Xây dựng nền giáo dục thông minh ở thành phố mang tên Bác: Lan tỏa trong cộng đồng
Trên nền tảng công nghệ thông tin (CNTT), cùng với sự sáng tạo, linh hoạt của giáo viên, việc dạy học trở nên hiệu quả, hấp dẫn hơn.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1 tham gia tiết học được phép sử dụng điện thoại. Các em quét mã QR Code được giáo viên mã hóa để vào bài học. Ảnh: P.Nga
Những mô hình giáo dục đổi mới sáng tạo của giáo viên TPHCM đã lan tỏa đến nhiều trường học trên cả nước.
Mở rộng dự án dạy học thông minh
Được triển khai từ năm học 2018 – 2019, đến nay dự án Thắp sáng tri thức của nhóm học sinh và giáo viên Trường Tiểu học – THCS – THPT Việt – Úc (cơ sở Hoàng Văn Thụ, quận Phú Nhuận) vẫn tiếp tục được duy trì và lan tỏa đến nhiều nơi khác.
Thầy Nguyễn Lý Thủy, một trong những giáo viên đồng hành cùng học sinh từ ngày đầu triển khai chia sẻ: Thực hiện dự án vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn để làm ra sản phẩm là chiếc đèn bàn chạy bằng năng lượng mặt trời, học sinh trường trưởng thành lên rất nhiều.
Đến nay, dự án đã huy động được hơn 300 triệu đồng và tặng hơn 250 đèn bàn cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa của các tỉnh Đắk Lắk, An Giang, Điện Biên, Kiên Giang. Dự án cũng chuẩn bị nguồn lực để tặng 1.000 đèn bàn trong các năm tiếp theo.
Song song với việc xây dựng các nhóm học sinh lắp ráp đèn tại trường, dự án cũng tìm kiếm nhóm vệ tinh ở những vùng miền khác nhau để cùng thực hiện. Nhóm học sinh ở Trường THPT chuyên Chu Văn An (Lạng Sơn) đã vào cuộc với dự án, lắp ráp 20 đèn tặng cho học sinh ở Nậm Pan, Điện Biên. Để làm được điều đó, học sinh Trường Việt – Úc đã tích cực ứng dụng CNTT để lan tỏa dự án và kết nối với học sinh ở Lạng Sơn, đồng thời thực hiện video về quy trình lắp ráp đèn và gửi hướng dẫn cho các bạn.
Theo thầy Nguyễn Lý Thuỷ, dự án không chỉ là nơi trao yêu thương đến học sinh những nơi chưa có điện lưới quốc gia mà còn mang nhiều lợi ích cho những em tham gia. Học sinh tham gia dự án không chỉ biết áp dụng kiến thức (Toán học, Vật lý, Kinh doanh, Giáo dục công dân…) đã học, vận dụng vào thực tiễn, tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh có ích cho cộng đồng, mà còn có cơ hội để nhìn lại chính bản thân. Các em cảm nhận những giá trị mà mình đang nhận được, thêm yêu mến gia đình, trường học, bạn bè. Qua đó, nhân lên lòng yêu thương đồng bào và có trách nhiệm hơn với cộng đồng.
Video đang HOT
Cùng với làm đèn năng lượng mặt trời và tặng đèn, Trường Việt – Úc còn tổ chức quyên góp và tái sử dụng những cuốn sách/ truyện cũ để hình thành 1 thư viện cộng đồng với thông điệp “Một cuốn sách được tái sử dụng thì một cây xanh không bị chặt đi để in sách”. Đến nay, dự án quyên góp được hơn 1.000 cuốn sách/ truyện. Học sinh đã thực hiện việc trồng cây xanh bằng cách gửi cây giống cho bạn bè vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ để trồng trong vườn nhà của mình. Bằng cách đó các em đã trồng được 1.185 cây xanh.
