nâng cao chính sách bảo mật, yêu cầu thời gian unlock bootloader tối thiểu 72 giờ (3 ngày). Đến tháng 1/2018, thời gian đó nâng lên 360 giờ và hiện tại là 1.440 giờ.
Dù Xiaomi đã bước chân vào thị trường Việt Nam hơn một năm nhưng hàng xách tay vẫn có chỗ đứng riêng bởi giá bán cạnh tranh. Bên cạnh đó, một số mẫu máy được người dùng ưa chuộng tại thị trường xách tay nhưng Xiaomi không mang về bán chính hãng tại Việt Nam như chiếc Xiaomi Mi 8 SE.
Thêm vào đó, hàng xách tay thường có mặt khá sớm trên thị trường chỉ sau 3-5 ngày khi Xiaomi bán ra tại Trung Quốc. Trong khi đó phải 1-2 tháng sau, máy chính hãng mới được bán ra tại Việt Nam.
Theo Xiaomi, thời gian chờ phụ thuộc vào việc người dùng mới đăng ký hay đã kích hoạt tài khoản Mi. “Nếu người dùng gặp phải tình trạng chờ đến 1.440 giờ, chúng tôi khuyến nghị nên liên hệ trung tâm chăm sóc khách hàng ủy quyền DigiCare của chúng tôi tại Việt Nam để xác minh tài khoản”, đại diện Xiaomi cho biết.
Đây không phải lần đầu Xiaomi có biện pháp đối phó với hàng xách tay ở Việt Nam. Hồi đầu năm nay, hãng bán Mi A1 ở Việt Nam với giá thấp hơn ở Trung Quốc, khiến các cửa hàng kinh doanh điện thoại xách tay điêu đứng. Trước Việt Nam, Xiaomi từng thành công trong việc “tiêu diệt” hàng không chính ngạch ở Indonesia.
Ngoài việc không có CH Play, các smartphone Xiaomi xách tay từ Trung Quốc còn chứa phần mềm không phù hợp. Năm 2017, Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM từng cảnh báo có các smartphone bán ở thị trường Việt Nam cài đặt bản đồ đường lưỡi bò vi phạm luật pháp quốc tế.
Khi đó, Xiaomi cũng lên tiếng cho rằng những máy được phân phối chính hãng tại Việt Nam không gặp tình trạng nói trên. Trên các máy “xách tay” (vốn là phiên bản nội địa cho thị trường Trung Quốc), Xiaomi không dùng phần mềm Google Maps, thay vào đó là ứng dụng Baidu Maps, hiển thị đường lưỡi bò trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Theo zing
Bán điện thoại lãi 5%, Xiaomi lấy đâu ra khoản lợi nhuận 2 tỷ đô?
Xiaomi lãi tới 2 tỷ USD trong quý 2 là điều người ta sẽ nghĩ nếu chỉ đọc lướt các tờ báo và không hiểu các khái niệm tài chính. Nhưng sự thật là Xiaomi vẫn kinh doanh lấy lỗ, thậm chí là lỗ tỷ đô.
*Bài viết được thực hiện với các đóng góp từ chị Quách Minh Thư, CFA charterholder, MBA in Finance (University of Massachusetts).
Những người đặt cược vào tương lai của Xiaomi có lẽ đã có một ngày thứ 3 vui vẻ. Chỉ hơn 1 tháng sau phiên IPO khá thất vọng, công ty Trung Quốc này đã công bố khoản lợi nhuận 2,1 tỷ USD cho quý 2/2018. Kết quả này tỏ ra hoàn toàn trái ngược so với quý 1, khi Xiaomi hứng chịu khoản lỗ lên tới 1,4 tỷ USD.
Thế nhưng, những người đọc kỹ các thông tin được Xiaomi công bố chắc chắn sẽ không thể bỏ qua một chi tiết quan trọng: trong khi Xiaomi có lãi ròng 14,7 tỷ Nhân Dân Tệ (2,1 tỷ USD), công ty này lại phải chịu khoản lỗ từ kinh doanh là 7,6 tỷ NDT (1,1 tỷ USD).
Tại sao lại có thể có lợi nhuận ròng trong khi kinh doanh thua lỗ? Hãy cùng điểm lại về 3 loại lợi nhuận của mỗi công ty. Chúng lần lượt là:
Dựa vào 3 công thức căn bản trên, bạn có thể thấy một điểm quan trọng: lợi nhuận kinh doanh trừ tiếp đi nhiều loại phí khác mới ra được lợi nhuận ròng. Nói cách khác, lợi nhuận kinh doanh của công ty thường cao hơn lợi nhuận ròng.
