Xếp hạng tín dụng: Góc nhìn toàn diện từ bức tranh kinh tế
Cố gắng của Chính phủ và các bộ, ngành trong việc điều hành chính sách, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế vĩ mô những năm qua đã được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, với xếp hạng mới nhất của Moody’s về hồ sơ tín dụng của Việt Nam bằng việc hạ bậc tín nhiệm – dù còn nhiều điểm gây tranh luận, nhưng ở góc độ khác, lại như sự cảnh tỉnh, giúp chúng ta nhìn nhận tổng thể và toàn diện về bức tranh kinh tế.
Ngày 18/12/2019, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s Investors Service (“Moody’s”) thông báo nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm, và điều chỉnh triển vọng xuống Tiêu cực, kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10/2019.
Trả nợ nước ngoài của Chính phủ đến ngày 10/12 đạt khoảng 49.179 tỷ đồng
Xếp hạng của Moody’s trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam đạt mức tăng trưởng ở cả 12/12 chỉ tiêu năm 2019, trong đó có nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 500 tỷ USD và dự trữ ngoại hối vượt con số 73 tỷ USD cho thấy, sự đánh giá này chưa được nhìn nhận trên bình diện tổng thể.
Theo đó, Bộ Tài chính nêu quan điểm: Moody’s đưa ra quyết định điều chỉnh giảm triển vọng tín nhiệm của Việt Nam bắt nguồn từ nhận định cho rằng vẫn tiềm ẩn rủi ro trong việc chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp của Chính phủ trong bối cảnh chưa có những giải pháp rõ ràng để cải thiện công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan, cũng như tăng cường tính minh bạch về quản lý nợ được Chính phủ bảo lãnh. Cũng theo Bộ Tài chính, việc hạ triển vọng tín nhiệm của Việt Nam chỉ dựa trên sự việc riêng lẻ đối với nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ mà bỏ qua thành tựu toàn diện Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các “cú sốc” từ bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công là không xác đáng.
Thực tế, hoạt động kiểm soát nợ công của Việt Nam thời gian qua, nhất là năm 2019 đã có nhiều cải thiện. Thông tin từ Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại ( Bộ Tài chính) cho biết, Cục đã chủ động trao đổi với Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng Khung cải cách quản lý nợ công với lộ trình hoạt động hướng đến trung hạn (2025) và đích dài hạn hơn (2030), phấn đấu công tác quản lý nợ công tiệm cận và phù hợp với thông lệ quốc tế. Công tác trả nợ nước ngoài được thực hiện kịp thời, đầy đủ và trong phạm vi dự toán được duyệt. Lũy kế đến ngày 10/12/2019, trả nợ nước ngoài của Chính phủ khoảng 49.179 tỷ đồng (trong đó nghĩa vụ trả nợ cấp phát khoảng 29.103 tỷ đồng, cho vay lại khoảng 20.076 tỷ đồng) đạt khoảng 94,5% kế hoạch trả nợ trong năm 2019…
Trở lại câu chuyện xếp hạng của Moody’s, Bộ Tài chính cho rằng, Moody’s đưa ra việc tiếp tục theo dõi hồ sơ tín dụng của Việt Nam (với triển vọng Tiêu cực) là không tương xứng với chỉ đạo hết sức quyết liệt, kịp thời của Chính phủ, cũng như hàng loạt các biện pháp mà Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai trong thời gian qua về hoạt động trả nợ.
Bộ Tài chính khẳng định, Chính phủ Việt Nam tiếp tục theo đuổi mục tiêu củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô, nâng cao năng lực nội tại của nền kinh tế, đẩy mạnh cải cách thể chế và khơi thông nguồn lực để đảm bảo khả năng trả nợ, duy trì bền vững nợ công và an ninh tài chính quốc gia, nhưng vẫn đảm bảo nguồn lực để phát triển.
Duy Minh
Video đang HOT
Theo Congthuong.vn
Hoạt động ngân hàng đang tốt lên
Moody's thừa nhận việc hạ triển vọng tín nhiệm của 18 ngân hàng Việt Nam không phản ánh tài chính của các ngân hàng yếu đi
Đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ngày 21-12 đã nhận định hoạt động của các NH vẫn ổn khi trao đổi với Báo Người Lao Động về việc Tổ chức Xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service (Moody's) hạ triển vọng xếp hạng (không phải mức xếp hạng) của các NH thương mại.
Năng lực tài chính NH tiếp tục được củng cố
Moody's trước đó đã thông báo giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ, ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm; điều chỉnh triển vọng xuống "Tiêu cực". Đánh giá này cũng kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9-10-2019.
