Xét tuyển ĐH 2018: Điểm thi thấp, thí sinh dự kiến thay đổi nguyện vọng ồ ạt
Tại Ngày hội Tư vấn Xét tuyển ĐH, CĐ năm 2018 được tổ chức tại TPHCM ngày 14/7, đa số thí sinh đến dự đều muốn thay đổi nguyện vọng đăng ký vào đại học do điểm thi của mình thấp hơn kỳ vọng.
Nhiều phụ huynh và thí sinh vlo lắng sau khi kết quả thi không như kỳ vọng ban đầu
Thí sinh Nguyễn Công Khanh, ở quận 9 (TPHCM) chia sẻ rằng bản thân yêu thích ngành cơ khí nên ban đầu nhắm vào hai trường ĐH Bách khoa TPHCM và ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Tuy nhiên giờ đây sau khi biết kết quả thi của mình, Khanh có phần thất vọng và dự tính thay đổi nguyện vọng.
“Năm ngoái trường ĐH Bách khoa TPHCM lấy điểm chuẩn ngành này là 25,75 điểm còn trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM là 24,75 điểm trong khi năm nay em chỉ đạt 21,5 điểm của 3 môn. Em muốn điều chỉnh nguyện vọng xuống những trường thấp hơn để có nhiều cơ hội trúng tuyển. Tránh xáo trộn thì chắc có lẽ em sẽ đăng ký thêm nguyện vọng các trường như ĐH Giao thông Vận tải hoặc ĐH Nông lâm TPHCM”, thí sinh Khanh nói.
Đông thí sinh đến gian hàng các trường đại học tìm hiểu cách đổi nguyện vọng
Trong khí đó, thí sinh Nguyễn Thị Hồng Nhi, ở Cần Đức (Long An) thì cho biết những ngày này cảm thấy rất lo lắng bởi kết quả thi của mình không như mong đợi. Theo Hồng Nhi, trước đó đã đăng ký vào ngành Marketing của trường ĐH Kinh tế TPHCM. “Tuy nhiên thi xong thì điểm đạt được chỉ 18,4 điểm nên em nghĩ sẽ không có cửa vào trường ĐH Kinh tế. Em đang nhắm vào trường ĐH Tài chính – Marketing vì năm ngoái điểm trường này thấp hơn nhưng cũng lo không chắc có thể trúng tuyển không”, nữ thí sinh chia sẻ.
Các chuyên gia tuyển sinh dành nhiều lời khuyên cho thí sinh trước khi thay đổi nguyện vọng
Nhiều chuyên gia tuyển sinh khuyên thí sinh nên cân nhắc kỹ trước khi thay đổi nguyện vọng. Tại ngày hội tư vấn, ThS Nguyễn Đức Trung, cán bộ Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT lưu ý thí sinh thường xuyên vào tài khoản của mình để kiểm tra thông tin. Khi thay đổi xong nhớ in ra để lưu lại. Theo ông Trung, thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng nhưng cần cân nhắc kỹ. Năm ngoái có thí sinh thay đổi đến 48 nguyện vọng, tuy nhiên thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng do đó 47 nguyện vọng còn lại rất lãng phí.
“Nguyên tắc đăng ký nguyện vọng là nguyện vọng 1 là cái yêu thích nhất, yêu thích thứ 2 thì để nguyện vọng 2… Tất cả các nguyện vọng đều được các trường xét tuyển bình đẳng như nhau”, ông Trung nói.
Video đang HOT
Các chuyên gia từ Bộ GD-ĐT và các trường ĐH giảii đáp những thắc mắc và đưa ra lời khuyên cho thí sinh
Trước những lo lắng của thí sinh vì điểm mình thấp nên phải thay đổi nguyện vọng, TS Lê Chí Thông – Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TPHCM lưu ý thí sinh rằng, dù thời điểm này không ai có thể nói được điểm chuẩn của các trường chính xác là bao nhiêu. Tuy nhiên, với tình hình điểm thi năm nay của thí sinh thấp hơn năm trước nên dự báo điểm chuẩn các trường có mức điểm chuẩn trên 23 trong năm 2017 có thể giảm từ 2-3 điểm.
