Xem xét lại yêu cầu miễn học phí bậc THCS tại TP.HCM: Phụ huynh nói gì?
Mặc dù Chính phủ đã đồng ý với chủ trương miễn học phí bậc THCS theo Nghị quyết số 104/NQ-CP, Bộ Tài chính vẫn yêu cầu TPHCM xem xét lại chủ trương này.
Ảnh minh họa
Trong quá trình phổ cập THCS, TPHCM dự kiến có thể thực hiện miễn học phí cho bậc học này bắt đầu từ năm học 2019. Tuy nhiên, Bộ Tài chính phản bác yêu cầu này với lý do sẽ tạo sự không thống nhất giữa các gia đình có con theo học bậc THCS trên địa bàn thành phố và các địa phương liên quan.
Về việc này, nhiều phụ huynh tại TP.HCM cho biết, họ không cảm thấy có gì quá bất bình hay biến động khi miễn hay không miễn học phí.
Theo chị Huỳnh Mai Ngọc (quận 5, TPHCM), mức học phí hiện nay của bậc THCS không cao, và thật sự đó không phải là nỗi lo của các bậc phụ huynh. Họ lo đến những khoản bên ngoài học phí nhiều hơn rất nhiều và đó mới thật sự là gánh nặng chứ không phải 85.000 đồng hay 100.000 đồng mỗi tháng.
Chị Ngọc cho biết, học phí và chi phí học tập mỗi tháng của con khác nhau rất nhiều, trong đó học phí chỉ nhỏ như một giọt nước. Mỗi tháng chị phải đóng cho con gần 2 triệu đồng bao gồm rất nhiều khoản, từ tiền bán trú, vệ sinh bán trú, tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh giáo viên nước ngoài, STEM… Những khoản đó hơn gấp nhiều lần so với 100.000 đồng học phí.
Một giáo viên THCS tại quận 1 cho biết, ở các trường tư, học phí được công bố công khai cho phụ huynh biết từ rất sớm. Chi phí học tập của học sinh trường tư được thu 1 lần (học phí, bán trú, sách vở, ngoại khoá, đồng phục,…) cho cả năm học.
Video đang HOT
Nhưng ở trường công lập, học phí và chi phí học tập của học sinh tại trường là hai con số hoàn toàn khác nhau. Ngoài học phí, học sinh, phụ huynh còn được đề nghị tự nguyện đóng nhiều khoản phí khác như quỹ phụ huynh, phí bảng tương tác, tài liệu lưu hành nội bộ của các môn học, đầu tư cơ sở vật chất… Điều đáng nói, các khoản phí này không được thông báo trước mà thường khi học sinh đã vào năm học mới, phụ huynh mới nhận được thông báo đóng góp.
Theo nhiều giáo viên và phụ huynh tại TPHCM, chủ trương miễn học phí THCS rất nhân văn nhưng nên áp dụng ở các địa phương khó khăn sẽ phù hợp hơn. Còn tại TPHCM, nên xem xét lại đến các khoản thu “bên ngoài” học phí thì sẽ nhận được sự quan tâm nhiều hơn của các vị phụ huynh.
Trước đó, trong buổi làm việc đầu năm học với Sở GD&ĐT TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết UBND và Sở GD&ĐT TP.HCM đang bàn bạc vấn đề miễn học phí đối với bậc THCS và sẽ “hướng tới miễn học phí bậc THCS nếu cân đối được thu chi”.
Liên Sở Tài chính – Giáo dục sau đó đã tham mưu cho UBND TP.HCM chính sách trên. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đồng ý với đề xuất miễn học phí cho học sinh THCS ở các trường công lập.
Sau đó, UBND TP.HCM có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ chấp thuận việc miễn học phí bậc THCS tại các trường công lập. Nếu được chấp thuận, thành phố sẽ hoàn chỉnh hồ sơ, trình Hội đồng Nhân dân thông qua tại cuộc họp gần nhất.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã có phản hồi về kiến nghị của UBND TP.HCM về việc miễn học phí cho học sinh bậc THCS tại các trường công lập thuộc TP.HCM.
