Xét tuyển nguyện vọng: Rối với ‘nộp vào rút ra’
Sau khi trượt nguyện vọng bổ sung, hàng ngàn thí sinh xin rút hồ sơ đăng ký xét tuyển để tìm cơ hội vào trường khác. Có trường đồng ý cho rút, có trường không. Sự việc chưa có tiền lệ này đã gây khó cho cả thí sinh lẫn các trường.
Thí sinh và phụ huynh đến Trường ĐH Sài Gòn xin rút lại giấy chứng nhận kết quả thi để tìm cơ hội ở trường khác
Trưa 14/9, thí sinh Đỗ Thị Yến từ Đồng Tháp đến Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) xin rút lại giấy chứng nhận kết quả thi. Điểm thi ĐH của Yến đạt 16 điểm (khối C), trượt nguyện vọng bổ sung vào ngành xã hội học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn.
“Tôi xin rút giấy chứng nhận kết quả thi để nộp tiếp vào Trường ĐH Mở TP.HCM, cũng ngành xã hội học” – thí sinh này nói. Tuy nhiên, việc xin rút hồ sơ của Yến không được trường giải quyết vì quá thời hạn theo quy định của trường.
Trường cho, trường không
Trước đó, nhiều thí sinh khác đến xin rút hồ sơ xét tuyển bổ sung vào Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. TS Nguyễn Kim Quang – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) – cho biết trường quy định thời gian được rút lại giấy chứng nhận kết quả thi để thuận tiện cho công tác xét tuyển và không ảnh hưởng đến công việc chung của phòng đào tạo.
Video đang HOT
“Hiện đã quá hạn nhưng thí sinh đến rút giấy báo điểm vẫn được xem xét giải quyết” – TS Quang khẳng định.
Tương tự, một cán bộ phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho biết dù đã quá thời hạn của trường, nhưng trường cũng sẽ xem xét giải quyết cho những thí sinh trượt nguyện vọng bổ sung có nguyện vọng nhận lại giấy chứng nhận kết quả thi ĐH đã nộp.
Trong khi đó, tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Thảo – phó trưởng phòng đào tạo nhà trường – cho biết mỗi ngày có hàng trăm thí sinh đến trường rút giấy chứng nhận kết quả thi. “Những năm trước thí sinh dùng giấy chứng nhận để xét tuyển theo từng đợt, không đậu cũng không dùng được đợt sau nên thí sinh không rút làm gì. Năm nay các trường xét tuyển theo nhiều đợt, thí sinh có thể dùng giấy chứng nhận kết quả thi để xét tiếp trường khác nên phải trả cho thí sinh” – bà Thảo nói. Tương tự, Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng – quyền trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM – cho biết trường cho thí sinh rút lại hồ sơ khi không trúng tuyển và photo một bản để lưu lại trường.
Tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, sau khi công bố điểm chuẩn NV2, khá nhiều thí sinh yêu cầu rút lại phiếu báo điểm, trong đó có cả thí sinh được thông báo trúng tuyển. Một số thí sinh trúng tuyển thắc mắc tại sao trường không cho rút lại phiếu báo điểm sau khi thông báo điểm chuẩn, vì họ có nguyện vọng được xét tuyển ở các trường khác.
Lý giải về cách xử lý này, ông Đặng Văn Tùng – phó trưởng phòng đào tạo – cho hay đó là giải pháp để tránh sự xáo trộn về chỉ tiêu, hạn chế số ảo có thể phát sinh hơn nữa. Ông Tùng cho hay đây là phương án nhà trường tự đưa ra căn cứ trên thực tế, chứ bộ không có văn bản hướng dẫn cụ thể. “Còn lại các thí sinh không đỗ, nhà trường tạo điều kiện cho các em rút phiếu nếu có nhu cầu”- ông Tùng nói.
