Xét tuyển Đại học 2022: Thêm phương thức, tăng cơ hội
Thời điểm này, nhiều cơ sở giáo dục Đại học trên cả nước đã công bố phương án tuyển sinh năm 2022.
Theo đó, sẽ có thêm phương thức tuyển sinh để tăng cơ hội, tạo thuận lợi cho học sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp là giải pháp, cũng là mục tiêu của các đơn vị.
Sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT giảm
Nếu như những năm gần đây, các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thì năm 2022, nhiều đơn vị bổ sung phương thức mới. Vì vậy, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ giảm.
Ảnh minh họa
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông – Vận tải cho biết, năm 2022, nhà trường duy trì 4 phương thức tuyển sinh, gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét học bạ; xét tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế; xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Ngoài ra, nhà trường bổ sung phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức. So với năm 2021, tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông giảm khoảng 30%.
Để tạo thuận lợi nhất cho học sinh, mới đây, 7 trường đại học ở Hà Nội, gồm: Bách khoa Hà Nội, Công nghệ Giao thông – Vận tải, Giao thông – Vận tải, Mỏ – Địa chất, Thăng Long, Thủy lợi, Xây dựng Hà Nội đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác tham gia tổ chức và sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, phương châm tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy là gọn nhẹ, chỉ thi trong 1 ngày. Ngoài địa điểm thi tại Hà Nội, kỳ thi dự kiến được tổ chức tại một số địa phương, như: Hải Phòng, Phú Thọ, Nghệ An… Có khoảng 60-70% chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển từ kết quả kỳ thi đánh giá tư duy, nên chỉ tiêu xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ giảm còn 10-20%…
Đa dạng phương thức tuyển sinh
Cũng trong năm 2022, các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sẽ được thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh theo quy định của pháp luật và quy chế, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, tuyển sinh theo đề án của trường, bảo đảm công bằng cho các nhóm đối tượng và các phương thức xét tuyển.
Video đang HOT
Học sinh cần nắm rõ những điểm mới trong phương thức tuyển sinh đại học năm 2022 để chủ động chuẩn bị, có định hướng ôn tập hiệu quả. Ảnh: Hải Anh
Với tinh thần tăng cường tự chủ đại học và yêu cầu đổi mới giáo dục đại học, việc đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh đang diễn ra ở nhiều trường đại học lớn trên cả nước.
Theo đó, năm 2022, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) sẽ bổ sung thêm phương thức tuyển sinh mới là xét kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn.
Các phương thức tuyển sinh được nhà trường tiếp tục sử dụng là tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022; xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM năm 2022; xét chứng chỉ tuyển sinh quốc tế hoặc thí sinh người nước ngoài, xét học lực kết hợp phỏng vấn.
Trong đề án tuyển sinh năm 2022, đối tượng ưu tiên xét tuyển thẳng theo quy định của ĐH Công nghệ Thông tin TP.HCM được thay đổi gồm các thí sinh đạt giải đặc biệt, giải 1, 2, 3 kỳ thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam/Olympic phần mềm mã nguồn mở (Procon) năm 2020, 2021; thí sinh đạt giải đặc biệt, giải 1, 2, 3 kỳ thi “Lập trình Châu Á – ICPC Asia” (cấp quốc gia) năm 2020, 2021; thí sinh đạt giải 1, 2, 3 từ kỳ thi tháng trở lên của “Đường lên đỉnh Olympia” năm 2020, 2021; và thí sinh đạt huy chương vàng/bạc/đồng ở các giải thể thao quốc tế chính thức với điểm trung bình kết quả học tập THPT các môn trong tổ hợp xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 7 điểm.
Năm 2022, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng bổ sung thêm phương thức tuyển sinh ưu tiên xét tuyển thí sinh là thành viên thuộc đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia, thí sinh đoạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố; xét tuyển thí sinh đạt thành tích cao trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao… Bên cạnh đó, nhà trường còn xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức.
Các phương thức tuyển sinh còn lại của trường là ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021; xét tuyển dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài.
