“Xé rào” thu tiền trường!
Từ ngày 12/9, các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT trong cả nước mới bắt đầu thu các khoản tiền trường đầu năm học 2012-2013. Sự “yên ắng bất thường” này là bởi theo phân cấp, UBND, Sở GDĐT các tỉnh sẽ quyết định mức học phí và các khoản thu tiền trường.
Tự nguyện kiểu… bắt buộc!
Tuy nhiên, khi thông tin tiền trường được công khai ở các tỉnh, hầu hết phụ huynh đều hoài nghi về việc các trường có áp dụng đúng hay không, bởi ngay khi chưa có quy định, phụ huynh đã “tiên liệu” những khoản phải đóng sẽ cao hơn rất nhiều.
Cụ thể, tại Hà Nội, ngày 12/9, Sở GD ĐT Hà Nội có văn bản hướng dẫn quy định tạm thời mức trần cho các khoản thu thỏa thuận trong các trường. Theo đó, mức thu thỏa thuận cao nhất mỗi khoản không quá 150.000 đồng.
Giờ học môn địa lý tại Trường THCS Lê Lợi (Đà Nẵng)
Các khoản cụ thể như sau: Tiền chăm sóc bán trú, trang thiết bị phục vụ bán trú cho 3 cấp mầm non, tiểu học, THCS không quá 150.000 đồng/tháng/học sinh tiền học 2 buổi/ngày không quá 100.000 đồng/tháng/học sinh với cấp tiểu học và không quá 150.000 đồng/tháng/học sinh đối với cấp THCS tiền nước uống tinh khiết cho học sinh không quá 12.000 đồng/tháng/học sinh…
Văn bản ký còn chưa ráo mực thì trước đó, một số trường (chủ yếu là trường mầm non) đã thu các khoản “hỗ trợ bán trú” với mức trên 200.000 đồng. Chị Bùi Thị N có con trai học Trường Mầm non Viên Sơn (TX. Sơn Tây, Hà Nội) cho biết, ngay từ đầu năm học trường đã thu khoản tiền 200.000 đồng/học sinh để lắp máy điều hòa nhiệt độ. Khoản tiền này không những vượt mức quy định của Sở GDĐT Hà Nội, mà còn vi phạm Quyết định 6890 của Bộ GDĐT về việc các khoản thu tự nguyện phải có sự đồng thuận của phụ huynh.
Tương tự, chị Bùi Thu Thủy, có con trai học lớp 3, Trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Nội) cho biết, riêng tiền hội phụ huynh mà chị phải đóng cho con là 900.000 đồng/học kỳ (1,8 triệu đồng/năm). “Con số này gấp hơn 10 lần con số tối đa cho phép về khoản thu thỏa thuận, nhưng tôi tin chắc rằng năm nay mức đóng vẫn thế, có khi còn cao hơn”- chị Thủy nói.
Video đang HOT
Tại Nghệ An, ông Nguyễn Trọng Hoàn – Phó Chánh văn phòng Sở GDĐT Nghệ An cho biết, tỉnh này vẫn chưa quyết định được mức học phí và khoản thu, nên vẫn thu như năm học cũ. Ví dụ như học phí đối với cấp học mầm non là từ 390.000-540.000 đồng/trẻ (mẫu giáo, nhà trẻ) đối với thành phố và 240.000 đồng/trẻ đối với khu vực nông thôn (bao gồm cả tiền bán trú).
Tuy nhiên, anh Nguyễn Đức Bàng, ngụ tại phố Mai Hắc Đế (TP.Vinh) cho biết, mức đóng của anh cho 2 con nhỏ đang học nhà trẻ, mẫu giáo là khoảng 1 triệu đồng/trẻ, chứ không có mức từ 390.000-540.000 như hướng dẫn của Sở.
Thu trước, giải thích sau
Ngày 13/9, ông Hà Quang Minh – Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính Sở GDĐT tỉnh Quảng Nam cho biết, Sở đang chỉ đạo các phòng GDĐT phải cho các trường tổ chức họp phụ huynh giải thích cụ thể các khoản thu rồi mới tiến hành thu. Thế nhưng từ một tháng trước, hàng loạt các trường trên địa bàn đã tổ chức thu tiền trường và chưa hề có sự giải thích với phụ huynh.