Thông qua CLB Tin học của nhà trường, cô giáo Hồ Thị Sen, giáo viên Trường Tiểu học Bế Văn Đàn, Cư M’gar, Đắk Lắk đã thực hiện dự án Trao yêu thương – Gặt kỹ năng tham dự Diễn đàn giáo dục sáng tạo Education Exchange 2020 do Microsoft đồng hành cùng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT) tổ chức. Ảnh: P.Nga
Chia sẻ, trao đổi với đồng nghiệp
Cô Nguyễn Thị Diến, giáo viên Trường THPT Nguyễn An Ninh TPHCM – một trong ba giáo viên nhận được vé tham dự Diễn đàn Giáo dục toàn cầu năm 2019 diễn ra tại Paris, Pháp – chia sẻ: Tham gia sân chơi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT, tôi có cơ hội học hỏi, chia sẻ và tiếp cận được với phương pháp dạy học tiên tiến, bắt kịp với xu thế thế giới, đặc biệt là việc ứng dụng CNTT vào dạy học.
Bước ra khỏi dự án và cuộc thi, nhiều giáo viên đã cùng kết nối và tham gia Cộng đồng GV sáng tạo Việt Nam, cũng như một số cộng đồng giáo dục khác để cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi và hỗ trợ lẫn nhau trong chuyên môn, ứng dụng CNTT vào giảng dạy. Bản thân cô Diến cũng chủ động tìm tòi, tự đăng kí các các khóa học về đổi mới dạy học, tự học tiếng Anh, tìm hiểu các phần mềm dạy học, công cụ hỗ trợ để tạo nền tảng vững chắc trong việc đổi mới, sáng tạo dạy học.
“Hiện, tôi tham gia một số cộng đồng giáo dục trong và ngoài nước, luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho đồng nghiệp, cũng như học hỏi được từ các đồng nghiệp rất nhiều. Nhất là thời điểm dịch Covid-19 khi học sinh tạm dừng đến trường, mọi người đã cùng nhau chia sẻ các ứng dụng, công cụ, kho học liệu, nguồn tài liệu để hỗ trợ cho dạy học trực tuyến hiệu quả”, cô Diến cho biết.
Thầy Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hoà (quận Bình Thạnh) từng tham gia cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT cấp quốc gia năm 2016 với phần mềm “Học Lịch sử lớp 4 trực tuyến”. Đến nay, phần mềm của thầy Sơn được chia sẻ cho nhiều đồng nghiệp khác để cùng triển khai. Thầy Sơn tâm sự: Trước đây, tôi chưa có kỹ năng về ứng dụng CNTT, làm clip, mã hóa bài dạy để thành mã code, dạy học trực tuyến… Tuy nhiên, trước đòi hỏi của đổi mới giáo dục, nhu cầu của học sinh, tôi đã chủ động tìm tòi, đăng kí các lớp ngắn hạn trực tuyến, trực tiếp để học. Thậm chí còn theo học văn bằng 2 sư phạm Tin học.
Sau này, thầy Sơn là một trong những giáo viên tiểu học đi đầu trong ứng dụng CNTT và luôn sẵn sàng chia sẻ với các đồng nghiệp. Không chỉ dừng lại ở dạy học, thầy còn mày mò nghiên cứu, tìm hiểu và tận dụng những vật dụng sẵn có để tự làm ra chiếc máy rửa tay tự động đặt ở lớp học do mình phụ trách, để phòng dịch bệnh Covid-19. Sáng tạo của thầy cũng đã được đánh giá cao và lan tỏa ra nhiều trường bạn.
Theo thầy Sơn, việc tham gia cộng đồng giáo viên sáng tạo, cùng trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau, nhất là trong ứng dụng các phần mềm dạy học trực tuyến, chia sẻ cách thực hiện những dự án dạy học, nguồn học liệu, tận dụng CNTT trong giảng dạy… Chính CNTT đã kết nối giáo viên, từ Bắc vào Nam, từ miền núi tới miền xuôi… cùng chuyển động với cuộc cách mạng 4.0.
Xây dựng nền giáo dục thông minh ở thành phố mang tên Bác: Còn nhiều rào cản
Sau 2 năm thực hiện thí điểm, mô hình trường học thông minh (THTM) tại TPHCM đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực.