Nhưng Xiaomi thì ngược lại: công ty này có lãi ròng, nhưng kinh doanh thì lại lỗ. Mức chênh lệch lên tới... 3 tỷ USD.
Theo giải thích của Xiaomi, công ty này đã ghi nhận một khoản giá trị gia tăng một lần với giá trị 22,5 tỷ Nhân Dân Tệ (khoảng 3,2 tỷ USD) dựa vào việc đánh giá lại cổ phiếu ưu tiên. Đây chính là mấu chốt của vấn đề.
Cổ phiếu ưu tiên là gì? Khi công ty chưa IPO, Xiaomi (và bất kỳ công ty nào khác) sẽ phát hành "cổ phiếu ưu tiên chuyển đổi" cho nhà đầu tư. Loại cổ phiếu này bản chất giống một "giấy nợ" Xiaomi đưa cho nhà đầu tư để mượn tiền họ; sau khi IPO nhà đầu tư có thể đổi "giấy nợ" thành cổ phiếu phổ thông. Trước IPO, công ty mỗi lần gọi vốn lại làm định giá 1 lần, định giá càng cao thì cổ phiếu ưu tiên có giá càng cao, tức là "nợ" nhà đầu tư càng lớn.
Cụ thể, 31/12/2017 Xiaomi đánh giá khoản nợ trên là 161 tỷ RMB. Sau vụ IPO đầy thất vọng, giá cổ phiếu thấp hơn mong đợi và thậm chí còn tiếp tục suy giảm ở mức 2 chữ số. Cổ phiếu giảm, khoản nợ từ cổ phiếu ưu tiên cũng giảm xuống đáng kể.
Khi nợ giảm như vậy, Xiaomi được ghi nhận "lợi nhuận bất thường", nhưng không thể tính vào lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh. Xiaomi do đó ghi lại khoản này vào lãi ròng, và nhờ đó mà dù kinh doanh bết bát nhưng công ty của Lei Jun vẫn được ghi nhận là có lãi.
Như vậy, đợt IPO thảm họa bỗng dưng lại giúp Xiaomi từ lỗ trở thành lãi trong quý 2. Nhưng khi bỏ qua sự kiện này và nhìn trực tiếp vào kết quả kinh doanh của Xiaomi, rõ ràng là công ty của Lei Jun vẫn chưa thoát khỏi khó khăn: khoản lỗ trong quý 2 hiện tại vẫn đang ngang ngửa với quý 1. Mỗi quý, Xiaomi vẫn "đốt" khoảng 1 tỷ USD.
Điều này có nghĩa rằng smartphone, TV hay Internet vẫn chưa mang lại đồng lãi nào cho Xiaomi cả. Thậm chí, lợi nhuận gộp từ phần cứng còn bị sụt giảm, từ 6.7% xuống còn 8.7%. Tuyên bố của Xiaomi là "công ty Internet" nhằm trấn an các nhà đầu tư vẫn chưa trở thành hiện thực khi "Apple Trung Quốc" chỉ thu về 4 triệu NDT, tức là chưa nổi 1% doanh thu của công ty trong quý vừa qua.
Quý vừa rồi, Apple thu lãi ròng 11,5 tỷ USD còn Samsung thu 13,3 tỷ USD - lợi nhuận ròng của mỗi công ty này cao xấp xỉ 2 lần doanh thu của Xiaomi. "Apple Trung Quốc" còn thua xa Apple "thật", và quan trọng hơn là Xiaomi vẫn chưa nhìn thấy đường đến tương lai. Xiaomi vẫn là công ty "đốt tiền".
Ấy thế mà bằng cách giảm nợ từ cổ phiếu, công ty của Lei Jun đã có thể biến lỗ thành lãi. Cái "may trong rủi" này sẽ không lặp lại một lần nữa, và Xiaomi sẽ làm thế nào khi vẫn tiếp tục lỗ trong những quý sau? IPO thảm họa tiếp ở Thượng Hải chăng?
Theo GenK
Xiaomi hướng tới điện thoại cao cấp vì người dùng nay đã sẵn sàng tiêu nhiều tiền hơn Xiaomi muốn bán nhiều thiết bị cao cấp cho khách hàng Trung Quốc bởi vì những người này sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho smartphone. Công ty đã đưa ra quyết định này một năm trước và có nhiều dấu hiệu cho thấy đây là một nước đi đúng đắn, theo CFO của Xiaomi, ông Chew Shou Zi chia sẻ với CNBC...