Xây dựng ngôi trường không khói thuốc: Không quá khó để thực hiện
“Nếu chúng ta tăng cường nhận thức bằng các hình thức giáo dục và người đứng đầu của nhà trường thật sự “khắt khe” với hành vi hút thuốc thì không khó để xây dựng được một ngôi trường không khói thuốc” – GS.TS Lê Vũ Anh khẳng định.
Trao đổi với Dân trí xung quanh vấn đề “loại bỏ” khói thuốc ra khỏi học đường, GS.TS Lê Vũ Anh – Hiệu trưởng trường ĐH Y tế Công cộng (YTCC), ngôi trường không khói thuốc đầu tiên ở Việt Nam đã chia sẻ như vậy.
GS.TS Lê Vũ Anh.
Thưa GS, theo nhiều kết quả nghiên cứu thì hiện nay tỷ lệ người hút thuốc lá tại các cơ sở giáo dục chiếm một tỷ lệ tương đối cao. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng này?
Trước hết tôi phải thanh minh cho ngành giáo dục một chút. Không hẳn chỉ có các cơ sở giáo dục mà còn nhiều đơn vị ban ngành khác số lượng người hút thuốc lá vẫn chiếm tỷ lệ cao.
Nguyên nhân của câu chuyện này khá là dài. Thứ nhất cần phải tìm hiểu xem họ nhận thức về thuốc lá như thế nào, họ biết ảnh hưởng của thuốc lá đến những người xung quanh ra sao… Thứ hai, khi mà người hút thuốc xâm phạm những hành vi có hại không chỉ cho bản thân mà đối với những người xung quanh thì sẽ bị xử phạt như thế nào. Một điều cũng khá quan trọng đó là liệu có cách gì về biện pháp “kỹ thuật” để hạn chế tình trạng đó hay không.
Video đang HOT
ĐH Y tế Công cộng là ngôi trường không khói thuốc đầu tiên ở Việt Nam. Vậy GS có thể chia sẻ những lộ trình để thực hiện được điều này?
Thật ra trường chúng tôi có khá nhiều thuận lợi bởi đây là ngôi trường về sức khỏe. Chính vì thế không chỉ giảng viên mà sinh viên đều được dạy, được hiểu và được tiếp cận với các chuyên gia nước ngoài để biết rằng khói thuốc lá rất có hại cho sức khỏe. Một khi đã biết có hại nhưng tiếp tục đầu độc những người xung quanh thì hành vi đó không thể chấp nhận được.
Chính vì thế, một trong những biện pháp mà nhà trường mạnh dạn làm đó là xử phạt. Bất kì ai vi phạm trong khuôn viên trường vi phạm thì lực lượng thanh niên xung kích của trường có quyền ghi biên bản và xử phạt.
Quay lại vấn đề tôi đã đề cập ở trên, nếu nói về biện pháp kỹ thuật thì về cơ học chỉ có ở sân bay làm được. Ở những chỗ này người ta sẽ xây dựng ra các khu vực dành cho người hút thuốc. Ai muốn hút thuốc thì vào đây và sẽ không làm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Còn đối với các hãng thì đang tìm cách để làm sao làm giảm đi các chất độc hại có trong thuốc lá. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa biện pháp nào để thực hiện điều này.
Theo tôi để thực hiện lộ trình không khói thuốc giải pháp đầu tiên vẫn là nâng cao nhận thức bằng các hình thức giáo dục sau đó mới tính đến việc xử phạt.
Trường ĐH YTCC là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng mô hình “Ngôi trường không khói thuốc” từ tháng 8/2004 với sự hỗ trợ của Hội Y tế Công cộng Việt Nam và tổ chức HealthBridge.
Với một số kết quả nhất định, trường ĐH YTCC đã được tổ chức Y tế thế giới (WHO) công nhận là mô hình điểm và trao kỷ niệm chương, bằng khen về những thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại Việt Nam.
Trường ĐH Y tế Công cộng là một sơ sở đào tạo có khuôn viên không rộng nên việc quản lý có thể là dễ dàng hơn. Trong khi đó rất nhiều cơ sở đào tạo nhiều cơ sở và khuôn viên rộng nên việc quản lý, giám sát là rất hạn chế. Vậy theo GS đối với các cơ sở như vậy thì cần có những chế tài nào để thực hiện lộ trình không khói thuốc?
Tôi nghĩ dù cơ sở rộng hay hẹp thì cũng như nhau cả. Ở trường nào thì cũng có tổ chức Đoàn, tổ chức này cần phải được coi là nòng cốt để tham gia giáo dục. Những người tham gia phải gương mẫu và có nhận thực rõ ràng về tác hại của thuốc lá.
Bên cạnh đó thì những người chịu trách nhiệm về nhà trường như Đảng ủy, Ban giám hiệu cũng phải thật sự “khắt khe” với chuyện này. Nếu mà những người đứng đầu mà xem nhẹ thì chắc chắn rất khó để thực hiện được.
Cá nhân tôi khi ngay từ đầu đã rất quyết liệt. Tôi đã từng phải nhấn mạnh trước giảng viên và học sinh rằng: “Tôi không thể chấp nhận những người biết tác hại của thuốc lá nhưng vẫn có hành vi hút thuốc gây ảnh hưởng đến những người xung quanh”
Hiện nay không ít các trường treo khẩu hiệu, dán các biển cấm hút thuốc ở phòng học…, theo GS thì đây có phải là biện pháp hữu hiệu?
Nếu chỉ có một biện pháp này thì chắc chắn không có hiệu quả gì cả mà nó cần phải đi kèm với một loạt các biện pháp khác như chế tài, xử phạt, thông điệp phải đúng, phải giảng dạy cho người ta biết và hiểu tác hại của thuốc lá.
Thước đo cho ngôi trường không khói thuốc không chỉ là việc các hành lang, các phòng học đều dán pa-nô, áp phích “không hút thuốc” và không có mẩu thuốc lá nào, mà điều quan trọng là tất cả mọi người trong trường đều biết “sợ” thuốc lá và những tác hại của nó với sức khoẻ.
Vừa qua Bộ GD-ĐT đã chính thức đưa tiêu chuẩn không hút thuốc lá tại nơi làm việc và nơi công cộng vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, giáo viên…GS có nghĩ đây là một tiêu chí gây khó khăn cho những thầy cô “nghiện” hút thuốc lá?
Theo tôi thì vấn đề này chẳng có gì gây khó khăn cho đội ngũ thầy cô. Nếu có ý chí, tôi nghĩ bỏ thuốc là chuyện đơn giản. Khi hiểu rằng mình đang làm hại người khác thì chắc chắn các thầy cô sẽ không làm chuyện đó. Quan điểm của tôi là: “Anh văn minh, anh lịch sự thì anh đừng có làm ảnh hưởng đến người khác”.
Xin cảm ơn GS!
Theo dân trí