Xem xét đầu tư dự án Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa 2.500 tỷ đồng
Dự án Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa với tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng dự kiến được đầu tư, xây dựng tại thành phố Thanh Hóa. Dự án với nhiều mô hình, loại hình trường học, đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo cho khoảng 18.000 học sinh, sinh viên.
Chiều 28/9, Thường trực Tỉnh uỷ Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị nghe báo cáo thiết kế, quy hoạch tổng thể sơ bộ phân khu chức năng Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa – IEC-TH, do Công ty CP đầu tư phát triển Nguyễn Hoàng đề xuất, để xem xét chủ trương chấp thuận đầu tư.
Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị nghe báo cáo thiết kế, quy hoạch tổng thể sơ bộ phân khu chức năng Thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hóa.
Dự án được đề xuất xây dựng trên địa bàn 2 xã Quảng Tâm và Quảng Phú (thành phố Thanh Hóa), với diện tích đất sử dụng 84,2 ha, có tổng vốn đầu tư 2.500 tỷ đồng. IEC-TH sẽ đáp ứng nhu cầu giáo dục và đào tạo cho khoảng 18.000 học sinh sinh viên.
Nếu được chấp thuận đầu tư, dự án sẽ khởi công vào tháng 6/2019, khánh thành toàn bộ công trình vào tháng 6/2021.
IEC-TH gồm các hạng mục, loại hình và mô hình trường học, như: Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT, Trung cấp, Cao đẳng, Đại học và sau Đại học; ký túc xá, trung tâm thể thao, trung tâm giáo dục, giải trí, quảng trường, vườn bách thảo và khu hoạt động ngoài trời…
Tại hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với đề xuất đầu tư dự án IEC-TH. Theo đánh giá thì đây là mô hình đầu tư giáo dục mới, không chỉ ở Thanh Hóa mà trên phạm vi cả nước, phù hợp với chủ trương xã hội hóa giáo dục.
Tỉnh Thanh Hóa đề nghị chủ đầu tư xác định rõ tính khả thi của dự án về nguồn học sinh, giáo viên, năng lực tài chính, hiệu quả đào tạo…
Ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa hoan nghênh nhà đầu tư đã có ý tưởng đầu tư vào Thanh Hóa, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Thiết kế của dự án phù hợp với xu hướng phát triển giáo dục hiện nay.
Video đang HOT
Ông Chiến khẳng định Thanh Hóa rất quan tâm đến phát triển giáo dục và đào tạo. Và trên thực tế, giáo dục Thanh Hóa đã có nhiều thành tích nổi bật, luôn nằm trong top đầu của cả nước.
Đồng thời, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo với mục tiêu đưa giáo dục Thanh Hóa tiếp cận với chất lượng giáo dục quốc tế. Do vậy, Thanh Hóa sẽ quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư có thể thực hiện dự án này tại Thanh Hóa.
Ông Chiến yêu cầu UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các sở, ngành và địa phương có liên quan nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục liên quan đến chấp thuận chủ trương đầu tư. Đặc biệt quan tâm đến các vấn đề quy hoạch xây dựng, đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo sinh kế cho người dân sau khi thu hồi đất…
Bên cạnh đó, nhà đầu tư phối hợp tốt với các sở ngành cấp tỉnh để làm rõ các vấn đề liên quan đến kinh nghiệm, năng lực tài chính, quyết tâm đầu tư, để làm cơ sở hoàn thiện các thủ tục đầu tư.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu, tất cả các công việc này cần phải được các bên liên quan khẩn trương thực hiện để UBND tỉnh hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án trong thời gian sớm nhất.
Đối với các đề xuất của nhà đầu tư, tỉnh Thanh Hóa sẽ có các hỗ trợ hợp lý, theo đúng quy định của pháp luật, khi chủ trương đầu tư dự án được thông qua.
Duy Tuyên
Theo Dân trí
Thanh Hóa: Huy động tiền xây dựng bể bơi rồi... lấp bỏ
Một công trình bể bơi được Trường tiểu học Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) xây dựng bằng nguồn kinh phí xã hội hóa. Tuy nhiên, công trình chưa phát huy hiệu quả đã phải lấp bỏ vì không đúng quy định và không đảm bảo chất lượng. Nhiều phụ huynh bức xúc vì công trình không được sử dụng nhưng nhà trường cũng không trả lại tiền.
Theo phản ánh của phụ huynh học sinh Trường tiểu học xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa), năm học 2016 - 2017, nhà trường kêu gọi phụ huynh đóng góp tiền xây dựng bể bơi cho học sinh.
Trường tiểu học xã Hoằng Trường (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa).
