Xây dựng tiết đọc sách trong nhà trường: Việc cấp thiết để có thể phát triển văn hóa đọc
Để đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc, việc đọc sách phải là thói quen của đa số người dân.
“Hạt giống” thói quen đọc sách ở mỗi người cần được “gieo trồng” ngay từ nhỏ với sự lặp đi lặp lại theo một tần suất nhất định và trong một thời gian đủ dài. Xây dựng tiết đọc sách trong nhà trường là cách tốt nhất để tạo thói quen đó, và đây là việc cấp thiết để có thể phát triển văn hóa đọc.
Xây dựng tiết đọc sách trong nhà trường là cách tốt nhất để tạo thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc. Ảnh: Nhật Mai
Mở rộng không gian đọc
Những năm gần đây, nhiều hoạt động hướng tới mục tiêu phát triển văn hóa đọc đã được tổ chức, song hoạt động này ở nhiều nơi còn mang tính phong trào. Không nhiều người có thói quen đọc sách mỗi ngày. Theo ông Lê Hoàng, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nếu nhìn vào số lượng tựa sách và bản in, có thể thấy con số tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên, với dân số như hiện nay, tỷ lệ sách phục vụ nhu cầu tự giáo dục, nâng cao dân trí chỉ là 1,44 bản sách/người/năm, chưa kể trong số đó có khá nhiều sách vô bổ.
Sức đọc quá thấp chủ yếu do đa số người Việt chưa hình thành thói quen và kỹ năng đọc dù đó là điều nên có ngay từ khi còn trẻ. Trong nhiều gia đình, người bố sẵn sàng chi tiền cho một chiếc tủ rượu nhưng lại dè dặt khi sắm một tủ sách; các bà mẹ hào phóng rút ví mua sách cho con nhưng bản thân lại không đọc và không hướng dẫn con đọc. Những cuốn sách nằm im trên giá là “sách chết”, không mang lại gì ngoài ý nghĩa trưng bày. Tại các trường học, số lượng đầu sách ở thư viện trường còn hạn chế, cơ sở vật chất của hệ thống thư viện cũ kỹ, nghèo nàn, chật chội, thậm chí một số thư viện còn phải “gánh nhiều vai” – vừa là “kho” cất giữ sách, nhạc cụ, vừa là phòng tập múa hát. Ngay cả ở những trường học có thư viện “đẹp như mơ” thì số lượng học sinh hào hứng đến thư viện vẫn chưa được như kỳ vọng, do thời gian nghỉ giữa giờ ngắn, thư viện lại nằm ở tầng cao hoặc ở xa nơi học của trẻ.
Ngành Giáo dục đã cố gắng đề ra giải pháp để thư viện trường học phát huy hiệu quả thúc đẩy sự đọc, trong đó có tính đến việc triển khai mô hình tiết học thư viện ở các trường đủ điều kiện dạy 2 buổi/ngày. Tại Hà Nội, từ hơn 10 năm trước, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các trường có thư viện đạt chuẩn hoặc đủ điều kiện bố trí học sinh mỗi lớp 1 tiết/tuần tham gia hoạt động tại thư viện. Chủ trương tích cực này đã góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường. Nhiều trường mở rộng không gian thư viện bằng cách “biến” hành lang, góc lớp… thành những “phòng đọc” thân thiện, dễ tiếp cận. Trường Tiểu học Bồ Đề (quận Long Biên) đã tạo một không gian mở ngay chân cầu thang với những kệ sách chia theo chủ đề, đồng thời tận dụng không gian dọc hành lang phòng đọc để trải thảm xanh, trang trí và mở rộng góc đọc. Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) tạo không gian đọc ngay ở sảnh tầng 1 để trẻ có thể đọc sách trong giờ ra chơi hay khi chờ bố mẹ đến đón. Những không gian này không chỉ phục vụ việc đọc sách, mà còn là nơi học sinh chơi cờ, trò chơi dân gian hoặc giao lưu cùng bạn. Tính đa năng của các không gian đọc giúp học sinh hứng thú với sự đọc.