Bộ này cho biết việc miễn học phí cho học sinh THCS tại các trường công lập ở TP.HCM thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Việc quy định học sinh không đóng học phí được quy định trong Luật Giáo dục, cũng thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Do TP.HCM là địa phương có thu nhập bình quân đầu người thuộc diện cao trong cả nước, mức đóng học phí 85.000-100.000 đồng mỗi tháng không phải quá lớn. Việc miễn giảm học phí THCS sẽ tạo sự không thống nhất giữa các gia đình có con theo học bậc THCS trên địa bàn thành phố và các địa phương liên quan.
Theo infonet
Miễn học phí bậc THCS: Có thực hiện đại trà?
Thông tin Bộ Tài chính yêu cầu TP Hồ Chí Minh xem lại việc miễn học phí bậc THCS đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bởi hiện đề xuất miễn học phí bậc THCS trong quá trình đóng góp cho dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi- dù được hoan nghênh là đã thể hiện được chủ trương nhân văn trong giáo dục, song cũng đang nhận được những phản biện từ nhiều góc nhìn.
Học sinh trường Tiểu học và THCS Tà Hộc - Sơn La tới trường. Ảnh: Mạnh Dũng.
TP Hồ Chí Minh: Mỗi năm miễn khoảng 350 tỷ đồng tiền học phí
Theo đó, Bộ Tài chính vừa có công văn trả lời về kiến nghị của UBND TP Hồ Chí Minh xin miễn học phí cho học sinh THCS tại các trường công lập trên địa bàn. Theo Bộ Tài chính, việc miễn học phí cho học sinh THCS tại các trường công lập thuộc thẩm quyền của Quốc hội, đối tượng không đóng học phí phải được quy định trong Luật Giáo dục. Do TP Hồ Chí Minh là địa phương có thu nhập bình quân đầu người thuộc diện cao trong cả nước, nên mức học phí từ 85.000 đến 100.000 đồng/tháng/học sinh không phải quá lớn để tạo gánh nặng cho cha mẹ học sinh. Vì thế việc miễn giảm học phí bậc THCS sẽ tạo sự không thống nhất giữa các gia đình có con theo học bậc THCS ở TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác.
Trước đó, trong tháng 9/2018 Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Văn phòng UBND thành phố tham mưu, trình UBND TP văn bản kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép địa phương này được xem xét miễn học phí cho học sinh bậc THCS tại các trường công lập trên địa bàn. Sau khi có ý kiến chấp thuận của Chính phủ, Văn phòng UBND thành phố đã khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, trình HĐND thành phố thông qua tại cuộc họp gần nhất theo quy định.
Cũng theo tờ trình của liên Sở Tài chính - Sở GDĐT thành phố, nguồn kinh phí để bù đắp chi phí khi miễn học phí bậc THCS sẽ cân đối từ ngân sách địa phương. Hiện bình quân mỗi năm thành phố thu được khoảng 350 tỷ đồng tiền học phí từ bậc học THCS.
Mừng trước chủ trương miễn phí bậc THCS tại một thành phố lớn, song cũng có nhiều ý kiến trăn trở. Có quan điểm ví von cho rằng, bài học miễn thuế nông nghiệp vẫn còn đó. Vì vậy, ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh nên lấy bài học đó để thực hiện, không xảy ra nạn "núp bóng phí" để lạm thu như thời gian qua. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng phân tích: Chính phủ nên xem xét và cân nhắc kỹ về việc này, nếu học sinh của TP Hồ Chí Minh được miễn học phí, vậy các tỉnh, thành khác trong cả nước có được miễn không? Không sợ thiếu chỉ sợ nhất là thiếu công bằng. Một số quan điểm khác cho rằng, chỉ nên thực hiện chính sách miễn học phí bậc THCS cho học sinh ở vùng khó.
