Xem clip “rõ từng milimet” quá trình sinh mổ
Clip ghi lại tường tận các bước của quá trình sinh mổ dưới đây sẽ cho các sản phụ đã và sẽ mổ lấy thai biết được mình sẽ trải qua quá trình này như thế nào.
Mổ lấy thai là thủ thuật phẫu thuật đưa thai nhi ra ngoài thông qua vết cắt ở thành bụng trước của người mẹ và tử cung, thay vì đưa ra qua đường âm đạo. Ngày nay, số ca mổ lấy thai ngày càng nhiều. Một ca sinh mổ có thể được lên kế hoạch trước, nhưng cũng có trường hợp mẹ chuyển dạ bình thường nhưng khi có biến chứng sẽ phải mổ khẩn cấp.
Phương pháp mổ lấy thai có 2 cách là mổ ngang và mổ dọc. Tuy nhiên, mổ dọc đã không còn ứng dụng rộng rãi vì tính thẩm mỹ và an toàn cho mẹ và bé không cao như mổ ngang nên hiện nay, mổ lấy thai phổ biến là vết mổ ngang.
Một ca mổ lấy thai thường diễn ra trong khoảng 40 – 50 phút. Tuy nhiên, thời gian từ lúc bác sĩ rạch bụng mẹ đến lúc đưa em bé ra ngoài sẽ khá nhanh, chỉ khoảng 5 – 10 phút, số thời gian còn lại dành cho việc khâu tử cung và đóng thành bụng.
Clip sinh mổ minh họa quá trình mổ lấy thai với các bước như sau:
1. Giai đoạn trước khi ca phẫu thuật diễn ra
- Trước cuộc phẫu thuật, sản phụ sẽ được hướng dẫn thụt làm sạch đại tràng. Tiếp đó là thay quần áo phẫu thuật, đội mũ vô trùng và bước vào phòng sinh mổ theo sự hướng dẫn của y tá.
- Chuyên viên gây tê sẽ đặt đường truyền tĩnh mạch trên cẳng tay để truyền dịch trong quá trình mổ và thực hiện gây tê ngoài màng cứng hoặc gây tê tủy sống. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ vẫn tỉnh táo trong suốt quá trình mổ, chỉ có phần nửa thân dưới sẽ không có cảm giác và cũng không cử động được.
- Tiếp đó, bác sĩ sẽ đặt một ống thông tiểu vào bàng quang để bàng quang luôn xẹp trong quá trình mổ, không gây trở ngại lúc lấy thai ra; đồng thời ống thông sẽ được lưu lại khoảng 24h sau khi mổ để bạn không phải ngồi dậy đi vệ sinh.
- Vệ sinh vùng bụng và vô trùng, trải khăn vô khuẩn. Có một chiếc khăn sẽ được đặt ngang ngực sản phụ để không nhìn thấy những gì diễn ra ở phía dưới trong suốt quá trình mổ.
- Lắp máy đo nhịp tim và huyết áp.
- Bác sĩ thử phản ứng trên cơ thể mẹ để xem thuốc tê đã phát huy tác dụng chưa. Nếu rồi mẹ sẽ được tiến hành tiếp các bước sau.
2. Giai đoạn mổ đưa thai nhi ra ngoài
- Bác sĩ sẽ rạch một đường ở bụng dưới, ngay trên xương mu, đường mổ dài khoảng 20cm, rạch các lớp mỡ trước khi rạch vào tử cung. Vết rạch sẽ đi qua da và tới các lớp mô. Máu bắt đầu chảy và y tá sẽ giúp bác sĩ thấm máu liên tục bằng gạc.
- Bác sĩ thăm dò khoang tử cung, chạm vào túi nước ối và định hình đầu thai nhi rồi dùng hai tay đưa em bé ra khỏi bụng mẹ. Nếu là thai ngôi đầu sẽ đưa đầu em bé ra trước tiên, ngược lại sẽ đưa chân hoặc mông bé ra trước nếu là ngôi mông.
- Sau đó bác sĩ sẽ kẹp, cắt dây rốn, lau hút đàm nhớt từ miệng trẻ.
- Lấy nhau thai và làm sạch tử cung của mẹ.
3. Giai đoạn đóng ổ bụng
Sau khi hoàn thành thao tác mổ lấy thai ra khỏi bụng sản phụ, các bác sĩ sẽ làm sạch ổ bụng, kiểm tra tử cung, phần phụ và các cơ quan xung quanh rồi tiến hành khâu đóng thành bụng theo từng lớp từ trong ra ngoài.
Chỉ khâu có hai loại, một loại tự tiêu, một loại phải cắt chỉ sau khoảng 1 tuần. Tùy từng bệnh viện sẽ lựa chọn loại chỉ khác nhau. Sản phụ nên lưu ý nếu dùng chỉ rút cần cắt chỉ đúng theo lời dặn của bác sĩ.
