Xe tăng, tàu chiến Syria đàn áp người biểu tình
Hàng loạt xe tăng và tàu chiến Syria hôm qua (14/8) đã oanh tạc dữ dội thành phố cảng Latakia ở ven biển Địa Trung Hải khiến 26 người thiệt mạng. Các nhóm nhân quyền và người dân Syria cáo buộc, Tổng thống Bashar al-Assad đã thực hiện một cuộc tổng tiến công từ mặt đất kết hợp với trên biển nhằm đàn áp các cuộc biểu tình chống lại chính quyền của ông này.
Kể từ đầu tháng ăn chay Ramadan bắt đầu từ ngày 1/8, các lực lượng trung thành với ông Assad đã tăng cường chiến dịch đàn áp những cuộc biểu tình đòi tự do chính trị và chấm dứt chính quyền 41 năm tuổi của gia đình Assad.
“Tôi có thể nhìn thấy bóng của hai chiếc tàu chiến màu xám. Chúng đang bắn súng và đạn đang rơi xuống hai khu vực là al-Raml al-Filistini và al-Shaab”, một nhân chứng cho Reuters biết qua điện thoại từ Latakia. Nếu thông tin này được xác nhận thì đây là lần đầu tiên Syria triển khai tàu chiến để đàn áp người biểu tình. Hàng loạt xe tăng và xe bọc thép đã được triển khai ở thành phố Latakia từ cách đây 3 tháng.
“Hôm qua chứng kiến cuộc tấn công mạnh mẽ nhất vào Latakia kể từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra. Bất kỳ ai ló đầu ra ngoài cửa sổ đều có nguy cơ bị trúng đạn. Họ muốn chấm dứt các cuộc biểu tình mãi mãi”, nhân chứng trên cho biết thêm.
Video đang HOT
Theo nhiều nguồn tin, tàu chiến và xe tăng Syria đã dùng súng máy nã đạn liên tiếp vào khu vực phía nam thành phố Latakia. Ngoài 26 người thiệt mạng còn có 10 người khác bị thương. Tổ chức Nhân quyền Quốc gia Syria cho biết, họ có đầy đủ tên của tất cả 26 người thiệt mạng trong cuộc đàn áp mới nhất của quân đội Syria, trong đó có một bé gái 2 tuổi tên là Ola al-Jablawi. Trước đó, các lực lượng an ninh được cho là cũng đã bắn chết 20 người trong các cuộc biểu tình rậm rộ trên khắp cả nước hôm 12/8.
Hãng thông tấn chính thức Syria – SANA đã lên tiếng phủ nhận việc quân đội nước này đã dùng tàu chiến đàn áp người biểu tình. SANA đưa tin, hai cảnh sát và 4 người đàn ông có vũ trang chưa được xác định danh tính đã thiệt mạng khi “lực lượng bảo vệ trật tự truy bắt những tay súng khủng bố người dân “.
Hiện tại, các cuộc đàn áp người biểu tình ở Syria đang vấp phải sự chỉ trích gay gắt của cộng đồng quốc tế. Nhiều nước đã thực thi các biện trừng phạt với Syria.
Theo VNMedia
"Bó tay" trước làn sóng bạo lực gia tăng
Một cuộc đấu súng nổ ra trong trạm cảnh sát, sau đó khoảng 80 tù nhân lao ra khỏi trạm cảnh sát, một số chỉ mặc quần áo lót, một số mang theo súng, dao rựa và thậm chí cả những bình cứu hỏa... trong khi cảnh sát thì bỏ chạy.
Ba tháng sau khi ông Hosni Mubarak bị lật đổ, một làn sóng tội phạm ở Ai Cập đang nổi lên, đe dọa quá trình chuyển giao dân chủ ở đất nước này. Các nhà chính trị, thương gia, nhà hoạt động nhân quyền lo ngại rằng tình trạng rối loạn gia tăng, từ những vụ xung đột phe phái cho đến những vụ phá rối, đang làm cản trở quá trình phục hồi kinh tế của đất nước này, và nguy hiểm hơn nữa sẽ dẫn đến một cuộc đàn áp mới.
Đã có ít nhất 5 vụ vượt ngục tập thể diễn ra ở Cairo trong hai tuần qua, và trong số đó, 3 vụ diễn ra thành công. Những vụ vượt ngục lẻ tẻ khác diễn ra hàng ngày. Trên các trang báo tràn ngập tin tức về đụng độ giữa người Hồi giáo và người Cơ đốc giáo khiến 12 người thiệt mạng và hai nhà thờ bị cháy; bắt cóc tống tiền cháu gái của Tổng thống Anwar el-Sadat; các cổ động viên bóng đá lao xuống sân vận động đánh đập các cầu thủ của đội bóng đối phương trong khi cảnh sát "bỏ trốn"; gây rối đám đông ở ngoại ô Maadi khiến một cảnh sát giao thông phải nhập viện; và bắt cóc cảnh sát ở Sinai... Ông Mohamed ELBaradei, cựu Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, ứng cử viên Tổng thống, nhận xét: "Mọi thứ thực sự đang trở lên tồi tệ hơn. Cảnh sát và quân đội thì không biết ở đâu?"
