Xây dựng nông thôn mới ở Nam Định
Sớm hoàn thành xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Nam Định đang tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu.
Một lần nữa, các tổ chức đảng đảm nhận vai trò “hạt nhân” khơi dậy nội lực toàn dân, toàn hệ thống chính trị thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị quan trọng này.
Một góc xã nông thôn mới nâng cao Xuân Hòa, huyện Xuân Trường.
Tạo sự đồng thuận
Nhìn lại hơn 10 năm xây dựng NTM và một năm phấn đấu hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hòa (huyện Xuân Trường) Phạm Quang Ngọc đánh giá: Thành công của xã thời gian qua chính là nhờ các tổ chức đảng làm tốt công tác dân vận, khơi dậy niềm tin và nội lực trong cộng đồng dân cư. Nếu coi việc thực hiện tiêu chí xây dựng NTM là quá trình hoàn thiện từng hạng mục của đại công trường thì quá trình vận động, tuyên truyền là bước đột phá nâng cao chất lượng công trình, tay nghề người thợ. Tổ chức đảng là hạt nhân của quá trình tạo chuyển biến nhận thức, đưa hệ thống chính trị đứng vai trò trung tâm, người dân là chủ thể.
Khi bước vào xây dựng NTM, nhiều người dân dẫu giàu lòng với quê hương cũng mang suy nghĩ xã Xuân Hòa khó hoàn thành được đầy đủ các tiêu chí. Bởi xuất phát điểm thấp, nội lực trong dân yếu, làng quê thuần nông trên đất chiêm trũng chỉ đạt bảy trong số 19 tiêu chí. Có cán bộ, đảng viên còn cho rằng, xã nhà chỉ cần thoát nghèo đã là khá rồi mong gì đến danh hiệu NTM hay “miền quê đáng sống”. Song quyết tâm, hành động từ cấp ủy, chính quyền đã lan tỏa xuống toàn dân, trước hết từ nhiều cuộc họp, buổi tuyên truyền trên tinh thần dân chủ, cởi mở. Các chi bộ đảng nông thôn trước đây thường có một điểm khó khăn là bí thư chi bộ không phải là trưởng thôn, lực lượng tại chỗ mỏng, phần lớn đảng viên là giáo viên, viên chức, cán bộ về hưu. Mỗi khi nói chuyện về xây dựng NTM, nhiều người trong làng chưa sẵn sàng tham gia. Vậy là ngay từ khâu chuẩn bị thành phần dự cuộc họp đã xuất hiện “điểm nghẽn”, nhưng rồi như mưa dầm thấm đất, nước chảy đá mòn, những cuộc họp chi bộ “mở” đã dần kéo được những thành phần có uy tín trong làng, xã tham dự. Mọi người đi đến thống nhất rằng: Chủ trương xây dựng NTM là cần thiết, là có lợi cho dân; Nhà nước hỗ trợ, người dân tự làm tự hưởng các thiết chế NTM.
Nhớ lại những cuộc họp chi bộ mở rộng toàn thôn, Bí thư Chi bộ xóm 8, xã Xuân Hòa Phạm Văn Chỉ kể: Mọi người bàn luận rất sôi nổi và cởi mở, từ việc chia phần đóng góp cho đến tham gia hiến kế, hiến đất làm đường. Từ sự minh bạch, công khai của những cuộc họp dân với đảng, đảng với dân, ai cũng cảm thấy mình có trách nhiệm và quyền lợi trong xây dựng NTM. Có trường hợp gia đình khó khăn, neo đơn xin nợ các khoản đóng góp thì chi bộ phân công đảng viên giúp đỡ, hoặc đưa ra tập thể thôn, xóm để miễn đóng góp. Với cách làm như vậy vùng quê nghèo như Xuân Hòa đã từng bước đạt được các tiêu chí về xây dựng NTM, ngay cả với những tiêu chí tưởng như rất khó là tiêu chí về bảo vệ môi trường, giữ sạch dòng kênh đào vốn trôi nổi nhiều rác thải do ảnh hưởng của quá trình sản xuất và sinh hoạt ở địa phương đầu nguồn.
