Xe đưa đón trên thế giới ngăn chặn việc bỏ quên học sinh ra sao
Từ vụ bé 6 tuổi tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh của trường quốc tế Gateway (Hà Nội), nhiều người thắc mắc về cách vận hành và độ an toàn của loại phương tiện này.
Đau lòng, xót thương, bức xúc, đòi làm rõ sự việc… là phản ứng của nhiều người trước trường hợp bé L.H.L. (6 tuổi, học sinh lớp 1 trường Gateway) tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường.
Anh Lê Văn Sơn, bố cháu bé, cho biết trên xe đưa đón đều có giáo viên và tài xế. “Không hiểu vì sao họ lại bỏ quên con tôi”, người đàn ông đau đớn nói.
Việc học sinh bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường do sự bất cẩn từ người lớn chỉ là một trong số những nguy hiểm có thể xảy đến với trẻ em khi di chuyển bằng phương tiện này ở bất cứ nước nào trên thế giới.
Xe buýt đưa đón học sinh được cho là phương tiện an toàn, tập trung nhất, nhưng những mối nguy hiểm tiềm ẩn vẫn tồn tại. Ảnh: AP.
“Hệ thống kiểm tra trẻ em”
Không có số liệu thống kê chính xác về mức độ thường xuyên xảy ra các trường hợp học sinh bị bỏ lại trên xe buýt trường học. Tuy nhiên, ở Ohio, Mỹ, 2 sự cố từng liên tiếp diễn ra chỉ trong vòng một tuần.
Theo Hiệp hội Xe buýt trường học Mỹ (ASBC), khoảng 25 triệu trẻ em ở xứ sở cờ hoa – tức hơn một nửa số học sinh của nước này – đi xe buýt đến trường mỗi ngày. Bởi vậy, những chiếc xe buýt lớn, màu vàng được xem là biểu tượng của hệ thống giáo dục Mỹ.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh, trong những năm qua, nhiều đơn vị quản lý xe buýt trường học ở quốc gia này đã đề ra giải pháp cho vấn đề.
Học khu( hay khu học chính – nơi tập trung các trường trung học và tiểu học công cộng địa phương) Bay, có trụ sở tại thành phố Panama, bang Florida, yêu cầu tài xế xe buýt kiểm tra từng chỗ ngồi ở cuối mỗi tuyến để đảm bảo không học sinh nào bị bỏ lại trên xe.
Khu học chính Olympia (tọa lạc ở bang Washington) cho cài đặt báo động trên tất cả xe buýt của trường sau khi một học sinh mẫu giáo bị bỏ lại trên xe hơn một tiếng vào tháng 11/2018 do tài xế và người quản lý xe không đi kiểm tra ở cuối chuyến.
“Không hoàn thành quy trình kiểm tra là điều không thể chấp nhận được”, đại diện học khu tuyên bố.
Sau vụ việc, khu học chính Olympia cũng kịp thời đào tạo lại 76 tài xế, 17 nhân viên giám sát xe buýt và 4 thợ máy.
Vào cuối năm 2018, 10% xe buýt của học khu được lắp thiết bị báo động điện tử. Nếu người lái xe không hoàn thành quy trình kiểm tra xe buýt cần thiết sau khi đưa học sinh tới trường, chuông sẽ vang lên.
Nhiều xe buýt trường hợp được lắp đặt “hệ thống kiểm tra trẻ em” để đảm bảo an toàn cho học sinh. Ảnh: Whittier Daily News.
Từ năm 2016, chính phủ Australia bắt đầu tìm kiếm, nghiên cứu công nghệ mới sau hàng loạt vụ trẻ em tử vong vì bị bỏ quên trên xe buýt của trường.
Theo The Age, từ đầu năm 2018, hơn 440 xe buýt trường học tại bang Victoria được trang bị các thiết bị quét hành khách trên xe hay còn gọi là “hệ thống kiểm tra trẻ em”.
Công nghệ này yêu cầu tài xế và người giám sát đi ra phía sau xe buýt và quét đầu đọc thẻ sau khi kiểm tra xong khu vực cửa học sinh xuống để đi vào trường.
Thiết bị cũng quét thông tin học sinh lên, xuống mà phụ huynh và nhà trường có thể truy cập dữ liệu này.
Một số nhà cung cấp xe buýt cũng triển khai công nghệ cho phép phụ huynh và giáo viên nhìn thấy vị trí chính xác của xe buýt khi học sinh được đưa đến và rời trường.
