Xem trò lớp 2 ngồi trên cỏ học hát
Trường có tất cả 10 lớp thì đã có đến 4 lớp mượn các phòng chức năng để học. Cá biệt, có một lớp còn phải mượn nhà văn hóa thôn vì không đủ phòng học.
Các em học sinh lớp 2 phải học ở nhà văn hóa thôn
Rớt chuẩn
Trường Tiểu học Phú Định, xã Phú Đinh, huyện Bố Trạch (Quảng Bình) được tách ra từ trường Phổ thông cơ sở Phú Định vào năm 1995.
Năm 2003, trường vinh dự được nhận danh hiệu trường chuẩn quốc gia mức độ 1. Năm 2009 được công nhận lại nhưng đến năm 2014 thì danh hiệu này bị thu hồi.
Video đang HOT
Thầy Nguyễn Trung Khánh, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Về tất cả các tiêu chuẩn, Trường Tiểu học Phú Định đã đáp ứng đầy đủ, như đội ngũ thầy cô giáo, số lượng và chất lượng học sinh…Tuy nhiên, cơ sở vật chất chưa đảm bảo là nguyên nhân làm trường rớt chuẩn”.
Đến năm học này, trường có tất cả 10 lớp, 10 phòng học với 235 học sinh. Nói 10 phòng nhưng thực ra chỉ có 6 phòng học, 3 phòng dùng tạm phòng chức năng như phòng tin học, phòng truyền thống đội và văn phòng nhà trường. Có một lớp còn phải mượn nhà văn hóa thôn cách đó 1km để các em có đủ chỗ học tập.
Theo đó, để đảm bảo đủ lớp cho các em, hiệu trưởng và hiệu phó nhà trường phải dùng chung một phòng. Kế toán, đội và y tế cũng chung phòng… nên rất bất tiện cho công tác dạy và học.
Học sinh ngồi trên cỏ học
Giờ học thể dục
Nhưng khổ nhất vẫn là cô và trò phải học ở nhà văn hóa thôn 6 cách điểm chính 1 km. Lúc chúng tôi đến, các em đang học thể dục. Cảnh tượng đầu tiên đập vào mắt là 23 em học sinh lớp 2 đặt dép ngồi dưới sân nhà văn hóa đầy cỏ dại để xem bạn múa, hát.
Cô giáo Nguyễn Thị Lệ, chủ nhiệm lớp 2A cho biết: “Mấy năm trước, trường phải mượn hai phòng học của hợp tác xã Phú Định, nhưng do xây dựng quá lâu nên đã bị xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho các em nên hai năm nay nhà trường đã liên hệ với thôn 6 để mượn nhà văn hóa”.
Các em học sinh ở đây chịu rất nhiều thiệt thòi vì không có sân chơi và không được tham gia các hoạt động vui chơi, giao lưu như các bạn ở điểm trường chính. Công tác quản lí cũng gặp rất nhiều khó khăn.
Văn phòng nhà trường cũng thành lớp học
“Vì phòng mượn nên lúc nào thôn có việc là cô trò phải nghỉ và học bù vào thứ 7, chủ nhật. Có những hôm họ nói trước, nhưng có khi việc đột xuất họ đến lấy phòng thì cô trò cũng phải trả rồi học bù sau”, cô Lệ kể.
Về việc chào cờ, cứ khoảng hai tuần các em được cô giáo dẫn lên điểm chính chào cờ một lần. Những lần như thế, cả cô và trò lớp 2 lại “rồng rắn” đi bộ cả km, chào cờ xong lại đưa nhau về.
“Vì quá thiệt thòi với các bạn nên nhiều lúc nhà trường phải thay đổi luân phiên các lớp học ở đây để các em đỡ tủi thân” – lời thầy Khánh. Nhà trường cũng đã nhiều lần làm đơn gửi đi các cơ quan chức năng xem xét.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hội, chủ tịch UBND xã Phú Định cho biết: “Xã đã cùng với trường làm đơn kiến nghị gửi đi các cấp rất nhiều lần nhưng đến nay vẫn không có động tĩnh gì. Vừa rồi, huyện có hỗ trợ nhưng cũng chỉ đủ để xây dựng mấy phòng chức năng cho trường mầm non.
“Chúng tôi rất mong muốn các em có đầy đủ phòng học và sân chơi” – ông Hội tha thiết.
Theo ND