Xét nghiệm HIV tại nhà có chính xác không?
Xét nghiệm HIV tại nhà là một trong những phương pháp xét nghiệm sàng lọc tại cộng đồng đơn giản nhất để phát hiện nhiễm HIV.
Tuy nhiên, không ít người thắc mắc về độ chính xác của hình thức xét nghiệm này.
Xét nghiệm HIV tại nhà có ưu, nhược điểm gì?
Xét nghiệm HIV tại nhà có thể là tự xét nghiệm hoặc yêu cầu dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà. Theo Quyết định 2674/QĐ-BYT ngày 27 tháng 4 năm 2018, tự xét nghiệm HIV là quá trình người được xét nghiệm tự thực hiện tất cả các bước của việc xét nghiệm HIV bao gồm: Tự lấy mẫu, tự làm xét nghiệm và tự đọc kết quả.
Như vậy, xét nghiệm HIV tại nhà mang lại nhiều thuận tiện cho người cần xét nghiệm, đặc biệt với những người không có phương tiện đi lại hoặc ở xa cơ sở xét nghiệm. Bên cạnh đó, xét nghiệm HIV tại nhà trả kết quả sau 20 phút giúp người thực hiện sàng lọc cơ thể có bị phơi nhiễm HIV hay không. Điều này rất quan trọng trong việc điều trị thành công HIV và ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh cho người khác.
Tuy nhiên, xét nghiệm HIV tại nhà chỉ là phương thức sàng lọc, không được sử dụng để chẩn đoán nhiễm HIV. Theo TS. Hoàng Thị Thanh Hà – Trưởng Phòng tham chiếu Quốc gia về Huyết thanh học HIV – Khoa HIV/AIDS, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, những trường hợp tự xét nghiệm tại nhà dương tính với HIV, nên tới các trung tâm, cơ sở y tế để được xét nghiệm khẳng định HIV theo quy định tại cơ sở y tế và có các bước điều trị thích hợp.
Xét nghiệm HIV tại nhà là bước sàng lọc quan trọng đối với những trường hợp có nguy cơ cao.
Xét nghiệm HIV tại nhà như thế nào?
Xét nghiệm HIV tại nhà có độ chính xác cao nếu người xét nghiệm thực hiện đúng quy trình. Theo Quyết định 2674/QĐ-BYT ngày 27 tháng 4 năm 2018, quy trình đúng trong việc thu thập mẫu bệnh phẩm về lấy dịch miệng và lấy máu đầu ngón tay như sau:
Lấy dịch miệng
Không ăn hoặc uống trước 15 phút, không sử dụng sản phẩm chăm sóc răng miệng trước 30 phút.
Video đang HOT
Kiểm tra ngày hết hạn, tính nguyên vẹn của thanh xét nghiệm và các dung dịch đi kèm.
Lấy thanh xét nghiệm ra khỏi túi bảo vệ. Khi lấy thanh ra khỏi túi tránh chạm tay vào phần bông thu thập mẫu.
Kiểm tra túi giữ ẩm đi kèm trong túi đựng thanh xét nghiệm, nếu túi đựng thanh xét nghiệm không có túi giữ ẩm, loại bỏ thanh xét nghiệm và sử dụng thanh mới.
Đặt phần bông vào vùng thấp của má và phần nướu răng (lợi) quét nhẹ nhàng 1 vòng quanh nướu răng cả hàm trên và hàm dưới. Tránh quét xuống phía dưới vòm họng, bên trong má hoặc lưỡi. Cả hai mặt của phần bông thu thập mẫu đều có thể sử dụng để lấy mẫu.
Lấy dịch miệng là một trong những biện pháp xét nghiệm HIV tại nhà.
Lấy máu đầu ngón tay
Chuẩn bị dụng cụ: Kim/lưỡi chích dùng một lần có lẫy (lancet) chuyên dụng, ống mao quản có thể tích phù hợp, găng tay, bông thấm nước vô trùng, cồn 70 độ hoặc cồn I ốt, băng cá nhân, thùng đựng chất thải theo quy định.
Lấy máu đầu ngón tay xét nghiệm HIV tại nhà.
