Xem cấu trúc đề thi Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014
Chủ trương đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014 đã được đưa ra cùng với quá trình xây dựng và hoàn thiện phương án thi.
Theo PGS Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT), chủ trương đổi mới này dựa trên định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá theo hướng chuyển dần từ đánh giá kiến thức sang đánh giá năng lực của HS theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
Chủ trương đổi mới này cũng được đề xuất trên cơ sở thực tiễn dạy học môn Ngữ văn trong các nhà trường, kế thừa những ưu điểm của hình thức thức ra câu hỏi định dạng theo đánh giá PISA đã được triển khai thành công ở nhiều trường THPT nước ta (thực tế cho thấy học sinh thích ứng nhanh với dạng câu hỏi này và đã đạt kết quả khá cao); dạng câu hỏi mở cũng đã được sử dụng trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ trong mấy năm gần đây – Ông Mai Văn Trinh nhấn mạnh.
Được biết, định hướng đổi mới kiểm tra, đánh giá các môn học nói chung, môn Ngữ văn nói riêng cũng đã được chỉ rõ trong văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2013 – 2014.
Với các câu hỏi được ra theo dạng “đề đóng” như lâu nay, tính tích hợp (giữa các phân môn Tiếng Việt, Làm văn, Văn học và liên môn) chưa cao. Các câu hỏi chủ yếu đánh giá học sinh (HS) ở hai mức nhận biết và thông hiểu, mức vận dụng hầu như chưa có.
Có 2/3 câu kiểm tra kiến thức về văn học, về những văn bản (VB) đã học trong chương trình và sách giáo khoa (SGK). Để làm bài, HS thường phải ghi nhớ máy móc nội dung của các bài học, học bài văn mẫu…
Như vậy, đề thi chưa giúp đánh giá được năng lực Ngữ văn của học sinh cuối cấp THPT.
Đề thi sẽ nâng cao dần yêu cầu qua từng năm và tập trung vào kiểm tra đánh giá 2 kĩ năng quan trọng mà HS cuối cấp THPT phải đạt đến độ thuần thục qua môn ngữ văn, đó là kĩ năng đọc hiểu và kĩ năng viết. Cụ thể là:
Kĩ năng đọc hiểu: Thực tế, năng lực đọc hiểu rất quan trọng đối với mỗi người. HS đã được rèn luyện và kiểm tra đánh giá kĩ năng đọc hiểu từ bậc Tiểu học.
Ở Tiểu học, trong các bài kiểm tra giữa kì, học kì, GV đã đưa vào đề thi những văn bản không có trong SGK. Ở THCS, THPT, đọc hiểu chiếm phần lớn lượng thời gian dạy học của môn Ngữ văn để đạt mục tiêu tốt nghiệp THPT, HS đã có khả năng đọc hiểu tốt.
Video đang HOT
Vì vậy, việc kiểm tra đánh giá kĩ năng đọc hiểu trong kì thi tốt nghiệp THPT là việc hoàn toàn bình thường và là yêu cầu bắt buộc.
Chủ trương đổi mới đề thi tốt nghiệp THPT 2014 tiếp tục được khẳng định trong công văn số 1656/BGDĐT-KTKĐCLGD về việc hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2014.
Trong đó nói rõ đề thi môn Ngữ văn có 2 phần: đọc hiểu và làm văn. Các câu hỏi yêu cầu học sinh sử dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp, vốn sống và hiểu biết xã hội để trả lời, không máy móc theo khuôn mẫu có sẵn.
Điểm mới chỉ là ở chỗ chuyển từ việc yêu cầu HS học thuộc lòng, ghi nhớ máy móc những nội dung đã đọc hiểu về những văn bản có trong SGK sang việc vận dụng kiến thức, kĩ năng đọc hiểu đã được hình thành, rèn luyện, phát triển vào việc đọc hiểu một hoặc một số văn bản không có trong SGK nhưng có cùng đặc điểm về thể loại, đề tài/chủ đề…
Cách kiểm tra này sẽ đánh giá khách quan và chính xác hơn năng lực đọc hiểu của HS; tránh được hiện tượng học tủ, học vẹt.