Chẳng hạn, Trường THCS Kim Đồng (TX. Hội An, Quảng Nam) đã thu tiền của phụ huynh, riêng đối với khối 6, xấp xỉ 1 triệu đồng/học sinh, từ giữa tháng 8, khi mà tiếng trống khai giảng còn hơn nửa tháng nữa mới vang lên.
Ông Lê Trung Chinh – Giám đốc Sở GDĐT Đà Nẵng cho biết, năm học mới 2012 – 2013, Đà Nẵng sẽ kiểm tra nghiêm các khoản thu đầu năm, trường nào vi phạm sẽ bị xử lý nặng. Ông Chinh cho biết thêm, Sở đặc biệt nghiêm cấm các đơn vị, trường học vận động phụ huynh mua sắm trang thiết bị như ti vi, máy điều hòa…
Tại Tam Kỳ, một số trường thu tiền của phụ huynh vội vàng đến mức chưa có biên lai thu tiền để giao cho phụ huynh. Một phụ huynh Trường THCS Lý Tự Trọng, TP. Tam Kỳ, than phiền có quá nhiều khoản phải nộp, trong đó có những khoản năm nay mới thấy: Tiền vệ sinh xung quanh khu vực trường (20.000 đồng/học sinh), tiền vệ sinh trong lớp học (65.000 đồng/học sinh), tiền giấy thi, giấy kiểm tra 1 tiết (75.000 đồng/học sinh)…
Tại Đà Nẵng, ngay từ tháng 8, UBND thành phố đã công bố mức thu học phí cụ thể cho từng bậc học theo từng vùng. Mức thu năm nay tăng so với năm ngoái dù đã giảm bỏ một số khoản thu như in sao đề thi, học phí tiếng Anh, tin học, buổi học thứ 2, dịch vụ vệ sinh…
Cũng như mọi năm, việc không ngừng tăng mức thu đã làm bộ phận lớn phụ huynh than thở. Chị Đinh Thị Bé có con đang theo học lớp 5 Trường Tiểu học Ngô Mây (phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà), cho biết, ngay từ tháng 8, khi đến nhận lớp cho con, chị đã phải đóng 170.000 đồng tiền “đặt chỗ” cho con theo học bán trú. Sau khai giảng, chị đóng thêm hơn 200.000 đồng tiền đầu năm và hiện chị đang cầm trên tay bảng thông báo các khoản thu khác chừng 800.000 đồng nữa.
“Lao động phổ thông như gia đình tôi mà đầu năm học đóng gần 1,5 triệu đồng cho con thiệt là nan giải. “May” là năm ngoái, các khoản tiền mua tivi, mua sắm vật dụng cho phòng học đã được đóng, chứ dồn hết vô năm nay thì chắc…chết”- chị Bé than thở.
Theo dân việt
Đặt mức trần cho khoản thu thỏa thuận
Với nỗ lực hạn chế tiêu cực trong các khoản thu ở trường học, Hà Nội đã đưa ra mức trần đối với khoản thu thỏa thuận. Đồng thời với khoản thu tự nguyện, mọi hình thức ép buộc hay bình quân hóa mức đóng góp của phụ huynh cũng là vi phạm pháp luật.
Thu thỏa thuận không quá 150.000 đồng
Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ cho biết, căn cứ vào nhu cầu thực tế từ các cơ quan quản lý giáo dục quận, huyện và một số cơ sở giáo dục công lập, Sở đã chính thức đưa ra hướng dẫn thực hiện các khoản thu khác ngoài học phí trong trường công lập.
Như vậy trong năm học này, các trường công lập sẽ được thu thành 3 khoản ngoài học phí theo quy định của thành phố bao gồm thu hộ, thu thoả thuận và thu tự nguyện.
