Xây dựng kịch bản dạy học theo từng tháng, phù hợp với từng vùng
Sau gần 1 tháng bước vào năm học mới, các tỉnh, thành phố trên cả nước đã tổ chức nhiều phương thức dạy và học linh hoạt, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch đã tận dụng thời gian “vàng” để dạy học trực tiếp; một số địa phương đang thực hiện giãn cách thì dạy học trực tuyến hoặc kết hợp trực tuyến với học qua truyền hình. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã sát sao, đồng hành cùng địa phương để thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ năm học, trong điều kiện có thể.
Học sinh học trực tuyến. Ảnh minh họa: Thanh Tùng/TTXVN
Linh hoạt dạy học nhiều hình thức
Thống kê từ báo cáo của các Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến ngày 20/9, cấp Tiểu học có 25 tỉnh, thành phố chưa tổ chức dạy học trực tiếp. Cả nước có 7.478 cơ sở giáo dục cấp Tiểu học đã tổ chức dạy trực tiếp; 5.047 trường dạy trực tuyến và 8.967 trường tổ chức cho học sinh học qua truyền hình.
Cấp Trung học có 23 tỉnh, thành phố chưa tổ chức dạy học trực tiếp; 40 tỉnh, thành phố đã dạy học trực tiếp hoặc trực tuyến; một số địa phương kết hợp cả 2 hình thức này. Trong đó, cấp Trung học Cơ sở có 5.873/9.763 trường (bao gồm trường có nhiều cấp học và cấp học cao nhất là Trung học Cơ sở) đã tổ chức dạy học trực tiếp (chiếm 60,16%); 4.509 trường dạy học trực tuyến (chiếm 46,18%); 571 trường dạy học qua truyền hình (chiếm 10,37%) và 466 trường chưa tổ chức triển khai dạy học.
Cấp Trung học Phổ thông có 1.207/2.876 trường tổ chức dạy học trực tiếp (chiếm 41,97%); 1.639 trường dạy học trực tuyến (chiếm 56,99%); 102 trường dạy học qua truyền hình (9,27%) và 48 trường chưa triển khai tổ chức dạy học.
Là địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh đã tổ chức dạy học trực tuyến và qua truyền hình. Trong đó, các lớp 1, 2 và 6, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với đài truyền hình ghi hình các tiết dạy để hỗ trợ thêm kho học liệu cho giáo viên.
Video đang HOT
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết: Hiện thành phố có khoảng 95% học sinh cấp Trung học và hơn 92% học sinh cấp Tiểu học đang tham gia học tập theo các hình thức này. Với hơn 70.000 học sinh không có điều kiện học trực tuyến và trên truyền hình, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ và hiện đã giảm được số này xuống mức 42.000. Bên cạnh đó, gần 3% học sinh cấp Tiểu học của TP Hồ Chí Minh đã đăng ký học tại các tỉnh, thành phố mà các em cư trú trong thời gian phòng, chống dịch.
Dù còn nhiều khó khăn khi thực hiện công tác dạy học trong điều kiện hết sức khắc nghiệt, một bộ phận thầy cô đang tham gia chống dịch, nhiều học sinh đã trở thành bệnh nhân, thậm chí mất cả người thân… Với sự chung tay hỗ trợ của các bộ, ngành, đơn vị, tổ chức…, Thành phố đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để dạy học đảm bảo an toàn, chất lượng.
Bình Dương cũng là địa phương bị ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, hiện có 6/9 huyện, thị xã bước vào “trạng thái bình thường mới”, 3 địa bàn còn là “vùng đỏ”. Gần 200 trường học được sử dụng làm khu cách ly, khu điều trị tập trung, phải đến ngày 15/10 mới bàn giao được hết về cho ngành giáo dục; nhiều giáo viên còn tham gia phòng, chống dịch. Ngày 16/9 vừa qua, sau khai giảng năm học mới, 500.000 học sinh các cấp của địa phương này đã bắt đầu học tập trực tuyến. Tuy nhiên, cấp Tiểu học mới chỉ làm quen nền nếp, nội quy, phương pháp học tập và kỹ năng đảm bảo an toàn khi sử dụng các thiết bị học trực tuyến. Vào đầu tháng 10/2021, Bình Dương mới tổ chức học qua truyền hình và dạy học trực tuyến một số môn học của các khối lớp với thời lượng không quá 35 phút/tiết, không quá 2 tiết/buổi và 3 buổi/tuần.
Do còn những điểm đỏ trong “vùng xanh” và số ca mắc mới mỗi ngày vẫn cao, Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương đã xây dựng 4 phương án dạy học tương ứng với 4 cấp độ kiểm soát dịch để các nhà trường linh hoạt thực hiện. Theo đó, các “vùng đỏ” sẽ tiếp tục học trực tuyến. Vùng có nguy cơ cao học trực tuyến kết hợp trực tiếp với tỷ lệ thời lượng mỗi hình thức là 50-50%. Vùng có nguy cơ ở mức “vàng” có thể học trực tiếp 70% và trực tuyến 30%. Và “vùng xanh”, học sinh sẽ tới trường học trực tiếp trong điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch.