Kĩ năng viết: HS cũng đã được rèn luyện kĩ năng viết từ bậc Tiểu học. Đề thi của các năm trước rất coi trọng kĩ năng này (cả 3 câu trong đề thi đều yêu cầu HS trình bày bằng hình thức viết).
Đề thi mới vẫn coi trọng kĩ năng này. Hơn nữa, đề thi mới sẽ đưa vào những câu hỏi theo hướng “mở” và tích hợp kiến thức liên môn chứ không đưa ra những câu hỏi “đóng” (và cả đáp án “đóng”), yêu cầu HS ghi nhớ kiến thức và làm bài theo những khuôn mẫu có sẵn như trước.
Cách làm mới cho phép HS bộc lộ những suy nghĩ riêng, sáng tạo của bản thân; vận dụng những gì đã học để giải quyết một vấn đề cụ thể của đời sống hoặc văn học một cách sáng tạo và độc lập nhằm đánh giá đúng năng lực viết của các em.
Đề thi và kiểm tra môn Ngữ văn trong vài năm gần đây đã bắt đầu đổi mới theo hướng này.
Theo TTVN
Mù mờ cấu trúc đề thi
Hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2014 với nhiều thay đổi quan trọng về lịch, thời gian, quyền tự chọn môn đã khiến nhiều giáo viên băn khoăn.
Bên cạnh sự khích lệ, ủng hộ việc đổi mới theo hướng giảm tải của Bộ GD-ĐT, các thầy cô giáo cũng chỉ ra những vướng mắc, khó khăn từ các quy định mới này như việc tổ chức hội đồng thi, tổ chức giám thị, giờ thi, việc chọn môn...
Học sinh lớp 12 trường THPT Marie Curie, quận 3, TP.HCM ghi vào giấy đăng ký môn thi tốt nghiệp năm 2014.
Bớt thời gian, thêm áp lực
Nếu nhìn qua lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2014 với tám môn trong 2,5 ngày, ai cũng thấy học sinh được lựa chọn môn thi, giảm môn thi, áp lực thành tích theo đó cũng giảm bớt. Thời gian thi vơi được nửa ngày cho giáo viên và học sinh so với các năm học trước đó. Nhưng ngẫm kỹ lại, chúng ta không khỏi cảm thấy băn khoăn.
Trước tiên là số môn thi, thay vì chỉ chuẩn bị nhân lực, vật lực để ra đề, coi thi, chấm thi cho sáu môn, giờ đây các bộ phận chức năng phải huy động thêm lực lượng, đội ngũ nhà giáo, nhân viên cho hai môn nữa. Kinh phí cho công tác này chắc chắn sẽ đội lên nhiều hơn. Ngoài hai buổi chỉ thi một môn, hội đồng thi phải chuẩn bị cho hai môn thi trong các buổi còn lại. Khoảng cách thời gian chuẩn bị giữa hai môn thi không nhiều khiến áp lực vốn không nhỏ đối với giám thị trong công tác tổ chức và coi thi càng tăng. Đây lại là lần đầu tiên tổ chức thi như thế này nên ắt không tránh khỏi sai sót. Và các thầy cô chính là những người chịu ảnh hưởng đầu tiên.
Bên cạnh đó, với thời gian thi như lịch ấn định từ 8h-17h15 mỗi ngày, các thầy cô giáo vẫn cứ phải đến hội đồng thi từ rất sớm, và chắc chắn ra về khi trời đã... tối mịt vì sau khi kết thúc môn thi, các thầy cô sẽ phải mất hàng giờ nữa cho các thủ tục nộp bài. Giáo viên ở thành phố mà ra về lúc tan tầm như trên sẽ phải chịu đựng thêm những chặng đường kẹt xe nữa khi trở về nhà. Thầy cô tại vùng sâu vùng xa chắc còn khó khăn hơn. Coi thi cả ngày, các thầy cô đã căng thẳng lắm rồi...
