Xét tuyển ĐH, CĐ 2012: Thí sinh mừng, trường lo!
Kỳ thi ĐH, CĐ năm 2012 vừa kết thúc, thí sinh hồi hộp chờ công bố điểm. Lãnh đạo nhiều trường đại học thì người mừng, người lo bởi hình thức xét tuyển mới năm nay.
Kéo dài thời gian xét tuyển: Các trường “tốp trên” không ảnh hưởng
Theo quy định của Bộ GD-ĐT kỳ thi tuyển sinh năm nay, thí sinh dự thi ÐH, CÐ theo đề thi chung của Bộ, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi (hoặc trường không tổ chức thi, chỉ xét tuyển), nhưng có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn đối với từng đối tượng và khu vực (không có môn nào bị điểm 0), được trường tổ chức thi cấp hai giấy chứng nhận kết quả thi ÐH, CÐ có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường.
Thí sinh sử dụng Giấy chứng nhận kết quả thi có chữ ký và đóng dấu đỏ của trường tổ chức thi hoặc bản sao có công chứng (theo quy định của từng trường) để tham gia đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu, cùng khối thi và trong vùng tuyển của trường.
Căn cứ điểm sàn và chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong xét tuyển, không hạn chế số đợt xét tuyển, không quy định điểm trúng tuyển đợt sau cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Ðiểm trúng tuyển được xác định trên nguyên tắc: Ðiểm trúng tuyển chưa nhân hệ số không thấp hơn điểm sàn bảo đảm chỉ tiêu đã xác định và thời hạn kết thúc xét tuyển là ngày 30/11.
Quy định mới của Bộ GD- ÐT sẽ tạo điều kiện cho các trường mở rộng công tác tuyển sinh, tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Tuy nhiên, với các trường đại học “tốp trên”, quy định mới này không ảnh hưởng tới việc xét tuyển bởi điểm chuẩn luôn cách xa điểm sàn từ 3 – 5 điểm, thậm chí 7 – 8 điểm.
Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông Lê Hữu Lập cho biết: “Quy định mới này có lợi nhiều hơn cho thí sinh, nhất là những thí sinh đạt điểm sàn hoặc cao hơn điểm sàn một chút. Mặt khác, nếu thí sinh được lợi, trường “tốp dưới” cũng được lợi trong khi trường “tốp trên” hầu như không ảnh hưởng. Bởi vì, đối với những trường “tốp trên” chỉ tuyển nguyện vọng đầu đã đủ chỉ tiêu thì không cần tuyển tiếp. Còn những trường “tốp dưới” những năm trước, do giới hạn thời gian và số lần tuyển, hết đợt sẽ không tuyển được nữa, trong khi thực tế số thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên vẫn còn. Cũng có thể có thí sinh điểm tương đối cao nhưng gửi đăng ký vào ngành, trường nào đó mà tuyển cao quá thì coi như mất cơ hội, nhưng nay có thể chuyển trường để có cơ hội trúng tuyển. Vì vậy, việc thay đổi quy chế năm nay để các trường xét tuyển nhiều lần, vừa tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh và tăng cơ hội cho những trường khó tuyển”.
Thí sinh dự thi đại học năm 2012. (Ảnh: Doãn Công)
Video đang HOT
“Tốp dưới” lo lắng!
Nhưng ngược lại với quan điểm trên, điều lo lắng nhất với các trường “tốp dưới” hiện nay bởi họ cho rằng quy định mới này sẽ dẫn đến tình trạng trúng tuyển ảo nhiều hơn những năm trước đây vì khó xác định thí sinh trúng tuyển có nhập học hay không. Thí sinh có thể nộp cả chục bộ hồ sơ xét tuyển vào các trường, nhưng chỉ theo học được một trường. Vì vậy, các trường phải tốn nhiều thời gian, công sức cho công tác xét tuyển.
Trao đổi với Dân trí, GS Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng trường ĐH Dân lập Hải Phòng bày tỏ: “Đến giờ phút này tôi vẫn lo bởi một trường ĐH tồn tại phải có sinh viên, năm nào tuyển được đủ chỉ tiêu thì mới phát triển được. Nếu không đủ chỉ tiêu sẽ mất ổn định, nhiều ngành sẽ không có thí sinh và phải đóng cửa”.