Song song với việc tạo không gian sáng tạo là các hoạt động khác như thư viện phục vụ đọc sách theo chủ đề, tổ chức nói chuyện chuyên đề, giới thiệu sách, giao lưu với nhà văn, nhà thơ, các cuộc thi viết thu hoạch, vẽ tranh, viết cảm nghĩ về tác giả – tác phẩm. Nhiều hoạt động ngoại khóa nhằm phát triển văn hóa đọc đã được tổ chức, như tuần lễ đọc sách, ngày hội đọc sách; xây dựng thư viện mini, tủ sách lớp học, thư viện lưu động. Nhiều trường thường xuyên tổ chức luân chuyển sách giữa các lớp, mở rộng nguồn cung cấp sách qua phong trào “Góp một cuốn sách nhỏ, đọc ngàn cuốn sách hay”…
Tuy nhiên, hiện còn nhiều trường học chưa thường xuyên tổ chức hoạt động thư viện, hoặc có tổ chức nhưng hoạt động mang tính hình thức, không thiết thực. Nguyên nhân của sự hạn chế là cơ sở vật chất và nhận thức của nhà trường chưa tốt; năng lực tổ chức, sáng tạo của nhân viên thư viện còn hạn chế… Tại các cuộc hội thảo do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, để xây dựng được thói quen đọc trong nhà trường, việc cần thiết là phải tổ chức được tiết đọc sách chính khóa, đưa hoạt động đọc trở thành bắt buộc.
Học sinh Trường Tiểu học Thanh Xuân Bắc đóng góp sách cho thư viện của nhà trường. Ảnh: Nhật Mai
Hình thành thói quen từ tiết đọc sách
Để xây dựng văn hóa đọc, từ đó góp phần nâng cao dân trí, đẩy mạnh hiệu quả kinh tế xuất bản, việc đọc sách phải trở thành thói quen. Người đọc, nhất là học sinh, cần hiểu rằng việc đọc không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu giải trí, mà còn để thu nhận kiến thức, nâng cao hiểu biết. Trẻ nên chọn đọc gì, đọc như thế nào, đó là điều cần được người lớn hướng dẫn. Từ phía gia đình, sự hướng dẫn có thể chỉ dừng ở việc tương tác cùng con, nhưng sự hướng dẫn từ phía nhà trường phải ở một mức độ cao hơn để trẻ cảm nhận được cái hay, cái đẹp, cái lý thú của mỗi cuốn sách, để trẻ hiểu rằng cả sách văn học, sách khoa học, sách dạy kỹ năng sống… đều mang lại điều bổ ích.
Nhằm phát triển văn hóa đọc, trong đó chú trọng đến việc tìm tòi cách thức để kích thích và tạo thói quen đọc sách ở học sinh, từ năm 2018, Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, lớp tập huấn với chủ đề đa dạng: “Làm thế nào để tạo thói quen đọc sách cho trẻ?”, “Thói quen đọc sách góp phần hình thành nhân cách cho học sinh như thế nào?”, “Cách thức hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường”… Theo Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng, không nhiều người Việt có thói quen đọc sách thường xuyên. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế này, trong đó có việc thiếu tiết đọc sách trong nhà trường. Việc đọc sách chỉ có thể trở thành thói quen khi hoạt động đọc được lặp đi lặp lại với một tần suất nhất định, trong một thời gian đủ dài, vì thế, sau khi tham khảo từ một số nước trong khu vực cũng như từ mô hình tiết đọc sách được triển khai thành công ở nhiều trường học tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Hội Xuất Bản Việt Nam đã đề nghị ngành Giáo dục đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính khóa. Theo đó, có thể dành 15 – 30 phút đầu giờ học mỗi ngày hoặc bố trí ít nhất 2 tiết/tuần trong khung giờ chính thức – tùy theo điều kiện của mỗi trường và mỗi cấp học – cho việc đọc của học sinh.
Video đang HOT
Khi tiết đọc sách trở thành yếu tố bắt buộc với thời lượng cụ thể, nhà trường và phụ huynh sẽ có nhận thức đầy đủ hơn về yêu cầu hình thành thói quen đọc cho trẻ. Thầy giáo Lê Hữu Dũng (Trường Tiểu học Hùng Vương, thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: “Tôi cảm nhận được những lợi ích tuyệt vời mà việc đọc sách đem lại cho học sinh trong suốt 3 năm học vừa qua, khi Ban Giám hiệu nhà trường đã mạnh dạn dành 2 tiết/tuần cho các em đọc sách. Học sinh rất hứng thú khi đến tiết học này. Các em có thể tìm những quyển sách mà mình yêu thích, chìm đắm theo dõi nội dung của sách. Có lúc chúng bật cười thích thú, nắm tay thật chặt như đang căm phẫn trước một nhân vật xấu xa nào đó… Tôi rất mong ngành Giáo dục đưa tiết đọc sách vào trong khung chương trình học chính khóa của các trường học, bởi nếu như được đọc thường xuyên, học sinh sẽ phát triển toàn diện hơn”.