Tăng cơ hội, giảm áp lực
Với sự điều chỉnh phương thức tuyển sinh năm 2022 của nhiều cơ sở giáo dục đại học, học sinh lớp 12 có thêm cơ hội trúng tuyển, song cũng cần nắm chắc những quy định liên quan để chủ động chuẩn bị, nhất là trong điều kiện dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.
Tư vấn tuyển sinh – hướng nghiệp cho học sinh tại Đại học Bách khoa Hà Nội, tháng 4-2021. Ảnh: Hải Anh
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo (Đại học Quốc gia Hà Nội) thông tin, từ tháng 2 đến tháng 8-2022, Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức khoảng 7-8 đợt thi đánh giá năng lực tại nhiều địa phương: Hà Nội, Thái Nguyên, Nam Định… Học sinh có thể thử sức ở nhiều đợt cho đến khi đạt. Các em có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để đăng ký xét tuyển vào nhiều cơ sở giáo dục đại học. Thời gian đăng ký tham dự kỳ thi từ tháng 1-2022, tại địa chỉ: khaothi.vnu.edu.vn. Hiện có gần 50 trường, học viện, khoa sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để xét tuyển.
Đề cập đến vấn đề thi và tuyển sinh năm 2022, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục thực hiện quyền tự chủ. Bộ khuyến cáo các trường, ngành học có mức độ cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông làm công cụ sàng lọc, sơ tuyển, sau đó, cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung. Còn các đại học quốc gia, đại học vùng và các trường, nhóm trường đại học có đủ điều kiện có thể tổ chức các kỳ thi đánh giá để làm căn cứ xét tuyển và chia sẻ, hỗ trợ trường khác có nhu cầu.
“Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 sẽ cơ bản giữ ổn định như năm 2021. Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục trung học phổ thông hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; không bao gồm các nội dung được tinh giản nhằm phục vụ dạy và học ứng phó dịch COVID-19. Nhằm giúp giáo viên, học sinh có định hướng dạy, học, ôn tập hiệu quả, Bộ đang tổ chức xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi và sẽ công bố đề thi tham khảo của kỳ thi này”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn thông tin.
Tuyển sinh đại học 2022: Tỉnh táo chọn phương án phù hợp
Giữa đa dạng phương thức xét tuyển vào đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) mà các trường đang áp dụng, thí sinh cần chủ động lựa chọn phương án phù hợp và có sự chuẩn bị ngay từ bây giờ, thay vì chỉ trông chờ vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Ảnh minh họa.
Lợi thế chứng chỉ, học bạ
Theo PGS. TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, trước đây các trường đều dựa vào kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh viên là chủ yếu thì hiện nay, hầu hết các trường đều mở rộng phương án tuyển sinh. Bao gồm: Xét học bạ, xét thành tích học sinh trường chuyên, xét theo thành tích học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi địa phương hay học sinh đạt giải trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật... Bên cạnh đó, xu hướng sử dụng kết quả điểm thi các chứng chỉ SAT, IELTS,... trong những năm gần đây khá rõ khi đầu vào của sinh viên dù xét tuyển theo khối thi, ngành học nào cũng vẫn đảm bảo khả năng ngoại ngữ.
Tận dụng cơ hội này, mùa tuyển sinh 2021 ghi nhận có những tập thể lớp 12 có tới hơn nửa lớp trúng tuyển các trường ĐH danh tiếng trước khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Đơn cử như 29/50 cựu học sinh lớp 12D4, Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) đã trúng tuyển ĐH nhờ xét học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, trong đó 15/29 em trúng tuyển Học viện Ngoại giao, 4 em trúng tuyển ĐH Sư phạm Hà Nội. Các em khác trúng tuyển ĐH Ngoại thương, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, ĐH Luật Hà Nội, Học viện Tài chính... Nhiều em còn trúng tuyển 2-4 trường.
Tương tự, 34/51 cựu học sinh lớp 12A1, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm được tuyển thẳng vào ĐH nhờ chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS, TOEFL iBT và chứng chỉ SAT.