Nhìn vào lịch thi, các thầy cô dạy môn lịch sử sẽ thêm một lần lắc đầu ngao ngán. Xếp lịch thi như thế có khác gì việc tạo cơ hội cho các em... không đăng ký thi môn này. Buổi thi chiều 2/6 chắc chắn các em học sinh sẽ chọn thi môn Vật lý vì vừa dễ học, vừa được nghỉ ngơi buổi trưa, có thời gian ôn bài. Cả hội đồng thi đông đảo hàng trăm giám thị vẫn phải làm việc cho vài chục thí sinh thi môn lịch sử. Lãng phí là điều không thể tránh khỏi trong trường hợp này.
Cứ đến các kỳ thi quốc gia hằng năm, cả xã hội lại cùng quan tâm và trông đợi những đổi mới tích cực. Làm thế nào để kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ là một đợt kiểm tra định kỳ nhẹ nhàng và nghiêm túc, không kèm theo thành tích, không sinh thêm áp lực và đơn giản, tiết kiệm vẫn là một mong ước đau đáu của người dân và cả những người đứng trên bục giảng.
Cuộc chơi bắt đầu mà luật chơi chưa có!
Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học năm nay có nhiều thay đổi môn thi, thời gian thi. Mục đích của Bộ GD-ĐT là muốn giảm áp lực thi cử, làm cho việc thi cử trở nên nhẹ nhàng và hợp lý hơn. Nhưng có những vấn đề bất cập làm cho giáo viên và học sinh "vắt chân lên cổ" chạy mà vẫn không kịp.
Về môn thi, trong tương lai hai môn văn, toán nên trở thành bắt buộc cho tất cả khối thi là điều hoàn toàn đúng. Đại học Kiến trúc đã làm văn bản xin bộ thay đổi môn Lý thành môn Văn đã ba năm nhưng bộ không đồng ý. Nhưng ngay trong năm nay khi kỳ thi đại học chỉ còn ba tháng nữa là bắt đầu mà các thí sinh thi vào đại học Kiến trúc khối V1 đã chuẩn bị tinh thần thi môn Vật lý bỗng dưng đổi thành Ngữ văn là rất cập rập, bởi thông thường các em định hướng môn thi từ lớp 11. Những em đang học lớp 12 năm nay đã khổ nhưng những em tốt nghiệp phổ thông cách đây vài năm còn khổ hơn nháo nhào học, vừa học vừa run... vì thời gian quá ngắn, chưa kịp chuẩn bị kiến thức.
Về thời gian thi, những năm trước hai môn Văn, Toán thời lượng thi 150 phút, năm nay đổi lại 120 phút. Thoạt nhìn cứ nghĩ bớt thời lượng sẽ bớt câu, điều này có lẽ đúng với môn tự nhiên. Nhưng môn Văn không đơn giản như vậy bởi liên quan đến cấu trúc đề thi. Những năm trước cấu trúc đề thi gồm câu 2 điểm tái hiện kiến thức về giai đoạn văn học, tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam; câu 3 điểm vận dụng kiến thức xã hội và đời sống để viết bài nghị luận xã hội ngắn; câu 5 điểm vận dụng khả năng đọc - hiểu về kiến thức văn học để viết bài nghị luận văn học.
Liệu năm nay có thay đổi hay không khi thời gian thi thay đổi? Bởi cấu trúc đề thi thay đổi sẽ dẫn tới cách dạy của giáo viên và cách học của học sinh sẽ thay đổi. Thế nhưng đến giờ phút này Bộ GD-ĐT vẫn chưa công bố cụ thể về cấu trúc đề thi năm nay như thế nào. "Cuộc chơi đã bắt đầu mà luật chơi chưa có". Người học và người dạy vẫn trong trạng thái mù mờ và liệu đề thi đại học sắp tới có thay đổi không? 150 phút hay vẫn 180 phút? Hai câu hay vẫn ba câu như những năm trước? Sắp đến ngày thi rồi! Xin lãnh đạo bộ công bố sớm.