Xây dựng tiết đọc sách trong nhà trường là một đề xuất tuyệt vời. Đó là việc cấp thiết để có thể phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng nhu cầu về thông tin phục vụ nền kinh tế tri thức và yêu cầu phát triển bền vững. Tuy nhiên, việc triển khai mô hình tiết đọc sách không thể vội vàng, cần có sự chuẩn bị kỹ càng về nhiều mặt bởi nếu không, tiết đọc sách có thể mang tính hình thức, không khơi gợi được niềm hứng thú đọc sách của các em.
Hiện nay, hoạt động đọc ở thư viện trường học do nhân viên thư viện thực hiện, tuy nhiên, chế độ đãi ngộ dành cho họ còn thấp, nhân viên thư viện ở một số trường còn phải kiêm nhiệm công việc khác. Nhiều giáo viên không đọc sách thường xuyên, thậm chí có những giáo viên ngữ văn chỉ đọc sách liên quan đến bài giảng mà không cập nhật các đầu sách văn học mới, hay, phù hợp với học sinh… Đó là những điều cần thay đổi bởi nếu giáo viên lười đọc, cơ sở vật chất không tốt… thì khó tạo thói quen đọc cho học sinh. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cần phối hợp tốt hơn với ngành Xuất bản trong việc xây dựng danh mục sách theo lứa tuổi, thậm chí chia cụ thể theo từng khối lớp, để học sinh có thể lựa chọn sách phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi và chương trình học trong nhà trường.
Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch):
Một nền giáo dục muốn đổi mới toàn diện thì cần phải nâng cao khả năng tự học, tự đọc của học sinh!
Một nền giáo dục muốn đổi mới toàn diện thì cần phải nâng cao khả năng tự học, tự đọc của học sinh. Tiết đọc sách hướng tới mục tiêu đó, có vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho học sinh kiến thức, kỹ năng cần thiết cho việc học tập, nghiên cứu sau này.
Tuy nhiên, hiện nay nhận thức chung về vai trò của văn hóa đọc và thư viện chưa cao, đặc biệt là ở phía trường học. Thực tế đã có nhiều trường triển khai tiết đọc sách khá hiệu quả, nhất là khối trường tư, trường quốc tế, nhưng cũng có những nơi tiết học này chỉ là “đưa học sinh lên thư viện”. Do đó, xây dựng tiết đọc sách trong thời khóa biểu chính khóa nên là một yêu cầu bắt buộc, qua đó dần thay đổi thói quen đọc của học sinh và người dân.
Xây dựng tiết đọc sách không có gì khó khăn, vì mọi khó khăn về cơ sở vật chất đều có thể tìm cách khắc phục, chỉ có nhận thức đang là rào cản lớn nhất khiến văn hóa đọc chưa được phát huy tối đa ở các nhà trường. Có nhiều cách để triển khai hiệu quả tiết học đọc, như một số nước châu Âu và nước bạn Lào đã làm: Thư viện trường liên kết với thư viện công cộng địa phương để luân chuyển sách thường xuyên, đưa học sinh đến trải nghiệm tại thư viện công cộng hoặc đưa xe thư viện lưu động đến từng trường, từng lớp.
Đưa tiết đọc sách vào giờ học chính khóa để phát triển thói quen đọc sách
Đó là mong mỏi đầy tâm huyết từ ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam trong cuộc trao đổi với Đồng Nai Cuối tuần nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam (10-10-1952 - 10-10-2020).
Tiết học hạnh phúc - chuỗi chương trình khuyến đọc trong nhà trường và cộng đồng của Anbooks - Ankids tại các trường tiểu học phía Nam kể từ ngày 5-10 đến tháng 12-2020. Ảnh: P.T
Là chuyên gia am hiểu và có nhiều cống hiến trong ngành Xuất bản, sách báo, ông Lê Hoàng luôn quan tâm, trăn trở đến việc làm sao phát triển văn hóa đọc, tức thói quen đọc sách trong xã hội.