Một phần của câu trả lời là ở chính hệ quả của cuộc cách mạng. Cơn thịnh nộ của quần chúng đối với sự ngược đãi của cảnh sát đã làm bùng lên sự phản kháng, đập phá hủy hoại một số đồn cảnh sát. Trong một nỗ lực nhằm khôi phục lòng tin của quần chúng sau vụ bạo động phe phái cuối tuần qua, Hội đồng Quân sự đang điều hành đất nước đã tuyên bố rằng, 190 người có liên quan sẽ bị đưa ra tòa án quân sự.
Trong một động thái khác, Thủ tướng Essam Sharaf đã nhắc lại tuyên bố trước đó, ủng hộ lực lượng cảnh sát sử dụng tất cả những biện pháp hợp pháp, kể cả sử dụng vũ lực, để bảo vệ mình và các đồn cảnh sát hoặc các địa điểm tôn giáo. Tuyên bố này được xem là bất bình thường, lần đầu tiên một Chính phủ tuyên bố hoàn toàn ủng hộ lực lượng cảnh sát. Điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề.
Các quan chức Bộ Nội vụ cho biết, chính việc phá hoại những đồn cảnh sát cũng góp phần dẫn đến tình trạng lộn xộn này. Những đồn cảnh sát còn lại đã trở lên quá tải khi phải chứa thêm tù nhân từ các cơ sở khác. Trong số 80 tù nhân trốn khỏi đồn cảnh sát trong vụ vừa qua đã có 60 tù nhân bị bắt lại và đưa đến giam ở một đồn cảnh sát khác. Ông Bộ trưởng Nội vụ mới Mansour el-Essawy, nhận xét rằng, tình trạng vô trật tự là một hệ quả tất yếu của cuộc cách mạng.
Trong số 24.000 tù nhân trốn thoát khỏi các nhà tù trong cuộc cách mạng vừa qua hiện vẫn còn 8.400 tù nhân đang sống ngoài vòng pháp luật, 6.600 vũ khí đã bị đánh cắp từ các kho vũ khí của Chính phủ vẫn chưa được thu hồi. Hơn nữa, sau cuộc cách mạng, nhiều quan chức cảnh sát đang phàn nàn một cách chính đáng về thời gian làm việc và lương thấp. Hiện họ đang phải làm việc 16 giờ mỗi ngày. Vì vậy, Bộ Nội vụ đã cắt giảm giờ làm việc của các quan chức cảnh sát, kết quả là số nhân viên làm nhiệm vụ cũng giảm. Trong khi đó, việc tuyển nhân viên mới cũng trở lên khó khăn hơn do uy tín của lực lượng suy giảm khiến cho nhiều người không muốn tham gia lực lượng cảnh sát.
Nhiều người Ai Cập cho rằng, lực lượng cảnh sát chỉ biết một biện pháp duy nhất chống tội phạm là sự tàn bạo và tra tấn. Họ hiện đang phải chứng kiến lãnh đạo của họ, cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib el-Adly đang phải thi hành án 12 năm tù vì tội tham nhũng và sẽ phải đối mặt với những cáo buộc khác có liên quan đến hành vi giết người. Hàng chục quan chức cảnh sát khác đang phải ngồi trong nhà giam do vai trò khác nhau trong những cuộc đàn áp biểu tình. "Họ đối xử với con người như những con vật, vì vậy hãy tưởng tượng giờ đây những con vật đứng lên, thách thức họ và làm họ bẽ mặt", cựu quan chức cảnh sát Mahmoud Qutri nhận xét. Tình trạng tội phạm đang tăng mạnh, trái ngược hẳn với trước đây khi mà tội phạm đường phố ít khi xảy ra.
Theo ANTD
Đeo mác 'an ninh' là có quyền đánh người? Liên quan đến nhiều vụ việc người dân, khách hàng tố bị bảo vệ hành hung gần đây, dư luận khá bức xúc rằng, liệu quyền hạn của người bảo vệ đến đâu để có thể thẳng tay "đàn áp" dù chuyện chưa phân rõ trắng đen? Vụ bảo vệ quán cơm đánh người dã man gây bức xúc dư luận trong một...