Tại châu Á, chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) cũng cho lắp đặt hệ thống “kiểm tra trẻ em đang ngủ” trên 53 xe buýt của các trường tiểu học công lập trên địa bàn từ tháng 8/2018.
“Khu vực nguy hiểm” xung quanh xe buýt
Xe đưa đón học sinh vốn được đánh giá là phương tiện giao thông an toàn, tập trung nhất ở Mỹ. Tuy nhiên, giống như mọi phương tiện giao thông đường bộ khác, tai nạn liên quan đến xe buýt đưa đón học sinh là không thể tránh khỏi, theo Stanford Childrens.
Mỗi năm, khoảng 17.000 trẻ em Mỹ phải nhập viện vì các chấn thương liên quan đến xe buýt trường học.
Trẻ em có thể gặp nạn khi đang ngồi trên xe, lên hoặc xuống xe hoặc đứng gần xe buýt.
Theo báo cáo năm 2006 của Trung tâm Đổi mới trong Thực hành Nhi khoa (CIPP) ở Ohio, Mỹ, hơn 40% chấn thương liên quan đến xe buýt đưa đón học sinh là do tai nạn.
Tuy nhiên, nhờ thiết kế của xe buýt, hầu hết thương tích được coi là nhẹ như bong gân, trầy xước hoặc bầm tím, theo Cục Quản lý An toàn Giao thông (NHTSA).
Xe buýt đưa đón học sinh được xem là phương tiện giao thông an toàn nhất ở Mỹ. Ảnh: Safety.
Cũng theo báo cáo của CIPP, khoảng 24% thương tích liên quan đến việc lên hoặc xuống xe buýt trường. Trong số nạn nhân tử vong do đi xe buýt đưa đón của trường mỗi năm, 19 chết khi lên và xuống xe buýt, theo School Transport News.
Hầu hết người thiệt mạng từ 5-7 tuổi. Những trẻ em này gặp nạn trong “khu vực nguy hiểm” xung quanh xe buýt, gồm khoảng cách 3 m phía trước, 3 m đằng sau và 3 m ở hai bên.
Các em bị tông bởi chính xe buýt đưa đón hoặc một phương tiện khác đi ngang qua.
Để bảo vệ trẻ em tốt hơn, nhiều công ty xe buýt đã lắp đặt cánh tay tự động, buộc trẻ phải giữ khoảng cách nhất định với xe.
Một số học khu đã gắn camera trên xe buýt đưa đón học sinh nhằm ghi lại hình ảnh những người lái môtô không chịu dừng nhường đường theo quy định.
Thiết kế dây đai an toàn
Hầu hết xe buýt trường học ngày nay không được thiết kế dây an toàn cho hành khách. Theo School Transport News, một chiếc xe buýt chở rất nhiều trẻ em, nên rất khó triển khai việc sử dụng dây an toàn.
Người lớn cần rất nhiều thời gian để điều chỉnh dây an toàn cho từng đứa trẻ. Việc giữ vệ sinh sạch sẽ cũng không hề dễ dàng. Ngoài ra, trẻ em dưới 8 tuổi cần dây thắt ở trước ngực thay vì đai thắt lưng.
Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng chỗ ngồi trên xe buýt lớn hơn 4 tấn hiện được thiết kế theo cách không cần dây an toàn.
Theo đó, ghế xe buýt mới cao, rộng và dày hơn. Tất cả bề mặt kim loại được phủ lớp đệm có chức năng cản lực khi gặp tai nạn. Cấu trúc chỗ ngồi cho phép uốn cong về phía trước khi một đứa trẻ va đập vào đó.
Tuy nhiên, sự bảo vệ này chỉ có thể phát huy tác dụng khi xảy ra va chạm trực diện hoặc từ phía sau xe buýt, trong khi trẻ có nguy cơ bị bắn sang 2 bên gây thương tích, thậm chí tử vong, theo School Transport News.
Nhiều xe buýt trường học ngày nay được thiết kế dây an toàn cho hành khách. Ảnh: Cell Code.
Từ năm 2005, chính quyền bang California, Mỹ yêu cầu tất cả xe buýt trường học hoạt động ở đây phải thiết kế dây an toàn 3 điểm cho hành khách. Loại đai an toàn này được gắn vào ghế ở hai bên hông và có một dây bắt chéo vai.
Tuy nhiên, không phải tất cả tiểu bang ở Mỹ đều có quy định này.