Sau ca mổ, sản phụ sẽ được đưa về phòng hậu phẫu để các nhân viên y tế theo dõi và chăm sóc trong khoảng 3 – 6 giờ. Hết thời gian nằm phòng hậu phẫu, bạn sẽ được đưa về phòng nghỉ. Y tá sẽ khuyến khích bạn uống nhiều nước và rút ống thông tiểu để bạn có thể đi tiểu bình thường. Sau ca mổ khoảng 24 giờ, sản phụ được khuyến khích đi bộ để ngăn ngừa táo bón và sự hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu.
Mặc dù quá trình mổ lấy thai diễn ra khá nhanh chóng và đang ngày càng phổ biến, tuy nhiên nó vẫn có thể tiềm ẩn một số nguy hiểm nhất định, ảnh hưởng tới sức khỏe, sự an toàn của cả mẹ và bé. Vì vậy, các bác sĩ luôn cân nhắc rất kĩ với từng ca sinh nở để đưa ra lời khuyên hoặc quyết định đúng đắn nhất trước khi tiến hành mổ lấy thai.
Sản phụ sẽ phải ở lại bệnh viện từ 3 – 5 ngày để các bác sĩ theo dõi tình trạng vết mổ nhằm tìm xem liệu có dấu hiệu nhiễm trùng hay không cũng như chăm sóc sức khỏe, giảm đau cho bạn.
H.Thanh
Theo toquoc
Sinh mổ - nhiều rủi ro về sức khỏe
Tâm lý chọn giờ đẹp, "ngày lành tháng tốt" của gia đình sản phụ, chỉ định có phần lạm dụng của các bác sĩ sản khoa đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ mổ lấy thai hiện nay ở Việt Nam. Điều này không những ảnh hưởng đến kinh tế gia đình mà còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cả mẹ và con.
Khám thai để biết thông tin về sức khỏe, cũng như sự phát triển của thai nhi trong bụng. Ảnh: Kim Hương
Đẻ thường được vẫn mổ
Chị Lê Thị N. (Sơn Tây- Hà Nội) sức khỏe hoàn toàn bình thường, có khả năng chuyển dạ và sinh thường nhưng chị vẫn muốn đẻ mổ. "Tôi nghĩ là mổ đẻ sẽ an toàn hơn cho cả 2 mẹ con nên tôi yêu cầu bác sĩ cho đẻ mổ. Thực ra, tôi sợ đau đớn khi vượt cạn, sợ tổn thương vùng nhạy cảm, tổn thương đáy chậu" - chị N. thật thà chia sẻ. Mặc gia đình khuyên ngăn, chị N. vẫn quyết không sinh thường.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, sinh mổ là biện pháp rất cần thiết khi biến chứng xuất hiện trong quá trình sinh con như ra máu, suy thai, vị trí thai nhi bất thường. Nhưng giống như bất kỳ ca phẫu thuật nào, sinh mổ cũng đi kèm với những rủi ro. Quá trình phục hồi của người mẹ sau khi sinh mổ cũng lâu hơn nhiều so với sinh tự nhiên. Một số nghiên cứu cho thấy, sinh mổ có thể làm tăng nguy cơ tử vong của người mẹ so với đẻ thường từ 1,6 - 7 lần. Bên cạnh đó, sau mỗi lần sinh mổ, phụ nữ có nguy cơ gặp phải các vấn đề như mang thai ngoài tử cung và thai chết lưu. Sinh mổ là một dạng đại phẫu, đi kèm với những rủi ro nên phải cân nhắc cẩn thận và chỉ nên được sử dụng khi cần thiết.
Theo tìm hiểu của phóng viên, không ít gia đình chủ động lựa chọn cách sinh mổ và đặt lịch từ trước với bác sĩ hoặc bệnh viện. "Vì đẻ mổ, đặt lịch trước nên chúng tôi chọn hình thức đẻ dịch vụ, giá cả tuy hơi cao nhưng được theo ý mình"- anh Huấn (Cầu Giấy- Hà Nội)- chồng của sản phụ vừa sinh tại một bệnh viện (BV) tư cho hay.
Theo bác sĩ Trần Trung Đạo - BV Phụ sản Hà Nội, ngày càng nhiều sản phụ yêu cầu sinh mổ (dù không có chỉ định y khoa). Có lẽ họ chưa nắm rõ cũng như chưa được tư vấn đầy đủ về các lợi ích và nguy cơ của sinh mổ với sinh thường. Quá trình sinh ngả đường dưới là hiện tượng sinh lý tự nhiên của phụ nữ mang thai khi chuyển dạ, vì vậy không có lý do gì không thuận theo tự nhiên. Sinh mổ được chỉ định một khi sản phụ không thể sinh tự nhiên hoặc có vấn đề đe dọa tính mạng mẹ và thai nhi mà phải chấm dứt thai kỳ sớm.
