Xét tuyển ngành đặc thù nhưng không có môn đặc thù?
Tổ hợp các phương thức xét tuyển đại học năm 2022 khối ngành sức khỏe và mỹ thuật của một số cơ sở giáo dục đại học không có môn Sinh học hay môn Vẽ.
Thí sinh thi năng khiếu Vẽ tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng mùa tuyển sinh 2020. Ảnh: Công Chương
Điều này dấy lên lo ngại về chất lượng đầu vào cũng như sự phù hợp của việc mở rộng các tổ hợp xét tuyển thuộc hai khối ngành đặc thù này?
Thiếu môn đặc thù trong tổ hợp xét tuyển
Bên cạnh tổ hợp truyền thống đối với xét tuyển ngành Y là Toán – Hóa – Sinh (B0), đề án tuyển sinh đại học 2022 khối ngành sức khỏe của một số trường đại học mở rộng khối xét tuyển ngành Y không có môn Sinh học hay ngành Dược không có môn Hóa học.
Đơn cử như 11 ngành thuộc khối ngành sức khỏe của Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (HIU) gồm: Y khoa, Y khoa (chương trình tiếng Anh), Y học cổ truyền, Răng Hàm Mặt, Răng Hàm Mặt (chương trình tiếng Anh), Chăm sóc sức khỏe răng miệng, Dược học, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật xét nghiệm y học… Các ngành này được xét tuyển bởi 4 tổ hợp: A00 (Toán, Lý, Hóa), B00 (Toán, Hóa, Sinh), D90 (Toán, Khoa học tự nhiên, Tiếng Anh), D07 (Toán, Hóa, Tiếng Anh).
Năm 2022, lần đầu tiên Trường ĐH Y Dược Thái Bình tuyển sinh ngành Y với 3 tổ hợp: Toán – Hóa – Sinh; Toán – Sinh – Tiếng Anh và Toán – Hóa – Tiếng Anh. Ngành Dược cũng được bổ sung tổ hợp Toán – Lý – Tiếng Anh. Trước đó vào năm 2021, ngành Dược chỉ tuyển sinh tổ hợp Toán – Lý – Hóa, các ngành còn lại bao gồm y khoa chỉ tuyển tổ hợp Toán – Hóa – Sinh.
Video đang HOT
“Đây là năm đầu tiên Trường ĐH Y Dược Thái Bình thực hiện đa dạng tổ hợp xét tuyển, mục đích là mở rộng cơ hội cho những thí sinh đạt thành tích học tập tốt và có nguyện vọng theo ngành Y. Trong 3 môn truyền thống, nhà trường vẫn giữ lại 2, không tạo nên sự xáo trộn, thay đổi quá lớn. Bên cạnh tổ hợp B00, nhiều cơ sở giáo dục cũng tuyển sinh tổ hợp A00 đối với ngành Y khoa. Lựa chọn các tổ hợp để xét tuyển, nhà trường đã cân nhắc, tham khảo ý kiến của các trường, không có sự khác biệt giữa nhóm sinh viên xét tuyển có điểm sinh học và nhóm sinh viên xét tuyển không có điểm sinh học” – đại diện Trường ĐH Y Dược Thái Bình chia sẻ.
Trao đổi trên truyền thông về những đổi mới này, PGS.TS Nguyễn Quốc Tiến – Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Y Dược Thái Bình – cho rằng: Nhà trường, Hội đồng khoa học, Phòng Đào tạo đã họp bàn, phân tích, đánh giá, tham khảo các đơn vị để xây dựng phương án, chỉ tiêu tuyển sinh của trường cho năm học 2022 – 2023. Khi chương trình đào tạo có nhiều đổi mới thì đổi mới tuyển sinh cũng là xu hướng tất yếu. Phương thức tuyển sinh với tổ hợp không có môn Sinh được một số trường như Học viện Quân y, Trường ĐH Y Dược Hải Phòng… áp dụng trong những năm gần đây.
Bên cạnh tổ hợp xét tuyển truyền thống (Toán, Lý, Vẽ; Toán, Văn, Vẽ), ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang ở một số trường đại học cũng mở rộng tổ hợp xét tuyển sang không có môn thi năng khiếu. Trong đó, tổ hợp xét tuyển ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang của Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) có tổ hợp: Toán, Lý, Hóa (A00); Toán, Khoa học tự nhiên, Văn (A16); Văn, Toán, Ngoại ngữ (D01). Tương tự, Trường ĐH Hoa Sen (TPHCM), các ngành Thiết kế đồ họa, Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất… được xét tuyển theo các tổ hợp: Toán, Vật lý, Tiếng Anh (A01); Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh (D01); Toán, Tiếng Anh, Lịch sử (D09); Ngữ văn, Tiếng Anh, Lịch sử (D14)… Hay Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cũng xét tuyển khối ngành này theo tổ hợp: Toán – Văn – Anh (D01), Toán – Lý – Anh (A01), Văn – KHXH – Anh (D78), Văn – KHTN – Anh (D72)…
Thí sinh thi năng khiếu vẽ tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM khi chưa có dịch.