Theo Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, một biện pháp quan trọng mà nhiều học khu bỏ qua là tổ chức các cuộc tập thoát hiểm và hướng dẫn an toàn cho tất cả học sinh đi xe buýt trường học, nhất là trong các chuyến đi ngoại khóa.
Theo Zing
Phụ huynh có con học tại trường quốc tế Gateway sau vụ bé trai lớp 1 tử vong vì bị bỏ quên trên xe: 'Tôi sẽ chuyển trường cho con'
Sau sự việc nam sinh 6 tuổi bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón ở trường quốc tế Gateway, Hà Nội tử vong nhiều phụ huynh đã vô cùng bức xúc, có phụ huynh cho biết sẽ chuyển trường cho con.
"Việc để quên học sinh 6 tuổi trên ô tô để tử vong là việc làm không chấp nhận được"
Sáng ngày 7/8, nhiều xe ô tô đưa đón học sinh trường quốc tế Gateway ở phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội liên tục đáp trước cổng. Nhiều giáo viên lần lượt đưa từng học sinh bước từ trên ô tô xuống xếp hàng lần lượt. Trước khi xe ô tô đóng cửa đỗ ở nơi khác giáo viên kiểm tra một lần nữa.
Trường quốc tế Gateway.
Sáng nay nhiều học sinh đến trường bằng xe buýt đưa đón.
Trước đó một ngày tại ngôi trường này đã xảy ra việc đau lòng khi để quên em Lê Hoàng L. (6 tuổi, học sinh lớp Tokyo) trên ô tô. Sự việc xảy ra lúc 7h sáng cùng ngày nhưng tới 16h chiều mới được phát hiện ra. Lúc đưa ra khỏi ô tô thì em L. đã bất động được đưa đi Bệnh viện E cấp cứu nhưng đã tử vong.
Tối ngày 6/8, rất đông người nhà em L. đã tập trung tại bệnh viện đề nghị cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi điều tra làm rõ nguyên nhân học sinh này tử vong. Sau khi hoàn tất thủ tục khám nghiệm cơ quan chức năng đã bàn giao thi hài bé L. cho gia đình đưa về quê nhà tại huyện Nga Sơn, Thanh Hoá mai táng.
Giáo viên kiểm tra kỹ lại xe ô tô sau khi học sinh xuống hết.
Bà Trần Thị Hồng Hạnh, đại diện trường quốc tế Gateway, cho biết sau sự việc trên, nhà trường đã yêu cầu lái xe buýt, cô phụ trách xe buýt và đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt đến trường để làm việc. Cả lái xe và cô phụ trách đều đã viết tường trình về sự việc. Đơn vị cung cấp dịch vụ xe buýt xác nhận đã để quên cháu bé trên xe. Ngay lập tức, nhà trường đã gặp gỡ gia đình và nhận trách nhiệm.
Sự việc khiến nhiều phụ huynh bàng hoàng, đau xót. Nhiều gia đình có con nhỏ đã trực tiếp đưa con đến trường học bày tỏ thái độ khi nhà trường để xảy ra trường hợp đau lòng trên.
Chị Minh bày tỏ sự bức xúc khi nhà trường để xảy ra sự việc đáng tiếc vừa qua.
Chia sẻ với chúng tôi, chị Phạm Thị Miên (con theo học tại trường quốc tế Gateway) cho biết, sau khi nghe tin bé trai bị bỏ quên trên xe ô tô dẫn đến tử vong, chị cùng nhiều phụ huynh rất đau lòng. Vì nhà gần trường lại có thời gian nên chị Miên hằng ngày vẫn đưa con đi học bằng xe máy.
"Trách nhiệm nhà trường sau sự việc lần này rất lớn. Trường hợp con nằm trên xe cả ngày dẫn đến tử vong mà nhà trường cũng như người đưa đón không biết. Giáo viên chủ nhiệm cũng không báo phụ huynh con có đi học hay không là điều không thể chấp nhận được. Chúng tôi nghe tin đã đau xót quá rồi hỏi bố mẹ học sinh qua đời làm sao mà sống nổi trong trường hợp con cả ngày trên xe như vậy", chị Miên chia sẻ.
Clip chị Miên chia sẻ sau sự việc nam sinh 6 tuổi bị bỏ quên trên xe tử vong.
Theo chị Miên, hiện chưa rõ nguyên nhân cháu L. tử vong tuy nhiên, trước mắt nhà trường cần nghiêm túc thay đổi toàn bộ quy trình đưa đón, tiếp nhận, kiểm tra học sinh khi đến trường. Trước đó nhà trường thông báo với phụ huynh rất rõ ràng về đưa đón học sinh. Thông báo được gửi tới từng mail cá nhân của phụ huynh học sinh chứ không bắt ép phụ huynh lựa chọn dịch vụ.