Chuẩn bị lấy máu: Người thực hiện xét nghiệm cần điền đầy đủ thông tin cá nhân, ngày lấy mẫu trên phiếu xét nghiệm và trên thanh xét nghiệm (trong trường hợp cần thiết), rửa tay và đeo găng tay.
Tiến hành lấy máu:
Người được làm xét nghiệm làm ấm bàn tay bằng cách xoa hai tay với nhau hoặc rửa tay bằng nước ấm;
Xác định vị trí chích máu: Vị trí chích máu tốt nhất là mặt bên (trái hoặc phải của ngón tay thứ 3 – ngón giữa hoặc thứ 4 -ngón áp út);
Người được làm xét nghiệm duỗi bàn tay xuống phía dưới;
Sát khuẩn vị trí lấy máu bằng cồn 70 độ và để khô trong vòng 30 giây;
Để kim/lưỡi chích một cách vuông góc với mặt da đầu ngón tay ấn lẫy nhanh, mạnh dứt khoát. Đảm bảo giữ kim chích đúng góc và không làm nghiêng;
Lau bỏ giọt máu đầu tiên (vì giọt máu đầu tiên thường chứa dịch tổ chức có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm, tế bào kẽ không đủ lượng máu cho xét nghiệm);
Đợi cho đến khi máu chảy thành giọt lớn, dùng ống mao quản hút đủ thể tích yêu cầu (không bóp nặn vùng chích máu để tiết ra dịch tổ chức mô xung quanh sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mẫu);
Bỏ kim/lưỡi chích vào hộp đựng các vật sắc nhọn và ống mao quản dùng đã hút mẫu máu vào hộp đựng rác thải y tế;
Sát trùng lại vị trí đã lấy máu bằng cồn 70 độ và băng lại;
Mẫu sau khi lấy cần tiến hành xét nghiệm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Sau khi thực hiện đúng các quy trình lấy mẫu trên, người thực hiện xét nghiệm tiếp tục làm xét nghiệm theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và đợi kết quả trong 20-30 phút.
Nếu que thử HIV có 2 vạch rõ nét ở chữ C và T là trường hợp dương tính với HIV, nếu xuất hiện vạch rõ ở chữ C, vạch mờ tại chữ T nghĩa là có khả năng cao dương tính với HIV.
Trường hợp chỉ hiện vạch ở chữ C mà không hiện vạch ở chữ T là âm tính với HIV. Trường hợp không xuất hiện vạch thì cần thực hiện lại xét nghiệm bằng bộ test mới và lặp lại quy trình lấy mẫu ở trên để đảm bảo tính chính xác.
Nỗ lực hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con
Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 con đường chính làm lây truyền HIV/AIDS. Do vậy, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh ra bị lây nhiễm HIV từ mẹ, hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Năm 2023, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 8 bà mẹ mang thai được tư vấn, theo dõi dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Kết quả, 8 trẻ sau sinh đều có xét nghiệm âm tính với HIV. Hai vợ chồng chị P.T.T., trú tại Thành phố đều mang trong mình căn bệnh HIV, nhưng với nguyện vọng sinh con nên đã quyết định đến bệnh viện để được tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Suốt quá trình mang thai cho đến khi sinh, chị T. đều tuân thủ quy trình và các biện pháp can thiệp dự phòng theo phác đồ điều trị nên đứa trẻ được sinh ra khỏe mạnh, âm tính với HIV. Đây là niềm vui, động viên lớn cho hai vợ chồng chị T.
Những năm qua, ngành y tế tỉnh tập trung đẩy mạnh nhiều giải pháp toàn diện, đồng bộ, góp phần giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng và hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV mới nói chung. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện lồng ghép Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con vào hệ thống chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm tiếp cận với phụ nữ mang thai sớm nhất, khắc phục tình trạng xét nghiệm HIV muộn và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con bằng ARV muộn ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Do đó, hầu hết phụ nữ đang mang thai và trong độ tuổi sinh đẻ trên địa bàn tỉnh được bác sĩ tư vấn, sàng lọc và lấy máu xét nghiệm HIV sớm.
Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 6 tháng đầu năm 2024, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiến hành xét nghiệm HIV cho 2.742 lượt phụ nữ mang thai, trong đó 658 phụ nữ được xét nghiệm HIV lúc mang thai, 2.084 trường hợp được xét nghiệm HIV lúc chuyển dạ. Qua đó phát hiện 2 phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị dự phòng khi mang thai và chuyển dạ; 1 trẻ được điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Những năm gần đây, gần như 100% trẻ sinh ra từ người mẹ nhiễm HIV đã được uống thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV có kết quả âm tính với vi rút HIV.
Trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con (từ ngày 1 - 30/6) hằng năm, ngành y tế đẩy mạnh công tác truyền thông về dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con bằng nhiều hình thức như: truyền thông trực tiếp cho các đối tượng nguy cơ cao, tuyên truyền qua áp phích, tờ rơi... với nội dung tập trung về lợi ích của xét nghiệm sớm HIV cho phụ nữ mang thai, thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ lây nhiễm HIV cho con, lợi ích của theo dõi tải lượng vi rút HIV đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV, lợi ích của việc quản lý thai, khám thai sớm trong 3 tháng đầu để được tư vấn và xét nghiệm HIV sớm, điều trị bằng thuốc ARV sớm ở phụ nữ mang thai nhiễm HIV...
Lấy mẫu xét nghiệm HIV cho người dân tại xã Đình Phùng (Bảo Lạc).
Thạc sĩ, bác sĩ Đàm Thu Hường, Khoa phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Những năm gần đây, những bà mẹ nhiễm HIV mang thai được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, vì vậy không có trẻ nào sinh ra nhiễm HIV từ mẹ. Phụ nữ nhiễm HIV hoàn toàn có khả năng mang thai, sinh con không bị nhiễm HIV khi tuân thủ các nguyên tắc trong điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Thời điểm phụ nữ nhiễm HIV có thể mang thai an toàn giảm nguy cơ nhiễm HIV cho con là khi tải lượng vi rút HIV trong máu dưới ngưỡng phát hiện.
Hiện nay, thuốc điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được cấp hoàn toàn miễn phí tại 19 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con gồm: 10 trung tâm y tế huyện/Thành phố, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Tĩnh Túc, Bệnh viện Đa khoa các huyện: Trùng Khánh, Hà Quảng, Quảng Hòa và 4 Trạm Y tế xã: Mai Long (Nguyên Bình), Đình Phùng (Bảo Lạc), Đàm Thủy (Trùng Khánh), Thái Học (Bảo Lâm). Các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm y tế tuyến huyện có cung cấp dịch vụ sản khoa đều thực hiện việc tư vấn, xét nghiệm HIV ngay từ lần đầu khi phụ nữ mang thai tới khám. Để chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai hãy chủ động đi khám, xét nghiệm HIV. Nếu phát hiện bệnh, cần được điều trị theo phác đồ sớm để bảo đảm hiệu quả tối ưu trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Những phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV có kết quả dương tính cần được theo dõi liên tục và can thiệp đúng quy trình nhằm làm giảm tới mức thấp nhất nguy cơ lây nhiễm HIV cho trẻ sinh ra từ các bà mẹ này.
HIV lây qua đường máu, đường tình dục và mẹ truyền sang con, là căn bệnh cho đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm. HIV có thể lây truyền từ mẹ sang con trong quá trình mang thai, chuyển dạ, sinh nở hoặc cho con bú. Nếu không được can thiệp, trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm HIV sẽ có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh.
Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con là một biện pháp hiệu quả, có tính nhân văn nhất nhằm làm giảm tỷ lệ trẻ bị nhiễm HIV, góp phần duy trì các thành quả và tiến gần hơn tới mục tiêu loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Làm gì để phòng viêm gan B cho trẻ? Các vaccine hiện nay an toàn và có hiệu quả phòng bệnh, với 4 mũi tiêm vào các thời điểm: mũi 1 trong 24 giờ đầu sau sinh; mũi 2, 3 khi trẻ được 2, 3 tháng; mũi 4 (nhắc lại) khi trẻ đủ 12 tháng. Hỏi: Tôi vốn mắc viêm gan B và được theo dõi, điều trị trong suốt quá trình...