Rõ ràng, việc trang bị cho mình các chứng chỉ, thành tích qua các cuộc thi không chỉ đem lại cơ hội cọ xát, nhìn lại quá trình học tập đã đạt được đến đâu theo chuẩn đã có và được công nhận trên thế giới, ở Việt Nam mà còn đem đến cho các thí sinh cơ hội vào ĐH mong muốn một cách ít áp lực hơn hẳn việc chờ đợi kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Vào ĐH bằng học bạ cũng là một trong những phương án được nhiều thí sinh lựa chọn vì đảm bảo tính an toàn và quan trọng, đó là quá trình phấn đấu trong nhiều năm. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT ở nhiều trường có xu hướng giảm dần khi các trường đẩy mạnh tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh và giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Với tình hình dịch bệnh như hiện nay, việc học trực tuyến ở nhiều địa phương đặt ra yêu cầu giảm tải nội dung, kiến thức ở các cấp học, trong đó có lớp 12. Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng vì thế vẫn là một hướng đi để thí sinh cân nhắc sử dụng xét tuyển vào ĐH nhưng không nên là hướng duy nhất mà nên chuẩn bị cho mình các phương án khác, tránh bị động.
Lời khuyên của các chuyên gia giáo dục đó là hiện nay nhiều trường tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, như ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để chọn các ứng viên phù hợp nhất. Thí sinh có thể đăng ký tham gia các kỳ thi này để có thêm cơ hội vào các trường. Thi một lần, đỗ nhiều trường sẽ rất thuận lợi cho thí sinh.
Thí sinh giảm áp lực, trường chọn đúng người cần
Trao đổi về vấn đề này, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho rằng, Bộ đã khuyến khích các trường ĐH, ngành học có mức cạnh tranh cao chỉ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT làm công cụ sàng lọc sơ tuyển, sau đó cần có thêm các hình thức chọn lọc bổ sung nhằm phân loại tốt hơn đối tượng tuyển chọn. Điều này hoàn toàn phù hợp với sự đa dạng của các phương thức xét tuyển của các trường ĐH, CĐ hiện nay.
Trường chủ động chọn được thí sinh phù hợp trong khi thí sinh cũng định hướng rõ mục tiêu mình cần gì, muốn gì và có gì để đáp ứng ngành học đó khi ứng tuyển thay vì nộp đại hồ sơ vào trường nào đó mà thiếu sự chuẩn bị về kiến thức, hiểu biết.
Từ hiện tượng một số năm gần đây, có những thí sinh 29,5 điểm vẫn trượt nguyện vọng vào trường tốp đầu, ông Khuyến cho rằng, thí sinh cần tỉnh táo lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp giữa một "rừng" phương thức xét tuyển của các trường hiện nay.
Đồng thời, đề xuất để tập trung, tránh tốn kém thì các trường ĐH cùng khối ngành hoặc chung khối thi nên sử dụng chung kết quả của nhau, đơn cử như kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của các trường ĐH và ĐH đã nêu trên là hoàn toàn đáng tin cậy.
Điều này cũng làm giảm bớt áp lực cho các thí sinh ở nông thôn hoặc vùng sâu chưa có điều kiện tiếp cận nhiều với các kỳ thi lấy chứng chỉ quốc tế hoặc không có điều kiện tham gia nhiều cuộc thi với chi phí tốn kém, đi lại vất vả, khó khăn.
Thay đổi cách tuyển sinh ĐH cũng là một cách các trường lựa chọn nhân tài. Thí sinh cũng không học ngày học đêm, hết lò luyện này tới lớp học thêm kia để đạt 30 điểm thi tốt nghiệp mà thay vào đó là tự mình chuẩn bị hành trang vào đời bằng những năng lực, kỹ năng tổng hợp cần thiết mà đôi khi, sách vở không thôi là chưa đủ.
Thí sinh được đặc cách tốt nghiệp sốt sắng tìm suất vào đại học Mất cơ hội từ xét điểm thi tốt nghiệp THPT, nhiều thí sinh đang mong các trường đại học mở thêm đợt xét học bạ, thi đánh giá năng lực. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm nay có khoảng 10.000 thí sinh (TS) được đặc cách tốt nghiệp vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đây là giải pháp phù hợp nhưng đồng...