Xây nhà vệ sinh 29 m2 chỉ khoảng 90 triệu đồng
Theo giá thị trường, xây dựng 1 m2 công trình chi phí khoảng 3 triệu đồng thì mỗi nhà vệ sinh 29 m2 đầu tư không quá 90 triệu đồng. Tuy nhiên, dự toán của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đưa ra lại cao gấp 3 lần con số này.
Trao đổi với VnExpress.net, nhiều nhà thầu xây dựng uy tín, kinh nghiệm ở Quảng Ngãi cho biết, dù nhà vệ sinh áp dụng mẫu thiết kế chung của Bộ GD&ĐT nhưng mỗi công trình phải tốn kém chi phí tư vấn, thiết kế hàng chục triệu đồng là quá vô lý. Theo giá thị trường hiện nay, xây dựng 1 m2 công trình chi phí khoảng 3 triệu đồng thì mỗi nhà vệ sinh 29 m2 đầu tư không quá 90 triệu đồng (rẻ hơn 3 lần giá trị xây dựng so với dự toán Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đưa ra).
Thậm chí, trong nhiều dự toán công trình, chủ đầu tư Sở GD&ĐT Quảng Ngãi đưa vào chi phí thiết bị công nghệ xử lý nước phèn, song khi triển khai thì bể nước lọc thô sơ bằng cát, sạn. Công trình mới đưa vào sử dụng được vài tháng nhưng hệ thống bơm nước tại nhiều trường liên tục trục trặc khiến trường phải gọi thợ đến sửa. Chưa kể hệ thống cấp nước sơ sài, thiết bị ở nhà vệ sinh thuộc loại rẻ tiền.
Nhiều nhà vệ sinh 29 m2 kèm cấp nước có số tiền đầu tư giá “khủng” 600 triệu đồng ở các trường học Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín.
Để giải tỏa bức xúc người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa vừa giao Thanh tra tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng lập đoàn thanh tra độc lập việc quản lý, thực hiện dự án cấp nước và nhà vệ sinh trường học do Sở GD&ĐT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư. Sau đó, đoàn công tác sẽ tham mưu để tỉnh có biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời nếu có sai phạm.
Báo cáo của Sở GD&ĐT Quảng Ngãi cho hay, từ năm 2010 có 24 dự án cấp nước và nhà vệ sinh được phê duyệt, trong đó 21 công trình đã và đang triển khai. Các dự án nói trên thuộc chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn (Bộ NN&PTNT) hỗ trợ. Trung bình mỗi công trình vốn đầu tư hơn nửa tỷ đồng.
Video đang HOT
Trước đó, tại cuộc họp báo chiều 13/6, ông Đỗ Văn Phu, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ngãi thừa nhận khuyết điểm để xảy ra tình trạng một trường tiểu học miền núi có hai nhà vệ sinh tiền tỷ gây lãng phí. Ông Phu cho biết, sẽ lập đoàn thanh tra, rà soát lại quá trình thiết kế, thi công dự án, phần nào chưa ổn thì sẽ yêu cầu các nhà thầu tập trung khắc phục trong thời gian sớm nhất. Thời gian tới, nếu chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường phân bổ vốn tiếp tục triển khai dự án, Sở sẽ xem xét, điều chỉnh các hạng mục không cần thiết để giảm thiểu vốn đầu tư cho công trình.
“Hiện tại, do chưa kiểm tra, rà soát thì chưa dám nói có xảy ra tiêu cực ở những công trình này hay không. Nếu phát hiện có cán bộ nào sai phạm, cắt xén tiền dự án chúng tôi sẽ xử lý nghiêm không dung túng, bao che”, ông Phu khẳng định.
Trí Tín
Theo VNE
Gần 6 tỷ đồng xây dựng 13 nhà vệ sinh
Ngoài nhà vệ sinh "ngốn" gần 600 triệu đồng ở trường THCS Long Hiệp, huyện miền núi Minh Long, Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Ngãi đang triển khai 13 dự án cấp nước và nhà vệ sinh tiêu đốn hơn 5,7 tỷ đồng.
Công trình nhà vệ sinh trường THCS Long Hiệp, huyện miền núi Minh Long trị giá 600 triệu đồng. Ảnh: Trí Tín.