Có nên mở rộng tổ hợp xét tuyển?
Nói về tính chất quan trọng của môn Vẽ trong thiết kế, ThS Lê Thùy Trang, Phó Trưởng bộ môn Thiết kế thời trang Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng: Công việc đầu tiên trong chuỗi sáng tạo của nhà thiết kế thời trang là phác thảo những ý tưởng về trang phục trên giấy. Những mẫu trang phục đó phải mang tính thẩm mỹ, bố cục, đường nét và màu sắc cần hài hòa. Vì vậy, yếu tố tiên quyết mà sinh viên ngành này cần phải có là năng khiếu về mỹ thuật.
“Đối với hầu hết ngành học về mỹ thuật, tôi nghĩ cần thiết phải đánh giá năng khiếu trong phần thi xét tuyển thông qua các bài thi vẽ (hình họa, trang trí màu nước…) tùy vào đặc thù ngành nghề…” – ThS Lê Thùy Trang chia sẻ.
Cũng theo ThS Lê Thùy Trang, trường hợp những học sinh đam mê thời trang nhưng vẽ không tốt nên tìm các trung tâm dạy vẽ để ôn luyện. Các giáo viên sẽ hướng dẫn nguyên tắc chung về mỹ thuật và nếu người học chịu khó luyện tập vẫn vượt qua kỳ thi tuyển để học ngành mà mình đam mê.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19, hình thức xét tuyển của các trường đại học, cao đẳng cũng thay đổi để đảm bảo an toàn, nếu không tổ chức thi năng khiếu tập trung có thể tổ chức online hoặc khảo sát năng lực qua phỏng vấn online… Còn việc không xét tuyển môn năng khiếu tôi nghĩ không nên. Như vậy quá trình đào tạo sinh viên sau này sẽ gặp khó khăn…” – ThS Lê Thùy Trang nêu quan điểm.
Ở khía cạnh công tác tuyển sinh, TS Trần Đình Lý – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM – cho rằng: Một số trường đưa ra tổ hợp xét tuyển một số ngành đặc thù như: Thiết kế thời trang, sức khỏe… nhưng lại không có môn Vẽ, Sinh…, mặc dù theo quy chế hiện tại thì được phép nhưng việc xét tuyển như vậy không ổn.
“Tự chủ đại học sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học phát huy được năng lực, thế mạnh của mình để tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong các khâu là rất tốt. Tuy nhiên, nếu thái quá và dựa vào tự chủ để vượt rào chạy theo số lượng tuyển sẽ là bi kịch cho chính các cơ sở giáo dục và rộng hơn sẽ ảnh hưởng rất lớn cho sản phẩm đầu ra…” – TS Trần Đình Lý chia sẻ.
Ở góc độ y khoa, TS.BS Trần Đức Sĩ (giảng viên Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TPHCM), nhìn nhận: “Một trong những đặc tính của ngành Y là học thuộc lòng khá nhiều mà môn Sinh cũng tương tự như vậy. Do đó, việc xuất hiện một số tổ hợp xét tuyển không có môn Sinh, tôi cho là chưa phù hợp. Bác sĩ hay dược sĩ rất cần nhớ tới tên thuốc. Theo tôi, nếu thiếu môn Toán có thể được nhưng không nên thiếu môn Sinh và Hóa trong tổ hợp xét tuyển ngành Y, Dược” – TS.BS Trần Đức Sĩ chia sẻ.
“Nâng cao chất lượng đầu vào là mục tiêu đầu tiên của các trường, không chỉ dừng lại việc tuyển đủ mà phải là tuyển đúng. Cần phải tuyển được người có năng lực thực sự. Đa dạng phương thức xét tuyển để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh là tốt nhưng cần phải có những nguyên tắc trong việc tuyển chọn. Tùy thực tế từng trường cần lựa chọn phương án tuyển sinh phù hợp, song mục tiêu cuối cùng của các phương án này không chỉ là tuyển đủ sinh viên, mà còn cần tuyển được những người giỏi thực sự và phù hợp với ngành nghề này…”. - TS Trần Đình Lý
Cân bằng quyền lợi và chất lượng
Đề án tuyển sinh năm 2022 của một số trường đại học xuất hiện nhiều tổ hợp lạ bên cạnh các tổ hợp truyền thống.
