Xây dựng trường học hạnh phúc: Hiệu trưởng phải là người đi đầu
“Cả nước hiện có gần 30.000 hiệu trưởng trường phổ thông, khi hiệu trưởng hạnh phúc sẽ tạo ra môi trường tốt cho hơn 800.000 giáo viên phổ thông, giáo viên sẽ tạo hạnh phúc cho trên 16 triệu học sinh, học sinh hạnh phúc sẽ lan tỏa tới phụ huynh, cứ như thế điều tốt, điều thiện sẽ tăng lên và lan tỏa trong xã hội”
Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ với hơn 400 hiệu trưởng đến từ các trường học trong cả nước trong chương trình tọa đàm “Hiệu trưởng thay đổi vì một trường học hạnh phúc”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hiệu trưởng có vai trò rất đặc biệt, đó là tạo ra môi trường hạnh phúc, gợi mở cho học sinh, giáo viên có những cảm xúc tích cực, ở đó giáo viên, học sinh được sáng tạo, được tôn trọng. Chỉ khi các hiệu trưởng hạnh phúc thì mới có sự cảm thông, chia sẻ, vị tha, tạo được môi trường mọi người thương yêu nhau. Với mỗi cá nhân, hạnh phúc là làm việc mình thích và thích việc mình đang làm, từ đó mới có nhiệt huyết để giảm áp lực. Tuy nhiên, hạnh phúc là khái niệm rộng lớn, khó hình dung, vì vậy, để xây dựng được một trường học hạnh phúc cần có những tiêu chí cụ thể. Bộ trưởng đề cập tới 3 nhóm tiêu chí để xây dựng một môi trường học tập hạnh phúc.
Tiêu chí thứ nhất là xây dựng môi trường tôn trọng sự phát triển của mỗi cá nhân. Ở đó, không có bạo lực học đường, học sinh được thể hiện cái riêng của mình, được đối xử thân thiện, không phân biệt đẳng cấp hay xếp hạng. Ở đó, các em được phát triển tối đa năng lực của mình, được tôn trọng, không ai bị bỏ rơi. Trường học phải là một thiết chế văn hóa xanh, sạch, đẹp. Ở những vùng khó khăn, nếu hiệu trưởng biết sắp xếp thì vẫn có thể xây dựng được một ngôi trường tuy không khang trang, hiện đại nhưng sạch đẹp. Trường học còn phải là môi trường dân chủ, ở đó mọi người được thể hiện ý kiến của mình.
Xây dựng một trường học hạnh phúc phải bắt đầu từ sự thay đổi của Hiệu trưởng. Ảnh: T.F
Nhóm tiêu chí thứ hai là trong nhà trường, giáo viên phải được sáng tạo, được đổi mới phương pháp dạy học, được dân chủ đóng góp ý kiến. Phải khơi gợi cho các thầy cô giáo sự sáng tạo. “Hiện nay có nhiều hiệu trưởng tôn trọng sự sáng tạo, nhưng cũng có nhiều hiệu trưởng còn mang tư tưởng áp đặt, bắt giáo viên phải nghe theo. Do vậy, hiệu trưởng cần thay đổi, giao quyền chủ động cho giáo viên, tạo ra môi trường để giáo viên dám đổi mới, hỗ trợ lẫn nhau, không chạy theo thành tích. Cũng cần quan tâm giảm áp lực cho giáo viên từ sổ sách giấy tờ tới áp lực thành tích” – Bộ trưởng nói.
Học sinh đến trường bên cạnh việc học tập phải được vui chơi, trải nghiệm, sáng tạo. Khi không phải chịu áp lực của bài tập, không bị phân biệt đối xử các em sẽ cảm thấy hạnh phúc khi đến trường. Nếu hiệu trưởng khích lệ, động viên kịp thời giáo viên sẽ phấn khởi, từ đó lại khích lệ kịp thời học sinh. Cần khen chê đúng và loại bỏ những hình phạt, thay vào đó là kỉ luật tích cực.
Nhóm tiêu chí thứ ba là quan hệ của nhà trường với cộng đồng xã hội, trong đó có những cựu học sinh của nhà trường. Hiệu trưởng trên cương vị của mình cần tạo dựng được mối quan hệ này để làm cho giáo viên, học sinh tự hào về môi trường đã ươm tạo, nuôi dưỡng nhiều tài năng, là ngôi trường được cộng đồng xã hội tôn trọng.
Khi tạo được môi trường hạnh phúc trong nhà trường, sẽ hình thành những con người coi trọng cảm xúc chứ không phải chạy theo trí tuệ nhân tạo, chạy theo công nghệ. Công nghệ là rất cần trong thời đại hiện nay, nhưng nếu chúng ta quá coi trọng sẽ không đảm bảo mục tiêu của giáo dục là phát triển con người toàn diện” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Video đang HOT
Tọa đàm “Hiệu trưởng thay đổi vì một trường học hạnh phúc” là nơi gặp gỡ của các hiệu trưởng, những người làm trong ngành giáo dục để cùng tìm kiếm những phương pháp để tạo dựng trường học hạnh phúc. Đồng thời, truyền cảm hứng cho các hiệu trưởng về mục tiêu trong giáo dục là tạo dựng lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc cho chính mình, cho giáo viên và học sinh.