Trong xây dựng NTM nâng cao ở Nam Định có một điểm thuận lợi rất đáng nói, đó là truyền thống văn hiến và hiếu học. Chương trình xây dựng NTM ở huyện Xuân Trường cũng vậy, khi nhận thức của một bộ phận dân cư và cán bộ, đảng viên thay đổi cũng là lúc tìm ra hướng giải quyết. “Điểm nghẽn” lớn nhất là tiêu chí về giáo dục, cụ thể là những tiêu chuẩn về nhà chức năng, thư viện, phòng máy tính, phòng thí nghiệm dường như đã vượt quá sự đóng góp của phụ huynh học sinh. Các địa phương đã huy động thành công sự đóng góp, hỗ trợ tích cực của nhiều con em làm ăn xa quê và doanh nghiệp địa phương. Khi được hỏi, tất cả đều có chung suy nghĩ về niềm tự hào, tình yêu quê hương, sẵn sàng mở lòng, ủng hộ. Doanh nhân Trần Thanh Sơn, sinh năm 1974, sinh sống tại TP Cẩm Phả, Quảng Ninh là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Thương mại Thiên Phú viết: Tôi luôn nhắc nhở mình và các con phải biết trân trọng, biết ơn, hướng về quê hương Nam Định. Đã có hàng trăm tấm lòng của những người con xa quê như vậy, họ đi xa nhưng vẫn luôn dõi về, sẵn sàng góp sức cho sự phát triển của quê nhà.
Thực tế 10 năm xây dựng NTM của Nam Định cho thấy công tác tuyên truyền, vận động góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng NTM. Hiện nay, hầu hết xã NTM ở Nam Định có hoạt động tuyên truyền phong phú, từ các trang cộng đồng (fanpage), vi-đê-ô clip giới thiệu quê hương trên không gian mạng cho tới nhiều tác phẩm nghệ thuật như thơ, ca, vũ, kịch ngợi ca quê hương. Tất cả đã mang lại hiệu ứng, tăng thêm tình cảm gắn bó với quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn qua nhiều thế hệ. Tình cảm đó khiến người dân sống tại địa phương thêm tự tin vững bước, người làm ăn xa nhà thêm gắn bó với quê hương, dòng họ trong quá trình xây dựng NTM.
Video đang HOT
Những kinh nghiệm thực tiễn
Đến nay, cấp ủy, chính quyền và người dân Nam Định nhận thức rõ từ NTM cho đến NTM nâng cao cần có sự phát triển về chất, nhất là những tiêu chí nâng cao về chất lượng cuộc sống. Câu chuyện tại nhiều địa phương đạt NTM ở tỉnh Nam Định nhưng chưa thể đăng ký NTM nâng cao vì thiếu OCOP là sự trăn trở chung của cấp ủy, chính quyền và người dân sở tại. Có thể lấy thí dụ từ huyện Giao Thủy, đây là địa phương nông nghiệp phát triển với những cánh đồng đạt 500 triệu đồng/ha/năm và đang từng bước xây dựng NTM nâng cao. Được biết toàn huyện đang phấn đấu thành huyện NTM kiểu mẫu trước năm 2023. Mục tiêu thì lớn nhưng hết năm 2020, huyện mới có 6 sản phẩm OCOP. Thực tế có nhiều xã trên địa bàn huyện muốn đăng ký xây dựng NTM nâng cao nhưng vẫn còn đang lấn cấn vì thiếu “tiêu chí OCOP” này. Trăn trở hơn khi nhìn sang bên các huyện sát cạnh là Hải Hậu và Trực Ninh cũng có đến 27 và 9 sản phẩm OCOP. Huyện Giao Thủy từng rất “mạnh tay” đầu tư cho các xã đạt NTM nâng cao, 500 triệu đồng mỗi xã. Với các chủ thể OCOP cũng được treo thưởng 10 triệu đồng/sản phẩm… song dường như người dân vẫn chưa mặn mà. Lý do là quy trình thực hiện OCOP khá phức tạp với nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn trên một sản phẩm đã khiến một bộ phận chủ thể chưa mạnh dạn đăng ký tham gia OCOP.
Để giải quyết vấn đề trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy Cao Thành Nam trao đổi: Giữa tháng 4 vừa qua, HĐND huyện đã thông qua đề án khuyến khích phát triển sản phẩm OCOP. Theo đề án, việc phát triển OCOP sẽ được thực hiện bài bản, từ cán bộ cho đến chủ thể, cùng với các cơ chế hỗ trợ chủ thể từ tài chính cho đến tiếp thị, quảng bá. Huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hỗ trợ giới thiệu sản phẩm OCOP tại các cửa hàng nông sản uy tín của huyện. Mời chuyên gia, mở lớp tập huấn, tư vấn cho các chủ thể đăng ký sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Từ những biện pháp và lộ trình tích cực đó, hiện toàn huyện đã có 80 chủ thể đăng ký 91 sản phẩm OCOP. Đồng chí Cao Thành Nam nhìn nhận: Có được thành công như hiện tại phải nhờ tới sự góp sức rất lớn của các tổ chức cơ sở đảng, nhìn rộng ra là hệ thống chính trị trong toàn huyện. Nhiều đảng viên đã gương mẫu đi đầu trong xây dựng NTM, giờ lại tiên phong đi đầu trong xây dựng NTM nâng cao, trong đó có việc tìm tòi, sáng tạo phát triển sản phẩm OCOP. Ở Giao Thủy, để xây dựng thương hiệu một sản phẩm OCOP không hề đơn giản, không chỉ cần có nhiệt huyết mà còn cần đến nhiều kiến thức chuyên môn chuyên sâu. Chúng tôi cũng được nghe đến nhiều tấm gương đảng viên mày mò làm sản phẩm OCOP, có sức truyền cảm hứng rất lớn trong nhân dân.