Những chủ trương chính sách, quy định, quy chế của bộ năm nay công bố quá trễ ảnh hưởng đến người dạy, người học rất nhiều. Cũng không nên tất cả chủ trương, giải pháp đều đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, nhiều lúc trở nên rối mù chín người mười ý mà có những lúc cần thể hiện trách nhiệm và bản lĩnh của người quản lý. Năm 2015 chắc chắn sẽ nhiều thay đổi, mong bộ công bố sớm ngay từ đầu năm học.
Đừng để nước tới chân mới nhảy
Bộ GD-ĐT vừa ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT, trong đó có nội dung thay đổi thời gian thi môn ngữ văn từ 150 phút còn lại 120 phút.
Cấu trúc đề thi môn ngữ văn từ năm 2008-2009 đến năm học 2013-2014 đã ổn định với ba phần thi (trong thời gian 150 phút). Trong đó, câu 1 kiểm tra kiến thức văn học (2 điểm). Câu 2 nghị luận xã hội (3 điểm). Câu 3 nghị luận văn học (5 điểm). Như vậy trong 150 phút học sinh phải viết hai bài văn và trả lời một câu hỏi ngắn. Đây là khoảng thời gian làm bài phù hợp với cấu trúc đề thi nêu trên.
Vì là môn học đương nhiên phải thi tốt nghiệp nên giáo viên dạy ngữ văn khối 12 từ đầu năm học đã phải vừa dạy vừa xin thêm tiết để ôn tập theo cấu trúc đề thi, nhằm giảm thiểu áp lực cho học sinh vào cuối năm học. Giáo viên cứ đinh ninh mọi việc vẫn như cũ nên cứ "đều đều" ôn tập theo cấu trúc đề thi vốn đã ổn định từ trước.
Khi bộ chính thức thay đổi thời gian thi môn ngữ văn từ 150 phút còn 120 phút, đồng nghĩa với việc sẽ phải thay đổi cấu trúc đề thi ở môn học này, vì trên thực tế 120 phút không thể viết nổi hai bài văn và một câu tự luận ngắn được. Nhưng cho đến nay bộ mới chỉ thống nhất việc thay đổi thời gian thi nhưng chưa thống nhất việc thay đổi cấu trúc đề thi. Đây sẽ là một khó khăn không nhỏ trong việc ôn thi của giáo viên dạy ngữ văn khối 12 hiện nay. Bởi lẽ khi ôn tập cho học sinh, giáo viên luôn dựa vào cấu trúc của đề thi để xây dựng kế hoạch ôn thi phù hợp, tránh việc ôn tập tràn lan thiếu trọng tâm, trọng điểm.
Chúng tôi vẫn hoan nghênh những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Tuy nhiên mọi sự thay đổi đều cần được thực hiện một cách đồng bộ, đặc biệt cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để giáo viên và học sinh không phải ngỡ ngàng. Ai từng tham gia công tác ôn tập thi tốt nghiệp mới thấu hiểu được sự nhọc nhằn, gian khó đè nặng lên vai với bao trách nhiệm đối với học sinh, phụ huynh, với trường, với sở.
Chúng tôi khẩn xin bộ đừng để nước tới chân mới nhảy như thế!
Theo Tuổi Trẻ
Đổi mới kiểm tra, đánh giá chất lượng học tập môn Ngữ văn ở cấp THPT Kiểm tra, đánh giá (KTĐG) chất lượng học tập là một khâu quan trọng trong quá trình dạy học (DH) ở nhà trường phổ thông, giúp đánh giá năng lực (NL) người học và điều chỉnh phương pháp dạy học (PPDH). Thực hiện nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29/NQ-TW, ngày 6/3/2014 Bộ GD&ĐT đã ban...