Ảnh minh họa/INT
Trường đại học đào tạo khối ngành sức khỏe tuyển sinh ngành Y không có môn Sinh học, khối kỹ thuật không có môn Toán, kiến trúc không có môn Vẽ... được xem là những tổ hợp lạ trong tuyển sinh.
Việc mở rộng tổ hợp môn xét tuyển, trong đó không có những môn được xem là môn nền tảng của ngành đào tạo được các cơ sở giáo dục đại học cho rằng những thay đổi này là vì quyền lợi của người học. Theo đó, bên cạnh tổ hợp truyền thống, thí sinh có thêm cơ hội lựa chọn khi trường đại học mở rộng tổ hợp xét tuyển. Ví dụ như khối ngành Y chỉ xét tuyển tổ hợp môn Toán - Hóa - Sinh thì sự lựa chọn của thí sinh rất hạn chế. Nhưng nếu có nhiều hơn một tổ hợp, những thí sinh có kết quả bài làm môn mình định xét tuyển ở tổ hợp truyền thống thấp nhưng điểm cao ở các môn khác có thể sử dụng để tham gia xét tuyển.
Vài năm gần đây, Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng có thêm tiêu chí phụ đối với ngành Kiến trúc. Theo đó, thí sinh phải có điểm thi môn Toán trên 5 điểm mới đủ điều kiện để tham gia xét tuyển. Lý giải về điều này, PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: "Toán là một môn cơ bản đối với khối ngành kiến trúc. Đây là ngành học không chỉ cần năng khiếu, mà còn cần đến tư duy hình khối. Vì vậy, có những thí sinh dù điểm thi môn năng khiếu cao nhưng vẫn không đủ điều kiện sơ tuyển do điểm môn Toán dưới 5. Dù trong quá trình học, kiến thức môn Toán không nhiều nhưng đây là môn học nền tảng để kiểm tra tư duy của thí sinh".
Môn Sinh học được xem là những môn căn bản, môn cơ sở ngành đối với các ngành đào tạo khối sức khỏe để tiếp thu những kiến thức và kỹ năng chuyên ngành. Chưa kể trong quá trình đào tạo ngành sức khỏe liên quan trực tiếp đến con người, kiến thức sinh học chiếm một khối lượng khá lớn.
Cũng tương tự như môn Toán với khối ngành kỹ thuật, nếu người học qua được sự sàng lọc đầu vào với những môn nền tảng này thì quá trình học tập, nghiên cứu ở môi trường đại học sẽ thuận lợi hơn nhiều. Bởi với ngành học mang tính đặc thù, nếu người học chỉ có đam mê thôi là chưa đủ. Sinh viên nếu không có kiến thức nền tảng về chuyên ngành tốt thì rất vất vả trong quá trình học tập, thậm chí dễ rơi vào tình trạng bị đình chỉ nếu có kết quả học tập thấp.
GS.TSKH Bùi Văn Ga - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - phân tích: "Trong giai đoạn trước mắt cũng như tương lai lâu dài, nguồn tuyển sinh có chất lượng luôn là thách thức mà các nhà trường ĐH nói chung phải đối mặt. Nếu trước đây, có trường, có chỉ tiêu tuyển sinh là có học sinh đến học thì nay mọi thứ đã khác".
Những năm gần đây, vào đại học được phụ huynh và thí sinh xem là một cách đầu tư cho tương lai. Thí sinh, khi lựa chọn trường để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển không chỉ đơn thuần chọn một trường cho có, mà còn cân nhắc về chất lượng đào tạo, cơ hội việc làm... Cán bộ quản lý của một trường đại học lớn nêu quan điểm, nếu bỏ qua những môn được xem là truyền thống trong tổ hợp xét tuyển cũng đồng nghĩa với việc cơ sở đào tạo xác định không có môn nào quan trọng hết.
Mở rộng tổ hợp xét tuyển nhưng bỏ qua những khung cứng trong đào tạo, ở một khía cạnh nào đó, các trường đại học đã đẩy khó khăn về phía người học. Một khi không đảm bảo được chất lượng đầu vào thì đầu ra sẽ phần nào bị ảnh hưởng nếu người học không có sự nỗ lực vượt trội để bù đắp kiến thức nền tảng. Quyền lợi của người học, vì vậy, phải được xem xét ở cả đầu vào và đảm bảo chất lượng ở đầu ra. Đây cũng là trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục trong quá trình thực hiện tự chủ đại học.
Công tội cần phải rõ ràng khi thực hiện tự chủ đại học Nếu sau khi sơ kết, cơ quan chức năng đề xuất được Quốc hội ban hành một luật riêng về hoạt động tự chủ thì sẽ là tốt nhất. LTS: Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập từ khi ban hành đến nay đã được...