Cũng tại tọa đoàm, GS Peck Cho, đến từ trường ĐH Hàn Quốc, ông là chuyên gia đào tạo hơn 11.000 hiệu trưởng tại Hàn Quốc đã trình bày tại tọa đàm về vai trò của người hiệu trưởng trong nền giáo dục của tương lai, những đổi mới trong quản trị trường học dành cho hiệu trưởng và kinh nghiệm thay đổi hiệu trưởng tại Hàn Quốc – những gì có thể áp dụng tại Việt Nam.
“Hiệu trưởng thay đổi vì trường học hạnh phúc” là dự án tiếp nối dự án “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” nhằm đào tạo, huấn luyện dành cho hiệu trưởng các trường với mục đích giúp các hiệu trưởng trên toàn quốc vượt qua những khó khăn mà họ phải đối mặt trong hệ thống giáo dục. Từ đó trở thành những nhà giáo dục tài năng, những người có tầm ảnh hưởng tích cực tới các giáo viên, các học sinh, cán bộ nhân viên trong trường.
Phan Thủy
Theo PLXH
7 thói quen kiến tạo trường học hạnh phúc
Ở trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), học sinh lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. "Với tôi đó thực sự là môi trường hạnh phúc bởi học sinh không 'né' khi nhìn thấy lãnh đạo, mà các em có thể hồ hởi gặp gỡ, chuyện trò"- bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT nhà trường hào hứng chia sẻ.
Giáo viên và học sinh trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) - Ảnh: ĐTĐ
Học sinh không "né" hiệu trưởng
Ở trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) bên cạnh khẩu hiệu "mỗi ngày đến trường là một ngày vui", còn có khẩu hiệu "hạnh phúc khi được làm việc". Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch HĐQT Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm hào hứng chia sẻ, ở trường Đoàn Thị Điểm, học sinh lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Học sinh thân thiện với hiệu trưởng, trò chuyện với hiệu trưởng một cách rất thoải mái. "Với tôi đó thực sự là môi trường hạnh phúc bởi học sinh không 'né' khi nhìn thấy lãnh đạo, mà các em có thể hồ hởi gặp gỡ, chuyện trò. Tôi nghĩ, chắc chắn giáo viên, phụ huynh cũng hạnh phúc khi thấy con em mình được học trong môi trường này."
Theo bà Hiền, từ khi mới thành lập, khi cơ sở vật chất còn nghèo nàn, các giáo viên của trường đã cõng từng học sinh từ lớp học ra cổng trường để phụ huynh đón con. "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui" không chỉ là khẩu hiệu của học sinh mà còn là của giáo viên. Bởi giáo viên có vui thì mới chuyển tải được kiến thức tới cho học sinh. Tôi vẫn nhắc các giáo viên của mình, đến cổng trường thì nên gác lại mọi lo lắng, buồn phiền, không để tâm trạng ảnh hưởng tới tiết dạy."
Cách đây 6 năm, bà Hiền quyết định thực hiện chương trình lãnh đạo bản thân với suy nghĩ lãnh đạo phải thay đổi, thì giáo viên mới có thể thay đổi được. Là trường tư nhưng khi thực hiện chương trình này trường không thu kinh phí từ phụ huynh bởi đây là xuất phát từ mong muốn thay đổi của lãnh đạo nhà trường. "Sau 5 năm thực hiện, giáo viên đã chủ động, sáng tạo, tính tự giác tăng và quan trọng là họ không cảm thấy bị bắt buộc khi phải thay đổi. Bản thân tôi cũng biết tận dụng khả năng của nhân viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt, để họ được chủ động sáng tạo. Giáo viên thay đổi cũng tác động lớn đến học sinh".
Công thức thay đổi: Bền bỉ, bền bỉ và bền bỉ
PGS.TS Chu Cẩm Thơ, phụ trách Ban Nghiên cứu đánh giá giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhà sáng lập Chương trình toán Pomath cho rằng, tâm lý tích cực là nền tảng quan trọng để tạo ra dòng chuyển mềm mại trong các nhà trường; mỗi nhà giáo sẽ áp dụng thói quen hay kỹ năng được học để phát huy nội lực.
Từng đến thăm hơn 1.000 trường học ở Việt Nam, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nhận thấy có khoảng cách lớn giữa đội ngũ ở các trường. Vẫn tồn tại một thực tế, người tích cực luôn luôn tích cực. Trong khi ở môi trường giáo dục, chỉ cần 1 giáo viên làm sai, thì trường không thể phát triển được. "Bền bỉ, bền bỉ và bền bỉ- là công thức giúp thay đổi. Quan trọng nhất là các giáo viên phải tự thay đổi".