Bên cạnh đó, trong công tác xây dựng Đảng, từ nhiều năm qua Nam Định đã chuẩn hóa đội ngũ cán bộ, công chức có trình độ lý luận, có năng lực chuyên môn cao. Đội ngũ cán bộ cũng dần được trẻ hóa. Công tác kiểm tra, giám sát, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị được đề cao. Vai trò, trách nhiệm của các chi bộ đảng đối với công cuộc xây dựng xóm, tổ dân phố kiểu mẫu được nâng lên rõ rệt. Mặt khác, thực tế Nam Định cũng đang đặt ra vấn đề phối hợp “bốn nhà”: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông trong tiến trình quy hoạch, tổ chức sản xuất, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất lao động và cải thiện đời sống, tạo việc làm cho nông dân.
Nam Định là tỉnh về đích NTM sớm trong cả nước. Từ những kinh nghiệm thực tiễn quý báu, được vận dụng sáng tạo, thực hiện hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa phương, tin rằng cấp ủy các cấp tỉnh Nam Định sẽ thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh với quyết tâm và khí thế của thắng lợi.
Tân Yên (Bắc Giang): Nhân rộng điển hình tiên tiến
15 mô hình điển hình cấp huyện được Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo xây dựng đạt kết quả cao; 6 cuộc kiểm tra, 9 cuộc giám sát đối với các tổ chức đảng và đảng viên, qua đó kịp thời phát hiện, uốn nắn những hạn chế, yếu kém, nhất là những yếu kém trong nhận thức, đồng thời phát hiện việc làm tốt để kịp thời biểu dương, nhân rộng.
Đây là một số kết quả nổi bật mà Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đã đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Chú trọng xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến
Xác định việc thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW là giải pháp quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, vừa góp phần nâng cao phương pháp lãnh đạo của tổ chức Đảng, vừa nâng cao đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Ban Thường vụ Huyện ủy Tân Yên đã ban hành 17 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo Ban Tuyên giáo Huyện ủy ban hành 13 văn bản, chỉ đạo tổ chức hội nghị trực tuyến học tập Chỉ thị theo chuyên đề hàng năm cho lãnh đạo chủ chốt và đảng viên các chi, đảng bộ trực thuộc, toàn thể cán bộ, đảng viên ở 22/22 xã, thị trấn.
Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo xây dựng từ 4-7 mô hình điển hình cấp huyện; chỉ đạo mỗi cấp ủy, chi bộ, cơ quan, đơn vị lựa chọn ít nhất 2 đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là những cá nhân tiêu biểu để bồi dưỡng, xây dựng thành điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kết quả, sau 05 năm đã có 15 mô hình điển hình cấp huyện được Ban Thường vụ Huyện ủy lãnh đạo xây dựng đạt kết quả cao; các xã, thị trấn đã có 1.061 lượt chi bộ đăng ký xây dựng 1.086 gương điển hình tiên tiến.
Ban Thường vụ Huyện ủy trao tặng Giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong thực hiện Chỉ thị 05 tại Lễ báo công dâng Bác ngày 27/9/2019. (Ảnh: Quang Thái)
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, cụ thể Ban Tuyên giáo Huyện ủy tiến hành 6 cuộc kiểm tra, 9 cuộc giám sát về thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW đối với các tổ chức đảng và đảng viên, qua đó kịp thời phát hiện, uốn nắn những hạn chế, yếu kém, nhất là những yếu kém trong nhận thức, đồng thời phát hiện việc làm tốt để kịp thời biểu dương, nhân rộng.
Sau 5 năm triển khai, huyện Tân Yên đã có những cách làm mới, sáng tạo như: lãnh đạo tuyên truyền, vận động nhân dân, các hợp tác xã, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường đồng bộ, hiệu quả gắn với từng sản phẩm cụ thể nhằm tạo ra những nông sản hàng hóa có năng suất, chất lượng, giá trị vượt trội, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tập trung lãnh đạo phát triển công nghiệp để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn huyện theo hướng thân thiện, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế. Tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, chủ động mời gọi các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đầu tư vào địa bàn xã, thị trấn để giải quyết việc làm tại chỗ.