Tự chủ vẫn lo làm sai
Các trường ĐH khác như Nông lâm TP.HCM, Tài chính – Marketing, Luật TP.HCM… cũng cho biết sẽ cho thí sinh rút lại hồ sơ. Có điều, dù vẫn giải quyết cho thí sinh nhưng nhiều trường lại cho rằng “đó không phải là việc của trường”.
“Sau khi công bố điểm chuẩn, phòng đào tạo tiếp tục các công đoạn như lên danh sách, gửi giấy báo trúng tuyển, gọi sinh viên nhập học, chuẩn bị công việc làm thủ tục nhập học… Song song đó, phòng phải bố trí nhân viên, lực lượng giải quyết mỗi ngày hàng trăm thí sinh, phụ huynh đến xin rút hồ sơ nguyện vọng bổ sung. Quy định xét tuyển đến ngày 30/11, không trả thì tội cho thí sinh, mà trả thì gây xáo trộn công việc của phòng…” – trưởng phòng đào tạo một trường ĐH công lập nói.
Cán bộ đào tạo tại nhiều trường ĐH băn khoăn các năm trước khi các trường chưa được giao quyền tự chủ xét tuyển, bộ có văn bản hướng dẫn rất rõ thời gian, điều kiện thí sinh được quyền rút phiếu báo điểm. Tuy nhiên, năm nay do được giao tự chủ, các trường tự đưa ra quyết định, nhưng vẫn đắn đo không biết phương án đó có sai quy định của bộ hay không.
Đương nhiên việc rút phiếu báo điểm chủ yếu xảy ra ở nhóm trường yêu cầu nhận phiếu báo điểm gốc. Ông Bùi Đức Hiền – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Điện lực – cho rằng vì trường chỉ nhận giấy báo điểm photo nên thí sinh không trúng tuyển không cần rút lại phiếu điểm này. Tuy nhiên, ông Hiền cũng cho rằng việc cho thí sinh thoải mái sao phiếu báo điểm khiến số thí sinh ảo phát sinh nhiều hơn so với mọi năm.
Không trúng tuyển được rút hồ sơÔng Đỗ Thanh Duy – trưởng phòng thi tuyển sinh và quản lý văn bằng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục Bộ GD-ĐT – khẳng định năm nay bộ không có hướng dẫn cụ thể về việc cho thí sinh rút hồ sơ nhưng hướng dẫn này đã có từ năm ngoái và các trường có thể vận dụng hướng dẫn đó để thực hiện cho công tác tuyển sinh năm nay.”Thí sinh đã trúng tuyển NV2 thì không được rút phiếu báo điểm đã nộp vào trường. Các em phải chấp nhận lựa chọn của mình. Tuy nhiên, với thí sinh không trúng tuyển, các em được quyền rút phiếu báo điểm để đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu” – ông Duy nói.Theo ông Duy, nếu nhận được thông tin bất cứ trường nào không cho thí sinh không trúng tuyển rút lại phiếu báo điểm, bộ sẽ lập tức nhắc nhở, yêu cầu các trường tạo điều kiện cho thí sinh mặc dù trong quy chế không có quy định cứng về vấn đề này.
Theo Tuổi Trẻ
Thoáng nửa vời, thí sinh chịu thiệt
Từ ngày 25/8, hàng chục trường ĐH đã khóa sổ việc nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung và cũng có không ít trường công bố điểm chuẩn xét tuyển bổ sung. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều thí sinh đủ điều kiện đã không thể tham gia đăng ký xét tuyển.
Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu các trường không được kết thúc nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt đầu tiên trước ngày 7/9. Văn bản này được cho là để đảm bảo quyền lợi thí sinh, bởi như Bộ thừa nhận: "Do nhiều lý do khách quan, có thể nhiều thí sinh vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận kết quả thi trước ngày 31/8 để tham gia xét tuyển".
Thế nhưng thực tế từ ngày 25/8, hàng chục trường ĐH đã khóa sổ việc nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung và cũng có không ít trường công bố điểm chuẩn xét tuyển bổ sung.