Còn ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM khuyên rằng: “Thí sinh chỉ nên thay đổi các nguyện vọng trong trường hợp điểm số của mình không như mình đã dự định từ đầu. Và việc đổi nguyện vọng cũng phải đổi cho phù hợp, các ngành mình đã chọn các em không nên thay đổi, các em chỉ nên chọn trường phù hợp với điểm số của mình và điều kiện học tập của mình. Các em nên sắp xếp thứ tự các nguyện vọng của mình theo cách các ngành – trường phù hợp nhất ở thứ tự cao nhất và giảm dần theo sở thích và năng lực của mình”.
Lê Phương
Theo Dân trí
Không nên thay đổi nhiều nguyện vọng xét tuyển
Đó là lời khuyên của các chuyên gia tuyển sinh dành cho thí sinh tại Ngày hội tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2018 tại TP.HCM.
Thí sinh bày tỏ băn khoăn tại ngày hội tư vấn xét tuyển - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Có mặt tại Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM để dự ngày hội, nhiều thí sinh và phụ huynh thắc mắc việc thay đổi nguyện vọng (NV) và cơ hội trúng tuyển, nguyên tắc xét tuyển đại học.
Thay đổi đến 48 nguyện vọng nhưng chỉ đậu 1
Một phụ huynh lo lắng: 'Con tôi thi được 22,5 điểm đăng ký NV1 ngành công nghệ thông tin ĐH Bách khoa, NV2 ĐH Sư phạm kỹ thuật. Nếu không trúng tuyển Bách khoa, Sư phạm kỹ thuật có điểm chuẩn 22,5 thì con tôi có trúng tuyển không hay trường ưu tiên những thí sinh đăng ký NV1 có điểm thi thấp hơn con tôi?'.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, nhấn mạnh: các nguyện vọng được các trường xét tuyển bình đẳng. Nếu không trúng tuyển NV1, thí sinh sẽ được trường NV2 xét tuyển bình đẳng với các thí sinh khác đăng ký vào ngành đó căn cứ vào điểm thi, không phân biệt thứ tự NV. Chỉ có 1 điểm chuẩn cho tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển vào ngành đó.
Một phụ huynh băn khoăn: 'Thí sinh có được thay đổi toàn bộ NV? Số NV điều chỉnh có được lớn hơn không hay chỉ bằng hoặc nhỏ hơn, được điều chỉnh bao nhiêu lần? Kỹ thuật trục trặc khi thay đổi trực tuyến thì làm thế nào?'.
ThS Nguyễn Đức Trung - Cán bộ Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT), giải thích: Khi đã thay đổi trực tuyến, mỗi thí sinh đều có 1 tài khoản, thí sinh có thể sử dụng tài khoản này để kiểm tra kết quả điều chỉnh NV. Tất cả thông tin thay đổi đều được lưu lại trong tài khoản của thí sinh. Nếu chưa thay đổi thành công thì làm lại.
Ông lưu ý thí sinh thường xuyên vào tài khoản của mình để kiểm tra thông tin. Khi thay đổi xong nhớ in ra để lưu lại.
Đại diện tuyển sinh của các trường tư vấn thông tin xét tuyển cho thí sinh tại ngày hội - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
'Thí sinh có thể thay đổi NV nhưng cần cân nhắc kỹ. Năm ngoái có thí sinh thay đổi đến 48 NV, tuy nhiên thí sinh chỉ trúng tuyển một NV, 47 nguyện vọng còn lại rất lãng phí.
Nguyên tắc đăng ký NV như sau: NV1 là NV yêu thích nhất, yêu thích thứ 2 để NV2... Tất cả các NV đều được các trường xét tuyển bình đẳng như nhau', ông nhắc.
TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM, tư vấn: 'Với cách xét tuyển năm nay, em không cần quá quan tâm điểm của mình và điểm chuẩn mà chỉ cần quan tâm đến ngành mình yêu thích, NV1 ngành yêu thích vượt quá sức một chút, ngành NV2 vừa sức và NV3 ngành có điểm chuẩn năm trước không cao'.
Cơ hội trúng tuyển thế nào?