“Nếu bộ vẫn cương quyết để thời gian xét tuyển kéo dài như vậy thì các trường ngoài công lập sẽ lao đao gặp nhiều rắc rối bởi giấy chứng nhận kết quả xét tuyển dấu đỏ và photo có giá trị như nhau sẽ tạo ra thí sinh “ảo” lớn cho các trường. Ngay cả các trường nhận bản kết quả thi dấu đỏ của thí sinh cũng sẽ có “ảo” vì thí sinh được quyền lựa chọn. Như vậy đến khi nào chúng tôi mới khai giảng được vì khi nhận các em vào rồi nhưng đến khai giảng các em không đến và chọn trường khác học bởi bản chứng nhận kết quả thi dấu đỏ và photo đều không có sự ràng buộc nào với các trường”.
Đồng quan điểm, GS Đặng Ứng Vận, Hiệu trưởng trường ĐH Hòa Bình cho biết: “Hiện nay tôi cũng lo lắm, chưa biết tình hình xét tuyển thế nào. Nếu xét tuyển liên tục kéo dài như vậy, trường khó xây dựng được điểm chuẩn. Nếu gọi chậm thì thí sinh bỏ đi trường khác. Bộ ra nguyên tắc gọi đến hết chỉ tiêu nhưng Bộ chưa có hướng dẫn xây dựng điểm chuẩn về việc xét tuyển kéo dài này vì các trường ĐH ngoài công lập phải chờ các trường đại học tốp trên xét tuyển xong hết mới đến lượt mình”.
Về điểm sàn năm nay, GS Vận cho rằng: “Nếu Bộ lấy điểm sàn như các năm trước thì các trường dân lập chúng tôi không có học sinh vào trường. Nếu Bộ không thay đổi mức điểm sàn thì nên tính dư 20% thí sinh ở mức điểm sàn thì các trường tốp dưới mới hy vọng có thí sinh”. Được biết, trường ĐH Hòa Bình năm nay tuyển sinh theo hình thức xét tuyển, trường có gần 100 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1.
Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Thực tế NV1 các thí sinh đã trúng tuyển khoảng 70%, cho nên việc dịch chuyển từ nguyện vọng này sang nguyện vọng kia chỉ xảy ra khoảng 30% còn lại không có nhiều. Việc thực hiện những thay đổi trong kỳ thi, tuyển sinh năm nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học và các cơ sở đào tạo. Mặt khác, những thay đổi này cũng giúp nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc dân chủ, công khai cho tất cả mọi người. Ðây chính là tiền đề cho việc thực hiện lộ trình đổi mới thi, tuyển sinh của Bộ.
The dantri
Chạy đua kiếm "bằng tốt nghiệp" mầm non vì... tin đồn
Thông tin trẻ 6 tuổi phải có giấy chứng nhận phổ cập mầm non mới được vào lớp 1 đã khiến nhiều phụ huynh chạy vạy nhằm xoay xở "tấm bằng" cho con. Trong khi đó, Sở GD-ĐT TPHCM khẳng định, đây chỉ là tin đồn!
Chạy theo... tin đồn
Râm ran từ lâu nay, nhiều phụ huynh (PH) tại một số quận như Bình Tân, Gò Vấp... không cho con học mầm non hết sức lo lắng trước thông tin "không có giấy chứng nhận phổ cập mầm non (PCMN) sẽ không được nhận vào lớp 1".
Trong khi băn khoăn trên chưa được giải đáp, lo lắng này lại dường như thêm được "củng cố" khi một số trường ở một vài quận lại mở lớp học "cấp tốc" trong dịp hè cho trẻ chưa theo học trong năm nhằm hoàn thành phổ cập, mới đủ điều kiện vào lớp 1. Như tại khu vực P. Bình Hưng Hòa, Q. Bình Tân, nhiều PH nghe phổ biến, trẻ chưa đi học MN thì phải đến trường Phong Lan đăng ký học trong vòng hai tháng để được chứng nhận PCMN, mới đủ điều kiện vào lớp 1
Tất cả trẻ 6 tuổi có giấy chứng nhận PCMN hay không đều được nhận vào lớp 1.
Một số địa bàn khác cũng xuất hiện thông tin trẻ cần được cho đi học hè để phổ cập nhanh làm PH càng thêm hoang mang khi cho rằng thông tin trên là có cơ sở.
Thêm vào đó, trong kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của Sở GD-ĐT TPHCM cho năm học tới cũng ghi rõ "Huy động 100% trẻ sáu tuổi trong diện đi học (sinh năm 2006) đang cư trú trên địa bàn quận, huyện vào học lớp 1 theo tuyến do ban tuyển sinh quận, huyện quy định. Trong đó, ưu tiên cho trẻ đã hoàn thành chương trình mầm non 5 tuổi".