Chủ động lùi thời gian bắt đầu năm học mới, nhưng lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Dương cho biết, địa phương sẽ linh hoạt tổ chức các hình thức dạy học phù hợp với tình hình kiểm soát dịch, sử dụng hiệu quả thời gian “vàng” khi học sinh đi học trực tiếp để đảm bảo hoàn thành chương trình đúng tiến độ, chất lượng.
Sẽ tổ chức tập huấn về dạy học trực tuyến cho giáo viên
Đánh giá cao công tác tổ chức dạy học linh hoạt, chủ động của các địa phương, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ lưu ý, từng tỉnh, thành phố cần tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế theo từng thời điểm, từng vùng. Theo đó, xây dựng phương án, kịch bản tổ chức dạy học không chỉ tính bằng năm mà theo học kỳ, thậm chí là từng tháng. Tuỳ điều kiện thực tế diễn biến dịch, các địa phương, địa bàn cần linh hoạt áp dụng phương thức dạy học trực tiếp, trực tuyến, dạy học qua truyền hình. Trong đó, với những vùng học sinh không thể tới trường, ưu tiên dạy học trên truyền hình với lớp 1, lớp 2; học sinh lớp 3 đến lớp 12 sẽ chủ đạo là học trực tuyến, bổ trợ là học trên truyền hình.
Với sự đóng góp của các Sở Giáo dục và Đào tạo cho kho bài giảng truyền hình, học liệu dùng chung và Hội đồng tuyển chọn của Bộ thông qua, dự kiến tháng 10/2021 sẽ có hệ thống bài dạy trên truyền hình phục vụ học sinh các lớp 1, 2 và 6 trên cả nước học tập.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng cho biết, trong tuần này, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức tập huấn về dạy học trực tuyến cho giáo viên. Thứ trưởng chia sẻ, đây là chương trình dùng chung trên cả nước, không phải chỉ dành cho nơi có dịch, nên các nhà trường cần triển khai thực hiện. Những nội dung hướng dẫn học sinh tự đọc, tự học, tự làm, tự thực hiện, không yêu cầu; những nội dung yêu cầu học sinh thực hành, thí nghiệm không được tổ chức kiểm tra, đánh giá định kì. Những nội dung này cũng sẽ không có trong bài thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch ôn tập hiệu quả cho học sinh khi các em quay trở lại trường. Đồng thời, tạo thuận lợi để học sinh được học tập tại địa phương và giảm tối đa ảnh hưởng đến tâm lý học trò; thực hiện nghiêm quy định về các khoản thu, đặc biệt là khoản thu ngoài học phí.
Năm nay là năm học đặc biệt khi cấp Tiểu học có lớp 1 và 2 dạy học theo chương trình mới, cấp Trung học có lớp 6 bắt đầu áp dụng chương trình này. Song song với đó, các lớp còn lại vẫn dạy theo chương trình giáo dục phổ thông 2006. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gấp rút ban hành văn bản chỉ đạo, bổ sung thực hiện chương trình trong điều kiện ứng phó với dịch.
Trong thời gian tới, để hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thành lập tổ hỗ trợ các môn học tích hợp. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố cũng thành lập tổ hỗ trợ chuyên môn này để đồng hành cùng các nhà trường trong quá trình thực hiện chương trình.
Học sinh cơ bản đã có đủ sách giáo khoa để học tập
Tại Hội nghị giao ban báo chí Trung ương sáng nay (21/9), Bộ GDĐT đã thông tin về tình hình năm học mới 2021-2022, trong đó nhấn mạnh tới tình hình dạy học tại các địa phương.
Theo báo cáo của Bộ GDĐT, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có ngành giáo dục. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy học của năm học 2021-2022 đã được thực hiện linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh của từng địa phương.
Tính đến ngày 20/9, cả nước có 25 tỉnh, thành phố tổ chức dạy học trực tiếp cho tất cả học sinh trên địa bàn; có 14 tỉnh kết hợp vừa dạy học trực tiếp, vừa dạy học trực tuyến, qua truyền hình; còn 24 tỉnh, thành phố vẫn phải dạy học hoàn toàn trực tuyến, qua truyền hình để phòng dịch Covid-19.
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ GDĐT, các địa phương đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022; chủ động xây dựng kịch bản sẵn sàng ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 trong trường hợp học sinh chưa được đến trường hoặc học sinh đang học mà phải tạm dừng đến trường.
Tại các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội, các nhà trường đã triển khai việc chuyển sách giáo khoa trực tiếp đến từng học sinh thông qua tổ dân phố, hội phụ huynh; các nhà xuất bản đã cung cấp sách giáo khoa bản điện tử, gửi qua mạng đến các nhà trường để kịp thời chuyển đến cho các em học sinh. Đến nay, cơ bản học sinh đã có sách giáo khoa để học tập.