Băn khoăn lộ trình
Trình bày Báo cáo về dự án Luật Giáo dục sửa đổi trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 9 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, theo dự luật, sẽ không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh THCS trường công lập; hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập và nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm. Hiện nay khung học phí mầm non, phổ thông quy định đối với các trường công lập khá thấp (khu vực thành thị từ 60.000-300.000 đồng; khu vực nông thôn từ 30.000-120.000 đồng; khu vực miền núi từ 8.000-60.000 đồng). Các cơ sở giáo dục ngoài công lập tự quyết định mức thu học phí. Tuy nhiên đến nay, Nhà nước mới chỉ thực hiện miễn học phí đối với giáo dục tiểu học, còn giáo dục THCS, trẻ em mầm non 5 tuổi (học sinh thuộc diện phổ cập) vẫn chưa được miễn học phí. Điều này gây khó khăn cho việc huy động trẻ đến trường, nhất là ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
Theo phân tích của Bộ GDĐT, mức thu học phí không quá cao, nhưng cũng là gánh nặng đối với gia đình có mức thu nhập thấp, tiệm cận chuẩn nghèo. Miễn học phí bậc THCS sẽ huy động được trẻ ở lứa tuổi này đến trường, định hình việc phân luồng học sinh THCS và định hướng nghề nghiệp cho các em THPT rõ ràng hơn, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực của xã hội và hội nhập quốc tế. Ông Nhạ cho hay: Miễn học phí đối với học sinh THCS sẽ góp phần giảm chi phí cho mỗi cá nhân, gia đình và tiết kiệm nguồn lực cho cả xã hội. Nếu thực hiện chủ trương trên của Chính phủ, mỗi năm sẽ có hơn 5 triệu học sinh được hưởng lợi.
Xung quanh nội dung miễn học phí bậc THCS, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển bày tỏ băn khoăn: Hiện chưa thấy Chính phủ đưa ra trình lộ trình là thế nào? Ông Hiển lưu ý, nên chăng chỉ nên miễn học phí ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Ông cũng chưa đồng tình lắm với việc miễn học phí toàn bộ bậc THCS, hỗ trợ cả trường ở thành phố lớn, những trường đóng góp 7-8 triệu/tháng mà còn phải xếp hàng mới được vào. Bởi miễn phí quá đại trà là vi phạm nguyên tắc thị trường.
Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia giáo dục phân tích: Nếu không có khoản tiền học phí, các trường sẽ thiếu hụt. Liệu nhà nước có đảm bảo cấp bù đủ ngân sách này, trong khoảng thời gian dài hạn? Với quy mô cả nước, đây sẽ là số tiền không nhỏ. GS Đào Trọng Thi cho rằng, nhiều năm nay ngành giáo dục chưa thực hiện được chủ trương này nguyên nhân cũng chính là do nguồn ngân sách có hạn. Vì thế, Nhà nước thực hiện được chủ trương này là rất nhân văn, nhưng khi quyết định triển khai thì Chính phủ phải tính kỹ lộ trình như thế nào? Nguồn lực ở đâu? Nếu không sẽ khó khả thi.
Còn theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT: Nếu Chính phủ cân nhắc đủ tiền để thực hiện miễn học phí cho THCS thì sẽ tạo điều kiện tốt cho trẻ đúng độ tuổi đến trường. Nhưng điều lo ngại, đã miễn học phí thì không được thu khoản gì nữa, trong khi ngân sách nhiều địa phương khó khăn, nếu không cẩn thận có thể hạn chế đến phục vụ các hoạt động giáo dục. Vì thế, cần cân nhắc thời điểm thực hiện, đối tượng thực hiện, có lộ trình từng bước cụ thể tùy theo ngân sách của Nhà nước.
Mạnh Dũng
Theo daidoanket
Miễn học phí THCS sẽ thực hiện theo lộ trình Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) mà Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp lần này, việc miễn học phí ở THCS dù được thống nhất về chủ trương nhưng sẽ chưa thực hiện đồng loạt mà áp dụng trước ở vùng khó khăn. Chính phủ thống nhất chủ trương thực...