Bể bơi được xây dựng trong khuôn viên trường. Kinh phí xây dựng công trình này là 150 triệu đồng bằng nguồn xã hội hóa.
Tuy nhiên, khi công trình xây dựng xong, học sinh không được sử dụng do bể bơi không đảm bảo an toàn. Sau một thời gian không phát huy hiệu quả như dự kiến ban đầu nên đã được phá bỏ. Số kinh phí do phụ huynh học sinh đóng góp cũng chưa được nhà trường trả lại.
Điều đáng nói, khi tiến hành xây dựng công trình này, nhà trường không báo cáo ngành giáo dục cũng như các cấp quản lý, không có hồ sơ thẩm định của cơ quan chức năng có thẩm quyền, không đảm bảo an toàn cho học sinh khi sử dụng.
Bể bơi được xây dựng với kinh phí khoảng 150 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa nhưng không phát huy hiệu quả
Sau khi công trình được phá bỏ, nhiều phụ huynh bức xúc cho rằng họ đã đóng tiền xây dựng bể bơi nhưng con em mình lại không được sử dụng, công trình gây lãng phí lớn nguồn kinh phí.
UBND xã Hoằng Trường cũng đã có báo cáo về sự việc nêu trên. Theo đó, năm học 2016 - 2017, địa phương có thống nhất chủ trương xây dựng bể bơi phòng, chống đuối nước cho học sinh Trường tiểu học Hoằng Trường. Trong quá trình tổ chức thực hiện chưa đúng quy trình nên đã được san lấp làm sân chơi thể chất cho học sinh học tập.
Theo cô Trần Thị Lan, hiệu trưởng Trường tiểu học Hoằng Trường, cho biết: Kinh phí xây dựng bể bơi nêu trên hết khoảng 150 triệu đồng bằng nguồn huy động từ các bậc phụ huynh. Bể bơi bị phá bỏ do tháng 3/2017, cơn bão số 3 xảy ra đã làm vỡ bờ, rách bạt, sạt lở nên nhà trường tiến hành san bằng để làm sân giáo dục thể chất cho học sinh.
Cũng theo cô Lan, nhà trường đã tiến hành họp, trả lại tiền cho phụ huynh học sinh nhưng không có ai nhận. Biên bản cuộc họp trường không giữ và do đại diện Hội phụ huynh cầm biên bản đó.
Bể bơi không đảm bảo quy trình và sự an toàn
Trong khi đó, theo khẳng định của ông Phạm Văn Tre, Hội phó Hội phụ huynh nhà trường thì không có biên bản họp trả tiền cho phụ huynh. Phụ huynh muốn đòi lại tiền nhưng bể xây xong, hư hỏng trường không biết lấy đâu ra kinh phí trả lại.
Được biết, để có nguồn kinh phí xây dựng bể bơi, nhà trường đã vận động và mỗi phụ huynh đóng góp 100.000 đồng. Sau khi xây dựng xong, bể bơi được sử dụng một thời gian ngắn, tuy nhiên phụ huynh thấy không an toàn và bể bơi chưa có hồ sơ thủ tục nên không được tiếp tục sử dụng.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Văn Phúc - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Hoằng Hóa cho biết: Chủ trương xây bể bơi của nhà trường là tốt, nhưng lại không báo cáo lên Phòng GD&ĐT cũng như UBND huyện. Các bước quy trình triển khai chưa đúng, chất lượng không đảm bảo.
Bể bơi đã được san lấp lại làm sân chơi thể thao
Ông Phúc khẳng định: "Trước khi triển khai, nhà trường không báo cáo lên nên Phòng không nắm được. Khi xây xong rồi chúng tôi mới biết. Sau đó, nhà trường đã đập bỏ và lấp công trình lại, tránh tình trạng đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, yêu cầu nhà trường trả lại tiền cho phụ huynh, tuy nhiên có một số ý kiến của phụ huynh phản ánh chưa nhận được tiền."
Cũng theo khẳng định của ông Phúc, hiện Phòng GD&ĐT huyện Hoằng Hóa đang cho kiểm tra lại toàn bộ sự việc và sẽ sớm có kết luận cụ thể.
Trần Lê
Theo Dân trí
Thanh Hóa: Cấm nhiều khoản thu trong năm học mới Ngày 25/7, Sở GD&ĐT Thanh Hóa ban hành văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các khoản thu, chi ngoài ngân sách trong các trường học năm học 2018 - 2019. Ảnh minh họa Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, năm học 2017 - 2018, các trường học đã thực hiện tốt quy chế dân chủ trường học; tổ chức quán triệt...