Các cơ sở giáo dục, giáo viên có nhiều sáng tạo trong dạy học để các em học sinh không có đủ thiết bị học trực tuyến cũng có thể học tập được như thiết lập hệ thống điều phối viên ở tất cả các trường và điều phối viên tại 100% xã, phường, thị trấn để chuyển Phiếu học tập cho học sinh không thể tham gia học tập trên Internet do phải thực hiện giãn cách xã hội ; quay video một số hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non gửi cha mẹ trẻ (qua zalo, messenger, viber, youtube) .
Các địa phương đều tạo điều kiện cho học sinh ở các tỉnh khác đang tạm trú trên địa bàn do thực hiện giãn cách không kịp về nơi cư trú kịp nhập học tại cơ sở giáo dục đang theo học được tiếp nhận vào học tạm thời, được bố trí, xếp lớp học theo đúng đối tượng; quan tâm hỗ trợ các điều kiện học tập cần thiết và sẽ cấp giấy xác nhận kết quả rèn luyện và học tập cho học sinh khi học sinh quay trở lại trường cũ bảo đảm chính xác, công bằng, minh bạch, đúng quy định.
Học sinh một số địa phương đã trở lại trường học (ảnh minh họa)
Trước đó, ngày 13/9, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã có Công điện gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tổ chức dạy học ứng phó với diễn biến dịch Covid-19 , trong đó nêu rõ đối với địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội ưu tiên tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình và không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong khoảng thời gian này đối với lớp 1 và lớp 2, ưu tiên cho các lớp cuối cấp.
Đối với các địa phương cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19, tận dụng thời gian dạy học trực tiếp, học thực hành, ôn tập lí thuyết đã học trực tuyến, học trên truyền hình; tập huấn kĩ năng dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên và cán bộ; phối hợp với Đài phát thanh và truyền hình địa phương xây dựng video bài giảng, có phương án để phát sóng, tiếp sóng trên truyền hình; huy động các nguồn lực trang thiết bị tốt để dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình; tổ chức triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em", hỗ trợ trang thiết bị học tập cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bộ GDĐT cũng đã ban hành các Công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021-2022 ứng phó với dịch Covid-19, trong đó đã rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định nội dung cốt lõi cần đạt được của chương trình để hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh.
Đối với lớp 1, lớp 2 và lớp 6 thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện dạy học theo chương trình, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình các môn học/hoạt động giáo dục; ưu tiên tổ chức dạy học các nội dung hình thành kiến thức mới; sắp xếp các chủ đề học tập phù hợp với hình thức tổ chức dạy học trực tuyến; bố trí thời gian thực hiện chương trình phù hợp với từng hình thức dạy học và không gây áp lực đối với học sinh; tăng cường sinh hoạt chuyên môn, trao đổi về dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đánh giá, rút kinh nghiệm trong dạy học và điều chỉnh kịp thời kế hoạch dạy học phù hợp thực tế địa phương.
Đối với các lớp từ lớp 3, 4, 5 và từ 7 đến lớp 12, hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học các môn học, chủ động điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với điều kiện thực tế; thực hiện tinh giản nội dung để học sinh hoàn thành các nội dung cốt lõi.
Bộ GDĐT đã tổ chức xây dựng, lựa chọn hệ thống bài giảng đảm bảo chất lượng để tổ chức dạy học trực tuyến và phát sóng trên truyền hình theo môn học, cấp học để các cơ sở giáo dục tổ chức cho học sinh học tập phù hợp với kế hoạch dạy học của địa phương.
Bộ cũng đã làm việc với các đài truyền hình ở trung ương để tổ chức sản xuất bài giảng và phát sóng trên truyền hình, trong đó ưu tiên cho lớp 1, lớp 2 là những đối tượng khó thực hiện việc học trực tuyến. Hoàn thiện cẩm nang hướng dẫn dạy học trực tuyến và tập huấn kĩ năng dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho giáo viên phổ thông và tập huấn hướng dẫn giáo viên xây dựng, sử dụng tài liệu, học liệu trực tuyến để hướng dẫn cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non. Xây dựng kho video, audio, cẩm nang hướng dẫn cha mẹ trẻ nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non tại gia đình.
Đắk Nông có hơn 18.000 học sinh không đảm bảo thiết bị học trực tuyến Hiện tỉnh Đắk Nông có hơn 18.000 học sinh thuộc 3 bậc học Trung học Phổ thông, Trung học Cơ sở và Tiểu học không đảm bảo thiết bị tiếp cận phương pháp học trực tuyến. Đắk Nông hiện có hơn 18.000 học sinh không đảm bảo thiết bị học trực tuyến. Ảnh minh họa: TTXVN Sáng 21/9, ông Trần Sĩ Thành, Phó...