Ngoài tiền ăn hàng ngày với học sinh bán trú thì các trường công lập chỉ được thu không quá 150.000/học sinh/tháng
Điểm mới đáng chú ý về quy định thu chi năm nay so với các năm học trước của Hà Nội, theo bà Nguyễn Ngọc Diệp, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT là việc đưa ra mức trần quy định các khoản thu thỏa thuận đối với các trường học để căn cứ vào đó, tùy tình hình thực tế, các trường sẽ đưa ra mức thu riêng. "Đây là những khoản thu đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh trong công tác nuôi dạy học sinh.
Các trường có văn bản thỏa thuận tới từng cha mẹ học sinh về nội dung chi, mức thu với nguyên tắc thu đủ chi trên tinh thần tự nguyện và có sự thống nhất trong ban giám hiệu nhà trường" - bà Nguyễn Ngọc Diệp cho biết.
Theo đó, ngoài tiền ăn hàng ngày với học sinh bán trú là do thỏa thuận với cha mẹ học sinh thì các trường công lập chỉ được thu không quá 150.000 đồng/học sinh/tháng ở các bậc học từ mầm non tới THCS đối với tiền chăm sóc bán trú nhằm bồi dưỡng cho người trực tiếp chăm sóc, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ công tác bán trú.
Trang thiết bị phục vụ bán trú như giường chiếu, chăn, khăn mặt, bát đĩa... không được thu quá 150.000 đồng/học sinh/năm học. Với học sinh học 2 buổi/ngày, mức trần ở bậc tiểu học là 100.000 đồng/tháng và THCS là 150.000 đồng/tháng. Đây là khoản thu cho việc bồi dưỡng giáo viên trực tiếp tham gia dạy 2 buổi/ngày, bồi dưỡng cán bộ quản lý, tăng cường cơ sở vật chất, điện nước, vệ sinh... phục phụ hoạt động học 2 buổi/ngày. Riêng bậc mầm non có thêm khoản thu học phẩm là vở, học liệu giúp trẻ tham gia các hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non mới với mức trần là 150.000 đồng/trẻ/năm học.
Thu tự nguyện - ép buộc hay chia bình quân đều vi phạm
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa đáp ứng hết các nhu cầu nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy và học của các trường, giải pháp đặt ra chính là việc huy động nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh.
"Giải pháp này chỉ thực sự có ý nghĩa khi được sự nhất trí trên tinh thần tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp. Ép buộc theo bất kỳ hình thức nào hay bình quân hóa mức đóng góp đối với phụ huynh học sinh là vi phạm pháp luật" - Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết.
Để các khoản thu này phục vụ đúng mục đích và tính chất, Sở GD-ĐT Hà Nội yêu cầu các trường cần lập kế hoạch công việc và dự trù kinh phí chi tiết trước khi vận động thu. Các trường sẽ phải niêm yết công khai ít nhất một tuần để tiếp thu các ý kiến đóng góp. Ngoài ra, để tăng cường sự quản lý, tránh phát sinh các khoản thu không hợp lý, Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường chỉ được tiến hành vận động sau khi báo cáo và có được sự đồng ý của cơ quan quản lý trực tiếp.
Đối với việc thu và sử dụng khoản thu tự nguyện, các trường bị nghiêm cấm việc đưa ra các khoản đóng góp như điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục và không được quy định mức đóng góp cụ thể để ép buộc các đối tượng tham gia đóng góp. Bên đóng góp cũng không được gắn bất cứ điều kiện ràng buộc nào về quyền lợi trong việc thụ hưởng dịch vụ giáo dục hoặc quyền khai thác lợi ích kinh tế phát sinh từ tài sản, kinh phí đóng góp cho nhà trường.
Cũng theo yêu cầu của Sở GD-ĐT, các khoản thu ngoài học phí phải được hạch toán riêng theo từng khoản thu, không được dùng khoản thu này để điều chuyển hoặc chi cho nội dung, mục đích khác.
Theo ANTĐ
Hà Nội: Trường học "lao đao" vì sự cố mất nguồn nước Sự cố đường ống nước bị vỡ đã làm cho nhiều trường học ở địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) rơi vào cảnh "lao đao". Trường nào có bể ngầm thì phải sử dụng nước tiết kiệm tối đa, còng thì đành phải "đóng cửa". Gần cuối giờ chiều nay 7/2, Trường mầm non Lý Thái Tổ 2 vẫn ở tình trạng...