Xét tuyển vào lớp 6 dễ xảy ra tiêu cực khi căn cứ vào học bạ
KTĐT – Chắc chắn với những tiêu chí xét tuyển vào lớp 6 cho những trường chất lượng cao, nhà trường không thể lựa chọn được tất cả học sinh (HS) thật sự xuất sắc như mong muốn. PGS Văn Như Cương – Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về việc xét tuyển vào lớp 6 năm nay.
Khả năng nhiều em trùng điểm
Tại buổi làm việc với lãnh đạo TP ngày 7/5, Sở GD&ĐT đưa ra 3 tiêu chí lớn và chia nhỏ ra để tính điểm. Vậy, trường THCS Lương Thế Vinh có dễ xét tuyển, thưa ông?
- Tôi thấy tiêu chí 1 – căn cứ vào học bạ tiểu học để lấy điểm cũng tốt, nhưng không công bằng ở chỗ, có trường chấm điểm chặt tay, có trường chấm lỏng. Chẳng hạn, cùng một bài thi giống nhau, em học ở trường này được 7 điểm nhưng sang trường kia được 9 điểm. Vì thế, người ta thường tổ chức một cuộc thi để các em đều làm một bài giống nhau thì mới đánh giá được năng lực công bằng nhất.
Còn tiêu chí 2 – các bằng khen về thành tích học tập và các hoạt động khác, chúng tôi áp dụng giải Nhất được cộng thêm 5 điểm, giải Nhì 4 điểm, giải Ba 3 điểm, giải Khuyến khích 2 điểm. Tiêu chí 3 – con gia đình chính sách, con gia đình lực lượng vũ trang đang công tác ở biên giới, hải đảo, trường sẽ cộng mấy điểm gì đó…
Để cộng thêm điểm nhưng số em thuộc 2 tiêu chí sau rất ít, chỉ khoảng 50 em. Cho nên dù có tuyển thẳng đi nữa, trường vẫn còn đến 550 chỉ tiêu để xét học bạ. Bởi vậy, khả năng nhiều em trùng điểm nhau là rất lớn.
Video đang HOT
Học sinh trường THCS Lê Quý Đôn, quận Cầu Giấy lên lớp. Ảnh: Chiến Công
Vậy, trường sẽ giải bài toán này thế nào?
- Chúng tôi gửi phương án xét tuyển lên Sở GD&ĐT duyệt, có đưa ra thêm 2 tiêu chí nữa để có sự phân hóa. Một là có anh/chị (ruột) đã học ở trường Lương Thế Vinh; hai là con, em (ruột) của các thầy cô trường Lương Thế Vinh. Nhưng mỗi tiêu chí này cùng lắm chỉ vài ba chục người.
Tiêu chí 1 trong 2 tiêu chí mà ông vừa nói liệu có công bằng cho những HS khác có cùng điểm, khi hiện nay nhiều gia đình chỉ sinh một con?
- Tôi biết sẽ không công bằng, nhưng việc này được rút kinh nghiệm từ tình huống đã xảy ra để có lợi cho trường. Ví dụ, những gia đình đã có con thứ nhất vào học trường Lương Thế Vinh hay bố, mẹ đã học ở trường này sẽ biết rất rõ cách tổ chức dạy và học, cách quản lý HS và cứ thực hiện theo khi nhà trường có thông báo.
Theo tính toán của ông, với các tiêu chí ưu tiên, nhà trường sẽ tuyển thẳng được bao nhiêu chỉ tiêu?
- Chỉ khoảng 100 em. Đối với 500 chỉ tiêu còn lại, nếu nhiều em có điểm bằng nhau thì phương án cuối cùng sẽ là bốc thăm. Dù tôi biết giáo dục mà làm thế là phản cảm, giống như bốc thăm xổ số, nhưng chúng tôi hết cách rồi!
Rất dễ có những “hồ sơ đẹp”
Quy ra điểm cho tất cả các tiêu chí, liệu nhà trường có chọn được những HS như mong muốn?
- Tất nhiên là không rồi! Muốn chọn được cho đúng HS có năng lực thực sự thì phải làm chung một bài thi. Chứ còn trường này ra đề kiểm tra khác trường kia, các trường chấm điểm khác nhau, rất dễ bị trùng về điểm. Qua đây, chúng tôi rất muốn Sở trả lời sớm phương án trường đã gửi để chúng tôi công bố kết quả xét tuyển cho HS và phụ huynh biết. Vì số lượng hồ sơ quá nhiều, chúng tôi đang bắt đầu phân loại, khi Sở duyệt các tiêu chí, trường sẽ cộng điểm cho nhanh.
Với cách xét tuyển như thế này sẽ dẫn đến hệ lụy như thế nào, thưa ông?
- Hậu quả xấu sẽ không lường trước được, bởi chỉ nói rằng giảm tải thi cử thì sẽ thi những thứ khác. Các trường đua nhau cho điểm tối đa để HS được lợi, tiêu cực sẽ xảy ra, trước hết là “chạy” học bạ. Rồi tiêu cực xảy ra ở những trường tuyển rất khó như Lương Thế Vinh. Trước kia, chúng tôi tổ chức thi, chấm xong là viết bảng công khai danh sách điểm số của từng em cũng như trường sẽ lấy điểm từ bao nhiêu trở lên, thế là xong. Còn với cách làm xem xét học bạ, tiêu cực dễ xảy ra.
Nhưng lãnh đạo TP đã chỉ đạo, nếu phát hiện trường hợp sửa học bạ thì sẽ kỷ luật nặng?
- Điều đó thực hiện được với việc chấm điểm, khi phúc tra bài kiểm tra, còn bây giờ là nhận xét bằng lời rất khó phát hiện. Thầy cô nhận xét ghi chữ “đạt”, nếu thêm chữ “xuất sắc” thì chẳng ai nói được gì. Chúng ta căn cứ vào đâu để nói em này là đạt là sai? Bởi vậy, rất dễ có những “hồ sơ đẹp”.
Xin cảm ơn ông!
Theo KTĐT