Mô hình giáo dục STEM trong nhà trường có vai trò thúc đẩy rất lớn trong việc định hình nền GDTM.
Sự chuyển biến rõ nét trong phương thức dạy và học, cách thức quản trị nhà trường, dịch vụ giáo dục trên nền tảng công nghệ. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, vẫn còn những rào cản.
Rào cản về đội ngũ
Trong hàng loạt thách thức gây khó cho ngành Giáo dục TPHCM trên con đường xây dựng và hình thành một nền giáo dục thông minh (GDTM) giai đoạn 2020 - 2025, yếu tố con người vẫn để lại những băn khoăn lớn cho các nhà quản lý. Bởi dù công nghệ có hiện đại đến đâu thì mọi giá trị thay đổi vẫn phải lấy con người (thầy cô, học sinh) làm trung tâm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM nhìn nhận những khó khăn mà ngành Giáo dục TP đã và đang đối mặt trong việc chuyển đổi từ phương thức giáo dục cũ sang phương thức mới, định hình và xây dựng nền GDTM chỉ mới bắt đầu. Trong đó, việc thay đổi tư duy của cán bộ quản lý lẫn phương pháp dạy học của đội ngũ giáo viên, giảng viên là điều không hề dễ dàng và ngay lập tức được.
"Cái khó của TP là bồi dưỡng, tổ chức tập huấn, mời các chuyên gia để cùng tập huấn cho giáo viên thành thạo ứng dụng công nghệ đồng bộ trong giảng dạy. Trong lớp học thông minh, thầy cô phải làm chủ công nghệ, giúp học sinh sử dụng công nghệ để tăng cường giao tiếp giữa người dạy và học, tăng cường giao tiếp giữa các em với nhau. Tuy vậy, điều này không phải giáo viên nào cũng thành thạo, vì vậy ít nhiều gây ra áp lực cho cả hai phía", ông Hiếu cho biết.
Thừa nhận sự chuyển dịch trong phương pháp giảng dạy ở từng nhà trường theo xu hướng GDTM là rõ ràng, song ông Lâm Quốc Phát - Hiệu trưởng Trường THCS Lam Sơn, Quận 6 cũng cho rằng: Thực tế vẫn còn nhiều giáo viên chưa mạnh dạn, ngại khó, chưa tích cực học hỏi nâng cao trình độ tin học.
"Một số giáo viên còn chưa tự thiết kế và sử dụng bài giảng điện tử. Trong khi đó, không ít giáo viên lại lạm dụng công nghệ thay cho viết bảng hoặc sử dụng quá nhiều kênh hình, kênh chữ hoặc chưa biết cách tích hợp, lồng ghép để sử dụng đa dạng các phần mềm soạn giảng, hoạt động tương tác, khiến tiết học chưa thật sự hiệu quả. Vì vậy, công tác tập huấn, bồi dưỡng, hướng dẫn cần song hành với tiến trình đổi mới để sự chuyển đổi thật sự có hiệu quả", ông Lâm Quốc Phát chia sẻ.
Sự bùng nổ của CNTT cũng như việc ứng dụng thành tựu công nghệ vào môi trường giáo dục là nền tảng cho GDTM.
Áp lực dân số
Ngoài những khó khăn nảy sinh từ các giáo viên đã lớn tuổi, không rành về CNTT, áp lực gia tăng dân số cơ học hàng năm cũng rất lớn cho ngành Giáo dục TP trong việc bảo đảm trường lớp, cơ sở vật chất để duy trì mô hình và phương thức của lớp học thông minh, nền GDTM.
Thống kê từ UBND TP cho thấy, cứ 5 năm TPHCM tăng cơ học thêm 1 triệu dân, số học sinh đầu cấp tăng bình quân 50 đến gần 60 nghìn em. Trước áp lực gia tăng dân số, dân nhập cư đông, TP ban hành nghị quyết xây dựng, kiện toàn hệ thống trường, lớp... Tuy vậy, tốc độ xây dựng trường lớp vẫn không theo kịp tốc độ tăng dân số. Việc giải quyết bài toán đủ chỗ học và hoàn thiện cơ sở vật chất để thực hiện mô hình GDTM không phải dễ.