Theo Moody's, động thái hạ triển vọng tín nhiệm của các NH thương mại Việt Nam lần này không phản ánh "sức khỏe" tài chính của các NH yếu đi mà hoàn toàn chịu ảnh hưởng từ quyết định của Moody's với tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. 18 NH thương mại bị điều chỉnh gồm ABBANK, ACB, Agribank, BIDV, HDBank, LienVietPostBank, MBBank, MSB, Nam A Bank, OCB, SeABank, SHB, Techcombank, TPBank, VIB, Vietcombank, VietinBank và VPBank.
Đại diện NHNN cho hay quyết định này không phải do yếu tố nội tại của các NH. Việc hạ triển vọng của Chính phủ Việt Nam chủ yếu do quy trình thực hiện thanh toán nghĩa vụ bảo lãnh, dẫn đến việc chậm thanh toán chứ không phải do sự thay đổi (xấu đi) của các yếu tố nền tảng sức mạnh tài chính.
Năng lực tài chính của các ngân hàng tiếp tục được củng cố trong năm 2019 Ảnh: TẤN THẠNH
Trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây, NHNN cho biết năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm. Đến cuối tháng 8-2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 591.800 tỉ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm ngoái và tăng 15,5% so với cuối năm 2017. Vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 856.100 tỉ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm ngoái và 29,7% so với cuối năm 2017. Tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 11,9%.
Quy mô hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục tăng. Đến cuối tháng 8-2019, tổng tài sản của các tổ chức tín dụng đạt 11,81 triệu tỉ đồng, tăng 6,7% so với năm trước.
Các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo nhiều NH thương mại nhìn nhận Moody's tăng hay giảm triển vọng NH là hoạt động đánh giá bình thường trên thị trường và không quá đáng ngại. Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS Cấn Văn Lực, cho biết khoảng 2 tháng trước, Moody's đã khuyến cáo Việt Nam có nguy cơ bị hạ triển vọng tín nhiệm. Hơn 2 tháng nay, Chính phủ đã có những động thái nhất định để cải thiện như chỉ đạo các bộ, ngành chuẩn bị sẵn nguồn lực tài chính để trả nợ nước ngoài đúng hạn, đầy đủ; chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô nhằm giảm bớt những rủi ro trong chính sách tài khóa như nợ nước ngoài, nợ do Chính phủ bảo lãnh...
Dù vậy, việc Việt Nam bị hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm đã khiến tất cả doanh nghiệp đã được Moody's xếp hạng vừa qua cũng bị hạ bậc, bao gồm cả hệ thống NH và các doanh nghiệp. Mới nhất là 18 NH đã bị hạ triển vọng.
Ít ảnh hưởng tới hoạt động NH
Dưới góc độ NH thương mại, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, đánh giá các NH đang hoạt động tốt lên nhiều trong năm qua. Như VietinBank, quá trình tái cấu trúc NH diễn ra mạnh mẽ, hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, bảo đảm hoạt động hiệu quả, bền vững và đáp ứng các nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân.
"Chúng tôi điều chỉnh lại cách thức hợp tác với khách hàng, đưa ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng cá nhân có thể sử dụng dịch vụ NH một cách thuận tiện nhất, phục vụ cho nền kinh tế hiệu quả hơn" - ông Lê Đức Thọ nói.
Cũng theo Chủ tịch HĐQT VietinBank, việc Moody's hạ triển vọng tín nhiệm có thể tác động đến tổ chức tín dụng nhưng không phải vấn đề trọng yếu. Những kết quả trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện nay và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được kỳ vọng sẽ thay đổi triển vọng xếp hạng quốc gia của Việt Nam trong lần đánh giá tới.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, cũng cho rằng nếu nhìn vào nội bộ hoạt động của từng NH thì kết quả hoạt động kinh doanh, các chỉ số an toàn vốn... đều tốt lên. Như tại LienVietPostBank, lợi nhuận trước thuế của NH năm nay dự kiến khoảng 2.000 tỉ đồng, tăng hơn 60% so với năm trước; đạt chuẩn Basel II trước thời hạn; nợ xấu được kiểm soát; triển khai thành công NH số...
"Việc tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá là một trong những thông tin tham khảo, chứ không phải thước đo nội lực của các NH. Bản thân các NH, quan trọng là hiệu quả kinh doanh, tỉ lệ nợ xấu, tăng trưởng tín dụng và đo lường tỉ lệ hài lòng của khách hàng..." - ông Nguyễn Đình Thắng phân tích.
Truy trách nhiệm của các cá nhân
Việc Moody's thông báo hạ triển vọng Việt Nam xuống tiêu cực vì cho rằng việc Chính phủ chậm trả nghĩa vụ nợ gián tiếp là sự yếu kém về thể chế, quản trị hơn là sự yếu kém về tài chính, bao gồm vấn đề về các thủ tục hành chính phức tạp cản trở việc thanh toán kịp thời và thuận tiện.