Ông Ngô Hữu Đằng, giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Ngãi cho biêt, dự án xây dựng các nhà vệ sinh trường học nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn do Bộ NN&PTNT chủ trì. Có 13 điểm trường ở Quảng Ngãi được hỗ trợ đầu tư dự án cấp nước và nhà vệ sinh với tổng vốn hơn 5,7 tỷ đồng.
Riêng dự án cấp nước và nhà vệ sinh trường THCS Long Hiệp, huyện miền núi Minh Long, dự toán ban đầu gần 623 triệu đồng. Đến khi phê duyệt thì dự án được điều chỉnh còn 593 triệu đồng.
Cụ thể, nhà vệ sinh cấp 4 kèm theo hệ thống cấp thoát nước trong nhà, diện tích xây dựng 29 m2 trị giá hơn 236 triệu đồng. Cấp nước sinh hoạt gồm bồn 500 lít, 6 điểm cấp và thoát nước sinh hoạt trị giá hơn 95 triệu đồng. Hệ thống điện bơm nước, chi phí tư vấn và chi khác hơn 100 triệu đồng. 25% vốn đối ứng xây dựng công trình còn lại do trường THCS Long Hiệp đóng góp.
Bồn nước dùng trong sinh hoạt và nhà vệ sinh trường THCS Long Hiệp liên tục bị hỏng, Ban giám hiệu nhà trường phải gọi thợ bắc thang sửa chữa. Ảnh: Trí Tín.
Công trình này do Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, không qua đấu thầu, Xí nghiệp xây dựng Vĩnh Đạt (xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh) đảm nhận thi công vào tháng 9/2012, 4 tháng sau thì đưa vào sử dụng.
Một cán bộ của trường than vãn, dự án cấp nước và nhà vệ sinh tốn kém hàng trăm triệu đồng mới đưa vào sử dụng thế nhưng nhiều hạng mục đã xuống cấp. Hệ thống bơm nước liên tục trục trặc phải gọi thợ sửa chữa thường xuyên. Giếng bơm của dự án do khoan vào mùa mưa nên đến mùa khô khan hiếm nước, phải đấu nối ống kéo từ nhà dân ngoài khuôn viên nhà trường đưa vào dùng.
Trước bức xúc của dư luận, chiều 7/6, đoàn công tác của Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Ngãi đã về huyện miền núi Minh Long kiểm tra thực tế dự án cấp nước và nhà vệ sinh ở trường THCS Long Hiệp. "Sở dĩ nhà vệ sinh này được đầu tư hàng trăm triệu đồng là do tuân thủ thiết kế, thi công 'kỹ thuật cao', nền móng vững chắc theo yêu cầu của đối tác nước ngoài hỗ trợ nguồn vốn ODA công trình", ông Đỗ Văn Phu, phó giám đốc Sở lý giải.
Cổng trường THCS Long Hiệp hoen gỉ, trống hoác, trong khi đó nhà vệ sinh và hệ thống cấp nước sơ sài ở trường này lại "ngốn" hơn nửa tỷ đồng. Ảnh: Trí Tín.
Về vấn đề này, ông Võ Văn Vinh, Hiệu trưởng trường THCS Long Hiệp cho biết thêm, do đặc thù ở huyện miền núi nên trường gặp nhiều khó khăn. Phần đối ứng 25% kinh phí cho dự án cấp nước và nhà vệ sinh nhà trường không biết lấy nguồn ở đâu xoay sở nên phía chủ đầu tư chịu hết chi phí. Hiện cổng trường đã hoen gỉ, mục nát, sân trường chưa được bê tông, chưa có phòng thí nghiệm, phòng máy dạy tin học còn sơ sài. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đạt trường chuẩn quốc gia là rất khó.
Mới đây, trong đợt giám sát các công trình xây dựng huyện miền núi Minh Long, các đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ngãi phải "giật mình" khi nghe báo cáo xây nhà vệ sinh trường THCS Long Hiệp "ngốn" hết 600 triệu đồng. Theo các đại biểu, việc xây dựng công trình vệ sinh cho giáo viên, học sinh là điều cần thiết. Tuy nhiên, không nhất thiết phải đầu tư số tiền quá lớn như vậy ở một trường huyện miền núi, trong khi các thiết bị giáo dục của trường này lại quá thiếu thốn, phòng học xuống cấp.
Trí Tín
Theo VNE