Nhìn nhận vấn đề gia tăng dân số cơ học là thách thức chính trong việc bảo đảm các điều kiện cần và đủ để TP thực hiện nền GDTM, ông Lê Hồng Sơn - Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: Ngoài mức chi (25%) từ ngân sách của TP cho giáo dục như hiện nay, cần phải huy động nguồn lực từ xã hội để tăng thêm nguồn lực đầu tư.
Cũng theo nhiều cán bộ quản lý giáo dục, những thành tựu bước đầu mới chỉ được tổng kết, đánh giá ghi nhận tại các trường đã và đang hội đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cùng tiềm lực tài chính. Tuy vậy, khi triển khai và nhân rộng ra toàn TP chắc chắn không ít trường sẽ gặp khó khăn vì thiếu hụt cơ sở hạ tầng công nghệ, áp lực gia tăng học sinh hàng năm.
Đơn cử, tại quận Bình Tân, mức tăng học sinh bình quân hằng năm quá cao khiến quận này sau mỗi năm vẫn phải lo chuyện xây dựng thêm trường, lớp phòng học để đủ chỗ học. Vì thế, việc kéo giảm mức sĩ số học sinh về con số 35 học sinh/lớp, hay tỉ lệ học 2 buổi/ngày vẫn còn rất khó khăn.
Ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Tân nhìn nhận; Vài năm qua, số phòng học mới đưa vào sử dụng chỉ đủ cho số học sinh nhập cư nên chưa thể tổ chức đồng loạt 100% việc học 2 buổi/ngày cho khối 1 và 6, nói gì đến việc phải giảm sĩ số của từng lớp. Năm học 2020 - 2021, toàn quận có 12.300 trẻ vào lớp 1, trong khi học sinh lớp 5 ra trường khoảng 9.550 em.
"Trung bình mỗi năm quận Bình Tân tăng khoảng 5.000 - 6.000 học sinh tiểu học và THCS, chưa tính học sinh mầm non. Với 80 - 100 phòng học mới được đưa vào sử dụng mỗi năm chỉ đáp ứng chỗ học cho học sinh tăng thêm nên chưa thể gia tăng các điều kiện hạ tầng để xây dựng THTM" - ông Ngô Văn Tuyên cho hay.
Tương tự, Quận 12 (quận thí điểm thực hiện Đô thị thông minh) cũng đang chịu áp lực rất lớn về hiện tượng di dân và sĩ số học sinh đầu cấp gia tăng mạnh. Ông Khưu Mạnh Hùng - Trưởng phòng GD&ĐT Quận 12 thông tin: Năm học 2020 - 2021, toàn quận có khoảng 7.500 trẻ vào lớp 1, trong khi số trường lớp chỉ đáp ứng khoảng trên dưới 7.000 em, vì vậy, việc các lớp học 2 buổi/ngày bị giảm, sĩ số trong lớp cũng tăng theo.
Trong điều kiện tỉ lệ dân số cơ học tăng cao mỗi năm, trường lớp xây không kịp, phương án mà quận ưu tiên vẫn là giảm tỉ lệ học 2 buổi/ngày xuống để bảo đảm chỗ học cho học sinh, đồng nghĩa với việc giảm sĩ số lớp học sẽ không thể thực hiện được. Và tất nhiên, việc định hình và xây dựng nền GDTM chắc chắn sẽ đối diện nhiều thách thức. - Ông Khưu Mạnh Hùng
Không đổ lỗi cho hoàn cảnh cô nàng 2K3 tự chủ kinh tế từ năm lớp 12 Đam mê diễn xuất và kinh doanh từ khi vẫn còn đang học lớp 12, cô nàng 2K3 không khỏi gây bất ngờ khi đã có thể "nắm" trong tay một nguồn thu nhập "khá". Nguyễn Đỗ Lan Anh hay còn được mọi người gọi thân mật là Doo(2003), hiện đang sinh sống và học tập tại trường Trung học phổ thông Nguyễn...