* Người Việt Nam ít đọc sách
Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam dẫn chứng số liệu về hoạt động xuất bản tại Việt Nam trong 5 năm gần nhất (2014-2019) - không tính số sách giáo khoa - để thấy các tín hiệu tăng khả quan như: số tựa sách (tăng 30% với 37.100 tựa sách năm 2019), số bản in (tăng 19%) và tỷ lệ sách/đầu người (tăng 12%). Dù vậy, tỷ lệ đọc sách của Việt Nam còn tụt hậu so với các nước châu Á như: Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc...
"Nguyên nhân chính có thể liệt kê là do thiếu tiết đọc sách trong khung thời khóa biểu học tập chính thức của nhà trường; các bậc phụ huynh thiếu sự quan tâm, khuyến khích thói quen đọc sách từ bé cho trẻ và các NXB, công ty kinh doanh sách chưa thật sự quan tâm công tác nghiên cứu thị trường và góp phần nâng cao thói quen đọc sách trong công chúng.
Văn hóa đọc của người Việt Nam chúng ta là quá thấp, do đa số người Việt Nam không có thói quen đọc sách - một thói quen chưa được tạo dựng từ khi còn bé và còn ngồi trên ghế nhà trường" - ông Lê Hoàng chỉ rõ.
* Phát triển thói quen đọc
Nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam 2020, ông Lê Hoàng tiếp tục kiến nghị những giải pháp thúc đẩy thói quen đọc sách, cụ thể là: "Chúng ta có thể thành lập một ủy ban quốc gia phát triển văn hóa đọc Việt Nam bao gồm đại diện các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tới đọc, các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực liên quan tới đọc, đại diện các tổ chức xã hội. Mỗi 5 năm một lần, chúng ta tổ chức tiến hành nghiên cứu, khảo sát thực trạng đọc trong xã hội để làm cơ sở xây dựng các kế hoạch dài hạn phát triển toàn diện, đồng bộ văn hóa đọc".
Theo ông Lê Hoàng, Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho các hệ thống thư viện trường học có đủ kinh phí hoạt động và phát triển ngang tầm các hệ thống thư viện tương ứng trong khối ASEAN, đặc biệt là hệ thống thư viện văn hóa khoa học tổng hợp (là nơi "học tập suốt đời" cho mọi công dân). "Tôi cũng đề nghị cần bổ sung một điều khoản về nội dung phát triển văn hóa đọc vào Bộ luật Xuất bản sửa đổi sắp tới như Luật Thư viện, Điều lệ Trường học đã làm. Một điều tôi rất "thao thức" và mong đợi là Bộ GD-ĐT xem xét việc đưa tiết đọc sách vào khung giờ chính khóa của trường học. Tháng 7 vừa qua Hội Xuất bản Việt Nam đã có công văn kiến nghị Bộ GD-ĐT về việc này" - ông Lê Hoàng cho hay.
Việc đẩy mạnh các hoạt động sôi nổi, thiết thực để phát triển thói quen đọc sách nhân dịp Ngày Sách Việt Nam (21-4 hằng năm) là điều rất nên làm, theo ông Lê Hoàng. Dịp này các hội chợ sách không chỉ tổ chức ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM mà tổ chức trên cả 63 tỉnh, thành cả nước. Các đường sách, phố sách được thành lập tại các tỉnh, thành. Các hội sách online hợp xu thế thời đại và sự phát triển công nghệ cũng cần đẩy mạnh.
Các NXB ứng dụng giải pháp công nghệ Reading code góp phần chống sách giả và tương tác tốt hơn với người đọc, có bước chuyển mạnh mạnh mẽ về đội ngũ làm nội dung (tiếp cận thị trường tiêu thụ sách thường xuyên và nắm bắt tình hình để định hướng đề tài, tổ chức đề tài gắn với xu hướng thị trường), tiếp thị online và phát hành đến các đối tượng riêng biệt trong xã hội.
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều chủ trương, chỉ thị nhằm nâng cao thói quen đọc sách trong xã hội. Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về "Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản" ngày 25-8-2004 đã nêu rõ ở điều 2.3: "Chăm lo phát triển nhu cầu văn hóa đọc của các tầng lớp nhân dân, tổ chức và phát triển các lực lượng, mạng lưới phát hành xuất bản phải đảm bảo đáp ứng đầy đủ, đúng đối tượng và địa bàn, đặc biệt quan tâm vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và miền núi. Phát triển hệ thống sách song ngữ, xuất bản nhiều sách bằng tiếng dân tộc với trình độ thích hợp, đáp ứng nhu cầu của đồng bào các dân tộc thiểu số".
