Xét tuyển vào ĐH, CĐ 2015: Dùng phần mềm riêng để giảm ảo
Dù sắp đến thời điểm xét tuyển nhưng các trường ĐH vẫn chưa hình dung ra phần mềm xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT sẽ hỗ trợ công việc xét tuyển này đến đâu, cách hạn chế thí sinh ảo như thế nào và có đảm bảo quyền lợi cho thí sinh ?
Sau khi tham dự kỳ thi THPT quốc gia, các thí sinh chuẩn bị bước vào giai đoạn xét. Bên cạnh phần mềm chung, một số trường sử dụng phần mềm riêng để xét tuyển – Ảnh: Đào Ngọc Thạch
“Ảo” từ nhiều phía
Video đang HOT
Mọi năm, nhờ việc thí sinh (TS) nộp hồ sơ vào các trường ĐH, CĐ trước, thi tuyển sau và cách tính điểm chuẩn, cách phân bổ chỉ tiêu đều được các trường chủ động làm, mà các trường có thể tính toán được lượng TS ảo bằng kinh nghiệm tuyển sinh lâu năm của mình.
Năm nay, mọi thứ hoàn toàn mới mẻ, thêm công cụ xét tuyển là phần mềm tuyển sinh chung lần đầu tiên được sử dụng, khiến các trường đến sát ngày xét tuyển vẫn còn nhiều băn khoăn.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Cái ảo lớn nhất phải kể đến việc gần 200 trường xét tuyển bằng học bạ. Số TS đó rất nhiều em có tham dự kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển ĐH bằng cách này. Trong khi đó, dữ liệu tuyển sinh bằng học bạ không được đưa vào phần mềm tuyển sinh chung của Bộ. Chắc chắn có nhiều TS trúng tuyển bằng cả 2 phương thức dẫn đến lượng ảo lớn”.
Theo quy chế, TS phải dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả thi để xét tuyển, nhưng nhiều người vẫn lo ngại nếu trường nào không tuân thủ điều này, nhập dữ liệu trước dù là bản sao thì tên TS đó cũng sẽ bị khóa, trường có bản chính cũng không thể nhập được. Đó là chưa kể, khi TS rút hồ sơ, liệu các trường có thực hiện đúng quy định là xóa dữ liệu của TS đó để cho trường sau nhập vô hay không?
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhìn nhận: “Năm nay chắc chắn lượng TS ảo sẽ tăng lên. Mỗi TS được nộp vào 4 ngành trong một trường khiến việc xác định TS trúng tuyển từng ngành sẽ rắc rối hơn, đòi hỏi các trường phải tính toán rất kỹ”.
Theo nhiều người làm công tác tuyển sinh lâu năm, thêm một cái khó cho các trường sử dụng phần mềm tuyển sinh chung của Bộ là phần mềm này tự động lấy đủ chỉ tiêu thì khóa lại (tính từ cao xuống thấp). Mọi năm sẽ có một lượng TS không đến nhập học. Năm nay, khi chốt được danh sách nhập học thì đã qua đợt xét tuyển thứ 2, phải đợi đợt tiếp theo. Việc xét tuyển trở nên gián đoạn.
Chủ động xét tuyển bằng phần mềm riêng
Phần lớn đại diện các trường đều chủ trương sẽ cố gắng tuyển đủ chỉ tiêu trong đợt đầu tiên. Thế nhưng, điều đó chỉ có thể làm được đối với các trường tốp giữa và tốp trên. Các trường tốp dưới, trường ngoài công lập gần như phải tuyển tiếp các đợt tiếp theo.
Phó hiệu trưởng một trường ĐH ngoài công lập cho rằng phần mềm tuyển sinh lần đầu thực hiện nên đến giờ chưa biết hiệu quả như thế nào, có ưu việt khi đưa vào thực tế hay không. Vị này chia sẻ: “Chính vì thế các trường cũng chỉ nên coi phần mềm tuyển sinh chung là công cụ hỗ trợ chứ không nên quá máy móc phụ thuộc toàn bộ vào nó. Cần phải chủ động để đảm bảo tuyển đủ chỉ tiêu cho mình. Ví dụ, phần mềm trục trặc do quá tải dữ liệu thì sao? Vẫn cần phải tuyển số lượng TS dư ra để bù vào số lượng ảo. Quan trọng là tính toán sao cho chính xác và đảm bảo không vi phạm quy chế của Bộ”.
Tiến sĩ Trần Đình Lý cho rằng để đảm bảo quyền lợi của TS, quyền lợi của các trường khác và tránh ảo, các trường sử dụng phần mềm chung của Bộ phải thực hiện đúng quy định về xét tuyển. “Chẳng hạn chỉ nhập dữ liệu của TS có giấy chứng nhận kết quả thi bản gốc, xóa dữ liệu khi TS rút hồ sơ… Các trường cũng nên cứ 3 ngày lại cập nhật, điều chỉnh dữ liệu một lần để tránh sai sót và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh”, tiến sĩ Trần Đình Lý nêu quan điểm.
Trong khi đó, một số trường xây dựng phần mềm tuyển sinh riêng, không liên quan đến phần mềm của Bộ. PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, thông tin: “Việc này giúp trường xét tuyển chủ động, không phụ thuộc vào dữ liệu chung. TS có thể nộp hồ sơ trực tuyến và ngay sau đó phải gửi bản gốc của giấy chứng nhận kết quả thi đến trường bằng thư chuyển phát nhanh thì mới được xét tuyển”.
Theo kinh nghiệm của PGS-TS Đỗ Văn Xê, lượng TS ảo sẽ chiếm khoảng 20% nên xét tuyển một cách chủ động bằng phần mềm riêng giúp trường có thể tính toán phù hợp để gọi đủ TS mà không mất nhiều thời gian và công sức.
Theo TNO