"Theo tôi thấy năm học mới này phía nhà trường tiếp đón phụ huynh và học sinh một số điểm chưa hợp lý. Có lẽ do học sinh vào trường năm nay đông hơn, như mọi năm số lượng học sinh thấp hơn nên việc đón trả tốt hơn. Năm nay các cô chưa tiếp nhận kịp thời, chưa điều hành tốt", chị Miên bày tỏ quan điểm.
"Tôi sẽ chuyển trường cho con"
Cũng như chị Miên, chị Lê Thị Kim Cúc ở khu vực Ô Chợ Dừa, Đống Đa lo lắng sau khi sự việc xảy ra, việc nhận con giữa xe và giáo viên chủ nhiệm có vấn đề. Chị Cúc cũng có con trai đang theo học tại trường trên.
Chị Cúc cho biết sẽ chuyển trường cho con sau sự việc lần này.
"Hôm đầu tiên con tôi đi học thì lúc 4h mình nhận được thông báo của nhà trường là không tìm thấy con đâu. Sau đó tôi bảo sao mà không tìm thấy con. Thế đón con tôi từ xe ô tô buýt xuống như thế nào thì cô giáo bảo chắc do đi học buổi đầu nên con không biết đường. Tôi nghĩ là cô giáo phải giao cho người nhận phụ trách xe chứ chứ để cho con mình đi từ trên lớp xuống thì con biết xe nào mà tìm vì con mới học lớp 1. Tôi hỏi con đâu, cô giáo mới bảo đang đi tìm. Hôm nay ngghe thấy có một bạn bị mất cho nên chắc là thôi mất tiền mình cũng sẽ cho con nghỉ học. Số tiền đấy cũng không thể đẻ, hoặc bù cho mình được đưa con khác", chị Cúc chia sẻ
Chị Cúc nghĩ rằng việc giao nhận các con giữa giáo viên chủ nhiệm và lớp đã có vấn đề chứ không phải riêng lớp con chị theo học.
Hình ảnh học sinh xuống xe ô tô vào trường.
"Con tôi lớp Seun còn bạn mất ở lớp Tokyo. Tôi nghĩ do trường chưa bài bản trong khâu đón tiếp học sinh chứ cơ sở vật chất của trường rất tốt. Bên cạnh đó năng lực quản lý của nhà trường không được như kỳ vọng. Tôi không có thời gian trách nhà trường. Việc tôi nghĩ hiện tại là đảm bảo an toàn cho con mình trước nên sẽ chuyển trường cho con. Trong thời gian tới, tôi sẽ cho con ở nhà, kể cả lấy lại được tiền đã đóng trước hoặc không lấy lại được, tôi cứ đảm bảo an toàn cho con mình trước. Việc xảy ra khiến 1 học sinh tử vong thì khó chấp nhận được ", chị Cúc thẳng thắn nêu quan điểm.
Theo chị Cúc, học phí con chị học tại trường Gateway chưa khuyến mãi là 180 triệu/năm, còn khuyến mãi rồi là 167 triệu/năm bao gồm việc đưa đón.
Chị Minh mong nhà trường bàn bạc lại toàn bộ quy trình đón tiếp học sinh.
Chị Lê Thị Minh, có con gái học lớp 1 được vài ngày nay cũng cho biết rất bất ngờ khi nghe thông tin học sinh bị bỏ quên trên ô tô đưa đón dẫn đến tử vong. Con gái chị cũng mới theo học được vài ngày nay. Hiện chị cùng nhiều phụ huynh rất lo ngại sau sự việc vừa xảy ra. Chị mong phía nhà tường phải bàn bạc lại cụ thể toàn bộ quy trình đưa đón học sinh để không xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự.
Định Nguyễn
Theo saostar
Trẻ cần được trang bị kĩ năng gì để thoát chết khi phát hiện mình bị bỏ quên trên ô tô? Trang bị cho trẻ những kĩ năng thoát hiểm là việc cực kì quan trọng nếu chẳng may trẻ bị bỏ quên trên ô tô riêng hay trên xe buýt. Những giờ qua, dư luận đang xôn xao vụ 1 nam học sinh lớp 1 Trường Quốc tế Gateway (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong vì nghi bị giáo viên bỏ quên...