Xe đạp mượn – chắp cánh ước mơ học trò nghèo
Những chiếc xe đạp mượn đã giúp không ít trò nghèo thoát cảnh thất học, muộn học, vượt qua khó khăn để đến lớp, đến trường.
Khác với nhiều trường học ở thành thị, khu để xe của học sinh trường THPT số 4 (huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai) không chỉ vắng bóng những chiếc xe đạp điện, xe máy điện mà ngay cả số xe đạp xếp gọn gàng tại đó hầu hết cũng đều là xe mượn.
Chính những chiếc xe đạp mượn này đã gắn bó với nhiều lớp học sinh của nhà trường suốt 6 năm qua, giúp không ít trò nghèo thoát cảnh thất học, muộn học, vượt qua khó khăn để đến lớp, đến trường.
Con đường đến trường vất vả của học trò Văn Bàn.
Nằm ở phía Đông Nam của huyện, trường THPT số 4, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai là cái nôi học tập của con em thuộc 5 xã đặc biệt khó khăn: Khánh Hạ, Khánh Trung, Chiềng Ken, Nậm Tha, Liêm Phú. Tuy nhiên, con đường đi học vất vả, xa xôi là trở ngại lớn nhất đối với học sinh nơi đây.
Hàng sáng, để tới được lớp học, cách duy nhất mỗi học sinh có thể làm là dậy thật sớm và đi bộ. Việc học sinh tới lớp muộn hay nghỉ học vì nhà xa, đường khó là điều thường xuyên xảy ra.
Chính những yếu tố đó là nỗi trăn trở không nguôi của các cán bộ thầy cô nhà trường và cũng là lý do để những chiếc xe đạp mượn ra đời.
Thầy Lục Cao Cường – phó hiệu trưởng nhà trường – chia sẻ: “Chương trình này nhằm vận động học sinh đến trường đúng thời gian, từ đó học sinh không phải đi xa đi bộ đi học nên yêu thích đến trường. Thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ của nhà trường, học sinh cũng ý thức được và sẵn sàng tham gia đi học, học đúng giờ, nhận thức trong học tập cũng tốt hơn”.
Video đang HOT
Xe đạp mượn xếp ngăn nắp trong nhà để xe.
Điều đặc biệt của chương trình nằm ở chỗ, xe đạp sẽ không cho tặng miễn phí mà chỉ cho mượn. Mục tiêu nhà trường đặt ra là tất cả học sinh nhà xa trường phải đi bộ từ 5 km trở lên sẽ được mượn xe đạp.
Quỹ xe đạp sẽ do nhà trường huy động từ mọi nguồn lực và vận động hảo tâm để gây dựng. Trong quá trình sử dụng, xe hỏng hóc đâu sẽ do nhà trường sửa chữa. Hết năm, hết khóa xe đạp phải gửi lại cho nhà trường bảo quản để tiếp tục dùng cho năm sau.
Câu chuyện khởi nguồn từ năm 2010 khi ý tưởng xây dựng quỹ xe đạp được thực hiện. Ban đầu, với số tiền ít ỏi vận động được, nhà trường đã mua 4 chiếc xe đạp cũ, nhưng chỉ ưu tiên được cho 4 học sinh khó nhất, xa nhất mượn.
Ngoài ra, hàng trăm học sinh khác của một trường có tới 90% là con nhà nghèo vẫn phải đi bộ. Thương học trò, các cán bộ thầy cô nhà trường tìm đủ cách xoay sở, vận động, quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu đề ra.
Trong suốt 6 năm qua, từ những thiếu thốn ban đầu, đến nay quỹ xe đạp mượn của nhà trường đã gây dựng được 125 chiếc, nâng bước tổng số hơn 400 lượt học sinh nghèo tới trường.
Em Vương Văn Hưởng – học sinh lớp 11 trường THPT số 4, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai – chia sẻ: “Trước đây bọn em phải đi học rất vất vả, phải dậy sớm, những ngày mưa bão, ngày đông giá rét thường xuyên đi học muộn.
Từ khi có xe đạp, vào những ngày đông giá rét bọn em có thể dậy muộn hơn một tí để đi học cho bớt lạnh, quãng đường bọn em đến trường trên 7 km được rút ngắn lại, thời gian đi ngắn hơn. Em thấy chương trình này rất thiết thực và ý nghĩa.
Xe đạp mượn hỏng hóc sẽ do các thầy cô nhà trường sửa chữa.
Nhờ có chương trình, đến hôm nay, tại trường THPT số 4 Văn Bàn không còn ghi nhận trường hợp học sinh nào đến lớp muộn hay thất học vì nhà xa nữa. Học sinh chăm chỉ đi học giúp tỷ lệ chuyên cần của trường hàng năm đều duy trì ở mức cao.
Tỷ lệ học sinh khá giỏi từ 20% năm học 2010-2011 đến nay đã tăng lên hơn 40%. Trong số các học sinh được mượn xe, nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.
Thầy Nguyễn Minh Tuân – hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “Nhờ có chương trình này chúng tôi đã vận động được 7 em học sinh nhà xa trường bỏ học đi học trở lại. Chương trình cũng giúp các em gắn bó với nhà trường, yêu thương nhau hơn.
Bên cạnh đó, từ khi có chương trình, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS đăng ký thi vào đã tăng lên. Đơn cử như năm học 2008-2009, tỷ lệ học sinh đăng ký vào trường mới đạt 37,4%, đến năm học 2016-2017 con số đã tăng lên 71,2%”.
Những chiếc xe đạp mượn đã đang và sẽ là món quà quý giá, giúp rút ngắn khoảng cách xa xôi, gắn bó tình cảm thầy trò và chắp cánh ước mơ cho lớp lớp học trò nghèo Văn Bàn.