Nhiều PH lập tức cho con theo học MN "cấp tốc" với hy vọng con nhận được giấy chứng nhận PCMN hoặc tìm cách mua "bằng" để con đủ điều kiện vào lớp 1. Chưa kể, nhiều PH có con theo học trường tư thục cũng hoang mang khi nghe tin, trẻ học trường tư sẽ không được cấp giấy chứng nhận PCMN.
Chị Châu, một PH ở Gò Vấp có con chuẩn bị lên lớp lá đang rất sốt sắng vì điều này. "Con tôi theo học trường tư gần nhà từ nhỏ, đã quen với môi trường. Mới đây tôi nghe chị bạn nói, học trường tư không được cấp giấy chứng nhận PCMN 5 tuổi để lên lớp 1, tôi rất lo. Nếu vậy tôi phải buộc "chạy" cho con vào học trường công thì quá phức tạp", chị nói.
Tất cả trẻ 6 tuổi đều được vào lớp 1
Về việc trên địa bàn có trường mở lớp mầm non "cấp tốc" trong dịp hè như nhiều PH phản ánh, phía phòng GD-ĐT Q. Bình Tân cho biết có việc trường MN trong quận tổ chức lớp học hè 2 tháng dành cho trẻ chuẩn bị lên lớp 1. Tuy nhiên, lớp học này nhằm trang bị các kỹ năng, phẩm chất cơ bản để các em bước vào lớp 1, giúp các em không bị thiệt thòi so với bạn bè chứ không phải để cấp giấy chứng nhận phổ cập. Trẻ theo học lớp học này sẽ không được cấp giấy chứng nhận PCMN.
"Có thể do quá trình đi vận động PH trẻ 5 tuổi đến trường MN, cán bộ các phường vì nôn nóng phổ cập nên có những câu nói động viên, nhắc nhở sai làm người dân hiểu lầm. Còn tất cả trẻ 6 tuổi đều được đi học", người này cho hay.
Theo Sở GD-ĐT, giấy chứng nhận PCMN chỉ là minh chứng hoàn thành phổ cập, mang tính động viên ngành học MN chứ không phải là sự phân biệt hay mang tính giá trị như bằng tốt nghiệp. Tất cả các trẻ sinh năm 2006, theo học lớp lá ở các trường MN hay tại các nhóm trẻ MN tư nhân đều sẽ nhận được giấy chứng nhận hoàn thành PCMN 5 tuổi.
Thông tin trẻ phải có giấy chứng nhận này mới được vào lớp 1 hoàn toàn là tin đồn giữa các PH. Hoặc có thể do áp lực, nôn nóng PCMN trong quá trình vận động, phía phường truyền đạt thông tin không chính xác.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT TPHCM) cho biết nếu trường học nào tổ chức các lớp học MN cấp tốc để cấp giấy chứng nhận là sai quy định và chủ trương của sở. Sở sẽ đi kiểm tra, giải quyết ngay với những nơi làm sai. Tuy nhiên, ngành cũng rất mong PH tạo điều kiện cho con em tham gia chương trình PCMN 5 tuổi để đảm bảo quyền lợi cho các em được chuẩn bị tâm thế tốt nhất trước khi vào lớp 1.
Ông Lê Ngọc Điệp, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TPHCM) khẳng định tất cả trẻ 6 tuổi đều được nhận vào lớp 1, không một trường tiểu học nào được phép yêu cầu trẻ phải có giấy chứng nhận PNMN mới được xét vào học.
"Bất cứ trường hợp nào 6 tuổi vì không có giấy chứng nhận PCMN mà không được nhận vào học theo tuyến cứ báo tôi. Tôi đảm bảo sẽ chỉ đạo phòng giáo dục tại địa bàn đó giải quyết ngay", ông Điệp nhấn mạnh.
Về cụm từ "ưu tiên cho trẻ đã hoàn thành chương trình mầm non năm tuổi" trong kế hoạch tuyển sinh lớp 1, ông Lê Ngọc Điệp giải thích đây không phải phân biệt mà để nhắc nhở, động viên PH tạo điều kiện cho con theo học MN vì quyền lợi của chính đứa trẻ, để các bé được trang bị kỹ năng, phẩm chất, nhận thức cơ bản để sẵn sàng tốt nhất cho việc học ở lớp 1.
Hoài Nam
Theo dân trí
Những lưu ý khi thi năng khiếu Đề thi môn năng khiếu sẽ do các trường tự ra đề và tổ chức thi theo đặc thù. Việc thi tuyển các môn năng khiếu cũng được điều chỉnh phù hợp hơn với điều kiện thực tế. Chưa bổ sung khối H1 Cuối năm 2011, Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM đã đề xuất tới Bộ GD-ĐT phương án điều chỉnh khối thi...