Lãnh đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, bảo vệ môi trường, tuyên truyền, vận động nhân dân thu gom, xử lý rác thải tại gia đình. Xây dựng khu tập kết rác thải tập trung tại huyện, các xã thị trấn và tại các thôn trên địa bàn huyện.
Lãnh đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, sửa đổi lối làm việc của cán bộ, công chức, giải quyết có hiệu quả đơn, thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.
Ban hành 5 chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn, hàng năm đều tổ chức Lễ báo công dâng Bác, tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Lựa chọn các nội dung trọng tâm, đột phá để tập trung lãnh đạo, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Xây dựng các điển hình tiên tiến cấp huyện trong học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo từng năm.
Nhiều điển hình trong bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới
Nhờ sự thống nhất, nỗ lực, đoàn kết của các cấp chính quyền, sự đồng thuận của người dân, Tân Yên đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, có thành tích nổi bật như: xã Phúc Sơn chỉ đạo xây dựng được bãi tập kết, xử lý rác thải tập trung của xã và các thôn để hoàn thành các tiêu chí đạt xã nông thôn mới; thị trấn Nhã Nam duy trì có hiệu quả lò đốt rác và đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn; chi bộ thôn Lời, xã Cao Xá, vận động nhân dân hiến 4.500m2 đất, huy động trên 1 tỷ đồng làm 1,6 km đường bê tông; thôn Tân An, xã Lam Cốt đã vận động người dân hiến 2.100 m2 đất làm đường; trường Tiểu học thị trấn Cao Thượng đã tiết kiệm được 19.760.000 đồng đỡ đầu 02 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; Hội Người cao tuổi xã Việt Lập hỗ trợ làm 02 nhà ở cho hội viên nghèo, vận động hội viên hiến hơn 4.000 m2 đất và đóng góp hơn 200 triệu đồng xây dựng nông thôn mới;
Về cá nhân, đó là đồng chí Hoàng Kiểm, Bí thư chi bộ thôn Tiến Điều, xã Nhã Nam tích cực vận động bà con hiến đất xây dựng nông thôn mới, gia đình gương mẫu hiến trên 70m2 đất thổ cư, vận động nhân dân xây dựng cánh đồng sản xuất hàng hóa, vệ sinh môi trường; đồng chí Hoàng Thị Hà, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng phố Hoàng Hoa Thám tuyên truyền, vận động, quyên góp nấu xôi phát cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa huyện.
Ngoài ra, đồng chí Đỗ Thị Ngọc, Phó bí thư Chi bộ khu Chợ, thị trấn Cao Thượng tích cực tham mưu chi bộ làm tốt công tác vận động xã hội hóa thực hiện một số công trình phúc lợi trị giá gần01 tỷ đồng; đồng chí Phạm Thị Lệ, Trưởng thôn Mai Hoàng, xã Phúc Sơn vận độngnNhân dân dồn đổi 19,1 ha ruộng theo đúng kế hoạch, mở rộng 4,5km đường giao thông từ 3 m lên 5 m, làm 2 km hệ thống thủy lợi và hệ thống bờ vùng, bờ thửa, trong đó Nhân dân hiến 22.000 m2 đất; xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao với diện tích 1.300 m2, vận động nhân dân đóng góp trên 500 triệu đồng làm 1,2 km đường giao thông nội thôn...
Đạt được những thành tích nêu trên, có thể khẳng định Tân Yên đã phát huy tốt vai trò của Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện các đề án, kế hoạch, chương trình đã đề ra. Làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức đúng đắn mục đích, ý nghĩa của Chỉ thị 05-CT/TW, nâng cao tính tự giác học tập và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên.
Nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết TW 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều chuyển biến tích cực. Việc giải quyết những vấn để bức xúc, nổi cộm từ huyện đến cơ sở được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo và giải quyết có hiệu quả, nhất là những vấn đề liên quan đến đất đai, môi trường tạo sự đồng thuận trong nhân dân góp phần tích cực đưa huyện Tân Yên đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.
Đồng thời, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã và đang từng bước lan tỏa, trở thành phong trào thi đua trong cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội của địa phương./.
Xác định 110 sản phẩm ưu thế "tạo nguồn" cho Chương trình OCOP Để Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 thực sự hiệu quả, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương rà soát, xác định, lựa chọn những sản phẩm thuộc các nhóm ngành: thực phẩm, thảo dược, lưu niệm, nội thất, trang trí, dịch vụ du lịch nông thôn nhằm "tạo nguồn" xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP. Sản phẩm...