Hay Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có mục tiêu chung là: "Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên... góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xã hội học tập".
* Những hành động cụ thể
Ông Lê Hoàng cho rằng trọng tâm và mục đích cuối cùng của phát triển văn hóa đọc của mỗi cá nhân gồm 3 thành phần: thói quen đọc, sở thích đọc, kỹ năng đọc và diễn giải. "Việc đọc sách chỉ có thể trở thành thói quen khi nó được lặp đi lặp lại với một tần suất nhất định, trong một thời gian đủ dài. Sở thích đọc thì phụ thuộc hoàn toàn vào từng cá nhân cụ thể (trình độ giáo dục và thiên tư cá nhân).
Còn kỹ năng đọc thì có 4 thao tác tư duy bắt đầu từ việc lựa chọn đề tài cần đọc, các cách đọc khác nhau phù hợp với từng loại tài liệu đọc cho đến biết cách vận dụng vào thực tiễn những nội dung đã đọc" - ông Hoàng nói.
Giáo viên cùng học sinh tiểu học đọc sách tại trường. Ảnh: T.S.K
Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam bày tỏ: "Các NXB, công ty làm sách nên tham gia đẩy mạnh các hoạt động phát triển văn hóa đọc tại các trường học. Tôi nhận thấy đã có nhiều hoạt động "hội sách mini" rất linh hoạt, các chương trình sinh hoạt chuyên đề, giao lưu tác giả - tác phẩm, tác giả ký tặng sách... được tổ chức rất sống động và thu hút.
Các cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc, Lớn lên cùng sách, Bình luận về sách... Các đơn vị làm sách có thể giới thiệu danh mục sách tham khảo cho thư viện trường học, đồng thời cung cấp sách cho thư viện nhằm bổ trợ cho các môn học để phục vụ cho việc học tập và nâng cao kiến thức của học sinh trong nhà trường" .
Ở chiều ngược lại, ông Lê Hoàng gợi mở làm sao các bậc phụ huynh trong gia đình cũng quan tâm và hiểu biết việc giáo dục kỹ năng đọc sách giấy truyền thống lẫn sách điện tử, sách trên mạng đối với con em mình. Ông nói: "Cần kích hoạt các giải pháp để mỗi gia đình xây dựng được một tủ sách gia đình và góc sách cho trẻ em tại gia. Nhiều nhà có tủ sưu tập rượu, có phòng karaoke giải trí... thì cũng rất cần sự hiện diện của tủ sách, kệ sách giá trị như một tiêu chí của gia đình văn hóa".
12 ý tưởng hỗ trợ học sinh phát triển thói quen đọc sách trong nhà trường:
1. Nắm các biểu hiện đặc trưng của thói quen đọc.
2. Hiểu lợi ích của việc có thói quen đọc.
3. Hình thái "đọc để thưởng thức vui" là con đường tốt nhất để hình thành thói quen đọc.
4. Giới thiệu 10 điều kiện cơ bản để xây dựng thói quen đọc cho học sinh cấp 1.
5. Giới thiệu 9 thói quen của người đọc tốt.
6. Trang bị và chọn lựa sách, tài liệu đọc cho học sinh.
7. Mỗi giáo viên là một người đọc gương mẫu.
8. Xây dựng giáo viên thành cộng đồng người đọc.
9. Tạo phong cách người đọc độc lập.
10. Mục tiêu giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông quốc gia đề cập đến phát triển văn hóa đọc sách cho học sinh trong nhà trường.
11. Tạo động lực cho học sinh "đọc, đọc nữa, đọc mãi".
12. Chú ý đặc trưng thể loại của văn bản đọc khi hướng dẫn học sinh đọc thành tiếng và đọc hiểu.
(Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam)
Con lớn lên cứ đụng tới sách là sợ, nguyên nhân vì hành động sai lầm này của mẹ từ khi còn nhỏ Có những phụ huynh đầu tư cho con cả tủ sách, trong nhà đi đâu cũng thấy sách hay, sách đắt tiền nhưng tại sao những đứa trẻ không hề hứng thú? Dù không thể nhớ những cuốn sách đã đọc trong đời nhưng bằng một cách nào đó, những cuốn sách trong vô thức vẫn làm cho chúng ta trở thành người...