Rất nhiều thí sinh lo lắng khả năng trúng tuyển của mình, nhất là những ngành "hot". Thí sinh Lê Minh Quân cho biết mình thi được 22 điểm, đăng ký ngành điện điện tử chương trình tiên tiến Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), cơ hội trúng tuyển cao không, có cần điều chỉnh nguyện vọng không?
TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) tư vấn: Thời điểm này không ai có thể nói được điểm chuẩn của các trường chính xác là bao nhiêu. Tuy nhiên, với tình hình điểm thi năm nay của thí sinh thấp hơn năm trước nên dự báo điểm chuẩn các trường có mức điểm chuẩn trên 23 trong năm 2017 có thể giảm từ 2-3 điểm.
Tương tự, trả lời câu hỏi cơ hội trúng tuyển ngành công nghệ thông tin, ThS Phùng Quán - Trưởng phòng thông tin truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho biết các ngành có điểm chuẩn 25-26 trong năm 2017 có thể giảm còn 20-24 điểm trong năm nay do mặt bằng điểm thi của thí sinh năm nay thấp hơn khá nhiều.
Một thí sinh khác băn khoăn về cơ hội việc làm ngành công nghệ sinh học, sợ khó tìm việc do các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu hạn chế, ít doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
TS Lê Thị Thanh Mai tư vấn: 'Ngành công nghệ sinh học có nhiều ứng dụng trong nông nghiệp, thực phẩm, môi trường, y... Có nhiều trường đào tạo ngành này nhưng mỗi trường một thế mạnh, nghiêng về ứng dụng nông nghiệp thì ĐH Nông lâm, y học cuộc sống thì ĐH Khoa học tự nhiên, dây chuyền sản xuất thì ĐH Bách khoa. Thí sinh nên tùy theo nhu cầu của mình mà đăng ký.
Công nghệ sinh học đang được đầu tư mạnh với các phòng thí nghiệm trọng điểm ở các trường ĐH nên thí sinh có thể yên tâm. Sinh viên tốt nghiệp ngành này cũng có thể theo học tiếp nhóm ngành dược'.
Tuy nhiên bà cũng lưu ý: 'Ngành này hay thì hay nhưng thực sự khó nên muốn theo ngành này các em phải thực sự yêu thích'.
PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM chia sẻ thêm: trang thiết bị thí nghiệm của ngành này rất đắt đỏ và đòi hỏi người học phải có lòng đam mê, chịu khó vì thời gian làm việc phần lớn ở phòng thí nghiệm.
Đúng là ngành này khó tìm việc làm, hầu hết các thiết bị tập trung ở các thành phố lớn, ở các tỉnh có lẽ hơi khó. Do vậy, các em phải thực sự yêu ngành và học giỏi thì cơ hội việc làm mới thuận lợi.
Có ngành số lượng thí sinh đăng ký gấp 1.800 lần chỉ tiêu
Chia sẻ thêm về những lo lắng của thí sinh và phụ huynh về cơ hội trúng tuyển, TS Lê Chí Thông "bật mí" những ngành "hot" của trường như ô tô, công nghệ thông tin ở Trường ĐH Bách khoa có số lượng thí sinh đăng ký gấp 1.800 so với chỉ tiêu.
PGS-TS Đỗ Văn Dũng cũng chia sẻ: ngành ô tô ở Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM có số lượng thí sinh đăng ký bằng chỉ tiêu một trường nho nhỏ.
"Tuy nhiên, chúng ta không cần quan tâm quá vấn đề này, chúng ta vẫn cứ để ngành mình thích nhất ở nguyện vọng cao nhất. Nếu không trúng tuyển chúng ta vẫn còn cơ hội ở các nguyện vọng thấp hơn vì các nguyện vọng được xét tuyển bình đẳng căn cứ vào điểm thi", TS Lê Chí Thông nói thêm.
Theo tuoitre.vn
Điểm thi thấp, chất lượng tuyển sinh 2018 ra sao? Nhiều người lo điểm thi năm nay thấp, kéo theo điểm chuẩn dự kiến cũng sẽ giảm, ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh. Thí sinh thoải mái ra về sau kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018. Theo thống kê, trung bình của tổng điểm các tổ hợp xét tuyển truyền thống không thấp hơn so với năm 2017 - Ảnh:...