Ngoài vấn đề sức khỏe, chi phí cho việc mổ đẻ với đẻ thường cũng khác nhau hoàn toàn. Nếu đẻ thường chỉ mất mấy trăm nghìn thì chi phí một cuộc mổ đẻ gấp cả chục lần. Đây là một trong những nguyên nhân đã góp phần làm gia tăng tỷ lệ đẻ mổ ở Việt Nam. "Xét về mặt kinh tế, một số BV tự chủ tài chính, họ sẽ chọn phương pháp mổ lấy thai để tăng nguồn thu. Ở một số nước, chi phí sinh thường và sinh mổ bằng nhau, nên không có chuyện lạm dụng đẻ mổ vì lý do kinh tế" - Giám đốc BV Phụ sản T.Ư Trần Danh Cường cho biết.
Công tác tư vấn của ngành sản khoa chưa thống nhất
Theo nghiên cứu của các bác sĩ BV Phụ sản T.Ư, tình trạng đẻ mổ đang có xu hướng gia tăng và đã có nhiều biến chứng xảy ra. Vì vậy, ngành sản khoa khuyến cáo các bác sĩ tuyệt đối không lạm dụng mổ lấy thai, nhất là đối với các sản phụ sinh con lần đầu.
Trong cuộc khảo sát mới đây ở 122 BV công và tư nhân, chọn ngẫu nhiên tại các nước Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Nepal, Philipines, Srilanca, Thái Lan và Việt Nam thì đứng đầu tỷ lệ mổ lấy thai là Trung Quốc với tỷ lệ 46%, tiếp đến là Việt Nam 36%.
Giám đốc BV Phụ sản T.Ư Trần Danh Cường cho hay, hiện nay Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức về tỷ lệ mổ lấy thai, nhưng ông cho biết, tỷ lệ này tùy theo từng BV. Tính trung bình tại TP Hồ Chí Minh khoảng 30%, ở BV Phụ sản T.Ư khoảng 50% nhưng có những BV con số này lên đến 60%. Phân tích vấn đề này, ông Cường cho biết, nếu ở Pháp thời gian sổ thai được tính cả tiếng đồng hồ nhưng tại Việt Nam thì quy định chỉ có 30 phút, nếu quá 30 phút không sổ thì bắt buộc phải mổ bắt con.
Trong số nhiều nguyên nhân, có những gia đình bố mẹ có tiền sử thai kỳ khó khăn nên họ chủ động chọn lựa việc mổ lấy thai vì nghĩ sẽ an toàn hơn cho em bé. "Gia đình không nắm được chuyên môn, họ chọn lựa phương pháp sinh nào chủ yếu là do tư vấn của bác sĩ sản khoa" - PGS Cường thẳng thắn nhận định. Theo ông Cường, nguyên nhân gia tăng tỷ lệ mổ lấy thai là do công tác tư vấn của ngành sản khoa chưa thống nhất khiến nhiều người vẫn hiểu mổ đẻ an toàn hơn cho cả mẹ và con. Nhưng thực tế, đẻ mổ có nhiều biến chứng hơn đẻ thường.
Khi đẻ mổ, sản phụ có một vết mổ cũ trên tử cung sẽ có nguy cơ bị tai biến trong lúc mang thai và chuyển dạ nhiều hơn trường hợp đẻ thường. Người nào mổ đẻ lần đầu, trong lần đẻ tiếp theo, thường họ cũng sẽ phải mổ lấy thai. Các bác sĩ khuyên người mẹ đã có hai lần mổ bắt con không được mang thai nữa vì nguy cơ vỡ tử cung trong lần mang thai sau rất cao.
Mổ đẻ có những tác dụng phụ như mất máu nhiều hơn sinh thường, tăng nguy cơ băng huyết sau sinh. Tử cung có sẹo mổ sẽ ảnh hưởng đến lần mang thai sau. Bất cứ một cuộc mổ nào vào trong ổ bụng cũng có nguy cơ dính các cấu trúc trong ổ bụng, xuất huyết nội, nhiễm trùng vết mổ. Hơn nữa, trẻ sinh mổ không được tiếp xúc với các vi khuẩn có lợi ở mẹ, nên chậm phát triển hệ miễn dịch, chậm hình thành các vi khuẩn đường ruột có ích. Ngoài ra, trẻ sinh mổ sẽ chậm hấp thu dịch phổi hơn so với trẻ sinh thường, dễ mắc các bệnh hô hấp hơn. Tiết sữa ở sản phụ sinh mổ sẽ chậm và ít hơn so với sản phụ sinh thường.
Bác sĩ Trần Trung Đạo - BV Phụ sản Hà Nội
Theo kinhtedothi
Sản phụ 102 kg sinh mổ khó do bụng quá dày Bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ phải rạch thành bụng rất dày của người mẹ mới tiếp cận được em bé khi mổ sinh. Nữ bệnh nhân 27 tuổi quê Bình Phước cấp cứu tại Bệnh viện Từ Dũ ngày 14/5 với thai 36 tuần, ối vỡ, chuyển dạ sinh non con so, tiền sản giật nặng. Quá trình chuyển dạ do đầu...