Điều này đồng nghĩa với việc nhiều thí sinh đủ điều kiện đã không thể tham gia đăng ký xét tuyển. Bởi thực tế, ròng rã suốt hai tuần qua hàng ngàn thí sinh, phụ huynh ở TP.HCM đã dáo dác chạy khắp nơi "xin" giấy báo điểm. Phụ huynh các tỉnh còn khổ hơn, họ đứng ngồi không yên vì "sắp hết hạn nộp hồ sơ xét tuyển nhưng vẫn chưa thấy trường gửi giấy báo điểm". Nhiều phụ huynh ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Gia Lai... vì quá sốt ruột đã bắt xe đến tận các trường ĐH ở TP.HCM để hỏi giấy báo điểm cho con em mình.
Phụ huynh không sốt ruột sao được khi mà từ lúc điểm sàn chưa được ấn định, một loạt trường ĐH đã rục rịch đăng thông báo xét tuyển bổ sung. Đến lúc chính thức có điểm sàn, nhiều trường liền thông báo nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 10/8. Nhiều trường còn thông báo ưu tiên thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển sớm.
Đơn cử Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM từ ngày 16/7 đã thông báo thời gian nhận hồ sơ xét tuyển bậc ĐH dự kiến từ ngày 10 đến 22/8 (công bố kết quả trúng tuyển ngày 25-8). Nhà trường cho biết sẽ nhận xét tuyển thêm nguyện vọng cho các ngành thiếu chỉ tiêu sau ngày 25-8. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển bậc CĐ của trường chia thành ba đợt, trong đó đợt 1 kết thúc ngày 18/8 và công bố kết quả ngày 20/8.
Oái oăm thay, theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ ngày 20/8, các trường ĐH, CĐ công bố điểm trúng tuyển và gửi giấy chứng nhận kết quả thi, phiếu báo điểm, giấy báo trúng tuyển cho các sở GD-ĐT để gửi thí sinh. Và thông thường, giấy chứng nhận kết quả thi được các trường gửi qua đường bưu điện đến các sở GD-ĐT để chuyển về trường THPT sau một tuần mới đến tay thí sinh. Đó là chưa kể việc nhiều trường không tổ chức thi phải đợi dữ liệu thí sinh từ các trường tổ chức thi mới xác định điểm chuẩn và tiến hành gửi giấy báo. Vì vậy, nhiều khả năng phải đến cuối tháng 8 thí sinh ở các vùng sâu vùng xa mới nhận đủ các loại giấy báo. Như vậy, thí sinh lấy đâu ra giấy báo điểm để tham gia cuộc đua xét tuyển vào những trường có thời hạn đăng ký quá gấp gáp?
Rõ ràng việc năm nay Bộ GD-ĐT không quy định các mốc thời gian xét tuyển mà để các trường được tự chủ về thời gian xét tuyển đã giúp nhiều trường chủ động hơn về thời gian, phương thức xét tuyển của mình. Họ có quyền đưa ra mốc thời gian cho riêng mình và điều đó không vi phạm quy chế. Tuy nhiên, cũng chính điều này đã đẩy không ít thí sinh vào chỗ hoang mang, nôn nóng. Và đặc biệt, những thí sinh vùng sâu vùng xa là những người bị thiệt thòi nhiều nhất, bởi họ rất dễ bị mất luôn cơ hội tham gia xét tuyển vào trường mình mong muốn.
Theo Tuổi Trẻ
Không trúng tuyển NV2, có được trả lại giấy chứng nhận điểm bản gốc? Thí sinh tự do nhận giấy báo điểm ở đâu? Không muốn học NV1 có xin được giấy chứng nhận điểm? 9,5 điểm thuộc KV1 có được xét vào hệ CĐ? Chỉ nhận được 1 giấy báo điểm thì phải làm sao? Giấy báo điểm đã cộng điểm ưu tiên? Em nộp 2 hồ sơ NV2 (2 bản gốc giấy chứng nhận kết...