Theo Zing
Cậu bé thiếu máu quyết tâm vượt khó đến trường
10 năm dài phải đi truyền máu nhưng Đại vẫn luôn bám trường, lớp và nuôi ước mơ được cắp sách đến trường mỗi ngày.
Trường THCS Kiên Đài, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang nằm lọt thỏm giữa bao la núi rừng. Đó là nơi em Ma Quốc Đại, cậu bé mang trong mình căn bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh đang theo học lớp 7.
Từ trường về đến nhà Đại khoảng 6km, nhưng tôi phải mất gần một tiếng để đi hết quãng đường ấy. Tôi phải vượt qua 2 con suối, mấy con dốc cao, men theo con đường mòn vòng vèo, uốn lượn quanh những quả đồi, rồi lại gửi xe ở dưới chân đồi, đi bộ, leo dốc mới đến được nhà Đại. Người bình thường đi còn thấy mệt. Vậy mà cứ cuối tuần Đại vẫn cố gắng đạp xe về nhà lấy gạo, củi mang xuống trường. Chỉ hôm nào mệt lắm Đại mới không về nhà, nhưng lúc ấy bố mẹ lại xuống thăm và "tiếp tế" cho em.
Trong căn nhà sàn đơn sơ, ọp ẹp, anh Ma Văn Hiện (bố Đại) buồn bã chia sẻ: "Khi được sinh ra, Đại là hy vọng duy nhất trong gia đình bởi chị gái của em đã bị mắc bệnh thiếu máu huyết tán bẩm sinh". Anh cho biết thêm, niềm vui chẳng được bao lâu thì năm lên 2 tuổi, Đại có biểu hiện giống chị gái với hơn 10 năm phải gắn liền với bệnh viện.
Mỗi lần hai chị em Đại đi viện thì bố mẹ lại chạy khắp nơi để vay tiền, rồi hàng tháng lại chắt chiu, dành dụm trả nợ và để dành cho hai con đi chữa bệnh. Ở nơi hoang vu rừng núi, nhà cách nhà cả cây số, gia đình em chỉ lên nương làm rẫy, năm được mùa, năm không. Vì thu nhập bấp bênh nên hiện nhà Đại ngày càng nghèo, nợ chồng nợ, khó khăn chồng chất khó khăn.
Héo mòn vì lo cho các con, ăn không dám ăn, mặc không dám mặc nên bố mẹ Đại mới 38 tuổi mà trông rất già. Điều mà hai anh chị đau lòng nhất chính là dù có duy trì được việc truyền máu và dùng thuốc thải sắt thường xuyê, thì hai chị em Đại cũng chỉ kéo dài sự sống trong một thời gian nhất định. Với hy vọng còn nước còn tát, nên dù việc điều trị rất tốn kém, lâu dài nhưng bố mẹ Đại vẫn cố gắng chạy lo cho hai chị em, chỉ mong sao kéo dài sự sống cho hai con càng lâu càng tốt.
Để bớt gánh nặng chi phí cho bố mẹ, nên từ lúc Đại học lớp 2, hai chị em đã tự đưa nhau đi viện. Tôi không thể hình dung hai đứa bé, đứa chị mười ba, thằng em lên tám vượt quãng đường 360km cả đi và về để xuống Viện Huyết học Trung ương truyền máu. Cả hai tự nhập viện, tự chăm sóc nhau. Tháng nào ít thì một lần, nếu ốm thì 2-3 lần, nắng cũng như mưa, đông cũng như hè.
Người dân trong xã và thầy cô, bạn bè trong trường đã quen với cảnh cứ đầu tháng, sau khi đi viện về thì hai chị em của Đại hồng hào, khỏe hơn. Hai em gặp ai cũng chào ngay từ xa, trong lớp hăng hái xây dựng bài, cười đùa vui vẻ. Nhưng cứ đến cuối tháng thì hai bóng dáng ấy vật vờ, da vàng bệch, đến nói chuyện còn mệt, thở không ra hơi...
Trường của Đại là bán trú, nên các em ăn, ở, học tập đều tập trung một chỗ. Vì thế Đại phải học cách tự chăm sóc mình, từ vệ sinh cá nhân, giặt quần áo, rửa bát, quét nhà... Nhiều lần mệt quá các bạn lại thay nhau giúp Đại. Có lần Đại ốm, thầy cô khuyên gia đình nên cho Đại ở nhà. Tuy nhiên, em đã khóc và không chịu. Em thích đi học. Dù sức khỏe yếu nhưng em vẫn bám trường, bám lớp chứ nhất định không nghỉ học. Vì thế thầy cô và các bạn càng thương Đại hơn, quan tâm chăm sóc em nhiều hơn. Chỉ lúc nào Đại mệt quá thì cô và các bạn lại đưa em ra trạm xá, rồi liên lạc về nhà để bố mẹ lên đưa em đi viện.
Tôi vừa thương vừa khâm phục cậu bé dù đang mang căn bệnh "vô phương cứu chữa", sự sống mong manh tính bằng ngày, bằng tháng. Có thể hôm nay em khỏe hơn chút, nhưng ngày mai lại không biết ra sao. Tình cảnh như vậy nhưng lúc nào em cũng chỉ muốn được đi học. Mong chương trình hỗ trợ cho Đại và gia đình vơi bớt khó khăn để em có thể tiếp tục đến trường.
Theo VNE
Căn nhà hoang và thầy giáo Cả Căn nhà bỏ hoang cũ kỹ, hoen ố, bên trong là những chiếc bàn ba chân chắp nối xếp cùng tấm bảng xanh là nơi học tập miễn phí dành cho các em học sinh nghèo thôn Lương Viện. Lớp học đặc biệt này do thầy giáo Phan Cả (28 tuổi, Phú Đa, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) lập ra gần một...