Liên quan vấn đề này, hôm 20-12, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Giao thông Vận tải (GTVT), Công Thương và NHNN để xác định trách nhiệm của từng bộ, cơ quan về việc chậm thanh toán, trả nợ nước ngoài đối với 3 dự án: La Sơn - Túy Loan (thuộc dự án đường Hồ Chí Minh), Quốc lộ 20 và thủy điện Hồi Xuân.
"Chúng ta có tiền nhưng đến hạn trả trong kế hoạch lại không thanh toán" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh và yêu cầu các bộ làm rõ trách nhiệm, không đùn đẩy, đổ lỗi cho nhau. Ông cũng đề nghị Bộ Tài chính truy cứu trách nhiệm của cá nhân cụ thể để chậm trễ trong thanh toán.
Báo cáo của Vụ Tổng hợp, Văn phòng Chính phủ cho thấy Thủ tướng đã có nhiều văn bản chỉ đạo, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ trong việc thanh toán trả nợ cho bên cho vay nước ngoài, song Bộ GTVT, Bộ KH-ĐT vẫn chưa bố trí vốn để trả. Vì vậy, Thủ tướng đã chấp thuận ứng từ Quỹ Tích lũy trả nợ để trả thay đối với dự án La Sơn - Túy Loan và Quốc lộ 20 để bảo đảm uy tín của Chính phủ với tư cách là người bảo lãnh. Các bộ: Tài chính, GTVT, KH-ĐT cũng chưa bố trí vốn kịp thời để thực hiện dự án đầu tư mở rộng đoạn tránh ngập thủy điện Hồi Xuân để dự án hoàn thành đúng tiến độ; phối hợp không tốt trong việc bố trí nguồn trả nợ thay các dự án được Chính phủ bảo lãnh, làm chậm thanh toán nợ đến hạn dẫn đến Moody's xem xét hạ bậc hệ số tín nhiệm của Việt Nam.
Trước tình hình trên, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan rút kinh nghiệm, không để xảy ra sự việc tương tự. Bộ Tài chính thực hiện nghiêm nghĩa vụ trả nợ, không để xảy ra tình trạng trả nợ chậm, làm ảnh hưởng tiêu cực đến hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam và uy tín của Chính phủ.
TS BÙI QUANG TÍN, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM:
Lãi suất vay nước ngoài có thể tăng
18 NH bị hạ triển vọng xếp hạng tín nhiệm gần như không ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống NH. Trong năm 2019, nhiều NH đã áp dụng quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế (Basel II), hoạt động ổn định, huy động vốn và cho vay tăng trưởng đều đặn, nợ xấu từng bước được xử lý, kết quả kinh doanh của từng NH đều khá tốt... Tuy nhiên, có thể các NH gặp khó khăn vay vốn từ nước ngoài trong tương lai bởi các tổ chức tài chính thường căn cứ vào xếp hạng tín nhiệm của những tổ chức quốc tế đối với NH đó để ấn định hạn mức, thời hạn, lãi suất cho vay.
Việc Moody's giảm triển vọng của Việt Nam chủ yếu là do nước ta quản lý dòng tiền, cơ cấu vốn chưa hợp lý, nhất là chưa kịp thời sắp xếp, thanh toán các khoản nợ nước ngoài. Dù vậy, Moody's cũng bỏ qua thành tựu Việt Nam đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện khả năng chống chọi với các cú sốc bên ngoài và nâng cao tính bền vững danh mục nợ công. Trong khi đó, năm 2019, nhà nước thu ngân sách vượt chỉ tiêu, Chính phủ không thiếu tiền để giải quyết các vấn đề về tài chính. Vì thế, trong thời gian tới, Việt Nam hoàn toàn có thể sắp xếp nguồn lực tài chính để xử lý kịp thời các khoản nợ nước ngoài. Khi đó, mức độ tín nhiệm quốc gia sẽ tăng lên, kéo mức độ triển vọng NH tăng theo.
Tác động hạ triển vọng xếp hạng trên chưa phải lớn nhưng cũng có ảnh hưởng nhất định nếu Chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp Việt tiếp tục vay nợ nước ngoài vì lãi suất vay sẽ cao hơn. Vì vậy, Việt Nam cần làm tốt hơn việc Moody's và các tổ chức tín nhiệm khác đã khuyến nghị.
THÁI PHƯƠNG - THY THƠ
Theo Nld.com.vn
Moody's hạ triển vọng tín nhiệm với 18 ngân hàng Việt Nam Việc Moody's hạ triển vọng tín nhiệm với Việt Nam đã kéo theo việc tổ chức này cũng hạ mức triển vọng với 18 ngân hàng... Ảnh: Internet. Ngày 19/12/2019, Moody đã đưa ra mức xếp hạng tín nhiệm đối với 18 ngân hàng tại Việt Nam. Dựa trên mức xếp hạng về các khoản tiền gửi bằng nội tệ và ngoại tệ...