‘Xếp hạng các trường đại học không đáng tin cậy sẽ tạo hệ lụy’
TS Phạm Thị Ly (ĐH Nguyễn Tất Thành, TP.HCM) cho rằng nếu kết quả của bảng xếp hạng không đáng tin cậy sẽ tạo thêm tranh cãi với bức tranh tốt xấu lẫn lộn.
Câu chuyện một nhóm chuyên gia độc lập thực hiện đề án xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam cách đây ba năm với nhiều bước, từ xây dựng tiêu chí, thử nghiệm mẫu nhỏ, thu thập, xử lý dữ liệu, đang thu hút sự chú ý của dư luận.
Chiều 6/9, buổi tọa đàm công bố bảng xếp hạng đại học Việt Nam lần đầu tiên đã diễn ra tại Hà Nội.
Trên trang Facebook cá nhân, TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quảng trị ĐH FPT – viết: “Đại học Huế – nơi có Đại học Sư phạm nổi tiếng 2017 với điểm chuẩn 12,75 – được xếp thứ 3 cả nước về chất lượng giáo dục và đào tạo. Quả là ấn tượng… Buồn cho các trường được xếp hạng đào tạo đứng sau đại học 12,75″.
Tiêu chí xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và trọng số (%) tương ứng.
Tranh cãi
Những tranh luận gay gắt nhất diễn ra xung quanh xếp hạng của các trường thuộc dạng “hot” như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Ngoại thương và Đại học Kinh tế Quốc dân xếp thứ hạng không như mong đợi.
Đặc biệt, khối trường y dược và kinh tế vốn trước nay thu hút lượng lớn sinh viên với điểm đầu vào cao lại giữ vị trí từ giữa đến cuối bảng xếp hạng 49 trường.
Nhiều người đặt vấn đề thứ hạng này có tương đương chất lượng đào tạo của các trường. Họ cho rằng những bảng xếp hạng khác, vị trí cao đồng nghĩa chất lượng tốt. Nhưng theo xếp hạng này, những trường kinh tế đang “hot” như Đại học Ngoại thương, lại ở mức trung bình (23/49), tương đương với chuyện sản phẩm đầu ra không được đánh giá cao? Trong khi, thực tế hoàn toàn ngược lại.
Ngoài những ý kiến xoay quanh các trường thuộc khối kinh tế, nhiều người tham dự buổi công bố cũng đề cập thứ hạng của Đại học Bách Khoa Hà Nội. Một nữ giảng viên của trường này cho biết bà theo dõi nhiều bảng xếp hạng trong và ngoài nước. Bà dẫn chứng từ năm 2012, Đại học Bách khoa Hà Nội luôn thuộc top 1-2 trong các bảng xếp hạng và cho rằng xếp hạng như này sẽ tạo tranh luận lớn.
Video đang HOT
TS Tạ Hải Tùng cũng bày tỏ mối quan ngại về dữ liệu mà nhóm sử dụng. Ông cho hay cơ sở vật chất của Đại học Bách Khoa thuộc top đầu trong số những đại học ở miền Bắc, song trong thứ tự đánh giá hạng mục này, trường còn xếp sau Đại học Hà Nội.
Ngoài ra, một số học giả đặt câu hỏi liệu phương pháp nghiên cứu của bảng xếp hạng trường đại học Việt Nam liệu có tiệm cận phương pháp nghiên cứu quốc tế.
TS Giáp Văn Dương, Chủ tịch Công ty GiapGroup (một trong những người đề xuất dự án xếp hạng) cho hay bảng xếp hạng mà nhóm đưa ra không đồng nhất thứ hạng và chất lượng đào tạo của các trường. Trước khi đưa ra bảng xếp hạng, tác giả đã nói rất rõ các tiêu chí.
Cụ thể với ĐH Ngoại thương, số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ cũng như các nghiên cứu và công bố quốc tế ít nên trong bảng xếp hạng ở top trung bình, còn chất lượng Ngoại thương là câu chuyện khác.
“Ai cũng biết sinh viên ĐH Ngoại thương rất năng động, các em tham gia hoạt động xã hội cũng rất tốt. Vấn đề là chúng ta đừng đồng nhất chất lượng đào tạo và thứ hạng xếp hạng. Có những tiêu chí không đồng nhất được”, ông Dương nói.
Nhóm thành viên xây dựng bảng xếp hạng.
‘Con dao hai lưỡi’
TS Phạm Thị Ly, chuyên gia về giáo dục đại học, đang công tác tại Trung tâm nghiên cứu và đánh giá giáo dục, ĐH Nguyễn Tất Thành cho rằng các bảng xếp hạng ban đầu tốt, cung cấp thông tin cho học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, sau đó, nó biến thành “trò chơi” của giới quản lý và đi xa mục tiêu ban đầu là cung cấp thông tin.
Theo bà Ly, bảng xếp hạng như con dao hai lưỡi. Nó có thể tác động tiêu cực nhưng cũng có thể đem lại tác dụng tích cực. Nhóm nghiên cứu làm bảng xếp hạng là những người trẻ hiểu biết. Họ biết có những điều bất cập, ví dụ như có những tiêu chí hay nhưng thiếu số liệu. Những điều nhóm nghiên cứu đưa ra là kết hợp giữa mục tiêu và những điều nhóm có thể làm được tại Việt Nam.
Mặc dù đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu, bà Ly khẳng định nếu đề ra những tiêu chí và xử lý không khách quan, đúng đắn, nó sẽ không phản ánh được năng lực thực sự của các trường, ngay cả trên phương diện đo lường.