"Đặc biệt, thay vì kiểm soát, hãy tạo động lực cho các nhà giáo; thay đổi về văn hóa của lòng tin trong trường học; thay đổi hành vi của mỗi nhà giáo; thay đổi nội lực để từ đó tạo nên sự chuyển đổi bền vững..."- PGS.TS Chu Cẩm Thơ nói về những điều cần thay đổi với các nhà trường, cán bộ quản lý và cả giáo viên.
PGS.TS Chu Cẩm Thơ: thay vì kiểm soát, hãy tạo động lực cho các nhà giáo - Ảnh minh họa
ThS. Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Siêu cũng khẳng định, việc thay đổi môi trường học đường thành công hay không phụ thuộc nhiều vào lãnh đạo, lãnh đạo phải là người thay đổi đầu tiên. "Ban đầu khi tổ chức các lớp học, trường phải cho tiền để giáo viên tới học, họ đến với tâm thế 'bị học'. Nhưng sau đó, thấy các buổi tập huấn thiết thực, giáo viên đã chủ động, có mong muốn được học, không cần nhà trường phải phát tiền mới tới".
Nhà giáo thay đổi vì trường học hạnh phúc
Những ý kiến trên được đưa ra tại Hội thảo "Nhà giáo Hà Nội thay đổi vì trường học hạnh phúc - bắt đầu từ "7 thói quen" do Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Công đoàn Giáo dục Hà Nội tổ chức ngày 24/5 tại Hà Nội, với mục đích lấy ý kiến góp ý cho dự thảo đề án "Giải pháp phát huy nội lực, tạo động lực nâng cao năng lực, trình độ nhà giáo để thực hiện tốt chương trình giáo dục phổ thông sau 2020".
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, đào tạo để giúp đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý thay đổi nhận thức, từ đó thay đổi trong hành động và xây dựng trường học hạnh phúc là mục tiêu hướng tới của Dự thảo Đề án.
Đề án sẽ hỗ trợ để mỗi cán bộ quản lý, giáo viên tự nguyện tham gia đề án sẽ phát huy được nội lực, có động lực, kỹ năng để thay đổi bản thân. Từ đó xây dựng những tập thể nhà giáo, các cơ sở giáo dục đó đủ năng lực làm thay đổi kết quả giáo dục hành vi, nhân cách của học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, khắc phục những biểu hiện tiêu cực hiện nay trong đội ngũ nhà giáo.
Dự án dự kiến được triển khai từ tháng 8/2019 đến tháng 8/2023. Chi phí dự kiến là 3,4 triệu đồng cho mỗi giáo viên với nguồn kinh phí thực hiện huy động từ nguồn xã hội hóa và sẽ được công khai.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm: "Mục tiêu của đề án là giúp thầy cô giáo tìm được động lực, phương pháp để tự thay đổi bản thân và tạo ra sản phẩm là phương pháp giảng dạy, phương pháp giáo dục có hiệu quả, xây dựng được lớp học hạnh phúc, trường học hạnh phúc."
TS Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội: Vai trò cá nhân của các hiệu trưởng có tác động trực tiếp tới các hoạt động chung của nhà trường. Ở các trường công lập, sự thay đổi của giáo viên, cán bộ quản lý rất chậm, nếu năm sau vẫn hoạt động như năm trước tức là đang tụt hậu so với yêu cầu chung. Bản thân giáo viên dễ mang tính bảo thủ, chậm thay đổi vì thói quen, do tính chất nghề nghiệp. Do đó, tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cần được chú trọng để giáo viên được tiếp cận với ý tưởng, kỹ năng mới hơn, giúp họ khắc phục hạn chế, thói quen "bảo thủ" trong công việc.
Chương trình "7 thói quen" (do TS. Stephen Covey nghiên cứu), bao gồm: Sống chủ động; bắt đầu với mục tiêu; ưu tiên việc quan trọng; tư duy cùng thắng; hiểu rồi được hiểu; hợp lực và rèn giũa bản thân.
Thông qua việc thực hiện 7 thói quen, sẽ tạo ra sự thay đổi trong hành vi của mỗi nhà giáo và dẫn đến sự thay đổi về văn hóa của lòng tin trong khuôn viên trường học. mỗi nhà giáo sẽ áp dụng các thói quen, kỹ năng được học để phát huy nội lực, vượt qua áp lực của cuộc sống, thực hiện hiệu quả sứ mệnh nghề nghiệp của mình tạo nên nhiều trường học hạnh phúc.
An Huy
Theo phunuvietnam
Xây dựng trường học hạnh phúc, trước tiên hiệu trưởng phải thay đổi Chiều 22/11, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tới dự và trò chuyện với các thầy cô giáo tại Tọa đàm "Hiệu trưởng thay đổi vì Trường học hạnh phúc". Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Tọa đàm. Buổi tọa đàm có sự tham dự của hơn 1000 thầy cô giáo là hiệu trưởng các trường phổ...