Vấn đề của bảng xếp hạng nằm ở dữ liệu mà nhóm sử dụng. “Ai đến đây cũng hỏi dữ liệu ở đâu ra và kết quả có tin cậy hay không? Đó thực sự là vấn đề”, nữ tiến sĩ nói.
Trong số nguồn dữ liệu quan trọng mà nhóm tác giả thu thập có báo cáo từ các trường, tuy nhiên, theo một chuyên gia kiểm định, báo cáo tự đánh giá của các trường chắc chắn không đúng.
“Tôi từng trao đổi với một kiểm định viên kiểm định chất lượng các trường đại học. Người này cho biết báo cáo đánh giá của các trường chắc chắn không đúng sự thật. Nếu xây dựng bảng báo cáo dựa trên số liệu không đáng tin cậy, kết quả sẽ không đáng tin cậy.
Khi đó hệ quả để lại sẽ là gì? Ta góp thêm tranh cãi vào bức tranh tốt xấu lẫn lộn. Có thể những người làm không tốt nhưng bằng cách nào đó họ có được số liệu tốt và trở thành hàng đầu. Đó là vấn đề phải suy nghĩ và đương đầu”, bà Ly thông tin.
Nữ tiến sĩ cũng cho rằng dựa trên bài báo nghiên cứu được công bố trên tạp chí ISI đưa ra xếp hạng sẽ thúc đẩy các trường chạy theo thành tích thay vì tập trung sứ mạng thực sự của họ là tạo ra tri thức, đào tạo sinh viên.
Theo TS Phạm Thị Ly, kể từ khi Trung Quốc bước vào thị trường xếp hạng với bảng xếp hạng Thượng Hải, họ khiến thị trường này càng lúc càng mãnh liệt, chi phối hoạt động các trường, thành hiện tượng mà người ta gọi là “cơn bệnh” nên mang tác hại nhiều hơn tích cực.
Giới học thuật thế giới phản đối các bảng xếp hạng. Nhiều hiệu trưởng các trường trên thế giới đã ký một văn bản chung để phản đối các bảng xếp hạng và bắt tay nhau không cung cấp số liệu cho bất cứ bảng xếp hạng nào.
“Họ phản đối bởi dù làm tốt như thế nào, phương pháp đúng đắn hay số liệu đáng tin cậy, bản thân việc xếp hạng đã có vấn đề bởi nó làm cho chúng ta hình dung một trường đại học chỉ dựa trên một số tiêu chuẩn chứ không phải toàn bộ trường đại học.
Không bảng xếp hạng nào có thể thể hiện toàn bộ những gì mà một trường đại học có, những trường đại học cần làm và nên làm. Dù như vậy, xếp hạng vẫn là một hiện thực và nó đang tồn tại”, bà Ly cho biết.
Theo Zing
Việt Nam không có đại học nào lọt top 300 đại học tốt nhất châu Á
Tạp chí Times Higher Education vừa công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất châu Á năm 2017 với 300 trường ở 24 nước. Nhật Bản đứng đầu với 69 đại học lọt vào bảng xếp hạng, Trung Quốc đứng thứ hai với 54 đại học, Ấn Độ xếp thứ ba với 33 đại học. Việt Nam không có đại học nào góp mặt trong danh sách này.
Các nước Đông Á thống trị top 20 đại học tốt nhất châu Á. Trong khi đó Trung Quốc có 6 đại diện; Hàn Quốc và Hong Kong đều có 5, Nhật Bản và Singapore đều có 2 đại học lọt top 20.
Năm 2017, Trường ĐH Quốc gia Singapore (NUS) vẫn giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất châu Á. Như vậy đây là năm thứ hai liên tiếp NUS chiếm giữ vị trí này.
ĐH Bắc Kinh của Trung Quốc xếp vị trí 2, ĐH Thanh Hoa cũng của Trung Quốc đứng thứ 3. ĐH Công nghệ Nanyang của Singapore (NTU) ở vị trí 4, tiếp đó là ĐH Hong Kong.
Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất châu Á 2017.
Biên tập viên tạp chí Times Higher Education, ông Phil Baty, khen ngợi NUS vì giữ được vị trí Đại học số 1 châu Á trong hai năm liên tiếp mặc dù đang có "cuộc cạnh tranh rất khắc nghiệt" từ các đại học Trung Quốc, đặc biệt là ĐH Bắc Kinh và Thanh Hoa.
Ông Phil Baty nhận định: "Tôi đã dự đoán từ vài năm trước rằng NUS sẽ tiến đến vị trí số 1, và trường đại học này thực sự đã thiết lập được vị thế của mình như là mô hình kiểu mẫu cho toàn châu Á. Với sự lãnh đạo chiếm vai trò quyết định, sự tiếp cận thực sự quốc tế và với sự hỗ trợ của chính phủ để chuẩn bị đầu tư vào giáo dục đại học, các trường đại học châu Á có thể trở nên thách thức trước những trường đại học truyền thống của phương Tây ở Mỹ và Anh".
Bảng xếp hạng đại học châu Á của Times Higher Education được bình chọn dựa trên 13 tiêu chí cũng giống như bảng xếp hạng đại học thế giới.
Nếu trong năm 2016 chỉ có 200 đại học được xếp hạng, thì năm nay có 300 trường, điều này cho thấy một số nước đã trở thành những "tay chơi" mạnh hơn trong ngành giáo dục bậc cao trong tương lai, trong đó có Indonesia, Malaysia và Pakistan.
10 đại học hàng đầu châu Á năm 2017 theo bình chọn của Tạp chí Times Higher Education.
Theo Xuân Vũ Tổng hợp (Dân trí)